Đại Kỷ Nguyên

Vầng trăng sáng có tự khi nào, nâng chén rượu lên hỏi trời cao

Ánh trăng sáng đã làm mê đắm bao thế hệ thi nhân, khiến con người không khỏi tự hỏi về nguồn gốc của mình khi đứng trước cái mênh mông khôn cùng của vũ trụ…

“Vầng trăng sáng có tự khi nào
Nâng chén rượu lên hỏi trời cao
Chẳng biết cung điện trên chốn ấy
Đêm nay đã là đêm năm nào?”

Câu hỏi ấy của Tô Thức cũng là cái thắc mắc muôn thuở của nhân loại tự thuở hoang vu đất trời mới tỏ. Người xưa có câu: “Văn dĩ tải đạo”. Thi nhân, văn nhân xưa vốn là lớp người luôn nhạy cảm, thao thức với thời cuộc, nắm bắt những hơi thở vi tế nhất của thiên nhiên và lòng người.

Chẳng biết cung điện trên chốn ấy, đêm nay đã là đêm năm nào? (Nguồn ảnh: blog.udn)

Do vậy, con chữ không chỉ là cuộc chơi của kẻ có học mà còn là chức trách của những người dẫn hướng tư tưởng của thời đại. Ánh trăng ấy đã làm mê đắm bao thế hệ thi nhân, cũng từ đó gây một nan đề trong nhận thức của con người về nguồn gốc của mình khi đứng trước cái mênh mông khôn cùng của vũ trụ. Thi nhân – nhà tư tưởng hơn người thường ở chỗ đó.

Con người sống trong cảnh gió mát trăng thanh, có ai là không vui thích. Nhưng người bình dân thì chấp nhận nó như một hiện tượng muôn năm của thiên nhiên, an hưởng cảnh vui thú ấy như sự đời vốn thế, không có cái suy tư sâu lắng và rộng mở của thi nhân. Thế thôi cũng đã tốt rồi. Đời người ngắn ngủi vô thường, có mấy thời gian mà được hưởng cảnh:

“Bạn ngư tiều dãi dầu trên bãi
Vốn đã quen gió mát trăng trong
Một vò rượu nếp vui gặp gỡ
Chuyện đời tan trong chén rượu nồng”

(Lâm Giang Tiên – Dương Thận)

Một vò rượu nếp vui gặp gỡ, chuyện đời tan trong chén rượu nồng. (Nguồn ảnh: ĐKN)

Cảm ơn trăng, đa tạ gió, các vị đã cho chúng ta những giờ phút khoái hoạt bên chén rượu nồng trong câu chuyện đời với bằng hữu. Thế cũng đã đủ sung sướng lắm rồi.

Hay như tài tử Kim Trọng, giai nhân Thúy Kiều sau đoạn đời ly tán, tan rồi lại hợp, chỉ muốn được sống trong cảnh:

“Khi chén rượu, khi cuộc cờ
Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên”

Vì xưa kia đã có lúc vầng trăng ly biệt từng xẻ làm đôi để cho người ra đi – Thúc Sinh giữ một nửa:

“Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường”

Đây là vầng trăng Nguyễn Du viết cho nàng Kiều, một thân phận ở trong cảnh “lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung” nên thấm đẫm cái nhân tình thế thái, bận rộn với những buồn thương của kiếp người.

Cho nên, ý tứ của Tô Đông Pha mới đầy phong vị và khác biệt về tư tưởng. Thi nhân từ cõi người, qua ánh trăng mà gửi thắc mắc của mình lên thiên giới.

“Vầng trăng sáng có tự khi nào
Nâng chén rượu lên hỏi trời cao
Chẳng biết cung điện trên chốn ấy
Đêm nay đã là đêm năm nào”

Chẳng biết cung điện trên chốn ấy, đêm nay đã là đêm năm nào (Nguồn ảnh: Pinterest)

Bốn câu thơ trên là ở trong bài “Thủy điệu ca đầu” của Tô Thức, tức Tô Đông Pha. Đêm Trung Thu năm Hy Ninh thứ 9 đời Tống Thần Tông (tức năm Bính Thìn 1076), Tô Thức uống rượu vui đến sáng, nhớ đến em là Tử Do (tức Tô Triệt) mà làm bài từ này. Tô Triệt, em trai nhưng cũng là bạn văn, vốn dĩ cũng chung niềm suy tư của những trí thức tài hoa tri kỷ.

Đêm ấy Tô Thức uống rượu say ngất ngưởng rồi múa may dưới bóng trăng, cũng múa bút mà gửi đôi lời nhắn nhủ lên trời cao. Phong cách ung dung tiêu sái ấy không kém Lý Bạch sống cách đó mấy trăm năm uống rượu say rồi nhảy xuống sông ôm bóng trăng mà thác.

Thi nhân thắc mắc nơi thiên giới ấy đã là năm tháng nào như một người xa quê đã lâu ngày bất giác bồi hồi tự hỏi: “Quê nhà năm đó bây giờ ra sao?”. Nhưng ký ức xưa giờ đã phai nhạt quá, cái tình người đã gắn bó với nhân gian quá nên thi nhân lại e trên ấy lạnh lẽo chẳng nóng ấm tình người.

“Ta muốn cưỡi gió bay lên vút,
Lại sợ lầu quỳnh cửa ngọc,
Trên cao kia lạnh buốt.”

Cho nên, nửa muốn lên tiên giới, nửa bị nhân tình kéo xuống nhân gian. Chỉ có thể ở nơi lưng chừng:

“Đứng dậy múa giỡn bóng
Cách biệt với nhân gian”

Rồi vẫn lại những ngậm ngùi của kiếp người, những nỗi lòng của kẻ tài hoa bất đắc chí mà có lúc bên mình vắng lặng, đêm thu trăng sáng mà ngắm trăng, uống rượu, làm thơ một mình:

“Sao cứ biệt ly thì trăng tròn?
Ðời người vui buồn ly hợp,
Trăng cũng đầy vơi mờ tỏ,
Xưa nay đâu có vạn toàn.”

Sao cứ biệt ly thì trăng tròn? Ðời người vui buồn ly hợp (Nguồn ảnh: Jianshu.com)

Chúng ta cũng sẽ gặp lại những ưu tư như thế trong bài Tĩnh Dạ Tứ của thi tiên Lý Bạch:

“Đầu giường ánh trăng rọi
Ngỡ mặt đất phủ sương
Ngẩng đầu nhìn trăng sáng
Cúi đầu nhớ cố hương”

Lý Bạch vốn người Cam Túc, nhưng sinh trưởng ở làng Thanh Liên, huyện Xương Long, thuộc Miên Châu, Tứ Xuyên. Cả cuộc đời Lý Bạch phiêu bạt giang hồ, có lúc làm đại trí thức, kẻ tài hoa siêu quần bạt chúng được ân sủng chốn cung đình, có khi bị thất sủng tìm vui ở giữa thế gian.

Lý Bạch cứ đi, đi mãi, đi tìm lý tưởng của mình trong thơ và Đạo. Nhưng thi tiên cũng có lúc chồn chân mỏi gối. Đấy là lúc thi tiên bâng khuâng khi gặp ánh trăng mê mẩn giữa một mái nhà tranh trong núi sâu rừng thẳm hay giữa quán trọ đời.

Hai câu đầu tả cảnh, lấy ánh trăng làm duyên cớ.

Hai câu sau tả tình. Ta nhìn thấy sự ngạc nhiên của Lý Bạch khi thấy ánh trăng ở đầu giường. Người ngước mắt lên nhìn ánh trăng dịu dàng đằm thắm rồi cúi mặt lặng sâu trong niềm nhung nhớ. Hình như ta nghe có tiếng người khe khẽ thở dài. Hai câu thơ trên chính là một thể đối.

Ngẩng đầu – cúi đầu
Nhìn – nhớ
Trăng sáng – cố hương

Khoảng cách giữa cái ngẩng đầu và cúi đầu ấy chính là một niệm, một niệm đưa Lý Bạch về với cố hương xa tít tắp.

Ngẩng đầu nhìn trăng sáng, cúi đầu nhớ cố hương (Nguồn ảnh: Pinterest)

Điểm mấu chốt là cố hương nào? Cam Túc hay Tứ Xuyên?

Ta nhớ rằng, Lý Bạch không chỉ là một trí thức, một nhà thơ mà còn là một người tu Đạo. Ông còn được gọi là Thi Tiên, Tửu Tiên, Trích Tiên Nhân. Bạn văn Hạ Tri Chương thì gọi ông là Thiên Thượng Trích Tiên (ông tiên bị giáng trần lưu đày).

Cả cuộc đời Lý Bạch chẳng cầu công danh, chỉ muốn làm bạn với thiên nhiên sông núi và những tâm hồn khoáng đạt. Đấy là chí hướng của bậc tu Đạo thời xưa. Lý Bạch đã từng khắc khoải với nỗi buồn không về được tiên giới trong bài thơ nổi tiếng “Tuyên Châu Tạ Diễu lâu tiễn biệt Hiệu thư Thúc Vân”:

Dịch nghĩa:

Bỏ ta mà đi
Ngày của ngày qua không giữ được
Làm rối lòng ta
Ngày của ngày nay biết bao chuyện ưu phiền
Gió dài vạn dặm đưa cánh nhạn thu bay đi
Trước cảnh ấy chỉ có thể say trên lầu cao
Văn chương Bồng Lai có cái cốt cách Kiến An
Trung gian lại có ông Tiểu Tạ phong cách tuyệt vời
Mang đầy hứng khởi, ý tứ hùng tráng bay lên
Muốn lên đến trời xanh để nắm bắt vầng trăng sáng
Rút đao chém xuống nước nước càng chảy mạnh
Nâng chén tiêu sầu càng sầu thêm
Con người ta ở nơi trần thế nếu chưa thoả ý
Sớm mai xoã tóc luớt chiếc thuyền nhỏ rong chơi.

Ngày của ngày nay biết bao chuyện ưu phiền, gió dài vạn dặm đưa cánh nhạn thu bay đi (Nguồn ảnh: lifgoo.com)

Từ ý tứ ấy, thì cố hương đây không phải là Cam Túc hay Tứ Xuyên mà là nơi miền thượng giới. “Cố hương” lại chữ đối chữ với “trăng sáng”, nó phải mang tầm vóc tương đương, thì rõ ràng nó không phải là chốn nhân gian rồi.

Tất nhiên, lối thơ của người xưa là mượn cảnh mà tả tình, ngôn tại ý ngoại. Vầng trăng chỉ là hình tượng gợi nỗi nhớ cố hương của thi nhân ở nơi thiên thượng. Lý Bạch có lẽ không hẳn là người lữ khách nhớ nhà bình thường như suy diễn của hậu thế. Ông là tiên ông giáng trần (Thiên Thượng Trích Tiên) nhớ về cố hương ở chốn cao xanh thăm thẳm.

Có lẽ thừa hưởng cái tinh thần ấy của người xưa, một nhà thơ vĩ đại khác của xứ Việt là Tản Đà đã viết trong bài “Muốn làm thằng Cuội”:

Đêm thu buồn lắm! Chị Hằng ơi!
Trần thế em nay chán nửa rồi.
Cung quế đã ai ngồi đó chửa?
Cành đa xin chị nhắc lên chơi.

Có bầu, có bạn, can chi tủi,
Cùng gió, cùng mây, thế mới vui.
Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám.
Tựa nhau trông xuống thế gian, cười.

Tiếng thở dài chán nản của người bất đắc chí ư? Không, đó chỉ là nỗi tiếc nuối của người sinh sau đẻ muộn, muốn nối chí của người xưa nhưng thời thế nay đã khác.

Hình như vẫn là chị Hằng sáng tỏ của thời Lý Bạch, Tô Thức, nhưng quan niệm của thế gian nay đã khác rồi. Hậu thế đã không còn hiểu được tiền nhân, chỉ còn Tản Đà lạc lõng ở lại.

Con người mang hồn của thời Đường, Tống, của muôn năm cũ ấy, hồn đã muốn bay về với cung Quế nhưng vì sinh nhầm thời nên thân xác nặng nề đành rơi rớt lại. Nên còn ì ạch mãi với thế gian. Vậy nên thi nhân đã nhỡ chuyến tàu lên cung Quảng Hàn với tiền nhân. Nên chán, nên buồn.

(Nguồn ảnh: Goody25)

Cảm hứng của thi nhân xưa với ánh trăng quả là vô tận. Nếu bàn nữa có lẽ đến mùa Trung Thu sau cũng chưa hết. Tác giả cũng chỉ mong chấm phá vài nét để trợ hứng giúp bạn đọc trong mùa vui Trung Thu.

Ngắm trăng cũng là một cái thú, với điều kiện là lòng không lo buồn, tâm phải tĩnh lặng, đừng bàn thế sự, cấm tiệt chuyện làm ăn, chỉ nói chuyện gió trăng mà thôi. Xung quanh cũng đừng ồn ã mới có thể khêu gợi nhã hứng. Đặc biệt lại có ấm trà ngon, chậu hoa quỳnh đang nở thì còn gì bằng. Lúc ấy ta sẽ có thể họa may gần hơn với cảnh ý của người xưa để phần nào hiểu được những thông điệp từ quá khứ.

Tỉnh Thức

Exit mobile version