Đại Kỷ Nguyên

Thưởng thức bản sonata số 7 tràn đầy nhiệt huyết và tình yêu cuộc sống của Beethoven

tình yêu cuộc sống

Beethoven có thể được coi là người dọn đường cho thời kỳ âm nhạc lãng mạn. Ông được khắp nơi công nhận là nhà soạn nhạc vĩ đại nhất, nổi tiếng nhất và có ảnh hưởng tới rất nhiều những nhà soạn nhạc, nhạc sĩ, và khán giả về sau. Bản “Violin Sonata No. 7 in C minor Op. 30 No. 2” tràn đầy những rung cảm đầy tinh tế của tình yêu và lý trí, mà thông qua đó thính giả có thể cảm nhận được lòng nhiệt huyết cuộc sống.

Violin Sonata No. 7 in C minor Op. 30 No. 2 là tác phẩm Sonata dành cho Violon và piano thứ 7 của Beethoven, viết trên giọng Đô thứ và sáng tác từ năm 1801 đến năm 1802, xuất bản vào tháng 5 năm 1803. Violin Sonata No. 7 này là tác phẩm thứ 2 trong bộ 3 tác phẩm nằm trong Opus 30 của ông.

Tác phẩm được dâng tặng cho Vua Tsar Alexander I của Nga. Alexander I (sinh 23 tháng 12 năm 1777 – mất 1 tháng 12 năm 1825) trị vì nước Nga trong khoảng năm 1801 – 1825. Ông là con trai của Paul I và Sophie Dorothea của Württemberg. Alexander là vua Nga đầu tiên của Ba Lan được phân chia, trị vì từ năm 1815 đến năm 1825, cũng như Công tước Grand đầu tiên của Nga ở Phần Lan, trị vì từ năm 1809 đến năm 1825.

Violin Sonata No. 7 in C minor Op. 30 No. 2 gồm 4 chương:

Chương 1: Allegro con brio (in C minor)
Chương 2: Adagio cantabile (in A-flat major)
Chương 3: Scherzo: Allegro (in C major)
Chương 4: Finale: Allegro; Presto (in C minor)

Bản chép tay của Sonata này được phát hiện vào giữa thế kỷ 20, xuất hiện trong một bộ sưu tập của H. C. Bodmer ở Zurich.

Clip là trọn vẹn tác phẩm được biểu diễn bởi 2 nghệ sỹ: Oistrakh, Oborin

Chương 1 được viết trên tốc độ nhanh Allegro con brio trên giọng Đô thứ, nên chương nhạc lan tỏa màu sắc rất mạnh mẽ. Câu nhạc chủ đề với vòng hợp âm quen thuộc của giọng thứ phần nào cũng gợi nhắc đến những bản sonata trên giọng thứ khác. Dĩ nhiên chỉ một chút ít cho phần mở đầu tác phẩm, và phần cuối của chương, còn lại Beethoven đã phát triển những câu hát của Violon đạt thăng hoa một cách tuyệt diệu, kèm theo những rung cảm đầy tinh tế của tình yêu và lý trí, mà thông qua đó thính giả có thể cảm nhận được lòng nhiệt huyết cuộc sống và chất bài bản của trí tuệ cổ điển.

Ảnh minh họa: jianshu.com

Chương 2 được chơi trên nhịp chậm Adagio vô cùng lãng mạn và gợi lên nhiều thương cảm sâu sắc nơi thính giả. Những cảm giác mà cõi lòng con người không còn hạn hẹp mà tan chảy, tan hòa vào không gian bất tận. Hơn nữa, chương 2 đã chuyển giọng từ Đô thứ xuống La giáng trưởng, nên sự ấm áp, sự ngọt ngào được tăng thêm đáng kể, nhất là đối với âm sắc của Violon, khi dịch chuyển xuống 4 tone như vậy là một chênh lệch âm sắc rất lớn. Với thời lượng trên 9 phút 30 giây làm sao để chương nhạc không bị nhão vì quá lãng mạn và mềm mại? Beethoven đã đưa vào cuối chương nhạc kỹ thuật Piccato (dùng ngón gẩy, không dùng ace để kéo) rất hợp lý và tinh tế.

Ảnh minh họa: wallpaperflare.com

Chương 3 viết trên nhịp nhanh Allegro theo hình thức Scherzo với thời lượng trên 3 phút, như một chương nhạc ngắn làm bước đệm tinh thần cho sự xuất hiện tuyệt vời của chương kết. Với những âm vang tha thiết tình yêu của violon và sự du dương êm đềm không thiếu những điểm nhấn của piano, những âm thanh hòa tấu vẽ lên bức tranh tâm hồn trong sáng, vui tươi và trí tuệ.

Ảnh minh họa: Pinterest

Thính giả có thể thấy, cấu trúc tốc độ của toàn bộ tác phẩm Sonata là một cấu trúc mẫu mực thịnh hành của cổ điển đương thời, với sơ đồ: Nhanh – Chậm – Nhanh – Nhanh. Và Chương 4 là chương nhạc hội đủ những tinh hoa của cả 3 chương trước nó. Tiếng đàn bay bổng, sang trọng, hoa mỹ và rất lãng mạn. Với chất liệu như vậy, tác phẩm gợi nhắc rất nhiều đến phẩm chất âm nhạc của Haydn, nhưng sự mạnh mẽ bùng cháy sôi sục kỳ lạ lại chỉ thấy được ở Beethoven.

Đôi nét về tác giả

Ludwig van Beethoven (17 tháng 12 năm 1770 – 26 tháng 3 năm 1827) là một nhà soạn nhạc cổ điển người Đức. Phần lớn thời gian ông sống ở Viên, Áo.

Ông là một hình tượng âm nhạc quan trọng trong giai đoạn giao thời từ thời kỳ âm nhạc cổ điển sang thời kỳ âm nhạc lãng mạn.

Ông có thể được coi là người dọn đường (Wegbereiter) cho thời kỳ âm nhạc lãng mạn. Beethoven được khắp nơi công nhận là nhà soạn nhạc vĩ đại nhất, nổi tiếng nhất và có ảnh hưởng tới rất nhiều những nhà soạn nhạc, nhạc sĩ, và khán giả về sau.

Trong số những kiệt tác của ông phải kể đến các bản giao hưởng như Giao hưởng số 2 Rê trưởng, Giao hưởng số 3 Mi giáng trưởng (Anh hùng ca), Giao hưởng số 5 Đô thứ (Định mệnh), Giao hưởng số 6 Fa trưởng (Đồng quê), Giao hưởng số 7 La trưởng, Giao hưởng số 9 Rê thứ (Niềm vui), các tác phẩm cho dương cầm như Für Elise và các sonata Bi tráng (Pathétique), Ánh trăng (Moonlight), Bình minh (Waldstein), Khúc đam mê (Appasionata)… các sonata cho vĩ cầm như Mùa xuân (Spring), Kreutzer… các Piano Concerto số 2, số 3, số 5 Emperor (Hoàng đế), Violin Concerto D major… các khúc mở màn Overture Coriolan, Leonore, Egmont… và vở Opera duy nhất Fidelio, v.v.

Kim Cương

Exit mobile version