Một mùa xuân nữa lại sắp về. Những ngày cuối năm này, công việc bận mải hơn và lòng người cũng bồi hồi nao nức nhiều hơn. Với một người xa quê đã lâu như tôi, cứ mỗi độ cuối năm, lòng lại bâng khuâng nhớ quê, nhớ về ký ức xa xưa đầm ấm ngọt ngào bên cha mẹ, họ hàng thân thuộc dù khi ấy, cuộc sống còn chồng chất khó khăn thiếu thốn.
Quê tôi ở cái làng nhỏ ven sông Hồng một vùng quê bạt ngàn là lúa, là ao. Bước ra khỏi nhà là gặp ao, đi vài phút là thấy cánh đồng xanh mướt lúa đang thì con gái, và óng vàng khi mùa lúa chín. Cả làng chỉ có mấy dòng họ sinh sống nên đi đến đâu cũng gặp người họ hàng.
Nhà tôi và nhà chú bác, cô dì ở không xa nhau lắm. Chỉ cách đoạn đường ngắn hoặc một cái ao. Mỗi năm độ Tết đến là anh chị em chúng tôi háo hức khoe nhau những cái áo mới. Thường là áo hoa bằng loại vải thường rẻ tiền với đủ màu xanh, đỏ, tím vàng sặc sỡ.
Mỗi chiếc áo ấy là bao chắt chiu của mẹ, của cha suốt cả năm trời. Nó là ước mơ, là niềm vui hạnh phúc tuổi thơ của chúng tôi ngày ấy. Cũng như hầu hết các cô dì, chú bác, xóm làng bố mẹ tôi lo áo quần cho các con xong thì lo đến làm sao mua được ít đỗ xanh, ít lá dong để gói bánh. Gạo nếp thì đã được xay giã để dành từ tháng trước, thịt lợn thì khoảng vài nhà đã hẹn hò chung đụng làm thịt một con, mỗi nhà một dọc hoặc một đùi.
Hành thì nhà nào cũng trồng một ít. Trẻ con chúng tôi hồi hộp mong đến ngày tiếng lợn kêu eng éc, tiếng chày giã giò vang khắp xóm. Đặc biệt là bố tôi và các bác các chú hay cho đám trẻ con mỗi đứa một miếng đuôi bé tí (và một cái đuôi lợn vốn bé lại phải chia đều cho bao nhiêu dứa trẻ). Thuở ấy nhà nào nuôi được lợn cũng phải bán cho cửa hàng hợp tác xã, không được tự do làm thịt như bây giờ. Vài tháng mới được ăn một bữa nên miếng đuôi bé tí ấy sao mà ngon đến thế!
Rồi thì nhà nhà gói bánh chưng. Mấy chú bác khéo tay thì gói hết hộ nhà này lại sang gói cho nhà khác. Những chiếc bánh chưng xanh vuông vắn thơm lừng được nấu trong những chiếc nồi to luôn sôi sùng sục trên bếp củi, lửa được khơi cháy đều các cạnh.
Những chiếc bánh chưng con con của chúng tôi được bố tôi ưu tiên gói riêng và đặt phía trên cùng cho mau chín rồi vớt ra trước cho lũ trẻ con háu đói chúng tôi luôn mong chờ sẵn. Đêm giao thừa trong cái rét căm căm cả nhà quây quần bên bếp lửa rực hồng ám áp nấu bánh chưng. Bố tôi vừa đổ nước vào nồi, chất thêm củi vào bếp vừa kể chuyện Phạm Công Cúc Hoa hoặc Thoại Khanh Châu Tuấn… cho chúng tôi nghe.
Những câu chuyện về đạo lý làm người cứ thấm vào hồn tôi từ đó. Có khi buồn ngủ quá, tôi ngủ quên trên cái chiếu được lót rơm khô gần bếp. Gần giao thừa, mẹ tôi gọi chúng tôi dậy rửa mặt chải đầu thay áo mới để đón giao thừa. Lúc chúng tôi lăn ra ngủ, mẹ đã chuẩn bị một nồi nước nấu với rễ cây mùi (ngò rí) được phơi khô từ tháng trước. Nước mới thơm làm sao, mẹ rửa mặt cho chúng tôi bằng nước thơm này. Ấm áp và dễ chịu quá chừng. Tỉnh ngủ hẳn ra. Đến bây giờ tôi vẫn như còn thấy phảng phất các mùi vị cảm giác khoan khái ấy.
Mẹ cho chị em tôi mặc áo mới, chải đầu, kết tóc gọn gàng. Chúng tôi giúp mẹ bày hoa quả mới, thắp thêm hương trên bàn thờ tổ tiên. Giao thừa giây phút ấy thiêng liêng kì lạ. Không gian ngát mùi thơm của khói hương, hoa quả… Cả nhà tôi chắp tay nghiêm trang trước bàn thờ. Bố tôi đọc lời khấn rồi vái lạy, chúng tôi bắt chước làm theo. Tiếng pháo nổ giòn trước cửa nhà, xác pháo bay tung. Mẹ tôi bảo nếu đốt pháo nổ to, nổ giòn là điềm lành báo hiệu năm mới làm ăn thuận lợi. Rồi mẹ tôi bảo tôi xách cái đèn dầu cùng mẹ đi lễ chùa đầu năm.
Mẹ tôi đội trên đầu mâm ngũ quả. Tôi đi bên cạnh soi đèn cho mẹ. Trên đường, mẹ con tôi gặp bao nhiêu là người cùng đi lễ chùa. Người ta chào và chúc nhau năm mới gặp vạn sự tốt lành. Khuôn mặt ai cũng hân hoan. Mưa xuân lất phất bay, hoa đào chúm chím nở như nụ cười tươi thắm của màu xuân. Đúng sáng mùng một Tết, cả nhà tôi quây quần bên mâm cơm năm mới. Bố tôi ân cần gắp giò lạu cho chúng tôi và cho mẹ. Đôi mắt bố ấm áp và nụ cười đầy yêu thương.
Ăn xong bố hoặc mẹ dẫn chị em tôi đi chúc Tết nhà bác cả rồi nhà các bác, các chú khác theo bề bậc. Anh em họ hàng lại quây quần ăn cơm hoặc bánh chưng, mứt kẹo. Trẻ con chúng tôi thích nhất khi được mừng tuổi. Các khoản tiền thiêng liêng ấy tôi hay dùng để mua truyện đọc, cũng có khi để dành để đóng học phí. Rồi chúng tôi còn chơi đánh đáo bằng hạt gấc (sau khi ăn xôi gấc, đứa nào cũng thủ sẵn ít hạt gấc đen nhánh để làm đồ chơi). Tiếng cười giòn, vui tươi ấm áp trong những ngày xuân…
Tôi nhớ lắm cái miền kí ức thân thương ấy. Và tôi ước ao có phép màu kì diệu cho tôi được quay về. Tôi mong những gì đẹp đẽ của cuộc đời sẽ còn lại mãi mãi.
Biên Linh