Những bức “Tuế triêu đồ” được sáng tác đặc biệt dành riêng để chào đón năm mới. Đến ngày nay, nó được lưu giữ như một thư viện hình ảnh ẩn chứa những phong tục cổ xưa truyền thống.
Bắt đầu từ thời đại nhà Tống, trải qua rất nhiều các triều đại khác đã lưu lại rất nhiều tinh phẩm “Tuế triêu đồ” như “Dân tục tuế triêu đồ”, “Tuế triêu Thanh cung đồ” v.v. được tập hợp trong cuốn “Tuế triêu đồ – qua một năm giàu sang phong nhã”. Các tác phẩm như là một cuộc triển lãm, mang đến cho chúng ta không khí của những niềm vui, một năm hạnh phúc và giàu sang.
Hoàng đế Trung Quốc xưa đón năm mới như thế nào?
Hoàng đế đón năm mới như thế nào? Liệu phong tục trong hoàng cung cũng giống như ngoài dân gian? Từ bức “Hoằng Lịch tuyết cảnh hành nhạc đồ”, chúng ta có thể biết Hoàng đế Càn Long và những đứa trẻ hoàng thất đã trải qua năm mới như thế nào.
Vào ngày đầu tiên của năm mới, hoàng đế Càn Long bước ra khỏi điện thất, cùng gia đình, các hoàng tử, con cháu trong hoàng tộc cùng nhau vui chơi. Đối với triều đại nhà Thanh, các tục lệ hàng năm rất được chú trọng. Ở giữa bức họa ta có thể thấy hiện lên hình ảnh các hoàng tử trong cung uyển, mỗi hoàng tử đều được mô tả chi tiết với những hành động khác nhau: một vài hoàng tử tay cầm hạt mè, vừa đi vừa rải, phong tục này được gọi là “thải tuế tuệ”, ngụ ý mỗi năm đều bình an; một hoàng tử cầm pháo tre đốt, ngụ ý xua đuổi tà ma; một vị nữa đứng trên hiên nhà, tay cầm cái kích – một binh khí cổ mang ý nghĩa hộ vệ cát tường cho nhà vua; ba hoàng tử lấy tuyết đắp thành một con sư tử tuyết, cũng để tượng trưng bình an cát tường. Bên trong chậu lửa có đốt nhánh cây tùng, những chiếc đèn lồng được trưng bày, câu đối đỏ được dán hai bên cột nhà v.v. đều là những linh vật chào đón năm mới.
Chúng ta hãy nhìn một chút về phía cung uyển, những cây tùng, trúc, mai được tuyết che phủ, tản ra văn hóa truyền thống thanh nhã, lại hiện lên hương vị thanh lịch của cung đình nhà Thanh. Những bông tuyết trong vườn đã tạo nên một mảng sáng trong suốt, khiến cảnh quan trở thành một thế giới lấp lánh. Từ đây cũng toát lên phong thái sống uy nghi của cư gia hoàng thất, với khí tiết thịnh vượng của hoàng cung.
“Hoằng Lịch tuyết cảnh hành nhạc đồ” khắc họa cảnh tượng con cháu hoàng đế chơi đùa trong ngày đầu năm, những phong tục trong ngày năm mới. Tại đây ta có thể thấy lễ đón năm mới hoàng cung cũng không khác với nhân gian.
Ở bức họa này, họa gia đã kết hợp phong cách tranh cổ xưa của đông phương với một chút hội họa tây phương. Từ sự chân thực của các nhân vật đến cách thể hiện ánh sáng bóng tối, cách bài trí tỉ mỉ và lối vẽ cẩn thận mang nhiều ẩn ý của Lang Thế Ninh. Năm 1714, Lang Thế Ninh nhậm chức, trải qua cả ba thời kỳ Khang Hy, Ung Chính, Càn Long trong thời gian 51 năm.
Thời gian trong Thanh cung, ông rất tận lực dung hợp hai phong cách vẽ phương tây và phương đông. Những tác phẩm nghệ thuật phương đông và phương tây này của ông đã tạo ra một điểm nhấn rực rỡ cho các bức tranh của Cung đình triều Thanh.
“Tuế triêu đồ” của hoàng đế Minh Hiến Tông
Không chỉ có văn nhân nhã sĩ, ngay cả hoàng đế cũng vẽ “Tuế triêu đồ”.
“Tuế triêu giai triệu đồ” được sáng tác bởi Minh Hiến Tông Chu Kiến Thâm vào năm thứ 17 của mình (1481), chủ yếu lấy hình tượng Chung Quỳ làm đối tượng miêu tả (Thần Chung Quỳ là vị thần có thể đánh quỷ trong truyền thuyết, dân gian xưa thường treo ảnh của Thần, cho rằng có thể trừ được tà ma). Bức họa mô tả Chung Quỳ mặc chiếc bào có tay áo rộng, thần thái uy mãnh, một tay cầm gậy như ý, một tay dựa lên vai tiểu quỷ, khí thế nghiêm nghị. Bởi Chung Quỳ là đại sư trấn quỷ, vì thế ta có thể thấy bên người ông có tiểu quỷ đi theo ngoan ngoãn phục tùng, tay giơ cao chiếc đĩa đựng đầy quả hồng và cành bách chi, bối cảnh còn có một con dơi bay lượn. Những hình ảnh này đều do tác giả cố ý an bài, đặc biệt có âm đọc gần giống nhau, bao quát ý nghĩa điềm lành như “bách sự như ý” (mọi chuyện đều thuận lợi), “phúc tự đương đầu” (chữ phúc đi đầu) v.v.
Các đặc điểm trên gương mặt của Chung Quỳ bao gồm mi mắt, râu tóc đều được phác họa bằng những đường nét mảnh mai, đôi mắt hiện lên hết sức truyền thần, sử dụng phương pháp lập thể, các kỹ thuật được thay đổi linh động, tất cả đều với mục đích tôn lên vẻ ngoài và thần thái của nhân vật.
Hiến Tông lấy một đường viền nổi bật để tạo ra đường cong cho áo bào, những đường cong nhìn vô cùng phóng đãng, có cảm giác lung lay nhẹ. Đồng thời ở góc bên phải bức họa, Hiền Tông đề một đoạn thơ biểu đạt tâm nguyện của ông:
Nhất mạch xuân hồi noãn khí tùy,
phong vân vạn lý trị minh thì.
Họa đồ kim nhật lai giai triệu,
như ý niên niên bách sự nghi.
(Một phút hồi xuân khí trời ấm áp trở lại,
mưa gió vạn dặm gặp đúng thời.
Bức họa vẽ hôm nay lấy làm điềm lành,
mỗi năm đều như ý, thuận lợi mọi công việc.)
Sơn thôn nhân gia ăn mừng tân niên như thế nào?
Thế còn sơn thôn nhân gia thời Minh ăn mừng năm mới thế nào? Từ bức “Tuế triêu đồ” của Viên Thượng Thống, chúng ta cùng xem xem để hiểu một chút về cảnh tượng đón năm mới tại sơn thôn.
Bức “Tuế triêu đồ” của Viên Thượng Thống thời Minh mô tả cảnh người dân trên thôn núi ăn mừng tân niên. Ở một góc của sơn thôn, lấp ló vài hộ gia đình, họ cùng nhau quây quần đoàn tụ trong lễ Nguyên Đán, cũng mời tới những người bạn già cùng chung vui.
Đặt mình vào trong vách núi thẳng đứng cao chót vót, xa xa có “bầy” cổ tùng, gần lại có những cành cây khô bao quanh những căn nhà, đối diện những căn nhà là bờ nước tĩnh lặng, trên mặt nước có dây cầu gỗ, đây chính là đầu nối then chốt giữa sơn thôn với thế giới bên ngoài, tựa như mang đến cho người thưởng thức cảm giác họ không phải là những con người cô độc.
Bên ngoài cổng một hộ gia đình là hình ảnh những hài đồng đang đốt pháo, vui chơi nô đùa, gần cửa có một đứa trẻ ngước nhìn ra phía hai đứa trẻ phía trước đùa giỡn. Bên trong nhà là chủ nhân ngôi nhà ngồi quây quần cùng người bằng hữu quanh bếp lò, ăn cỗ tân niên, uống rượu, chúc nhau những lời chúc trường thọ. Nhà cửa sân vườn của cố nhân sáng ngời rộng rãi, yên lặng nằm giữa núi non hùng vĩ, che chở cho những người bên trong ngôi nhà.
Nhóm những cây tùng cổ thụ cao ngất, những tán lá rậm rạp tươi tốt như ẩn ý cho chủ nhân cao tuổi. Nhìn xa xa là những cây tùng lâm, cây khô như đang vẫn trong kỳ ngủ đông, thậm chí có những cây đã rụng gần hết lá, nhưng vẫn phơi bày ra những cành nhánh mịn màng chi chít, lan rộng.
Núi đá phía sau được sử dụng bút pháp không cốt (tức không phác họa trước khi vẽ), những đám mây kéo dài lướt qua, vân khí sơn lam tràn ngập toàn bộ sườn núi. Họa sĩ phác họa núi đá, phần lớn sử dụng suân pháp, tiếp đến sử dụng màu sắc để cường hóa sự chân thực của núi đá và một cảm giác động tĩnh cho toàn bộ bức họa. Bức tranh sơn thủy như vậy, nhìn tựa hồ như yên lặng nhưng bên trong thường ẩn chứa một loại “chuyển động” thuộc về sinh mệnh được mô tả trong hình, cũng có thể nó là “chuyển động” vô hình phản ánh sức sống tiềm tàng của những hộ dân trên sơn thôn.
Theo epochtimes.com
Uyển Vân biên dịch