Tây Thi được mệnh danh là thiên hạ đệ nhất mĩ nhân. Nàng là nguồn cảm hứng vô tận của các thi sĩ thời xưa. Vẻ đẹp quốc sắc thiên hương được miêu tả phổ biến rộng rãi trong thi ca cũng như trong dân gian. Câu chuyện của nàng là một ví dụ điển hình cho hình tượng hồng nhan họa thủy trong thời phong kiến xưa, đặc biệt được thể hiện qua tiểu thuyết Đông Chu liệt quốc và một số bài thơ của thi nhân nhà Đường là Lý Bạch và Vương Duy.

Tây Thi hay còn gọi là Tây Tử là một đại mĩ nhân trứ danh thời kì Xuân Thu, đứng đầu trong Tứ đại mĩ nhân của lịch sử Trung Quốc. Tương truyền, Tây Thi có nhan sắc làm cá phải ngừng bơi mà lặn xuống đáy nước, gọi là Trầm ngư.

Có truyền thuyết kể rằng, nàng là hóa thân của viên Đại ngọc trân châu trên thiên giới, vì lẽ đó mà vẻ đẹp của nàng được ví là thiên tiên. Nhan sắc được xem là hoa nhường nguyệt thẹn là nguồn cảm hứng của rất nhiều áng văn chương và thi ca thời đó.

Truyền thuyết về hạt trân châu và nàng Tây Thi

Tây Thi vốn là một viên ngọc quý lấp lánh ánh hào quang vô cùng mĩ lệ của Hằng Nga ở Nguyệt cung. Nàng phụng chỉ Ngọc hoàng đại đế chi mệnh, hạ phàm đến cứu vớt lê dân bách tính của hai nước Ngô Việt thoát khỏi nỗi khổ sau nhiều năm chiến loạn liên miên. Trân châu chính là nàng hóa thân.

(Ảnh: Pinterest.com)

Tương truyền tiên nữ Hằng Nga có một viên Đại Minh Châu lấp lánh ngũ sắc vô cùng dễ thương, nên nâng niu và thường xuyên nhìn ngắm nó trong bàn tay mình. Kim kê đã có lần được nghe về vẻ đẹp của Đại Minh Châu nên ngỏ ý muốn được thưởng thức, thừa dịp Hằng Nga sơ ý nên đã ngậm luôn Đại Minh Châu mà trốn ra phía sau của nguyệt cung để lén xem. Khi tung Minh Châu trên tay, do không cẩn thận nên Minh Châu từ Nguyệt cung lăn xuống và bay thẳng tới nhân gian. Kim kê kinh hãi đến biến sắc, vì sợ bị trách phạt nên cũng thuận theo hướng đó bay về nhân gian.

Hằng Nga biết được tin tức này sau, vội vàng ra lệnh Ngọc Thố truy đuổi kim kê. Ngọc Thố xuyên qua chín tầng trời, xuyên qua đám mây, đuổi sát đến Chiết Giang nhưng bất thành. Khi ấy bên ngọn núi có một thiếu phụ họ Thi đang giặt lụa. Bỗng thấy có viên ngọc lấp lánh hào quang ở dưới nước liền đưa tay đi mò. Minh Châu thừa dịp bay vào miệng nàng, cũng tiến vào trong bụng và thê từ ấy từ đó mà mang thai.

Thoáng một cái mười sáu tháng trôi qua, thê tử chỉ cảm thấy đau bụng khó chịu, nhưng lại không thể sinh nở. Trước tình hình đó trượng phu của nàng quỳ xuống đất cầu xin thần, Phật trời xanh phù hộ.

Lúc này kim kê cũng từ trên trời giáng xuống tới nóc nhà thì vừa kịp nghe tiếng khóc oa oa, thê tử đã hạ sinh ra một cô gái xinh đẹp với những ánh hào quang lấp lánh bao bọc quanh thân thể liền đặt cho nàng tên Di Quang hay Tây Thi.

Vẻ đẹp thiên tiên của Tây Thi trong văn chương và thi ca

Tây Thi có bệnh ở tim nên hay nhăn mặt, chính hình ảnh này lại làm lên sự hấp dẫn dễ thương của nàng. Hình ảnh nàng Tây Thi nhăn mặt vì đau trên bờ suối khiến cho một cô gái khác bắt chước nhăn mặt theo, nhưng lại bị nhiều người cười chê đã trở thành một điển tích văn học.

Từ cổ chí kim, các thi nhân văn sĩ từ Nam Bắc Triều về sau, hầu như triều đại nào cũng có những thi sĩ không tiếc lời ca tụng vẻ đẹp và đức hi sinh của Tây Thi, trong đó nổi bật nhất là các thi sĩ Đường triều. Lý Bạch thời Đường viết:

“Tây Thi Việt khê nữ,
Xuất tự Trữ La Sơn
Tú sắc yểm cổ kim
Hà hoa tu ngọc nhan

Cán sa nộng bích thủy
Tự hưng thanh ba gian
Hạo xỉ tín nan khai
Trầm ngâm bích vân gian

Câu Tiễn chinh tuyệt diễm
Dương nga nhập Ngô quan
Đề huề Quán Oa cung
Diểu miễu cự khả phán

Nhất phá Phù Sai quốc
Thiên thu cạnh bất hoàn”

(Ảnh: Pinterest.com)

Bài thơ nói về nàng ‘‘Tây Thi là sơn khê nước Việt, quê tại núi Trữ La, nhan sắc đệ nhất kim cổ. Nàng đẹp tới mức hoa sen phải thẹn. Nàng ngồi giặt lụa bên dòng nước biếc ,bao lớp sóng lan xa. Miệng hồng không dễ cười, mặt trầm ngâm giữa ráng chiều. Câu Tiễn tìm người đẹp, Tây Thi vào ải Ngô quốc, sống ở cung Quán Oa, không ai còn thấy mặt hoa. Khi phá được nước của Phù Sai, nàng đi mãi không về”. Lý Bạch ngoài bài Tây Thi trên còn có Cán Sa Thạch Thượng Nữ, Việt Trung Lãm Cổ v.v. cũng có chung tâm trạng.

Nam Cung Bắc tả Tây Thi qua con mắt của Câu Tiễn và Phạm Lãi:

Câu Tiễn bắt gặp ngay đôi mắt trong suốt như dòng suối lạnh, ánh mắt đen tuyền óng ánh phát hào quang, thoáng chốc như hớp hồn vua.

Tây Thi như một đóa hoa còn chớm nụ hàm tiếu, bao nhiêu nét tươi trẻ thanh xuân dường như ẩn hiện trong góc mắt, đuôi mày. Mắt nàng trong suốt, mày nàng phương phi, miệng nàng chúm chím, đường nét tạo thành nàng dường như là ảo tưởng.Cái đẹp của Tây Thi như lóe hào quang, như thái dương.

Thi Phật Vương Duy có một bài thơ gọi là “Tây Thi vịnh”
….

Sắc đẹp thiên hạ trọng,
Há mãi hèn Tây Thi.
Sớm bên khe Việt nữ,
Chiều chính cung Ngô phi.

Lúc nghèo đâu khác lạ,
Khi sang quả hữu hi.
Sai người thoa hương phấn,
Chẳng tự mặc xiêm y.

Vua yêu càng duyên dáng,
Vua quý mặc thị phi.
Bạn thuở xưa giặt lụa,
Về cùng xe hòng chi.

Nhắn cô ả bên xóm,
Nhăn mặt mong được gì.

Thời Đường còn nhiều thi sĩ khác Vương Viêm với Táng Tây Thi Hoàn Ca, Giảo Nhiên với bài Cán Sa Nữ, Lý Viễn với bài Ngô Việt hoài cổ, Tống Chi Vấn với bài Cán Sa Thiên Tặng Lục Thượng Nhân (Bài giặt lụa tăng người trên bờ), Hồ U Trinh với bài Đề Tây Thi Cán Sa Thạch, Ngư Huyền Cơ với bài Cán Sa Miếu, Lý Thân với bài Du Linh Nham, Tô Chưởng với bài Tây Thi, Thôi Đạo Dung với bài Bến Tây Thi, La Ẩn với Tây Thi, Lục Quy Mông với Ngô Cung Hoài Cổ, v.v.. đều “trăm hoa đua sắc” miêu tả về sắc đẹp và nỗi niềm Tây Thi.

(Ảnh: Pinterest.com)

Có thể thấy rằng, Tây Thi là nguồn cảm hứng dồi dào vô tận cho giới thi sĩ văn nhân được trổ tài về tài năng nghệ thuật của mình.

Khi mĩ nhân trở thành quân cờ trên bàn cờ chính sự

Tây Thi lớn lên ở chốn sơn khê song hương sắc tuyệt trần, thông minh hơn người và có lòng yêu nước. Thời cuộc loạn lạc, Việt quốc suy yếu, Việt Vương Câu Tiễn thất bại nên đành chịu thần phục Ngô quốc lân bang (còn gọi là Câu Ngô – một nước Việt khác ở khu vực trung, hạ lưu Dương Tử, phía bắc Vu Việt).

Biết được Ngô vương Phù Sai là kẻ đam mê tửu sắc, Việt Vương Công Tiễn lại được các minh thần Phạm Lãi, Văn Chủng phò trợ và hiến kế, Việt Vương Câu Tiễn cho tìm người đẹp về cung để áp dụng “mĩ nhân kế” phục thù Ngô quốc. Thiếu nữ Tây Thi vùng sơn khê bắt đầu bước ra chính trường từ đó, và sóng gió cuộc đời cuốn nàng đi xa hơn những gì nàng mong đợi cũng là từ đó.

Trong 3 năm khổ cực rèn luyện tác phong quý phái và học cách làm hài lòng Phù Sai tại Việt cung Cối Kê, Tây Thi – cùng với một người đẹp khác là Trịnh Đán – được giao phó trọng trách làm thê thiếp Phù Sai với mục tiêu hướng Phù Sai đắm chìm trong tửu sắc và lơ là chuyện chính sự nhằm mục tiêu cuối cùng là tiêu diệt Ngô quốc để trả “quốc hận” cho nước Vu Việt.

Biết được âm mưu của Câu Tiễn, trung thần Ngô quốc là Ngũ Tử Tư hết lời can ngăn nhưng đều bị thất bại, sau này Ngũ Tử Tư liên tục ngăn cản Phù Sai mà dần bị thất sủng và cuối cùng phải nhận cái chết thương tâm.

Ngô vương đã bị choáng ngợp bởi hương sắc của mĩ nhân và bất chấp mọi lời can gián vẫn thu nhận hai nàng làm thê thiếp.

Tây Thi đã dẫn dắt Phù Sai vào mê cung tình ái mà quên bổn phận làm vua của mình.

Sau mười năm nghị hòa, cốt để gây dựng lực lượng, Việt quốc dưới sự phò trợ của hai nhân tài Văn Chủng và Phạm Lãi đã dấy binh diệt Ngô quốc nhân lúc Ngô Vương Phù Sai dẫn binh lên bắc để “hội ngộ Trung Nguyên”. Ngô quốc suy vong. Tây Thi trở về Việt quốc. Cuộc đời nàng kết thúc trong sự bí ẩn mà cho đến nay người ta vẫn còn tranh luận mãi không thôi.

Có thể thấy rằng, Tây Thi đi vào tiềm thức của người dân với một vẻ đẹp của một tiên nữ giáng trần. Với người dân Việt quốc, Tây Thi là một nữ anh hùng yêu nước mà hi sinh bản thân, tận trung báo quốc. Nhưng với người dân Ngô thì Tây Thi là một bài học, một lời nhắc nhở cho những đó là một bài học cho nam giới về sắc dục và tâm lý “ngủ quên trong chiến thắng”.

Có rất nhiều thi sĩ đã lên tiếng bênh vực cho Tây Thi. La Ôn viết rằng:

“Nước nhà còn mất bởi cơ trời
Sao cứ Tây Thi đổ lỗi hoài?
Tây Tử nếu làm Ngô mất nước
Thì xưa Việt mất bởi tay ai?”

(Ảnh: Pinterest.com)

Nhà thơ Thôi Đạo Dung đời Đường cũng viết một bài “Tây Thi than” nói về nàng:

Người cầm đầu làm mất nước Ngô,
Tây Thi bị mang tiếng xấu.
Nước suối Hoán Sa mùa xuân chảy gấp,
Tựa như cũng lên tiếng bất bình.

Bất luận thế nào đi chăng nữa, thì hình ảnh về một vị vương quân mất nước vì mĩ nhân luôn là một bài học sinh động cho các chính khách nam giới từ cổ chí kim.

Không phải ngẫu nhiên mà Ngũ Tử Tư nói “ngũ sắc làm mắt ta mờ, ngũ thanh làm tai ta điếc” khi khuyên giải Phù Sai. Trong lịch sử phương Đông có không ít câu chuyện sắc đẹp làm “khuynh thành đổ nước”, mỗi câu chuyện là một bài học về sắc.

Mặt khác một bài học không nhỏ chính là tâm lý ngủ quên trên chiến thắng hay thái độ tự mãn sau một chiến công sẽ là tai họa cho tương lai và Phù Sai là một minh chứng cụ thể. Ông phải trả giá cho chính những sai lầm của mình, bài học quý giá ấy được người đời đúc kết và nhắc nhở lưu truyền hậu thế.

Tịnh Tâm