Đại Kỷ Nguyên

Thập đại danh khúc để đời: Tịch dương tiêu cổ, say đắm ánh chiều tà trên dòng sông

Tịch dương tiêu cổ là một nhạc khúc nổi tiếng được nhiều người biết đến nhất trong thập đại danh khúc của người Trung Hoa cổ đại. Dùng tiếng đàn để miêu tả lên vẻ đẹp đầy thơ mộng lúc hoàng hôn trên dòng sông. Làn gió thoảng bóng chiều tà, mặt trời tìm về yên giấc ngủ, nhường lại cho dòng sông đón ánh trăng lên.

Tịch Dương Tiêu Cổ có nhiều tên gọi khác nhau như Tịch dương tiêu ca 夕阳箫歌, Tầm dương tì bà 浔阳琵琶, Tâm dương dạ nguyệt 浔阳夜月, tầm dương khúc 浔阳曲. Nhạc khúc lấy cảm hứng từ thi phẩm “Xuân giang hoa nguyệt dạ” (Đêm hoa trăng trên sông xuân) của Trương Nhược Hư, chính vì thế, khúc “Tịch Dương Tiêu Cổ” cũng còn có tên khác là “Xuân giang hoa nguyệt dạ”.

Vẻ đẹp của dòng sông khi hoàng hôn xuống như âm thanh trong trẻo của tiếng đàn.

Khúc dạo đầu của bản nhạc mang giai điệu nhẹ nhàng, tiếng đệm cổ tranh như nhịp khua mái trèo. Âm thanh của tiếng tì bà cất lên mang lại cảm giác của sự tĩnh lặng của mặt dòng sông. Mặt trời màu đỏ rực đang dần khuất dạng, mặt sông chẳng chút gợn sóng.

(Ảnh: Pinterest.com)

Giai điệu thanh nhã, người chơi sử dụng kĩ thuật vê, rung dây. Biến tấu nhạc khúc lúc cuộn trào, khi êm đềm nhẹ nhàng. Tạo lên một bức tranh sông nước đẹp dịu dàng.

Chuyển tấu giữa các khúc nhạc cùng các biến thể của các thủ thuật chơi tì bà mang lại cho người nghe như âm thanh của tiếng sóng nước. Trước mắt người nghe là cảnh tượng mặt trời đi tìm giấc ngủ, nhường lại cho dòng sông với sắc màu vàng óng ả. Hai bên bờ hoa lá cỏ cây như đang thay nhau sửa soạn cùng dòng sông đón ánh trăng lên. Làn gió nhẹ khẽ đung đưa nhị hoa. Tiếng vẫy của từng cánh hoa là khi tiếng tì bà chọn rơi trên cung trầm nhẹ.

Cuộc sống tưởng chừng như thanh bình nhưng lại thấy sự tất bật của vạn vật. Nó được thể hiện qua những giai điệu nhanh, dồn dập, hối hả như sự mải mê của muôn loài đi tìm cho mình nơi trú ẩn, hay tươm tất cùng ánh trăng lên sau dãy núi cao. Mặt trời đang dần khuất dạng, bóng nước như nuốt đi cả ánh hoàng hôn. Tiếng cổ tranh thánh thót nhẹ nhàng đầy mê hoặc.

Sự phối âm của 2 cây đàn dây nổi tiếng cổ tranh và tì bà như âm thanh của mùa thu, của 2 loài cây phong và địch. Tiếng đàn thánh thót trải dài vùng sông nước, như tiếng vọng của núi rừng. Đưa người nghe như đang chiêm ngưỡng bức tranh thủy mặc với sự cuốn hút say mê. Cảnh vật hữu tình cùng âm thanh ngọt ngào là sự kết hợp tinh tế của tạo hóa.

Vang vọng đâu đây tiếng đạp của mái chèo, tiếng hò vang xa của chiếc thuyền đánh cá đang vội vã trở về nhà trong bóng chiều tà. Cảnh đẹp hoàng hôn trở lên huy hoàng không mang theo sự cô quạnh một lần nữa được ngân vang bởi sự phối âm hoàn hảo giữa hai nhạc cụ truyền thống cổ tranh và tì bà.

Bản nhạc được này gồm có 10 phân đoạn theo thứ tự và tạm diễn nghĩa là:

Tịch dương tiêu cổ (Tiếng tiêu trống trong buổi chiều tà)
Hoa nhị tán hồi phong (Nhụy hoa đung đưa trong gió)
Quan sơn lâm khước nguyệt (Mặt trăng đằng sau dãy núi cao)
Lâm thủy tà dương (Mặt trời lặn dần xuống nước)
Phong địch thu thanh ( âm thanh của mùa thu, cùng hai loài cây phong và địch)
Vu hạp thiên tầm (Nơi sông núi giao nhau hiếm có)
Tiêu thanh hồng thụ lý (Tiếng tiêu sáo vang lên giữa những làn cây)
Lâm giang vãn thiếu (Nhìn ra dòng sông buổi hoàng hôn)
Ngư chu xướng vãn (Tiếng hát vọng ra từ thuyền đánh cá vào buổi chiều tà)
Tịch dương ảnh lý nhất quy chu (Bóng tịch dương trở về trên thuyền)

(Ảnh: Pinterest.com)

Tịch dương tiêu cổ mang theo giai điệu tiết tấu và sự phối âm nhịp nhàng của tì bà và cổ tranh. Làm nổi bật cảnh non nước mây trời Giang Nam. Núi sông bốn bể, vạn vật chung mái nhà. Giữa người và thiên nhiên là sự hòa đồng gắn kết bền chặt. Đây là một bức tranh sơn thủy hữu tình với sự tinh tế và đường nét sắc sảo thể hiện qua từng nốt nhạc trên từng âm điệu. Một phóng tác tuyệt vời của âm nhạc mà người xưa lưu lại cho hậu nhân.

Bản nhạc dựa trên cảm hứng của bài thơ “Xuân giang hoa nguyệt dạ” của nhà thơ Đường nổi tiếng Trương Nhược Hư.

Để cảm nhận sâu sắc vẻ đẹp qua bức tranh âm thanh, xin gửi tới bạn đọc nội dung bài thơ của nhà thơ Đường nổi tiếng Trương Nhược Hư:

Xuân giang triều thủy liên hải bình,
Hải thượng minh nguyệt cộng triều sinh.
Diễm diễm tùy ba thiên vạn lý,
Hà xứ xuân giang vô nguyệt minh.

Giang lưu uyển chuyển nhiễu phương điện,
Nguyệt chiếu hoa lâm giai như tiển.
Không lý lưu sương bất giác phi,
Đính thượng bạch sa khan bất kiến.

Giang thiên nhất sắc vô tiêm trần,
Hạo hạo không trung cô nguyệt luân.
Giang bạn hà nhân sơ kiến nguyệt?
Giang nguyệt hà niên sơ chiếu nhân?

Nhân sinh đại đại vô cùng dĩ,
Giang nguyệt niên niên vọng tương tư.
Bất tri giang nguyệt chiếu hà nhân,
Đãn kiến trường giang tống lưu thủy.

Bạch vân nhất phiến khứ du du,
Thanh phong giang thượng bất thăng sầu.
Thùy gia kim dạ biên chu tử,
Hà xứ tương tư minh nguyệt lâu?

Khả liên lâu thượng nguyệt bồi hồi,
Ưng chiếu ly nhân trang kính đài.
Ngọc hộ liêm trung quyển bất khứ,
Đảo y châm thượng phất hoàn lai.

(Ảnh: Pinterest.com)

Thử thời tương vọng bất tương văn,
Nguyện trục nguyệt hoa lưu chiếu quân.
Hồng nhạn trường phi quang bất độ,
Ngư long tiềm dược thủy thành văn.

Tạc dạ nhàn đàm mộng lạc hoa,
Khả liên xuân bán bất hoàn gia.
Giang thủy lưu xuân khứ dục tận,
Giang đàm lạc nguyệt phục tây tà.

Tà nguyệt trầm trầm tàng hải vụ,
Kiệt Thạch, Tiêu Tương vô hạn lộ.
Bất tri thừa nguyệt kỷ nhân quy,
Lạc nguyệt dao tình mãn giang thụ.

Diễn nghĩa:

Thuỷ triều lên, mặt sông xuân ngang mặt bể,
Trên bể, trăng sáng cùng lên với thuỷ triều.
Lấp loáng theo sóng trôi muôn ngàn dặm,
Có nơi nào trên sông xuân là không sáng trăng?

Dòng sông lượn vòng khu cồn hương thơm,
Trăng chiếu rừng hoa ngời như hạt tuyết.
Trên sông sương trôi tưởng như không bay
Bãi sông cát trắng, nhìn chẳng nhận ra.

Sông và trời, một màu không mảy bụi,
Ngời sáng trong không, vầng trăng trơ trọi
Người bên sông, ai kẻ đầu tiên thấy trăng?
Trăng trên sông, năm nào đầu tiên rọi xuống người?

Người sinh đời đời không bao giờ ngừng
Trăng trên sông năm năm ngắm vẵn y nguyên
Chẳng biết trăng trên sông chiếu sáng những ai
Chỉ thấy sông dài đưa dòng nước chảy.

Chẳng biết trăng trên sông chiếu sáng những ai. Chỉ thấy sông dài đưa dòng nước chảy. (Ảnh: Pinterest.com)

Mây trắng một dải, vẩn vơ bay
Cây phong biếc xanh trên bờ buồn khôn xiết
Người nhà ai đêm nay dong con thuyền nhỏ
Người nơi nao trên lầu trăng sáng đương tương tư?

Đáng thương cho trên lầu vầng trăng bồi hồi

Phải chiếu sáng đài gương người biệt ly
Rèm nhà ngọc cuốn lên rồi, trăng vẫn không đi
Phiến đá đập áo lau đi rồi, trăng vẫn cứ lại

Giờ đây cùng ngắm trăng mà không cùng nghe tiếng nhau
Nguyện theo ánh đẹp vầng trăng trôi tới chiếu sáng bên người
Chim hồng nhạn bay dài không thể mang trăng đi
Cá rồng lặn nhảy, chỉ khiến làn nước gợn sóng

Đêm qua thanh vắng, mơ thấy hoa rơi,
Đáng thương cho người đã nửa mùa xuân chưa về nhà
Nước sông trôi xuôi, xuân đi sắp hết
Trăng lặn trên bãi sông, trăng xế về tây

Trăng xế chìm dần lẩn trong sương mù mặt bể
Núi Kiệt Thạch, sông Tiêu Tương đường thẳm không cùng
Chẳng biết nhân ánh trăng đã mấy người về
Trăng lặn, rung rinh mối tình, những cây đầy sông.

Dịch thơ (Bản dịch của Trần Trọng Kim)

Sông liền biển, nước xuân đầy dẫy
Trăng mọc cùng triều dậy trên khơi
Trăng theo muôn dặm nước trôi
Chỗ nào có nước mà trời không trăng?

Dòng sông lượn quanh rừng thơm ngát
Trăng soi hoa trắng toát một màu
Trên không nào thấy sương đâu
Trắng phau bãi cát ngó hầu như không.

Không mảy bụi trời sông một sắc
Một vầng trăng vằng vặc giữa trời
Trăng sông thấy trước là ai
Đầu tiên trăng mới soi người năm nao.

Người sinh hoá kiếp nào cùng tận
Năm lại năm trăng vẫn thế hoài
Trăng sông nào biết soi ai
Dưới sông chỉ thấy nước trôi giữa dòng.

Mảnh mây bạc mông lông đi mãi
Rừng phong xanh trên bãi gợi sầu
Thuyền ai lơ lững đêm thâu
Trong lầu minh nguyệt chỗ nào tương tư.

Trên lầu nọ trăng như có ý
Vào đài trang trêu kẻ sinh ly
Trong rèm cuốn cũng không di
Trên chày đập áo phủi thì vẫn nguyên.

Trên lầu nọ trăng như có ý. Vào đài trang trêu kẻ sinh ly. (Ảnh: Pinterest.com)

Mong nhau mãi mà tin bặt mãi
Muốn theo trăng đi tới cạnh người
Nhạn bay trăng cứ đứng hoài
Cá rồng nổi lặng nước trôi thấy nào.

Đêm trước thấy chiêm bao hoa rụng
Thương quê người chiếc bóng nửa xuân
Nước sông trôi hết xuân dần
Trăng sông cũng lặn xế lần sang tây.

Trăng xế thấp chìm ngay xuống bể
Cách núi sông xa kể dường bao
Cõi trăng về ấy người nào
Cây sông trăng lặn nao nao mối tình

Tịnh Tâm

Exit mobile version