Hành khúc Slavơ (Marche slave) là tác phẩm của Tchaikovsky viết vào năm 1876 đã góp phần không nhỏ cho chiến thắng của quân đội Nga, Serbia trước Đế chế tàn bạo Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ). Tác phẩm không chỉ có ý nghĩa với dân tộc Nga hay dân tộc Slavơ mà còn là khúc khải hoàn dành cho những dân tộc bị áp bức khác.
Vào tháng 6 năm 1876, trong cuộc chiến giữa Đế chế Ottoman – Serbia, quân Thổ đã thảm sát rất nhiều người dân và những tín đồ chính thống giáo gốc Slavơ. Chính vì lẽ đó, người Nga đã vô cùng phẫn nộ trước cuộc thảm sát của người Thổ và tỏ thái độ đồng cảm với người Slavơ. Ngay sau đó, Sa hoàng Nga đã gửi binh lính tình nguyện đến tham chiến cùng những người anh em Slavơ để trừng phạt Đế chế Ottoman.
“Hành khúc Slavơ” được sáng tác dựa trên những giai điệu của dân ca Nga và Serbia. Ban đầu Tchaikovsky đã gọi tác phẩm này là Hành khúc Serbia – Nga (Serbo – Russian March) trong khi viết, sau này được gọi ngắn gọn là Hành khúc Slavơ (Slavonic March). “Hành khúc Slavơ” được trình diễn tại Moscow vào ngày 17 tháng 11 năm 1876, dưới sự chỉ huy của Nikolai Rubinstein. Tác phẩm thường được trình diễn cùng với Overture 1812 (Khúc dạo đầu 1812) và God Save the Tsar (Chúa phù hộ Sa hoàng).
Phần đầu tiên mô tả sự áp bức của quân Thổ lên người dân và những tín đồ chính thống giáo gốc Slavơ. Sự thê lương được thể hiện qua bốn nhịp mở đầu với âm vực khá trầm bởi Viola và Bassoon kèm theo tiếng Pizzicato (tiếng bật dây đàn) đầy day dứt, buồn thảm.
Ở cuối phần mở đầu, Tchaikovsky đã sử dụng giai điệu của hai bài hát dân gian của Serbia là: “Sunce jarko, ne sijaš jednako” (Tạm dịch: Mặt trời chiếu rọi khắp nơi, thế nhưng ánh sáng mỗi nơi đều khác nhau) của Isidor irić, và “Rado ide Srbin u vojnike “ (Tạm dịch: Thật vui khi người Serbia đều đã trở thành binh lính) của Josip Runjanin, để nhường chỗ cho phần thứ hai với sự mô tả Sa hoàng Nga đưa những người lính tình nguyện đến viện trợ người Serbia.
Phần thứ hai, được trình tấu bởi sáo flute và kèn Oboa, không khí đã bớt phần buồn thảm. Với sự lặp lại nhiều lần của giai điệu bài God Save the Tsar (Chúa Phù hộ Sa hoàng) cùng sự tham gia của các nhạc cụ càng lúc càng nhiều hơn, khiến ai ai cũng đều cảm nhận được khí thế hùng hậu của một đội quân dũng mãnh đang tập hợp.
Phần thứ ba của tác phẩm nhắc lại tiếng kêu cứu của người Slavơ cũng như sự giận dữ mà dàn nhạc của Tchaikovsky đối với đế chế tàn bạo Ottoman. Ở phần này, giai điệu “Chúa phù hộ Sa hoàng” tiếp tục được nổi lên vang dội như một lời tiên tri chiến thắng của đội quân Nga và Slavơ trước Đế chế tàn bạo Ottoman. Không khí long trọng, hân hoan của chiến thắng như được báo trước được thể hiện qua tiếng kèn Clarinet cùng tiếng tuba. Bản overture kết thúc với một đoạn coda cho toàn bộ dàn nhạc.
Dưới đây mời quý độc giả thưởng thức tác phẩm hùng tráng “Hành khúc Slavơ”:
Đôi nét về tác giả
Pyotr Ilyich Tchaikovsky (1840 – 1893) sinh ra ở Votkinsk, miền Uran trong một gia đình kỹ sư mỏ. Ông được gia đình chú trọng phát triển nǎng khiếu âm nhạc từ nhỏ.
Nǎm 19 tuổi, tốt nghiệp trường luật, làm việc ở bộ luật pháp nhưng ông vẫn dành nhiều thời gian cho âm nhạc, chơi đàn piano. Nǎm 22 tuổi, Tchaikovsky học ở Nhạc viện Peterbursg. Sau 3 nǎm học tập, tốt nghiệp với huy chương vàng, sau đó là giáo sư Nhạc viện Moscow (1866 – 1878).
Năm 1878 hoàn thành bản giao hưởng số 4 và nhạc kịch “Eugene Onegin “. Ðược một bà triệu phú tên là Fông-Méc đỡ đầu về kinh tế, nên Tchaikovsky rất yên tâm sáng tác.
Giữa những năm 80, Tchaikovsky tham gia hoạt động với tư cách là nhạc trưởng, biễu diễn khắp nơi trong và ngoài nước. Năm 1893 ông được tặng học vị tiến sĩ của trường đại học tổng hợp Cambrigde ở Anh.
Sở dĩ âm nhạc của Tchaikovsky trở nên nổi tiếng vì ông biết kết hợp nhuần nhuyễn âm nhạc Nga với âm nhạc châu Âu, âm nhạc thành thị, nông thôn.
Là nhà giao hưởng lỗi lạc, nhà soạn nhạc kịch thiên tài, Tchaikovsky đã sáng tác những tác phẩm kiệt xuất thuộc nhiều thể loại âm nhạc, các tác phẩm nổi tiếng của ông bao gồm: vở ba-lê “Swan Lake” (Hồ thiên nga) đề cao tình yêu chung thủy, “The Sleeping Beauty” (Người đẹp ngủ trong rừng) thể hiện niềm vui chiến thắng của cái thiện trước cái ác, “The Nutcracker” (Chiếc kẹp hạt dẻ) như một câu chuyện cổ tích được đánh giá là tác phẩm với phần âm nhạc tinh tế nhất, ngoài đó ra còn có “Queen of Spades” (Con đầm Pích); 6 bản giao hưởng; vở “ Overture 1812″ (Khúc dạo đầu 1812) và rất nhiều tiểu phẩm cho piano…
Hoàng Lâm
Clip hay: