Bức tranh “Chưa ai đợi anh về” của họa sĩ Nga Ilya Repin (1888) mô tả cảnh một người người lính vừa đi qua cuộc chiến trở về nhà. Thay cho không khí đoàn viên sum họp là sự bình yên của gia đình bị đảo lộn. Dường như mọi người trong gia đình chưa chuẩn bị tâm thế cho giây phút này…
Bức tranh “Chưa ai đợi anh về” nghĩa nguyên gốc mô tả cảnh một người tù trở về nhà. Nhưng không hiểu vì sao, rất nhiều người lại liên tưởng nhân vật trong bức tranh là hình ảnh người người lính vừa đi qua cuộc chiến. Cũng có thể anh là một tù binh sau chiến tranh, bởi dáng đứng, thế tay,… tác phong của anh là của nhà binh.
Cả gia đình đều nghĩ anh đã chết rồi. Cái chết của anh, một người lính hi sinh trên sa trường, đem lại vinh dự và tự hào cho họ. Nhưng thay vì anh hi sinh vì tổ quốc, thì anh chỉ bị bắt làm tù binh và một thời gian sau thì anh trở về. Điều này khiến sự bình yên của gia đình bị đảo lộn. Dường như mọi người trong gia đình chưa chuẩn bị tâm thế cho giây phút này… Giây phút anh là một người hùng – đã chết trở thành tù binh – còn sống. Anh trở về khiến ánh hào quang bởi cái chết giả của anh đem lại cho gia đình mình bỗng chốc tan biến. Những người thân nhìn anh, thay vì ánh mắt yêu thương của một người từ cõi chết trở về thì họ nhìn anh bằng ánh mắt bất ngờ, đầy hoài nghi.
Họ không hoài nghi anh là ai, anh vẫn là anh, là người chồng, người cha của họ đó thôi. Họ hoài nghi cái lí do anh trở về, anh trở về trong bộ dạng của một kẻ tù binh, ngoài ra chẳng có gì cả. Thậm chí ánh mắt của họ nhìn anh, cảm giác như nhìn “một người chết”.
Đây chính là sự diệu kì của những tác phẩm nghệ thuật lớn, đã thể hiện được bi kịch lớn trong đời người đàn ông. Từ xưa đến nay, ai cũng mong muốn người đàn ông của mình phải đội trời, đạp đất, đem vinh quang, tiền bạc cho gia đình mà không biết rằng họ cũng chỉ là con người. Trong lòng họ cũng có bao nhiêu bi kịch âm thầm mà dữ dội, có thể đã có những nỗi buồn, những tâm sự khó nói của một người chồng, một người Cha.
Bài thơ dưới đây của tác giả La Vinh đã bộc lộ rất rõ tâm trạng của người lính trở về, với những câu thơ xé lòng :“Tìm những nét thân yêu của ngày nào từ mắt anh thất thần bốc lửa. Bởi vì sao? Chẳng ai đợi anh về…”
Chưa ai đợi anh về!
Họ không nghĩ có một ngày rồi anh trở lại
Trong căn nhà đã vắng tiếng đàn ông
Họ không nghĩ sẽ gặp anh trong bải hoải
Bước vào nhà, như Thần Chết, một chiều đông.
Anh vẫn bước đều trên sàn gỗ mênh mông
Tiếng gót giày trường chinh làm chuyển rung ngôi nhà yên ả
Tiếng dương cầm chói lên một âm thanh rất lạ
Rồi lặng yên…
những đôi mắt nhìn anh.
Ôi người lính, Anh trở về, khi đi qua cả cuộc chiến tranh
Một hình xác khô gầy với đôi mắt lạnh tanh
Đôi mắt lạnh không hồn vằn lên tia hằn học
Với ai đây? Với vợ con anh?!
Vẫn dáng ấy – cỗ động cơ – người lính
Sắp kéo chân nghiêm để báo cáo chỉ huy
Tay phải thừa, không biết để làm gì
Muốn buông thõng, mà hình như không muốn thế.
Đã bước về trong tổ ấm ngày xưa
Như cơn gió chiến trường ùa vào nhà cái rét
Hôi hám bụi trường chinh, mặt võ vàng xác chết
Anh trở về đây? Ai đợi? Ai trông?
Xa lạ quá phải không anh, căn nhà vốn rất quen
Sao ghẻ lạnh chối từ muốn xua anh về mặt trận?
Anh chiếm riêng một không gian,
để bên kia là tổ ấm
Ánh sáng của hoàng hôn
trả ký ức cho mọi người
nhớ lại khoảng trời quên.
Cái cổ gầy của anh mong vòng tay siết chặt
Đôi má lõm đầy râu ria đang chờ một nụ hôn
Trước mặt anh cô ấy tựa không hồn
Sờ sững với bàn tay không biết tìm chỗ dựa.
Tìm những nét thân yêu của ngày nào
từ mắt anh thất thần bốc lửa
Bởi vì sao? “Chẳng ai đợi anh về”…
Anh mang vào nhà anh một âm khí nặng nề
Con út nhỏ nhớn nhác nhìn, co rúm người kinh hãi
Thằng thứ ba láu lỉnh nghểnh mắt trông
Đứa gái lớn nhìn cha, lòng chưa hết bâng khuâng
Dư âm của tiếng đàn vừa dừng lại…
Anh bước vào nhà anh như một con thú lạ
Với điệu đi, dáng đứng, cánh tay hờ…
Vất vả chiến tranh đã làm anh chai đá…
Anh bước vào nhà anh
chưa ai đợi, ai chờ…
Clip ý nghĩa: Hành khúc Radetzky – Bản quốc ca Áo không chính thức, dành cho chiến tranh nhưng chỉ ngợi ca hòa bình