Symphony No. 4 in B-flat major, Op. 60 là bản giao hưởng cung Si giáng trưởng số 4 của Beethoven, được sáng tác vào mùa hè năm 1806. Bản giao hưởng đầy nắng và vui vẻ, gợi lại những bản giao hưởng hay của Joseph Haydn, người thầy của Beethoven.
Tác phẩm được trình diễn lần đầu tiên vào tháng 3 năm 1807 tại nhà của hoàng tử Franz Joseph von Lobkowitz và dành tặng cho Bá tước Franz von Oppersdorff, họ hàng với hoàng tử.
Tác phẩm của Beethoven gồm 4 chương theo đúng truyền thống của nhạc cổ điển châu Âu:
Chương 1: Adagio – Allegro vivace
Chương 2: Adagio
Chương 3: Menuetto: Allegro vivace
Chương 4: Allegro ma non troppo
Clip là trọn vẹn tác phẩm được biểu diễn trực tiếp bởi dàn nhạc giao hưởng Royal Concertgebouw Orchestra và nhạc trưởng chỉ huy Carlos Kleiber:
Chương 1: Adagio-Allegro: Chương này được mở đầu bởi các nhạc cụ bộ gỗ. Các nhạc cụ này làm nền cho các nhạc cụ bộ dây. Phần Adagio chỉ kéo dài hơn 2 phút. Các nhạc cụ bộ dây kết thúc nó và thể hiện sự nối tiếp rõ ràng với phần Allegro phía sau. Vẫn như nhiều tác phẩm của Beethoven, tác phẩm đã thể hiện rõ phong cách anh hùng ca nhưng cũng rất giản dị.
Nói chung, bản giao hưởng đầy nắng và vui vẻ, với nhạc cụ nhẹ gợi lại những bản giao hưởng hay của Joseph Haydn, người thầy của Beethoven. Mặc dù được viết theo phong cách gần giống với hai bản giao hưởng đầu tiên của Beethoven, bản No. 4 chứa nhiều khía cạnh cho thấy sức mạnh ngày càng tăng của ông với tư cách là nhà soạn nhạc, đáng chú ý nhất là phần nhạc chủ đề ban đầu lại được viết trên giọng Si giáng thứ trên nhịp Adagio cho chương đầu tiên.
Chương 2: Adagio: Đây là một chương chậm. Có thể nói phong cách âm nhạc của chương này có điểm khá giống với chương 3 của bản giao hưởng số 9 của chính tác giả. Nhẹ nhàng, nhưng cũng không thiếu lúc bùng lên mạnh mẽ rồi lại lắng xuống, đồng thời vô cùng lãng mạn, bộc lộ trên những nét nhạc trang nhã tình tứ, thấm đẫm tình yêu và sự trong sáng. Hector Berlioz say mê chương thứ 2 của bản giao hưởng đến nỗi ông tuyên bố đó là tác phẩm của Tổng lãnh thiên thần Michael, chứ không phải của con người. Robert Schumann gọi Bản giao hưởng thứ tư duyên dáng của Beethoven là “thiếu nữ Hy Lạp mảnh khảnh giữa hai người khổng lồ Bắc Âu”.
Chương 3: Menuetto-Allegro Vivace: Đây là sự kết hợp độc đáo của Beethoven Có thể nói như vậy vì rất ít nhà soạn nhạc có thể viết theo cấu trúc kiểu đó. Trước Beethoven, người ta chỉ biết đến những giai điệu của minuet (menuetto) cho chương này. Sau Beethoven, dù có thay đổi về giai điệu của chương này, nhưng có người chỉ viết cho nó hoặc là scherzo, hoặc là waltz (như trường hợp của Pyotr Ilyich Tchaikovsky), hoặc là Allegro thông thường chứ dường như ít có sự kết hợp như trong chương 3 của giao hưởng số 4 này. Ông đã kết hợp hài hòa giữa nhịp bước nhảy của minuet với những tiết tấu nhanh của allegro để tạo nên một chương nhạc đặc sắc (thực ra cũng không hoàn toàn là minuet được kết hợp với allegro). Chúng ta hoàn toàn có thể liên tưởng tới chương hai bản giao hưởng số 6 của ông khi nghe chương này, vì cả hai chương này đều có những giai điệu giống nhau.
Chương 4: Allegro ma non troppo: Trở lại với chủ đề và phong cách của phần allegro trong chương 1, nhưng tiết tấu trong chương này nhanh hơn. Mạnh mẽ và giản dị, những từ chúng ta nói về chương 1, hoàn toàn có thể được dùng để nói về chương 4.
Theo nhà âm nhạc học Robert Greenberg, Nhạc viện San Francisco: Nếu bất kỳ người đương thời nào (thời của Beethoven) đã viết bản giao hưởng này, thì nó sẽ được coi là kiệt tác của và nhà soạn nhạc đó và sẽ được nhớ mãi. Nhưng đối với Beethoven, bản giao hưởng này không được đánh giá cao trong 9 bản giao hưởng của ông. Như vậy ta có thể thấy được đẳng cấp của Beethoven đã vượt rất xa các nhà soạn nhạc cùng thời.
Mời quý độc giả cùng thưởng thức!