Thomas Moran là một trong những họa sĩ Bắc Mỹ quan trọng nhất của thế kỷ 19. Ông là một phần của thế hệ họa sĩ phong cảnh vĩ đại thứ hai của Hoa Kỳ.

Họa sĩ Thomas Moran sinh ngày 12 tháng 2 năm 1837 tại Bolton, Lancashire, vùng trung tâm công nghiệp Anh, cũng là quê hương thời thơ ấu của họa sĩ phong cảnh tiên phong nổi tiếng của Mỹ Thomas Cole. Họa sĩ này từng nói:

Tôi sử dụng trí nhớ của mình. Tôi đã được đào tạo từ khi còn trẻ, vì vậy trong khi phác thảo và tô màu bức tranh, ấn tượng không thể phai mờ trong tâm trí tôi về các đặc điểm của phong cảnh và sự kết hợp của màu sắc, khi trở lại trong studio của tôi, chất liệu màu nước sẽ gợi lại sống động tất cả các đặc thù nổi bật của cảnh vật mà tôi đã đến thăm“.

Thomas Moran là người đã mang phong cách đặc trưng của “chủ nghĩa tự nhiên” thấm đẫm với yếu tố tâm linh, được phát triển từ những người tiên phong như Thomas Cole và áp dụng vào những khung cảnh mới mẻ. Nhưng trong khi những người tiếp nối Cole như Frederic Edwin Church đã cố định ánh sáng tinh túy trên dãy núi Andes của Nam Mỹ, thì sự chú ý của Moran đã hướng về phía tây, đến những dãy núi Rocky và Công viên Quốc gia Yellowstone. Vẽ theo phong cách có thể vượt qua cả Cole và Church về sự hùng vĩ của tự nhiên – mặt biển và bầu trời trong tranh của ông có một chất lượng tuyệt vời như của J.M.W. Turner – ông đã mở ra một phần hoàn toàn mới của cảnh quan Bắc Mỹ cho trí tưởng tượng của cộng đồng người định cư.

Bức tranh “Hoàng hôn” (ảnh: artsy).

Công việc của J.M.W Turner là một ví dụ điển hình cho nhiều người cùng thời với Moran. Nhưng có lẽ không có họa sĩ phong cảnh Bắc Mỹ nào của thế kỷ 19 thừa hưởng sự tráng lệ của những địa hình gồ ghề của Turner như Moran. Các phẩm chất kết hợp sự thăng hoa và cội rễ rõ ràng trong cảm xúc con người chính là yếu tố tốt nhất trong tranh của Moran.

Bức tranh “Sông xanh, Wyoming” (ảnh: PaintingHere).

Tác phẩm của Moran thể hiện chất lượng của thăng hoa trong nghệ thuật, theo đó, những cảnh tượng thiên nhiên vĩ đại – hoặc đôi khi là nhân tạo – tạo ra cảm giác nể sợ cho người xem. Grand Canyon và các địa danh khác của miền Tây nước Mỹ xuất hiện rất rộng lớn và kỳ lạ trong tác phẩm của ông, đến nỗi chúng dường như vượt qua các kinh nghiệm và cảm xúc của con người. Đây là một phẩm chất mà Moran và các họa sĩ phong cảnh Mỹ khác mượn trực tiếp từ các bậc tiền bối châu Âu thế kỷ 18, như họa sĩ kịch tính Caspar David Friedrich.

Bức tranh “Đảo Fort George” (ảnh: PaintingHere).

Những tác phẩm đặc biệt nhất của Moran

Các tác phẩm nghệ thuật dưới đây là quan trọng nhất của Thomas Moran – vừa tổng quan về các thời kỳ sáng tạo lớn, vừa làm nổi bật những thành tựu lớn nhất của nghệ sĩ này.

  1. Hẻm núi lớn của Yellowstone (1872)

Bức tranh khổng lồ này thể hiện kỹ năng của Moran như một bậc thầy về màu sắc, nhưng cũng cho thấy khả năng kết hợp địa hình thực tế với khung cảnh thần thoại. Bố cục của bức tranh được phân chia bởi một hình chữ V rộng lớn, khi sông Yellowstone nổi bật với phong cảnh núi đá, gợi lên cảm giác mạnh mẽ của thời nguyên thủy. Con sông, mặc dù bị lấn át bởi khối núi, vẫn khẳng định sức mạnh khi dòng chảy của nó quyết định bố cục của tác phẩm. Các cột ánh sáng đổ xuống các mặt đối diện của vịnh, thu hút sự chú ý đến các tầng đá. Những cây Linh sam và cây thông kéo vươn lên bầu trời, trong khi ở phía trước thấp hơn, một nhóm người Mỹ bản địa là sự xuất hiện duy nhất của con người trong cảnh tượng tuyệt đẹp này.

Bức tranh “Hẻm núi lớn của Yellowstone” (ảnh: Smithsonian American Art Museum).

Giống như nhiều bức tranh khác của Moran, tác phẩm này kết hợp con mắt tinh tường của người theo chủ nghĩa tự nhiên với cảm giác mạnh mẽ về thần thánh. Sự vĩ đại của khung cảnh này còn được tăng cường nhờ quy mô của bức tranh: 2,13m x 3,66m – “Grand Canyon” là bức tranh lớn nhất mà Moran từng tạo ra và ông trìu mến gọi đó là ‘Bức tranh lớn‘ của mình.

2. Vực thẳm của Colorado (1873-1874)

Trọng tâm của tác phẩm này đồng thời là về sự vững chắc của núi đá trong cảnh quan nước Mỹ và cả khoảng trống bao trùm nó. Theo nghĩa đen, tác phẩm tập trung vào một vực thẳm rộng lớn, hút hết ánh sáng, sự sống và nước, mà ở đáy của nó là con sông Colorado nhỏ bé. Về mặt biểu tượng, bức “Vực thẳm của Colorado” đặt ra những câu hỏi quan trọng về bản chất của cảnh quan mà Hoa Kỳ đã truyền bá các quan niệm về nền văn minh. Khung cảnh không có người ở có một bầu không khí gần như “ngày tận thế”. Trong khi đó, con rắn đặt ở phía trước có tác dụng thêm vào bố cục của bức tranh một mẩu truyện ngụ ngôn trong Kinh Thánh.

Bức tranh “Vực thẳm của Colorado” (ảnh: Smithsonian American Art Museum).

Tiếp nối truyền thống của những người tiền bối châu Âu như Casper David Friedrich, Moran đang đưa vào khái niệm về sự thăng hoa, với ý tưởng rằng một cảnh quan thiên nhiên vừa có thể thể hiện những phẩm chất của cái đẹp, rồi ngay lập tức gây cảm hứng và kinh sợ cho người xem, bởi vì chúng đại diện cho lực lượng vượt quá quy mô của sự tồn tại của con người. Trong cảnh quan này, cảm giác đó được tăng cường bởi sự vắng mặt hoàn toàn của cuộc sống con người, và bởi vị trí của người xem được đặt cao gần như ngang tầm với những đám mây. Tác phẩm này trên thực tế được vẽ từ một cao điểm tại Cao nguyên Powell, một đỉnh núi phía tây bắc của Grand Canyon.

3. Mặt trời đỏ rực hạ xuống thiêu cháy con đường dọc theo thiên đàng (1875-1876)

Tác phẩm này là một trong những cảnh bờ phía nam của hồ Superior, hồ lớn nhất của Bắc Mỹ. Theo cách tiếp cận được phát triển bởi Claude Lorrain, và sau đó được liên kết với J.M.W Turner, hầu hết bố cục được dành cho bầu trời rộng lớn, mang đầy màu đỏ của lửa, cam và vàng. Mặt trời thắp sáng hơi nước trong bầu khí quyển như thể biến nó thành đống lửa, một màu sắc gây sốc, phản chiếu lần lượt trên những con sóng lớn, tối tăm bên dưới. Nổi lên từ cảnh này là một chiếc cổng vòm bằng đá, bao quanh bởi nước và sương mù. Cổng vòm là một mô-típ quan trọng của Moran khi ông muốn tham khảo nghệ thuật và kiến ​​trúc cổ điển châu Âu trong các mô tả của ông về Thế giới mới kỳ lạ – nước Mỹ.

Bức tranh “Fiercely the Red Sun Descending Burned His Way Along the Heavens” (ảnh: Search View).

Tác phẩm này lấy tiêu đề từ một bài thơ của Henry Wadsworth Longfellow: “Fiercely the Red Sun Descending Burned His Way Along the Heavens”. Tuy nhiên bức tranh này chủ yếu bày tỏ sự ngưỡng mộ của Moran đối với thần tượng JMW Turner. Tác phẩm năng động với màu sắc mạnh và một cảnh tượng dữ dội ngay lập tức tôn vinh sức mạnh tuyệt vời của thiên nhiên.

Theo THE ART STORY

Clip hay:

videoinfo__video3.dkn.tv||164c40544__