Đại Kỷ Nguyên

Tản văn: Xuân ở làng Thượng Văn

xuân về

Nửa đêm, tự nhiên tôi tỉnh dậy, giật mình khi thấy bố thao thức, lúc đến gần các bức tranh ngắm nghía, lấy tay sờ sờ lên mặt giấy, lúc thẫn thờ ngồi vào bàn viết, viết những câu thơ về hoa đào, hoa lê bằng chữ Hán thất thần… Tôi đoán bố tôi đang sống lại thời tuổi trẻ còn ở làng Thượng Văn ven sông Hồng.

Sáng ba mươi tháng mười một lịch trăng, bố tôi lọm cọm thuê xe lên Biên Hòa thăm ông bạn già vốn là nghệ nhân chuyên vẽ hoa văn trên gốm sứ.

Chiều, người về, gọi lũ cháu lễ mễ khiêng từ xe xuống một gốc mai già. Người giữ khư khư trước ngực một bó tranh. Tôi trịnh trọng đặt cây mai vào cái chậu lớn. Đã non tơ những lộc non lá mới, lác đác xòe vài bông vàng e ấp… Bố tôi giở cuộn tranh, treo trong phòng riêng. Tranh vẽ trên giấy dó đã ố vàng. Bố tôi nói những bức vẽ này, người bạn già mang vào Nam từ những năm bốn mươi. Tuổi cao sức yếu, ông chọn người truyền lại cho đời…

Nửa đêm, tự nhiên tôi tỉnh dậy, giật mình khi thấy bố thao thức, lúc đến gần các bức tranh ngắm nghía, lấy tay sờ sờ lên mặt giấy, lúc thẫn thờ ngồi vào bàn viết, viết những câu thơ về hoa đào, hoa lê bằng chữ Hán thất thần…

Tôi đoán bố tôi đang sống lại thời tuổi trẻ còn ở làng Thượng Văn ven sông Hồng. Con nhà Nho hay chữ nhưng bố tôi lại mê vật võ. Hội vật làng tôi chỉ mở vào tháng 3 và tháng 8, lúc nông nhàn. Tết, để cho có đủ mọi cuộc vui, làng bày sới phụ để trai làng tỉ thí cho vui chứ không có giải. Sới vật trên diệc mạ, cạnh cây đu tre, cạnh sân đình đã kẻ sẵn các ô cờ người… Cái diệc mạ ấy cũng là nơi họp chợ Thượng. Nó ở đầu làng Thượng Văn nhưng là cuối làng Thượng Võ và Thượng Lễ. Chợ chỉ họp hai phiên cuối năm và đầu năm. Vật võ tàn vào phiên chợ cuối và được mở lại ngay sau ngày họp chợ đầu năm. Tục này có từ bao giờ, không ai rõ.

Một lễ hội vật: Ảnh: VTV.VN

Bố tôi lúc trai tráng là một đô vật nổi tiếng cả tỉnh Nam. Người thấp bé, nhẹ cân. Ấy vậy mà người đã làm lấm lưng không biết bao nhiêu đô vật cao lớn, nặng cân hơn trong vùng. Vật võ được gọi là toàn bích khi cả ba keo phải hạ đối thủ. Thế mà bố tôi chỉ thắng keo đầu và keo cuối. Những đô thắng người keo giữa, không có ai không xá người ba xá, tỏ ý mến mộ. Hồi còn nhỏ tuổi, một lần tình cờ gặp bức “Đánh vật” của họa sĩ Nguyệt Hồ, tôi cứ ngớ người ra. Đô vật trong tranh có gương mặt hao hao giống khuôn mặt bố tôi. Cái cười rõ tươi, thân thiện. Tôi hỏi có phải ông Nguyệt Hồ lấy người làm mẫu vẽ chăng, bố tôi bảo không phải. Người chưa bao giờ làm mẫu vẽ. Nếu có chăng, ông Nguyệt Hồ đã cảm xúc trước những keo nổi tiếng của người năm 1939 bên bờ hồ Vị Xuyên mà vẽ nên. Ở đấy, người lần lượt thắng các đô vùng Sơn Tây, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Thanh Hóa… Bức vẽ ấy bây giờ ở đâu? Hồi còn ở Bắc, tôi theo trí nhớ tìm về nhà có treo tranh. Mấy chục năm mờ xa, trong nhà không ai còn nhớ. Tôi nao nao nhớ Nguyệt Hồ, họa sĩ nhỏ thó, cười nheo nheo mắt vào cái lần tôi vô tình nhắc đến tên ông mà không hề biết ông đang ngồi trước mặt ở ngõ Văn Nhân…

Có lần bố tôi giảng cho tôi nghe về tranh. Bộ tứ bình treo ở nhà tôi vẽ trên lụa Hà Đông. Người vẽ bằng bút lông và chỉ bằng một thứ mực Tàu đen ánh, được mài thật kỹ trong rượu nếp hương vùng Hải Hậu. Phỏng đoán thế thôi. Hư thực ra sao không rõ. Nhưng chỉ thứ rượu ấy mới làm tan được thứ mực rắn như đá núi Đọi Sơn kia. Những hình ảnh tương ứng trên tranh là đào, sen, cúc, tùng hay các loài chim: én, đỗ quyên, thiên nga, hạc… tượng trưng cho xuân, hạ, thu, đông. Bộ tứ bình nhà tôi độc một thứ cây – cây trúc. Và ao, ngõ, mái tranh, thằng bé mục đồng ngồi trên lưng trâu thổi sáo, ông lão ngồi câu khật khưỡng dưới trăng. Tôi lấy làm lạ là bộ tranh gọi là tứ bình kia, chỉ có ba bức. Hỏi bố thì người chỉ vào ba bài thơ Nôm Nguyễn Khuyến (“Thu vịnh”, “Thu điếu”, “Thu ẩm”) đề ở phía dưới ba bức tranh và bảo riêng bức có bài “Thu vịnh” ít nhất đã là hai bức rồi. Thu ban ngày, thu ban đêm, hay là thu xưa, thu nay… “Con nhìn kỹ xem. Nào, con có thấy ánh mặt trời đang ló và trăng đang lu ở hai đầu ngõ trúc?”. Tôi hỏi thêm: “Bố ơi! Sao nhà ta không có bức tranh nào vẽ mùa xuân?”. Bố cười: “Mùa thu gói đủ bốn mùa rồi con ạ. Này nhé, sáng là xuân, trưa đã hạ, chiều: chính thu và đêm đã có hơi hướng tiết đông…”.

Ảnh: Duong Le

Sớm mai, tôi thức dậy sớm, sương thu còn mờ ảo, hơi lạnh, vườn cúc bông vàng rung nhẹ gió xuân… “Xuân trong lòng ấy con ạ. Lòng xuân thì đã mùa xuân…”. Vui quá! Bố cho vài xu mua cốm xanh bọc lá sen. Ấy là vào thu. Còn vào dịp Tết, tôi chạy vù đến nơi có đám đáo lỗ của trẻ trong làng. Tiếng xu cái chọi vào xu con lách cách, đồng xu còn nảy lên cùng niềm hân hoan thắng cuộc. Rồi đứa nào thắng, mua bún chiều chấm mắm tép với nhau ngoài đồng…

Bố tôi nói bức “Đám cưới chuột” chính là bức vẽ đám cưới của chú tôi đấy. Chả là chú tôi tên Tý. Trong đám cưới chú tôi thì chuột lại lấy mèo. Chú tôi mê cô Mão. Nhưng bố cô Mão lại khăng khăng chỉ gả cô Sửu cho chú. Mặc kệ! Cô Sửu thương em, bèn bàn với chú tôi, cứ nhận lời lấy cô thì sẽ lấy được cô Mão, sau ra sao, cô sẽ liệu. Đám cưới vui vẻ y như trong tranh. Chỉ khác là cô Mão lên kiệu thay cô Sửu. Hôm sau, bố cô Sửu nhìn kỹ, biết mắc hợm con, nọc cô Sửu ra đánh ba chục roi, dọa gả nốt cho chú Tý… Thím Tý tôi có dễ hai năm không dám về nhà bố. Lúc em họ tôi là thằng cu Tẹo biết bập bẹ: “Ô-ông ơi…” thì ông ngoại nó cũng hết giận thím tôi. Ông quí cháu như vàng, bắt chú thím tôi cho ông nuôi nó. Chỉ thương cô Sửu! Sau vụ tai tiếng ấy, trong làng không ai dám lấy. Cô bỏ vào Sài Gòn. Trời thương, cho buôn bán phát đạt, giàu có vô kể, được chồng con yêu chiều, quí hóa lắm lắm… Biết tôi vào Sài Gòn kiếm sống, cô có cho người gọi đến ăn cơm mấy bận. Về sau, lúc bố mẹ tôi theo tôi vào ở hẳn trong này, cô mới có lời nhắn, chưa kịp gặp thì lại đã phải theo con đi xuất cảnh. “Người như thế có đi đâu cũng tốt phúc!”. Bố tôi cứ ngậm ngùi mong như vậy. “Lạy trời, trời có mắt…”, mẹ tôi lầm rầm trong miệng khi nghe bố tôi báo tin cô Sửu đã sang mãi Ca-na-đa…

…Bên cạnh sới vật sau tiết lập xuân, trên chiếc đu tre, cô Đào và cô Mơ đang dún lên dún xuống, áo tứ thân bay như bướm lượn giữa trời mưa giăng bụi trắng. Các cô cười khanh khách, mắt lá răm lúng liếng nghiêng về phía đám trai làng vừa thử phân thắng bại. Có ai đó ngước mắt nhìn lên. Hai cô càng dún mạnh hơn. Cây đu tre như về hùa với các cô, tung niềm vui thanh nữ lên trời…

Cho đến hôm cô Đào thủ quân tướng trên bàn cờ người, bố tôi mới biết cô là con gái út ông Phán San làm ở sở dây thép trên huyện. Đô vật nổi tiếng bối rối, chôn chân bên ô tướng. Được nước đi hay, người ta reo hò như vỡ chợ, riêng đô chỉ lắp bắp không thành tiếng… Lần ấy, hội vật tháng 3 làng Thượng Văn vắng bóng bố tôi. Người bị ốm. Ốm tương tư…

Hát đối quan họ Bắc Ninh. Ảnh: Khoa học tv

Trăng tháng 3 mờ ảo. Trai gái làng đang hát đối bên sông. Vẳng đâu đây tiếng trong thanh nghe quen quen: “Trèo lên ơ là lên cây bưởi ới tinh tình tang…”. Bố tôi vùng dậy, lấy hai bàn tay khum lại làm loa: “… Em có chồng là tang tình tình anh tiếc thay lắm thay…”. Tiếng cười rộ lên. Tiếng hát cứ gần lại về phía ngõ nhà ông nội tôi. Ông nội đang ngồi bên án thư đọc sách, bảo: “Ra đường mà hát”. Bố tôi nhập đám. Đám hát vẳng dần theo đường ra xóm trại nhà cô Đào…

Sáng tinh mơ bố tôi mới về. Ăn hết ba bát cháo hoa bà tôi nấu, mồ hôi vã ra như tắm, rồi khỏi ốm hẳn. Ông tôi không hỏi ý kiến ai, sai sắm trầu cau đến nhà ông Phán hỏi vợ cho con trai. Bố tôi cười tủm tỉm, răm rắp làm theo ý cha. Cô Đào thì khóc. Bà Phán tát nhẹ vào má cô: “Cha cô! Ngày xưa u cũng thế!”. Cô cười…

Mùa xuân năm Sửu, mẹ tôi sinh tôi vào đúng đêm hội phường chèo Thượng Văn diễn tích Quan Âm – Thị Kính. Chú Tý đóng vai anh Nô, mẹ tôi sắm vai Thị Mầu. Đúng lúc bố tôi vào vai phú ông quát nạt, đánh Thị Mầu, mẹ tôi bỗng lăn đùng ra sân đình, quằn quại. Làng được một trận cười hả hê, khen mẹ tôi diễn trò khéo. Rồi cả làng thất kinh… Tiếng trẻ con oe oe trên sàn diễn. Thị Mầu đẻ con! Đứa bé ấy chính là thằng Chèo. Tên ấy gọi ở làng lúc tôi còn để chỏm. Trong khai sinh, bố tôi theo ý ông nội đặt là Xuân. Vâng, đã hơn bốn chục mùa xuân…

Một lần khác, tôi đưa con trai về thăm làng cũ. Gần tới làng, thằng bé cứ vượt lên, lon ton ở phía trước. Đường vào làng hai hàng phi lao xanh thẫm, thẳng tắp. Con đường cứ hút dần về phía cuối, bỗng thênh thang gặp khoảng trống sân đình, như vút lên trời… Tự đâu đó văng vẳng tiếng đàn tranh. Phường chèo đang tập. Ấy là sắp vào hội xuân, có những đêm nghiêng ngả cả sân đình…

Hai mươi ba Tết, chú thím Tý vào thăm gia đình tôi, cũng là để đón cô Sửu từ Ca-na-đa về. Nhìn những mái đầu bạc phơ chụm lại tính chuyện tàu xe hồi quê, mẹ tôi cười như mếu, phều phào bảo tôi: “Trời Phật cho ngày này đấy con ạ…”.

Không biết năm Tý này ở làng Thượng Văn còn mở hát chèo văn, vật võ, đánh cờ người, chơi đu tiên không. Tôi tin bây giờ không nơi đâu còn có những đám cưới chuột lấy mèo. Có điều chắc chắn – vẫn còn mãi mãi những em bé mang tên Xuân như tôi…

Ghi chú của tác giả: Trong bài tản văn này, tên một số địa danh và tên người có thay đổi đôi chút. Song hồn quê ngày xuân xưa cũ và những nét tính cách của con người thì vẫn được khắc họa rõ mồn một, không thể phai mờ (Nguyễn Quốc Văn)

Clip hay:

Exit mobile version