Đại Kỷ Nguyên

Thập đại danh khúc để đời: ‘Mai hoa tam lộng’ – Bậc quân tử kiên cường như hoa mai trong giá lạnh

Mai hoa tam lộng là nhạc khúc nằm trong thập đại danh khúc của Trung Hoa còn lưu lại cho người đời. Bản nhạc được ví như lời tự tình của bậc quân tử, như hoa mai hiên ngang đẹp đẽ tinh khôi, là nhạc khúc mượn vẻ đẹp của hoa mai tinh khiết, thơm ngát và sự bền bỉ kiên cường trong giá lạnh mà ngợi ca cho những bậc nam nhân tiết tháo cao thượng, hoa mai thơm như lòng người quân tử.

Cổ cầm là một nhạc cụ có thể truyền tải âm thanh mang những ẩn ý thâm sâu mà rất ít nhạc cụ nào có thể làm được, để thực sự cảm thụ sâu sắc âm điệu của từng nốt nhạc, người xưa chọn cổ cầm là ngôn ngữ biểu đạt cho trạng thái tư tưởng và tâm tư thầm kín.

Khi lắng nghe Mai hoa tam lộng bằng cổ cầm, người ta ví là nhạc khúc ‘‘tá vật vịnh hoài’’, là lời tâm tình sâu lắng nhất, thể hiện rõ nét nhất sự khẳng khái, chính trực của một nam nhân lỗi lạc. Mỗi nốt nhạc như một viên ngọc trong tâm quân tử, trong sáng và thanh cao, bụi trần chẳng làm dơ đục.

Vẻ đẹp của hoa mai qua từng nốt nhạc biểu tượng cho tiết tháo của trang quân tử.

Người xưa chọn cổ cầm là ngôn ngữ biểu đạt cho trạng thái tư tưởng và tâm tư thầm kín (Ảnh: pinterest.com)

Trong số những loài hoa mà người xưa coi trọng, thì hoa mai luôn mang trong mình vẻ đẹp và ý nghĩa rất sâu sắc.

Cánh mai mỏng manh nhưng thanh tịnh thuần khiết, khi giá lạnh ngập trời, hoa mai lại khoe sắc, đung đưa trong làn gió lạnh như sự ngạo nghễ, sức mạnh và bản lĩnh của một con người, khả năng chống chọi với sự khắc nghiệt mà đơm bông được ví như ý chí của một con người không sợ khó sợ khổ.

Mặc dù mang trong mình vẻ đẹp nội lực mà người đời chọn đó như là vẻ đẹp của một bậc quân tử thì sự khiêm nhường của hoa mai lại được coi là một đức tính cần có của một con người muốn làm nên đại nghiệp.

Hoa mai kiên cường và khiêm nhường trong giá buốt tượng trưng cho người quân tử

Khi xuân sang trăm hoa khoe sắc thắm, đua nhau nở và tỏa hương quyến rũ, nhưng hoa mai lúc này dường như lui lại phía sau như chẳng tranh với đời, khi muôn hoa chẳng thể đua nở, mai lại rực rỡ trong giá lạnh.

Người xưa nói rằng ‘‘hữu xạ tự nhiên hương’’ với ngụ ý nếu là một viên ngọc quý, không cần lời nó cũng tự tỏa sáng long lanh, cũng giống một người tài chẳng cần khoe khoang thì bản lính đó cũng tự bộc lộ. Nên bậc quân tử phải lấy khiêm nhường làm cốt cách.

Ngay đoạn đầu của bản nhạc, tiết tấu âm chậm rãi, thong dong, nghe giống bước chân của một nam nhân đang bước đi khoan thai, tâm tình rộng mở. Mang theo giai điệu du dương, thanh u gợi lên sự cao quý và trạng thái tĩnh tại an tường của hoa mai, đoạn này âm Giốc làm căn bản, nên người nghe lập tức được cảm giác vui tươi, hình tượng bông hoa mai ẩn hiện trong lớp sương lạnh, như bóng dáng của một quân tử đang ung dung tự tại giữa dòng đời cuộn chảy.

Nhưng rồi lại chợt nhận ra, đâu là hư vô đâu là trường tồn, rồi lại gạt bỏ mà lựa chọn một lối đi cho chính cuộc đời (Ảnh: pinterest.com)

Từng nốt nhạc vang lên trong sáng, có lúc nó thâm trầm sâu lắng, như lời tự tình về thói đời trốn nhân gian, buồn vui, thị phi, danh lợi.

Cuộc đời muôn vàn những khúc ngoặt khiến con người bị nhào nặn mãi không thôi, có những lúc tưởng chừng như gục ngã, muốn buông xuôi cho thuận với dòng chảy cuộc đời.

Nhưng rồi lại chợt nhận ra, đâu là hư vô đâu là trường tồn, rồi lại gạt bỏ mà lựa chọn một lối đi cho chính cuộc đời, vươn lên ngay khi bị dòng đời cuốn trôi vùi dập, mạnh mẽ kiên cường trước sóng gió khó khăn, như hoa mai kia hiên ngang mà nở hoa trong giá lạnh.

Cốt cách quân tử như bông mai chẳng sợ khó nhọc, gian truân. Vẫn ung dung mạnh mẽ bước chân đi, coi nhẹ mọi danh lợi ở đời, thị phi chốn nhân gian như nước chảy bên tai, tự tại mà thong dong, chẳng có gì làm sờn lòng vị quân tử, chẳng trở ngại nào làm chùn bước đáng nam nhi,

Bản nhạc chia ra làm 2 sắc thái rõ rệt, đoạn đầu là sự êm đềm sâu lắng, là vẻ đẹp của hoa mai hay tâm hồn của bậc quân tử, thì đoạn sau lại là những cao trào với tiết tấu âm nhanh gọn sắc bén.

Ý chí của người quân tử bất khuất hiên ngang giữa muôn trùng những chông gai vùi lấp.

Có một giai thoại về Mai hoa tam lộng đó là câu chuyện về Nhân Hồng Hạo vào thời Nam Tống. Ông vốn là một người được sai đi sứ nước Kim nhưng rốt cuộc bị bắt lại mất hơn mười năm. 10 năm dài chờ đợi đằng đẵng được hồi hương, 10 năm sống trong sự uy hiếp rồi dụ dỗ của kẻ địch, tâm ông chẳng sợ, lòng dạ chẳng sờn, vẫn hiên ngang từ chối mọi ưu sách, ông một mực bảo trì phong thái cao thượng, coi nhẹ hư vô ở đời.

Nhân Hồng Hạo 10 năm chờ đợi dài đằng đẵng sống trong uy hiếp của kẻ địch nhưng không hề nao núng vẫn hiên ngang. (Ảnh: pinterest.com)

Phải chăng với ông đây chính là lửa lò bát quái để tôi luyện bản lĩnh và sức mạnh của tự thân, cuối cùng ông cũng được thả về Nam Tống, lại ung dung ngạo nghễ mà chơi bản nhạc Mai hoa tam lộng, ông hiên ngang bất khuất trước trăm ngàn nỗi sợ hãi mà giữ nguyên ý chí sắc son, giống như hoa mai kia vẫn nở hoa trong sương tuyết. Lòng tận trung được giữ gọn vẹn như sự tiết trung quân tử giữ lòng son với nước với dân.

Người quân tử ngay trong gian nan mà giữ được tấm lòng thanh sạch, được ví như hoa mai sinh ra từ sự khắc nghiệt của giá lạnh mà vẫn giữ được hương thơm.

Nếu ví hoa mai như cái nhìn về kiếp nhân sinh cho sự coi trọng sự tôi luyện rèn giũa trong khó khăn khổ ải để làm lên bản lĩnh và sức mạnh cũng như ý chí kiên cường, thì với đạo người quân tử, mọi gian nan khổ nhọc đều chỉ là lửa thử sức mà thôi.

Người xưa coi nghịch cảnh là ngọn gió, người quân tử là ngọn lửa, ngọn gió có thể thổi tắt đi ngọn lửa yếu ớt, nhưng nó cũng có thể làm bùng cháy ngọn lửa kia. Có lẽ vậy mà người xưa đánh giá người quân tử là nhìn vào bản lĩnh và ý chí của họ.

Ở đoạn nhạc sau này tiết tấu âm nhanh, sắc bén như mang theo sức mạnh vô bờ bến, dám khuất phục thảy mọi khó khăn. Lời của bậc quân tử như tiếng hổ gầm rú rung động rừng xanh, uy nghiêm mà chẳng mang theo chút sợ hãi.

Tới đoạn cuối của bản nhạc, người nghe lại một lần nữa được đặt vào trạng thái êm đềm, nhẹ nhàng, thay vì những dạ khúc tiết tấu nhanh và sắc bén thì lúc này, từng nốt nhạc lại như chậm lại, thư thả, nhẹ nhàng, chính là biểu tượng của sự tĩnh lặng trong tâm người quân tử, người xưa cho rằng, sức mạnh của một con người không chỉ nằm trong nắm đấm, mà còn nằm trong trí tuệ của chính họ.

Người không sử dụng được trí tuệ thì cũng chỉ là hữu dũng vô mưu, vậy khúc nhạc này chính là nói đến sự khiêm nhường, biết lắng nghe, biết học hỏi, hiểu người hiểu mình, thể hiện trí tuệ như gương sáng.

Người quân tử ngay trong gian nan mà giữ được tấm lòng thanh sạch, được ví như hoa mai sinh ra từ sự khắc nghiệt của giá lạnh mà vẫn giữ được hương thơm.

Người đời ví Mai hoa tam lộng như nỗi lòng bậc quân tử, quả thực khi tĩnh tâm lắng nghe từng nốt nhạc, từng giai điệu và hòa mình vào tiết tấu của Cổ cầm, người nghe thực sự cảm nhận được hàm ý ẩn sâu bên trong. Đồng thời minh bạch được triết lí về đạo người quân tử cũng như chuẩn mực của người xưa với những tiêu chí đánh giá về tiết tháo của đấng nam nhi. Để từ đó mà thấy được sự thâm thúy trong tư tưởng của cổ nhân về những giáo huấn được truyền tải qua âm nhạc.

梅花三弄 Mai Hoa Tam Lộng – Guqin

Tịnh Tâm

Exit mobile version