Có lẽ thính giả hâm mộ âm nhạc của Beethoven đã biết rằng tất cả những bản nhạc của ông đều là những tuyệt tác xuất sắc của nghệ thuật. Những chương nhạc luôn biểu hiện thành công những gì là sâu thẳm nhất của nội tâm, của tình yêu và sự lãng mạn. Những nét nhạc ấy lộng lẫy và kiều diễm, dễ dàng thấm vào từng nhịp đập trái tim.
Piano Sonata No. 15 in D major, Op. 28 là bản Sonata dành cho độc tấu piano số 15, nằm trong Opus 18 của Beethoven, được viết trên giọng Rê trưởng. Tác phẩm còn có tên Pastoral hoặc Pastorale được biết đến thông qua A. Cranz xuất bản tác phẩm của Beethoven, nhưng lần đầu tiên được giới thiệu bởi một nhà xuất bản London, Broderip & Wilkinson. Tác phẩm không nổi tiếng như những tác phẩm trước đây, Piano Sonata số 14, nó thường được ngưỡng mộ vì kỹ thuật phức tạp cũng như vẻ đẹp của nó. Sonata mất khoảng hai mươi lăm phút để chơi.
Xuất bản năm 1801, tác phẩm dành riêng cho Bá tước Joseph von Sonnenfels.
Piano Sonata No. 15 in D major, Op. 28 gồm 4 chương:
Chương 1: Allegro
Chương 2: Andante
Chương 3: Scherzo: Allegro vivace
Chương 4: Rondo: Allegro ma non troppo
Clip là trọn vẹn tác phẩm được biểu diễn bởi nghệ sỹ Maurizio Pollini
Chương 1 phát triển trên nhịp nhanh Allegro một cách lãng mạn, với những nét nhạc trữ tình lả lướt mơ mộng và mang đậm chất bùng nổ mạnh mẽ của tác giả. Chính sự pha trộn tuyệt vời ấy đã tạo nên độ khó thể hiện cho những nghệ sỹ biểu diễn nó, bởi mỗi nghệ sỹ sẽ hiểu tác phẩm ở mức độ khác nhau với cảm nhận và kinh nghiệm khác nhau.
Chương 2 vẫn giữ nguyên những nét lãng mạn của chương 1 nhưng được tô điểm thêm những điểm nhấn rất mạnh mẽ, và được tô điểm bằng kỹ thuật Staccato chiếm trọn vẹn cả chương, hơn nữa chương 2 lại được viết trên giọng Rê thứ, khác với chương 1 là Rê trưởng. Vì vậy chương 2 tạo được một sức hút rất lạ đối với thính giả. Đó chính là bút pháp đầy tương phản của Beethoven.
Chương 3 xuất hiện như một sự gia tăng tính hài hước vui tươi cho toàn bộ tác phẩm, được viết theo cấu trúc của Scherzo nên thính giả có thể nhận thấy, ngoài phần điệp khúc được chuyển giọng và chơi trên nhịp rất nhanh Allegro vivace thì chủ đề được lặp đi lặp lại liên tục từ lúc mở đầu chương cho tới lúc kết thúc.
Có thể xem chương 4 là chương nhạc đắt giá nhất trong tác phẩm, bởi tính hài hòa cân đối, lãng mạn, mạnh mẽ, trong sáng, vui tươi, tràn ngập một cảm giác thức tỉnh của nó. Chương nhạc đem tới cho thính giả cảm giác bay bổng thoát tục, sự thăng hoa tâm hồn ấy là vô cùng quý giá trong thưởng thức âm nhạc cổ điển.
Đôi nét về tác giả
Ludwig van Beethoven (17 tháng 12 năm 1770 – 26 tháng 3 năm 1827) là một nhà soạn nhạc cổ điển người Đức. Phần lớn thời gian ông sống ở Viên, Áo.
Ông là một hình tượng âm nhạc quan trọng trong giai đoạn giao thời từ thời kỳ âm nhạc cổ điển sang thời kỳ âm nhạc lãng mạn. Ông có thể được coi là người dọn đường (Wegbereiter) cho thời kỳ âm nhạc lãng mạn.
Beethoven được khắp nơi công nhận là nhà soạn nhạc vĩ đại nhất, nổi tiếng nhất và có ảnh hưởng tới rất nhiều những nhà soạn nhạc, nhạc sĩ, và khán giả về sau.
Trong số những kiệt tác của ông phải kể đến các bản giao hưởng như Giao hưởng số 2 Rê trưởng, Giao hưởng số 3 Mi giáng trưởng (Anh hùng ca), Giao hưởng số 5 Đô thứ (Định mệnh), Giao hưởng số 6 Fa trưởng (Đồng quê), Giao hưởng số 7 La trưởng, Giao hưởng số 9 Rê thứ (Niềm vui), các tác phẩm cho dương cầm như Für Elise và các sonata Bi tráng (Pathétique), Ánh trăng (Moonlight), Bình minh (Waldstein), Khúc đam mê (Appasionata)… các sonata cho vĩ cầm như Mùa xuân (Spring), Kreutzer… các Piano Concerto số 2, số 3, số 5 Emperor (Hoàng đế), Violin Concerto D major… các khúc mở màn Overture Coriolan, Leonore, Egmont… và vở Opera duy nhất Fidelio, v.v.
Kim Cương