Đại Kỷ Nguyên

Thưởng thức ‘Giao hưởng số 8’ của Beethoven: Điểm tựa duyên dáng cho bản giao hưởng cuối cùng

Giao hưởng số 8 còn được gọi là “Bản giao hưởng nhỏ”, được gọi như vậy bởi lẽ được sáng tác vào “quãng nghỉ” của Beethoven trước khi ông dồn sức cho Giao hưởng số 9 kỳ vĩ. Với những âm hưởng mang đầy màu sắc của những diễn biến tồn tại trong tâm hồn của con người, với những nụ cười khoan dung, sự trong sáng, vẻ đẹp thánh thiện được thể hiện qua những nốt nhạc kỳ diệu của Beethoven.

Tuy giao hưởng số 8 đứng tách ra hơi xa với tuyến chủ yếu của nhạc giao hưởng của Beethoven, thế nhưng ông đã khiến nó trở nên gần gũi hơn bằng “kỹ xảo” sử dụng lối sáng tác thịnh hành từ giai đoạn trước đó, mang nhiều phong cách Haydn, trong sáng, rõ ràng và cân đối.

Symphony No. 8 in F major, Op. 93 là một bản giao hưởng 4 chương do Ludwig van Beethoven sáng tác năm 1812. Beethoven gọi là “Bản giao hưởng nhỏ của tôi ở cung Fa trưởng”, phân biệt nó với Bản giao hưởng số 6 của ông, một tác phẩm dài hơn cũng ở cung Fa trưởng.

Bản giao hưởng số 8 nói chung là nhẹ nhàng, mặc dù không quá nhẹ, và ở nhiều đoạn còn là sự vui vẻ ồn ào. Tác phẩm được bắt đầu vào mùa hè năm 1812, ngay sau khi bản Giao hưởng số 7 hoàn thành. Vào thời điểm Beethoven đã 41 tuổi, không có gì khó chịu đang diễn ra trong cuộc đời của Beethoven vào thời điểm đó, và không giống như nhiều tác phẩm của ông, không có sự cống hiến cho ai.

Khi được học trò Carl Czerny hỏi tại sao số 8 ít phổ biến hơn số 7, Beethoven đã trả lời: “Bởi vì bản 8 tốt hơn rất nhiều.”

Toàn bộ tác phẩm 4 chương được trình diễn thông thường mất khoảng 26 phút:

Chương 1: Allegro vivace e con brio (F major)
Chương 2: Allegretto scherzando (B♭ major)
Chương 3: Tempo di menuetto (F major)
Chương 4: Allegro vivace (F major)

Clip là trọn vẹn tác phẩm được biểu diễn trực tiếp bởi dàn nhạc West-Eastern Divan Orchestra và nhạc trưởng chỉ huy Daniel Barenboim:

Chương 1 mộc mạc, vui tươi và yêu đời, bộc lộ niềm lạc quan tràn đầy tình yêu, sự yên bình trước cuộc sống. Đồng thời những cao trào kịch tính dâng lên và dịu xuống rất dứt khoát và sắc bén, điều này thể hiện phong cách soạn nhạc vô cùng lão luyện của Beethoven.

Chương 2 có nội dung hài hước, kể câu chuyện vui của riêng nhạc sĩ về người bạn đã phát minh ra máy đánh nhịp (metronome) với nét nhạc hồn nhiên, duyên dáng. Chủ đề chính vang lên trên nền nhịp điệu đều đặng của các hợp âm mô phỏng tiếng gõ của máy đánh nhịp.

Chương 1 mộc mạc, vui tươi và yêu đời, bộc lộ niềm lạc quan tràn đầy tình yêu… (Ảnh: goodfon.com)

Chương 3 theo nhịp điệu menuet lan tỏa một phong cách lãng mạn cực kỳ du dương, hào phóng và hoàn hảo. Thưởng thức chương nhạc này có thể khiến trái tim thính giả cuốn theo sự cân đối kỳ diệu của trạng thái bình yên tâm hồn. Âm thanh của hai kèn cor trong phần trước nhắc lại trong ký ức những khúc đồng quê thế kỷ 18.

Chương 4 là đỉnh cao của nét đẹp hồn nhiên lãng mạn, trong đó có những nét hài hước vốn sẵn có trong cá tính âm nhạc của Beethoven, nhưng được bộc lộ kinh nghiệm tới nỗi nó trở thành duyên dáng lộng lẫy mà lại đơn giản và bình dị.

Tchaikovsky từng ca ngợi rằng: “Chương cuối cùng đầy những tương phản hài hước, những chuyển biến đột ngột… sự phóng khoáng say đắm, mãi mãi là một mẫu mực tuyệt vời có một không hai của âm nhạc giao hưởng”

Đôi nét về tác giả

Ludwig van Beethoven (17 tháng 12 năm 1770 – 26 tháng 3 năm 1827) là một nhà soạn nhạc cổ điển người Đức. Phần lớn thời gian ông sống ở Viên, Áo.

Ông là một hình tượng âm nhạc quan trọng trong giai đoạn giao thời từ thời kỳ âm nhạc cổ điển sang thời kỳ âm nhạc lãng mạn. Ông có thể được coi là người dọn đường (Wegbereiter) cho thời kỳ âm nhạc lãng mạn.

Beethoven được khắp nơi công nhận là nhà soạn nhạc vĩ đại nhất, nổi tiếng nhất và có ảnh hưởng tới rất nhiều những nhà soạn nhạc, nhạc sĩ, và khán giả về sau.

Trong số những kiệt tác của ông phải kể đến các bản giao hưởng như Giao hưởng số 2 Rê trưởng, Giao hưởng số 3 Mi giáng trưởng (Anh hùng ca), Giao hưởng số 5 Đô thứ (Định mệnh), Giao hưởng số 6 Fa trưởng (Đồng quê), Giao hưởng số 7 La trưởng, Giao hưởng số 9 Rê thứ (Niềm vui), các tác phẩm cho dương cầm như Für Elise và các sonata Bi tráng (Pathétique), Ánh trăng (Moonlight), Bình minh (Waldstein), Khúc đam mê (Appasionata)… các sonata cho vĩ cầm như Mùa xuân (Spring), Kreutzer… các Piano Concerto số 2, số 3, số 5 Emperor (Hoàng đế), Violin Concerto D major… các khúc mở màn Overture Coriolan, Leonore, Egmont… và vở Opera duy nhất Fidelio, v.v.

Kim Cương

Xem thêm:

Exit mobile version