Đại Kỷ Nguyên

Thưởng thức bản sonata số 30 của Beethoven với những chương nhạc thẫm đẫm tình yêu

Beethoven là một hình tượng âm nhạc quan trọng trong giai đoạn giao thời từ thời kỳ âm nhạc cổ điển sang thời kỳ âm nhạc lãng mạn. Hans von Bulow, nghệ sĩ Piano cũng là nhà phê bình âm nhạc lừng danh trong thời kỳ lãng mạn từng đánh giá: “Trong âm nhạc, nếu J.S. Bach là Kinh Cựu Ước thì Beethoven chính là Kinh Tân Ước”.  

Phần quan trọng nhất trong di sản sáng tác cho Piano của Beethoven là 32 bản Sonata. Trong các tác phẩm cho Piano của Beethoven, đặc biệt trong 32 bản Sonata, chứa đựng một nền tảng cơ bản cho các sáng tác của ông.

Bản sonata dành cho Piano số 30 ở cung Mi trưởng trong Op. 109 của Beethoven được sáng tác vào năm 1820. Vào thời đó tác phẩm được dành riêng cho Maximiliane Brentano, con gái của người bạn lâu năm của Beethoven, Antonie Brentano. Tác phẩm đặc trưng bởi cách tiếp cận tự do kết hợp hình thức sonata truyền thống. Trọng tâm của nó là chương 3, một tập hợp các biến thể diễn giải chủ đề của nó theo nhiều cách riêng biệt.

“Trong âm nhạc, nếu Bach là Kinh Cựu Ước thì Beethoven chính là Kinh Tân Ước”, Hans von Bulow.

Sonata for Piano No. 30 gồm 3 chương:

Chương 1: Vivace ma non troppo — Adagio espressivo, E major
Chương 2: Prestissimo, E minor
Chương 3: Gesangvoll, mit innigster Empfindung. Andante molto cantabile ed espressivo, E major

Với thời lượng biểu diễn khoảng 20 phút, trong đó chương 3 chiếm hơn một nửa thời lượng. Nhìn chung, sonata được trời phú cho giai điệu phong phú và hòa âm phức tạp, thú vị.

Clip là trọn vẹn tác phẩm biểu diễn bởi nghệ sỹ Vladimir Ashkenazy:

Phải nói rằng những tác phẩm trong thời kỳ cuối của tác giả toát lên tính lãng mạn vô cùng lôi cuốn và giàu hình tượng, đồng thời biểu cảm rất sâu sắc, mềm mại mà mãnh liệt. Chương 1, bộc lộ tất cả những ưu điểm tuyệt vời ấy.

Chương 2 chuyển từ giọng chủ Mi trưởng sang giọng chủ Mi thứ trên nhịp nhanh Prestissimo làm tràn ngập không gian một màu sắc tinh thần huyền bí và lôi cuốn. Rõ ràng lựa chọn đổi sang giọng thứ để gây tương phản chất liệu với chương 1 là một lựa chọn hoàn hảo của bậc thầy soạn nhạc.

Ảnh minh họa: wallhere.com

Chương 3 là chương nhạc chậm, thấm đẫm tình yêu cùng những rung cảm buồn mênh mang sâu lắng, và tác giả đã đẩy vào giữa chương nhạc những biến tấu nhanh chứa đựng bản lĩnh lạc quan, tinh tế, từng trải của tâm hồn người nghệ sỹ, trong khi gần nửa chương nhạc đang khắc khoải buồn thương trên nhịp chậm. Điều này không bao giờ là sự bất ngờ với những thính giả hâm mộ âm nhạc của Beethoven, mà nó trở thành sự chờ đợi, mọng đợi cách diễn đạt rất quen thuộc ấy của tác giả.

Đôi nét về tác giả

Ludwig van Beethoven (17 tháng 12 năm 1770 – 26 tháng 3 năm 1827) là một nhà soạn nhạc cổ điển người Đức. Phần lớn thời gian ông sống ở Viên, Áo.

Ông là một hình tượng âm nhạc quan trọng trong giai đoạn giao thời từ thời kỳ âm nhạc cổ điển sang thời kỳ âm nhạc lãng mạn. Ông có thể được coi là người dọn đường (Wegbereiter) cho thời kỳ âm nhạc lãng mạn.

Beethoven được khắp nơi công nhận là nhà soạn nhạc vĩ đại nhất, nổi tiếng nhất và có ảnh hưởng tới rất nhiều những nhà soạn nhạc, nhạc sĩ, và khán giả về sau.

Trong số những kiệt tác của ông phải kể đến các bản giao hưởng như Giao hưởng số 2 Rê trưởng, Giao hưởng số 3 Mi giáng trưởng (Anh hùng ca), Giao hưởng số 5 Đô thứ (Định mệnh), Giao hưởng số 6 Fa trưởng (Đồng quê), Giao hưởng số 7 La trưởng, Giao hưởng số 9 Rê thứ (Niềm vui), các tác phẩm cho dương cầm như Für Elise và các sonata Bi tráng (Pathétique), Ánh trăng (Moonlight), Bình minh (Waldstein), Khúc đam mê (Appasionata)… các sonata cho vĩ cầm như Mùa xuân (Spring), Kreutzer… các Piano Concerto số 2, số 3, số 5 Emperor (Hoàng đế), Violin Concerto D major… các khúc mở màn Overture Coriolan, Leonore, Egmont… và vở Opera duy nhất Fidelio, v.v.

Kim Cương

Xem thêm:

Exit mobile version