Đại Kỷ Nguyên

Thưởng thức bản sonata số 3 dành cho cello của Beethoven: Sự phô diễn của những nốt trầm

Beethoven đã thực hiện một ý tưởng táo bạo trong việc sáng tác bản sonata dành cho piano và cello mà trước đó những nhà soạn nhạc lỗi lạc tiền nhiệm đều chưa từng làm.

Vào thời đó, cello vẫn chỉ được hiểu đơn giản là đàn dây dòng bass (âm trầm) và rất ít ai tìm ra được tiềm năng của cello ở vai trò làm nhạc cụ chơi chính. Mozart và Haydn từng sáng tác các bản tứ tấu đàn dây mà trong đó tiếng cello chỉ được làm nổi lên. Cho đến khi bản sonata dành cho piano và cello của Beethoven ra đời thì mỗi nhạc cụ đều có sự nổi bật như nhau.

Đàn cello và quãng âm vực của đàn (Ảnh: wikipedia)

Op. 69 – Sonata for Piano and Cello No. 3 là bản Sonata dành cho song tấu Piano và Cello thứ 3 của Beethoven trên giọng La trưởng. Tác phẩm được viết vào năm 1808 trong thời kỳ giữa của ông. Bản Sonata được sáng tác cùng năm với “Piano Trios Op. 70” và “Ảo mộng hợp xướng”, và cùng năm đó là Bản giao hưởng thứ năm và thứ sáu được công diễn.

Op. 69 – Sonata for Piano and Cello No. 3 được trình diễn lần đầu tiên vào tháng 3 năm 1809 bởi nghệ sĩ cello Nikolaus Kraft và nghệ sĩ piano Dorothea von Ertmann, và dành riêng cho Nam tước Ignaz von Gleichenstein, một người chơi đàn Cello.

Trong cuộc đời của mình, Beethoven đã sáng tác 5 bản sonata cho cello và piano. Mark Kaplan viết: “Nói chung, ghi chú trong Op. 69 ít hơn so với các bản cello đầu tiên … kỹ thuật sáng tác lớn hơn cho phép Beethoven khả năng sử dụng ít ghi chú hơn với sự tự tin.”

Tác phẩm có 4 chương:

Chương 1: Allegro ma no tanto
Chương 2: Scherzo. Allegro molto
Chương 3: Adagio cantabile
Chương 4: Allegro vivace

Clip là trọn vẹn tác phẩm được biểu diễn trực tiếp bởi 2 nghệ sỹ: Dina Bolshakova (cello) – Antti Terävä (piano)

Chương 1 là một chương nhạc nhanh, nhưng toát lên sự trang nhã hồn nhiên, bình yên của cổ điển, khiến tâm hồn thính giả trở nên nhẹ nhõm thảnh thơi khi thưởng thức.

Và tất cả những kỹ thuật trong bài cũng không phức tạp, mà đơn giản trong sự lãng mạn dịu dàng, mà đôi khi được nhấn mạnh bằng những đột biến giữa những đoạn nhạc. Ấn tượng nhất của chương nhạc là Cello phô diễn rất nhiều nốt trầm trong quãng trầm của mình, trong khi piano ào ạt mạnh mẽ thánh thót.

Ấn tượng nhất của chương nhạc là Cello phô diễn rất nhiều nốt trầm trong quãng trầm của mình (Ảnh: 500px)

Chương 2 được viết theo hình thức Scherzo trên nhịp nhanh Allegro molto rất sống động, toát lên sự hài hước nhưng không thiếu phần kịch tính tương phản.

Chương 3 là chương nhạc thăng hoa trên nhịp chậm Adagio cantabile, mặc dù là nhịp chậm, nhưng những đột biến về cấu trúc âm nhạc xuất hiện trùng trùng điệp điệp, khiến chương nhạc trở nên tuyệt đẹp và đầy lôi cuốn. Mà thông qua đó, thính giả có thể thấy sự kết hợp hài hòa giữa 2 nhạc cụ mà Beethoven viết đã đạt mức hoàn mỹ.

Chương 4 là chương nhạc nhanh nhất trong toàn bộ tác phẩm, trong đó những chủ đề được tái hiện rất lãng mạn, khỏe khoắn và trần đầy sinh khí của tình yêu cuộc sống.

Đôi nét về tác giả

Ludwig van Beethoven (17 tháng 12 năm 1770 – 26 tháng 3 năm 1827) là một nhà soạn nhạc cổ điển người Đức. Phần lớn thời gian ông sống ở Viên, Áo.

Ông là một hình tượng âm nhạc quan trọng trong giai đoạn giao thời từ thời kỳ âm nhạc cổ điển sang thời kỳ âm nhạc lãng mạn. Ông có thể được coi là người dọn đường (Wegbereiter) cho thời kỳ âm nhạc lãng mạn.

Beethoven được khắp nơi công nhận là nhà soạn nhạc vĩ đại nhất, nổi tiếng nhất và có ảnh hưởng tới rất nhiều những nhà soạn nhạc, nhạc sĩ, và khán giả về sau.

Trong số những kiệt tác của ông phải kể đến các bản giao hưởng như Giao hưởng số 2 Rê trưởng, Giao hưởng số 3 Mi giáng trưởng (Anh hùng ca), Giao hưởng số 5 Đô thứ (Định mệnh), Giao hưởng số 6 Fa trưởng (Đồng quê), Giao hưởng số 7 La trưởng, Giao hưởng số 9 Rê thứ (Niềm vui), các tác phẩm cho dương cầm như Für Elise và các sonata Bi tráng (Pathétique), Ánh trăng (Moonlight), Bình minh (Waldstein), Khúc đam mê (Appasionata)… các sonata cho vĩ cầm như Mùa xuân (Spring), Kreutzer… các Piano Concerto số 2, số 3, số 5 Emperor (Hoàng đế), Violin Concerto D major… các khúc mở màn Overture Coriolan, Leonore, Egmont… và vở Opera duy nhất Fidelio, v.v.

Kim Cương

Ghi chú:

Đàn Cello: (Xen-lô) hay Violoncelle (Vi-ô-lông-xen), còn được gọi trung hồ cầm, là một loại đàn cùng họ với vĩ cầm. Giống như vĩ cầm, cello được chơi bằng cách dùng một cây vĩ có căng lông đuôi ngựa kéo ngang những dây đàn và làm cho dây đàn rung lên thành âm điệu. Khác với vĩ cầm, cello có kích thước lớn hơn vĩ cầm và thường được chơi bằng một nhạc công ngồi trên ghế kẹp hồ cầm giữa hai chân. (Theo: wikipedia)

Video được xem nhiều:

Exit mobile version