Sau này, dù ở đâu và trở thành ai, nhiều em vẫn còn nhớ sáng mồng ba ấy, gió rét chiều người, khiến cái gì ở nhà thầy giáo nghèo cũng ngon, cũng ngọt. Cũng như tôi, mỗi mùa xuân, các em sẽ nhớ mãi mối tình quê, tình người nồng hậu nơi quê nhà mà lớn lên…

Bất chợt, gió bấc về. Lá cây bàng trước cổng trường từ vàng chuyển màu đỏ sậm, lúc rời cành lá đã héo khô, cuộn lại lăn trên mặt đất khô rang xao xác. Hết tiết học của học trò, tôi khoác cái măng-tô bằng dạ xám ra đứng lặng cùng dãy hành lang tầng một. Trong gió rét, những cành bàng vươn ra như những cánh tay gầy. Những cánh tay xua gió, gọi nắng ấm. Trong âm thầm thớ vỏ, nhựa cây dồn ngược lên ngọn chống giá lạnh, sương muối.

Chiều. Tôi dẫn học trò đi xem rối nước Nam Xang. Bảo là rối nước mà lại diễn trên cạn, trong sân nhà trưởng phường. Các con rối mới được sơn phết lại, sơn gặp gió lạnh, nứt ra những vết rạn tự nhiên. Mặt mũi, tay chân thú Tễu nứt nẻ như mặt người đi cấy đồng xa. Thế mà cứ đỏ hồng lên… Phường rối lưu diễn trong cả nước suốt từ mùa xuân cho đến tháng tám, tháng chín. Tháng mười các nghệ nhân về gặt lúa mùa, sửa sang cho các nhân vật, có khi sửa luôn cả tích diễn. Hôm ấy, chúng tôi xem Lưu Bình – Dương Lễ. Những người hát chèo ẩn trong nhà, nhìn ra, hát theo điệu bộ. Lúc trở về, qua hồ nước trước đình làng Nam Xang Hạ, đã thấy dựng sẵn đồ diễn trò cho rối nước xuân.

Múa rối nước
Múa rối nước. Ảnh: Godidigo

Đồng quê lốm đốm nâu. Người đi bừa, đi cấy mặc những cái áo bông chần màu xanh hoặc màu cỏ úa, có người khoác cả áo tơi lá móc. Người đi bừa lặng lẽ theo trâu, bước chậm rãi, gió lùa vào lá áo tơi loạt xoạt. Những đám ruộng đã cấy, mạ chưa kịp bén rễ, vàng úa, ngả về hướng Nam.

Tới cây đa đầu làng Nam Xang Thượng, học trò ùa cả vào quán nước chè xanh, mua kẹo bột. Lọ kẹo bột của bà lão bán hàng hết nhẵn. Đám trẻ xuýt xoa, thích thú ngậm kẹo. Đứa nào đứa ấy đỏ bừng cả mặt. Kẹo bột nấu bằng đường mía, mạch nha và nước gừng lọc, vừa ngọt, vừa cay. “Xấu mã nhưng nó tốt lòng. Ăn ấm lắm!”, bà lão vừa rót nước vừa bảo tôi như vậy. Chè tươi sóng sánh khói. “Ông giáo dẫn các cháu đi xem tích phải không? À, tôi còn cái này… mời ông giáo xơi tạm”. Tôi chưa kịp từ chối khéo, bà lão đã đon đả mời trước: “Cái này không bán. Chỉ biếu…”.

Bà đặt trước mặt tôi mấy cái bánh đậu xanh. “Bánh đậu xanh Ngọc Anh đấy…”. Tôi đã biết tiếng đậu xanh Ngọc Anh, Hanh Tụ qua thơ Tú Xương. Thậm chí còn biết rõ ông Ngọc Anh quê làng Nhang Cát (Trực Ninh) nhờ buôn bán thật thà mà đậu xanh hương sắc ngọt cả trong thơ. Nghe phong thanh, về sau ông có cửa hàng to lắm ở phố Tràng Thi, Hà Nội. Có một người con gái của ông, cô Tuyết, lại theo nghề giáo, kết duyên với một “ông tú” dạy học cùng tôi, suốt ngày thơ phú. Giờ cũng đã hơn sáu mươi cả. Tôi đã đọc một cuốn sách cô viết về những thăng trầm nhà Ngọc Anh, văn chương đồng quê chớm mùi thị thành nghe man mác… Tôi biết làm bánh đậu xanh, tưởng dễ mà khó. Chọn đậu xanh ở đâu, đậu thu hoạch vào vụ nào, tháng nào, phơi bao nhiêu nắng, rang và ủ trên lửa ra sao, thắng đường trộn bột, tra hương… mới nghe qua nghĩ là công việc văn chương, nghệ thuật, chẳng ai nghĩ đó lại là một nghề làm bánh… Thành ra, nhấm một mẩu bánh đậu xanh, đầu lưỡi thấy ngọt mát, hương đồng trong thanh quấn quít ngấm vào hồn. Trong gió bấc ù ù thổi trên ngọn đa già, tôi thấy lòng mình ấm lại. Bà lão cho thêm củi vào bếp, than lách tách, lửa bùng lên…

Bánh đậu xanh
Bánh đậu xanh. Ảnh: Wikipedia tiếng Việt

Buổi tối, tôi ngồi đọc thơ Nguyễn Khuyến. Cố tìm trong những vần thơ thanh khiết, trong veo như nước ao mùa thu có chỗ nào viết về mèo, về chuột không, hầu tìm cách bình bài “Con mèo mà trèo cây cau…” mà không thấy. Thôi đành đánh vật với câu chữ, ý tứ theo kiểu dân cày. Tôi làm văn cũng như đi cày, đi cuốc vậy. Nhọc mệt mà đôi khi thấy mình toàn nói chuyện tào lao. Cũng cực khổ như làm bánh đậu xanh mà thôi! Có điều, bánh đậu ăn ngon ngọt mà văn chương tôi trầm lặng quá, cứ hướng về xưa. Nghĩ cũng tủi và thương mình!…

Nhưng mà, buổi bình văn đầu xuân đã hẹn. Dù cày xới ra sao, ngày ấy vẫn phải lên đàn. Miệng cười rõ tươi cho mắt lấy lòng, tay vung làm bộ giả say để che chỗ ý nông choèn. Rồi lời văn tuôn ra như mây, như khói, quên cả giờ người khác, chủ tọa phải giơ tay làm hiệu cũng chưa chịu xuống… Bấy giờ mới có văn. Nói theo cảm hứng. Bài bình văn viết cạn cả bình mực, giờ gió lật nghiêng sang một bên… Tưởng tượng cả! Mới vào tháng chạp, tiết lập xuân.

Có người gõ cửa. Vợ tôi ra mở và kêu lên: “Ông Tú!”. Gọi thành quen chứ thực ra “ông tú” không phải là một cái tên thật. Học qua đại học, già dặn trong làng giáo như ông phải là ông cử kia. Gọi “ông tú” để nhắc đến một tính cách thành Nam. Người khách văn chương ôm trong lòng khư khư một bọc. Thơm nức. “Cho cậu cái này mà thưởng Tết”. Vừa nói, ông Thang Ngọc Pho vừa mở bọc, đưa cho vợ tôi những gói vuông hình chữ nhật: “Tớ vừa đến nhà Thọ. Cậu ấy gửi cái này…”. “Sừu Châu?”. “Còn cái gì hơn nữa?”, ông Thang hỏi lại và cười tinh nghịch. Rồi bảo: “Còn rượu nếp Hải Hậu, đem ra nhắm thử chơi!”.

Ai lại uống rượu với kẹo lạc Sừu Châu? Có mà rượu đổ lỗ chuột! Có mà bỏ kẹo xuống sông! Sừu Châu, chỉ có ở Nam Định. Nghề truyền không được. Cũng là lạc rang, đường, mạch nha, va-ni… mà người làng Nam Xang Thượng chỉ nấu được thành kẹo lạc, ăn xong vẫn còn cái gì đó dính ở răng. Kẹo Sừu Châu không vậy. Cắn nhẹ đã vỡ tan, giòn mảnh mà mềm mại, ngọt mà thanh, thơm nhẹ mà vương lâu… Tôi đã xem anh Thọ, người con trai được cha truyền nghề duy nhất, nấu Sừu Châu. Không khác gì cách nấu của làng kẹo Nam Xang Thượng. Khác chăng là cách chọn thời điểm đường và mạch nha tan kết, keo lại, gặp lạc rang ủ nóng và khí lạnh của tiết đông mà tạo nên vẻ riêng.

 Kẹo lạc Sìu Châu
Kẹo lạc Sừu Châu. Ảnh minh họa: Metrip VN

Ông Thang nói đó là việc làm thơ. Thơ chỉ ra khi nhà thơ có hứng. Thơ khác với văn vần vì trong thơ có hồn. Hồn nhạt nhẽo, thơ chẳng đáng dùng gói kẹo Sừu Châu! Về ý này, có một lần tôi hỏi Lưu Trọng Văn, nhà báo, con trai nhà thơ Lưu Trọng Lư: “Này, hồi nhỏ, ông già có dạy ông làm thơ không?”. “Không”, “Sao vậy nhỉ?”. ” Ông cụ mình bảo làm thơ không dạy được. Đó là tiếng thổn thức của con tim. Có ai dạy nhau cách làm cho tim thổn thức không?”. Khó thế đấy! Thơ không thất truyền. Sau Lưu Trọng Lư, lớp lớp nhà thơ xuất hiện như măng mọc. Còn “Tiếng thu” chỉ có một! Liệu Sừu Châu trong đời có như thơ? Mà sao vắng bóng? Mà sao anh Thọ chỉ làm để tặng bạn bè vào dịp Tết? Anh là cán bộ ở Sở Văn hóa và Thông tin Nam Hà, văn thơ kể cũng đã đầy mình. Riêng bài thơ cha truyền lại, vị ngọt mới ít người được nếm!

Sáng hôm sau, người cho kẹo rủ tôi và ông Thang Ngọc Pho ngược đường Hưng Yên lên đê Hữu Bị, qua dốc Lốc, đi cầu gỗ Mỹ Hà sang Nhân Hậu, đến làng Đại Hoàng của Nam Cao. Cái lò gạch cũ còn đó như nhắc Chí Phèo, Thị Nở. Tre làng xào xạc, cót két nhớ trăng suông… Tôi bất giác nhìn ra ruộng mía. Mía dành bán Tết. Mật ứ từng gióng, căng nứt ra. Nhớ thuở nhỏ, đi qua ruộng mía không dám chặt trộm, chỉ ghé răng vào cắn, mật ngọt ứa tràn loang cả ra má, đến trưa vẫn còn dẻo dẻo…Vườn nhà Nam Cao trồng nhiều chuối ngự. Thứ chuối quả chỉ bằng ngón tay út, bóc vỏ ăn, hai ngày sau tay vẫn như xức dầu chuối. Thân chuối héo tom, xơ xác. Tôi nghĩ chuối mẹ đã dành hết cho con tất cả sinh lực nên héo tàn như vậy. Nam Cao dồn hết tinh túy hồn mình vào văn chương nên ông thường ít nói, về quê thích ngồi trên cầu ao rửa bát cho vợ, chân thõng xuống nước, mắt nhìn vườn chuối, đứng dậy trở vào nhà trong, rổ bát chưa rửa vẫn bên bờ ao…

Cho đến một hôm, các bạn tôi đến chơi- nghiêng ngó, chỉ cây bàng. Những búp nâu đã bật. Những ngọn nến mùa xuân… Mấy đứa học trò yêu của tôi thập thò, đùn đẩy nhau đi xin phép thầy được tổ chức cho cả lớp đi xem múa rối nước. Mồng ba, chúng kéo nhau đến chật cả nhà tôi chúc Tết. Và để ăn lấy may! Trong nhà có bao nhiêu bánh chưng, kẹo Sừu Châu, chuối ngự… vợ tôi dọn ra hết mà vẫn còn thiếu. Tôi chợt nhớ và vội chạy ra đầu phố. Bà cụ Thép bán nước trà đã mở hàng bên cây si già đền Giếng. Mở hàng cho cụ lọ kẹo bột… Đám trẻ ngây thơ nhai kẹo ráu ráu. Đường ngọt, gừng cay… Tôi biết: Sau này, dù ở đâu và trở thành ai, nhiều em vẫn còn nhớ sáng mồng ba ấy, gió rét chiều người, khiến cái gì ở nhà thầy giáo nghèo cũng ngon, cũng ngọt. Cũng như tôi, mỗi mùa xuân, các em sẽ nhớ mãi mối tình quê, tình người nồng hậu nơi quê nhà mà lớn lên…

Xuân. Tôi đến thăm ông giáo già Thang Ngọc Pho. Cho đến khi ông kêu lên: “Nhớ rét quá!”, tôi đã lặng đi trong giây phút. Tôi hiểu ông đang da diết nhớ những ngày xuân xưa nồng ấm, dù ngoài trời gió bấc lạnh tung ngược lên trời muôn ngàn hạt bụi của mưa. Ơ kìa, mắt ông giáo sao lại có ngấn nước! Sương xuân trên lá? Nếu có rét, hoa mai góc nhà kia ắt sẽ chúm chím cười!

Nguyễn Quốc Văn

Clip hay:

videoinfo__video3.dkn.tv||c30198093__