Đại Kỷ Nguyên

Thưởng thức ‘opus 103’ của Beethoven: Khi nhạc cụ bộ hơi lên ngôi

Beethoven được khắp nơi công nhận là nhà soạn nhạc vĩ đại nhất, có ảnh hưởng tới rất nhiều thế hệ nhạc sĩ và khán giả sau này. Các tác phẩm của ông đều là những tuyệt tác xuất sắc của nghệ thuật, như biểu hiện mạnh mẽ của nội tâm con người. Trong “opus 103” của Beethoven, nhạc cụ bộ hơi được lên ngôi và tạo ra nét rất riêng trong thế giới âm nhạc của ông.

Octet cung Mi giáng trưởng Opus 103 của Beethoven là một tác phẩm cho hai oboes, hai clarinet, hai bassoon và hai horn. Beethoven đã viết tác phẩm này vào năm 1792 tại Bon. Ông đã soạn lại và mở rộng Octet vào năm 1795 bằng tác phẩm Quintet đàn dây đầu tiên của ông là Op. 4. Octet không được xuất bản cho đến năm 1834 bởi Artaria, điều đó đã giải thích vì sao số opus cao.

Bản nhạc chính có chữ ký chứa cụm từ “trong một buổi hòa nhạc”, chứng minh rằng tác phẩm đã được định sẵn (ít nhất là tại một giai đoạn) cho một buổi hòa nhạc.

Tác phẩm gồm 4 chương:

Chương 1: Allegro
Chương 2: Andante
Chương 3: Menuetto
Chương 4: Presto

Clip là trọn vẹn tác phẩm:

 

Thính giả có thể thấy tác phẩm viết cho 8 nhạc cụ thuộc bộ hơi, rất khác với những tác phẩm ông từng viết có sự kết hợp của đàn dây hoặc bộ gõ như piano, vì thế âm thanh của tác phẩm rất dày tròn và khó có thể đạt được sự linh hoạt như những bản hòa tấu đàn dây. Tuy nhiên tính đặc biệt của nó là không thể phủ nhận, nó gần như tạo ra một thế giới riêng mà trong đó tính thư giãn nghỉ ngơi rất cao.

Chương 2 diễn đạt trên nhịp chậm tình tứ và bộc lộ những nét đẹp nội tâm thật duyên dáng khiến cho ưu điểm của tất cả các nhạc cụ được hòa quyện và trở nên nổi bật trong mỗi ý tưởng của chủ đề. Chương nhạc đem lại một sự trầm tư thanh bình cho thính giả.

Ảnh minh họa: wallpaperbro.com

Chương 3 được viết theo hình thức Menuetto gần giống như nhạc diễu hành, nên toát lên chất vui tươi lảnh lót duyên dáng. Hơn nữa, bút pháp của tác giả trong thời kỳ này vẫn còn nhiều ảnh hưởng từ cách viết của Mozart và Haydn, nên chất bài bản cổ điển được thể hiện rất rõ ràng, đem đến sự trong sáng thư giãn cho thính giả.

Có lẽ tác giả đã biết trước mong mỏi của thính giả trong việc đón chờ một chương nhạc kết với nhiều đặc tính ưu điểm, mà trong đó nhịp độ nhanh là không thể thiếu. Vì vậy Presto nhanh đã là quy ước cho chương nhạc này, cộng với những câu chủ đề và biến tấu hài hước hiền hòa đã mang đến thành công cho tác phẩm.

Đôi nét về tác giả

Ludwig van Beethoven (17 tháng 12 năm 1770 – 26 tháng 3 năm 1827) là một nhà soạn nhạc cổ điển người Đức. Phần lớn thời gian ông sống ở Viên, Áo.

Ông là một hình tượng âm nhạc quan trọng trong giai đoạn giao thời từ thời kỳ âm nhạc cổ điển sang thời kỳ âm nhạc lãng mạn. Ông có thể được coi là người dọn đường (Wegbereiter) cho thời kỳ âm nhạc lãng mạn.

Beethoven được khắp nơi công nhận là nhà soạn nhạc vĩ đại nhất, nổi tiếng nhất và có ảnh hưởng tới rất nhiều những nhà soạn nhạc, nhạc sĩ, và khán giả về sau.

Trong số những kiệt tác của ông phải kể đến các bản giao hưởng như Giao hưởng số 2 Rê trưởng, Giao hưởng số 3 Mi giáng trưởng (Anh hùng ca), Giao hưởng số 5 Đô thứ (Định mệnh), Giao hưởng số 6 Fa trưởng (Đồng quê), Giao hưởng số 7 La trưởng, Giao hưởng số 9 Rê thứ (Niềm vui), các tác phẩm cho dương cầm như Für Elise và các sonata Bi tráng (Pathétique), Ánh trăng (Moonlight), Bình minh (Waldstein), Khúc đam mê (Appasionata)… các sonata cho vĩ cầm như Mùa xuân (Spring), Kreutzer… các Piano Concerto số 2, số 3, số 5 Emperor (Hoàng đế), Violin Concerto D major… các khúc mở màn Overture Coriolan, Leonore, Egmont… và vở Opera duy nhất Fidelio, v.v.

Kim Cương

Xem thêm:

Exit mobile version