Đại Kỷ Nguyên

Thưởng thức bản Giao hưởng số 7 của Beethoven: Thứ ‘rượu tiên’ làm vơi đi nỗi buồn của loài người

Beethoven đã từng nói khi nhắc về bản giao hưởng số 7 vô song của mình rằng: “Tôi là hiện thân của thần Bacchus (vị thần của rượu và say sưa trong thần thoại Hy Lạp), người đã ban cho loài người thứ rượu tiên để làm vơi đi nỗi buồn. Và chính con người đã hé lộ về nỗi thống khổ trong thế giới này cho âm nhạc của tôi”

Wagner đã từng ca ngợi Giao hưởng số 7 là “sự thánh hóa vũ khúc” và từng cảm khái:

“Tôi thật không rõ liệu Beethoven có muốn miêu tả một lễ hội Thần rượu ở chương cuối hay không. Tuy nhiên tôi nhận thấy trong lễ hội hăng say này dấu ấn của người vùng Flandre được di truyền của ông, cũng như tôi nhận ra gốc gác của ông trong sự tự do táo bạo về ngôn ngữ và phong cách, thứ lạc lõng một cách kiêu ngạo ở xứ sở của kỉ luật và lòng thần phục. Chẳng ở đâu sức mạnh tự do và bộc trực hơn trong Giao hưởng giọng La trưởng…” (trích trong Cuộc đời Beethoven của tác giả Romain Rolland)

“Tôi là hiện thân của thần Bacchus, người đã ban cho loài người thứ rượu tiên để làm vơi đi nỗi buồn… “(Ảnh: topsimages.com)

Giao hưởng số 7 cung La trưởng, Opus 92 được Beethoven sáng tác khi đang an dưỡng tại thị trấn suối nước khoáng ở Teplice, Bohemia.  Beethoven bắt đầu viết Giao hưởng số 7 vào năm 1811 và hoàn thành nó vào năm 1812.

Symphony No. 7 in A major, Op. 92 gồm 4 chương với tổng thời lượng diễn khoảng 40 phút.

Chương 1: Poco sostenuto – Vivace (A major)
Chương 2: Allegretto (A minor)
Chương 3: Presto – Assai meno presto (trio) (F major, Trio in D major)
Chương 4: Allegro con brio (A major)

Mời quý độc giả thưởng thức “Giao hưởng số 7 cung La trưởng, Opus 92″ – Beethoven:

Chương 1 bắt đầu từ những câu nhạc chủ đề chậm mà vô cùng lộng lẫy hoa mỹ, toát lên phong cách lãng mạn đầy tình yêu của Beethoven. Và trong từng chi tiết, thính giả cũng có thể thấy nhịp co giãn cực kỳ khéo léo bừng lên những kịch tính sôi động của bản giao hưởng.

Chương 2 toát lên chất anh hùng với phong cách bộc lộ nội tâm vô cùng sâu sắc, và mặc dù chơi trên nhịp nhanh Allgretto nhưng sự mượt mà tuyệt vời của nó nếu đem so với chương 1 phía trước thì thính giả sẽ thấy hài lòng trong nghệ thuật cổ điển của tác giả. Đồng thời những câu chủ đề của chương nhạc được lặp lại với sự đan xen của chiều sâu lãng mạn cùng những kịch tính tăng dần khiến chương 2 hấp dẫn lạ thường.

Chủ đề của chương nhạc được lặp lại với sự đan xen của chiều sâu lãng mạn (Ảnh: Antiqueimages)

Chương 3 bất ngờ tăng lên nhịp nhanh Presto và chuyển từ cung La trưởng, giọng nhạc chính của tác phẩm sang cung Fa trưởng. Khi thưởng thức chương nhạc hoành tráng này thính giả cũng có thể thấy được những ý nhạc tuyệt vời trong những tác phẩm khác của Beethoven, điều này cũng có thể xem là phong cách trong bút của nghệ sỹ.

Chương 4 được viết trong dạng sonata với nhịp nhanh cực kỳ sôi động. Có thể nói chương 4 với tất cả những cao trào hoành tráng nhất đã chứa đựng một sức mạnh tinh thần phi thường, đó chính là chất anh hùng ca vĩ đại, mà trong chất liệu âm nhạc ấy, thính giả bừng lên những niềm hân hoan của tự do và tình yêu.

Đôi nét về tác giả

Ludwig van Beethoven (17 tháng 12 năm 1770 – 26 tháng 3 năm 1827) là một nhà soạn nhạc cổ điển người Đức. Phần lớn thời gian ông sống ở Viên, Áo.

Ông là một hình tượng âm nhạc quan trọng trong giai đoạn giao thời từ thời kỳ âm nhạc cổ điển sang thời kỳ âm nhạc lãng mạn. Ông có thể được coi là người dọn đường (Wegbereiter) cho thời kỳ âm nhạc lãng mạn.

Beethoven được khắp nơi công nhận là nhà soạn nhạc vĩ đại nhất, nổi tiếng nhất và có ảnh hưởng tới rất nhiều những nhà soạn nhạc, nhạc sĩ, và khán giả về sau.

Trong số những kiệt tác của ông phải kể đến các bản giao hưởng như Giao hưởng số 2 Rê trưởng, Giao hưởng số 3 Mi giáng trưởng (Anh hùng ca), Giao hưởng số 5 Đô thứ (Định mệnh), Giao hưởng số 6 Fa trưởng (Đồng quê), Giao hưởng số 7 La trưởng, Giao hưởng số 9 Rê thứ (Niềm vui), các tác phẩm cho dương cầm như Für Elise và các sonata Bi tráng (Pathétique), Ánh trăng (Moonlight), Bình minh (Waldstein), Khúc đam mê (Appasionata)… các sonata cho vĩ cầm như Mùa xuân (Spring), Kreutzer… các Piano Concerto số 2, số 3, số 5 Emperor (Hoàng đế), Violin Concerto D major… các khúc mở màn Overture Coriolan, Leonore, Egmont… và vở Opera duy nhất Fidelio, v.v.

Kim Cương

Clip hay: 

Exit mobile version