Đại Kỷ Nguyên

Thập đại danh khúc để đời: ‘Ngư tiều vấn đáp’, ngả gối kê cao tìm giấc ngủ, thỏa mình sông nước nhẹ sự đời?

Ngư tiều vấn đáp là một trong thập đại danh khúc nổi tiếng của âm nhạc Trung Hoa. Nhạc khúc được chơi trên cổ cầm với âm thanh trầm bổng đầy mê hoặc. Bản nhạc mang theo tinh thần tiêu diêu tự tại, an nhiên phó mặc sự đời. Cuộc sống với thiên nhiên sông nước núi rừng, quên đi những ngang dọc ngược xuôi của dòng đời đang cuộn chảy. Tìm về chốn yên bình thực sự của tâm hồn con người.

Người Trung Quốc cổ xưa nổi tiếng với sự tinh tế và nét duyên dáng trong thưởng thức nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc. Chỉ cần dùng tiếng đàn để bộc bạch những tâm tư tình cảm, từ đó mà tìm được tri âm tri kỉ. Âm nhạc luôn là lời nói kết giao tâm tình thay cho ngàn lời tình tự.

Ngư tiều vấn đáp là một trong những nhạc khúc như thế. Có tới 30 phiên bản khác nhau của bản nhạc này. Trải qua hàng trăm năm, thời gian không làm cho sức hấp dẫn của nó bị lu mờ. Người đời sau muốn đưa bản nhạc trở nên gần gũi với người nghe, họ đã viết thêm lời cho nhạc khúc. Nhưng đến triều nhà Thanh, người ta muốn giữ nguyên tính hấp dẫn nên không sử dụng bản có lời mà biến tấu đôi chút làm cho giai điệu có phần thay đổi và trở thành nhạc khí độc lập.

Ngư tiều vấn đáp. (Ảnh: Trithucvn.net)

Giai điệu của cuộc hội thoại ngư-tiều từ những cảm nhận của người nghe.

Bản nhạc thể hiện tinh thần tự tại thong dong.

Buông bỏ những đam mê dục vọng, tìm thú vui thanh tao giữa chốn yên bình mà nuôi dưỡng tâm thân. Cuộc sống thần tiên chính là sự hòa quyện giữa con người với chốn thiên nhiên rộng mở, tâm vô lo vô nghĩ, mặc sự đời mà rong ruổi trên con thuyền nhỏ, bầu bạn cùng tôm, cá, hươu, nai.

Gió trời sông nước bồng bềnh cùng chén rượu đạm bạc khuây khỏa yên bình. Những khoảnh khắc ấy chỉ những con người coi nhẹ danh lợi mới có thể hưởng trọn thú vui. Cảnh giới này kẻ tham danh khát lợi kia sao có thể thấu hiểu.

Bản nhạc bắt đầu với giai điệu nhẹ nhàng, thể hiện phong cách thanh tao tinh tế. Nét duyên dáng trong cách bày tỏ tinh thần tự do cảm khái. Tiếng vọng chốn sông nước cùng với tiếng rìu chan chát như âm thanh hòa quyện nhịp nhàng khiến cho cuộc hội thoại của ngư- tiều thêm sinh động.

Phá bỏ hoàn toàn khoảng cách giữa 2 nhân vật. Ở đoạn thứ bảy kĩ thuật vê tạo ra nút nhấn và cao điểm cho giai điệu thêm mới mẻ. Khiến người nghe như cảm thấy sự gần gũi dễ cảm thông của những vị ẩn sĩ khi buông đi những ràng buộc thế gian mà tự tại tiêu sái hòa mình nơi sơn cước mênh mông.

Buông bỏ những đam mê dục vọng, tìm thú vui thanh tao giữa chốn yên bình mà nuôi dưỡng tâm thân. (Ảnh: Pinterest.com)

Kĩ thuật vẩy và tam đàn tạo nên âm hưởng mạnh mẽ, kết hợp với cách ngắt nhịp đều đặn trong tiết tấu mang lại cảm giác về miền non cao núi biếc, sông hồ mênh mông gió thoảng gợn nước xuôi mái chèo. Tiếng vung rìu rắn chắc hòa quện cùng tiếng cười sảng khoái tạo nên một bức tranh sống động ở cuối đoạn một, sau đó lặp đi lặp lại xuyên suốt toàn bản nhạc mang lại cảm xúc du dương bình thản tới thanh tịnh. Để lại cho người nghe ấn tượng sâu sắc.

Ngư tiều vấn đáp miêu tả tâm thái ẩn dật phiêu bồng của những con người biết thỏa mãn với những gì mà cuộc sống ban tặng, hạnh phúc với những gì mình có. Biết kìm nén và khắc chế sự tham lam hay cuồng vọng. Phải chăng đó chính là ẩn ý thâm sâu của nhạc khúc này.

Được mất thế gian, thị phi ở đời như nước chảy bèo trôi. Bậc vương tử không thể làm thần dân, chư hầu không thể làm bạn. Là dụng ý của việc thuận theo sự đời, tùy kì mà đối đãi. Có những thứ ở đời tưởng chừng có thể nắm chắc nhưng lại vụt mất trong gang tấc nay mai, có những sự tình mà muốn buông chẳng đặng, bởi nó cuốn theo ta một sớm chiều. Chi bằng ta đứng ngoài vòng xoáy, thú tiêu giao vùng vẫy cùng núi sông. Thỏa lòng với cuộc đời đạm bạc, chẳng ganh đua danh lợi thiệt hơn.

Cuộc đối thoại của ngư và tiều như một cuộc mổ xẻ luận đàm về thế sự ở đời. Nhưng cuối cùng thông điệp ý nghĩa của bản nhạc một lần nữa được nhắc lại làm nổi bật ý tưởng thâm sâu qua từng nốt nhạc.

Ngư – tiều là hình ảnh ẩn dụ của những nhân vật trong lịch sử Trung Hoa

Tương truyền, Nghiêm Tử Lăng thời Đông Hán thủa sinh thời là bạn học của Hán Quang Vũ Đế Lưu Tú. Khi Lưu Tú lên ngôi hoàng đế, ông đã nhiều lần mời Nghiêm Tử Lăng về làm quan cận thần bên cạnh mình. Nhưng Nghiêm Tử Lăng đều một mực khước từ. Nghiêm Tử Lăng đổi họ giấu mình ẩn cư. Sau được người nước Tề dâng thư báo rằng có người bận áo lông dê câu cá, đoán chắc là Nghiêm Tử. Quang Vũ Đế cho xe đến đón, Nghiêm Tử Lăng ba lần từ chối, lần thứ tư Nghiêm Tử Lăng mới chịu về yết kiến. Hai người thân thiết nằm cùng giường nói chuyện, nhưng khi Quang Vũ Đế mời ra làm quan thì Nghiêm Tử Lăng vẫn không chịu mà từ tạ trở về cày ruộng ở núi Phú Xuân.

Trong nhạc khúc này Nghiêm Tử Lăng được ví như nhân vật ngư ông. Yêu thích cuộc sống tự do phóng khoáng, thích chốn sông nước vui vẻ tiêu diêu.

Ông sớm nhận định chốn quan trường như lồng chim tù túng. Nơi ganh đua hơn thiệt với những cạm bẫy mưu mô. Ông thấy rằng cuộc sống đó đâu phải là thong thả bình yên. Ngả lưng mà kê cao gối đầu tìm giấc ngủ. Thỏa mình nơi sông nước chẳng quản sự đời. Nên ông đã khước từ danh vọng, nhung gấm, chọn cuộc sống bình dị giản đơn. Không ganh đua hơn thiệt ở đời, chén rượu nhạt mà tâm hồn nhẹ bỗng.

Hay một câu chuyện về vị đại thần Chu Mãi Thần thời Hán Vũ Đế. Thủa hàn vi, do cảnh nghèo mà ông không được đèn sách tử tế. Nhưng do ham học mà hàng ngày ông vừa kiếm củi vừa học bài. Vợ ông không chịu được cuộc sống nghèo khổ đã nhiều lần trách móc. Chu Mãi Thần chẳng chút bận lòng, vẫn động viên vợ mình và hứa hẹn ngày ông sẽ báo đáp.

Nhưng vợ ông đã không tin lời nói ấy, bà bỏ ông mà đi lấy chồng khác. Chu Mãi Thần chẳng hề oán trách, vẫn cứ vừa đốn củi vừa học hành. Về sau, thời Hán Vũ Đế, ông được người làng là Nghiêm Trợ tiến cử, nhà vua cho vào yết kiến, nói chuyện nghĩa lý về kinh Xuân Thu và Sở Từ. Vua rất hài lòng, mời ông giữ chức Trung Đại Phu, rồi sau giữ chức Thái thú đất Cối Kê.

Khi đến Cối Kê nhậm chức, xe ngựa hơn trăm cỗ. Vào đất Ngô, ông thấy người vợ cũ cùng chồng đang gánh đất giữa đường liền cho dừng xe, bảo mời hai người lên xe sau đưa về dinh Thái Thú, cho ở một nơi và cấp lương ăn tử tế. Ông thực hiện lời nói của mình xưa kia với vợ, như sự báo đáp thay cho lời trách cứ người vợ than khó phụ bần.

Ngư ông yêu thích cuộc sống tự do phóng khoáng. (Ảnh: Pinterest)

Không vì danh vọng mà cơ cực tấm thân. Tinh thần lạc quan và tin tưởng cái gì đến sẽ đến, cái của mình sẽ thuộc về mình. Lối sống trọn nghĩa trước sau của ông khiến người đời cảm phục

Dẫu là Ngư hay Tiều, thì qua nhạc khúc người ta đều cảm nhận được sự ung dung tự tại, coi nhẹ danh vọng giàu sang.

Lựa chọn được sống như thế nào cho thanh tâm quả dục chứ không mải mê chạy theo lợi lộc quyền uy đã làm cho thần thái và cái hồn của nhạc khúc trở nên nhẹ nhàng bay bổng giữa chốn đời xô bồ.

Một trong những phiên bản có lời được đánh giá là hay nhất của Dương Biểu Chính

Có rất nhiều tác giả viết lời cho bản nhạc, nhưng trong đó có một bản nhạc được đánh giá là hay nhất của tác giả Dương Biểu Chính. Ông phối từ tương ứng với 12 đoạn.

Ở đoạn thứ nhất: Con người ta còn lại gì trong cuộc tranh đua nhọc nhằn nơi trần thế? để rồi tâm thân nhuốm toàn tanh hôi bụi trần. Người đời sẽ phân định ai tráng niên hào kiệt, ai là kẻ tầm thường. Thế sự nổi trôi đời phiêu bạt, chỉ còn lại đây là ngư với tiều, bỏ lại sau lưng thảy mọi sự đời, thoát khỏi phàm trần mà nhập tiên cảnh. Xuất phàm nhập siêu.

Ngư tiều bỏ lại đằng sau tất cả những thứ của người thường đến cảnh giới siêu phàm thoát tục. (Ảnh: Pinterest.com)

Đoạn thứ 2: Ngư ông dựa mạn thuyền, ngả lưng buông cần câu cá. Đạp mái chèo khua theo dòng nước, tiếu ngạo giang hồ mà thấy cao quý tâm thân. Tiều vung rìu giữa chốn rừng xanh thẳm. Trên đầu mây vởn vơ bay. Tiếng búa rìu vang lên văng vẳng, chắc như thế của cây tùng vờn mây trắng. Danh lợi chẳng màng, quyền uy không vướng bận.

Đoạn thứ 3: Ngư đáp rằng: Sông Dương Tử hùng vĩ. Cỏ trắng cỏ hồng. Chỉ thấy hai bờ sắc thu. Đan xen hoa rơi rụng. Bằng hữu như cò vịt. Bạn bè như cá tôm. Hồng trần không phủ bụi. Sinh nhai nơi giang nam hồ bắc. Tiếng chèo bập bẹ. Chìm nổi trong ráng khói.

Đoạn thứ 4: Tiều đáp rằng: Uống nước suối nghỉ trên đá ở trong núi. Giang sơn kia chẳng đổi với tam công. Đường núi cứ gập ghềnh khúc khuỷu. Ta cứ nghêu ngao khúc hát thái bình. Cũng chẳng bận đâu là đông tây nam bắc hay ngày giờ tháng năm. Rét đến thì biết đông đã về.

Đoạn thứ 5: Ngư ông trả lời: Khi bắt được cá thì mua chén rượu nhạt. Cuối ngày mà thưởng thức với gió trăng, cất lên một nhạc khúc không lời,hoặc thổi khúc tiêu hay buột miệng mà chẳng lo lỡ lời. Cuộc sống an nhiên tự tại, vui sông nước, buồn có gió trăng. Thị phi chẳng ngại, ân oán chẳng màng. Danh lợi thoảng qua vô lo vô nghĩ.

Đoạn thứ 6: Tiều đáp rằng: nơi rừng xanh non cao, mây vờn núi, bóng cây làm nhà. Ván cờ làm tinh thần sảng khoái. Tiếng cười vang vọng cả núi rừng, như giang tay ôm trọn ngọn núi, mở lòng mình lắng nghe tiếng non cao.

Đoạn thứ 7: Lặp lại giai điệu ở đoạn 2

Đoạn thứ 8: Ngư nói rằng, ngày này năm ngoái ở Giang Đầu, hôm nay cửa sông Tương hay Ba Khâu. Nón trúc áo mưa. Cạnh bãi cát xanh chỗ nước nông bãi sông Đinh. Bãi sông Đinh. Dây câu thả nhanh lâu thu về. Cầu được bình ổn. Báo táp chưa tới. Ta mau chóng nghỉ ngơi.

Đoạn thứ 9: Tiều đáp rằng. Một vàng mũ đôi vai gánh. Nhanh chóng thu gom. Bất kể nó là lá non hay còn cành nhỏ. Đổi gạo hay đổi rượu. Về sum họp với vợ con. Sống vậy là sướng. Qua mùa xuân mùa thu. Cảm thán đời người. Thời gian có thể có được bao nhiêu. Tuế nguyệt như nước chảy. Ống sáo gài nơi tóc mai. Tiền vàng đầy rẫy chẳng giữ được mãi.

(Ảnh: Pinterest.com)

Đoạn thứ 10: Ngư trả lời: Chẳng cầu phú quý vinh hoa. Mặc nó treo ở dây thao tím. Mang tấm điêu vàng. Khen chê tán tụng náo nhiệt chẳng lọt tai. Chốn hư danh trong tâm đâu yên ổn. Chi bằng vận y phục đơn sơ, mà bằng lòng với bữa cơm đạm bạc. Cần câu trong tay bến nước ngồi thả mồi. Hài lòng với những gì ta có.

Đoạn thứ 11: Tiều nói rằng: Nhà tranh mái cỏ còn hơn nhà cao cửa rộng của phú ông. Đêm đến chẳng nghĩ suy hay toan tính lo âu, gối cao đầu ta chìm vào giấc ngủ. Giữa chốn thiên nhiên phiêu bồng cùng hoa lá, thấy hươu nai nhảy nhót mà vui tươi. Chùa tuy xa không nghe thấy tiếng chuông, nhưng tâm thân là thanh tịnh. Lạc chốn tiên cảnh mây núi ấp ôm. Cuộc sống như chẳng ở nơi này, thả mình giữa thiên nhiên đất trời núi non hùng vĩ.

Đoạn thứ 12: Hôm nay nói chuyện ngư tiều. Ngày mai còn mong cầu chi. Trà thơm rượu ngon, trăng thanh gió mát. Muôn vạn đời sau. Bầu trời thăm thẳm. Nước xa núi cao. Chỉ có đất trời là trường tồn vĩnh cửu.

Cuộc sống của ta hạnh phúc hay không, không nằm ở thước đo vật chất, mà ta sẽ thực sự hạnh phúc khi tâm thanh bình.

Nhạc khúc trải qua hàng trăm năm lịch sử, nhưng nó vẫn mãi được lưu truyền bởi ý vị thâm sâu ẩn chứa bên trong. Đại Kỷ Nguyên xin mời độc giả cùng lắng nghe và cùng chiêm nghiệm.

Tịnh Tâm 

Exit mobile version