Ludwig van Beethoven là một hình tượng âm nhạc quan trọng trong giai đoạn giao thời từ thời kỳ âm nhạc cổ điển sang thời kỳ âm nhạc lãng mạn. Ông được khắp nơi công nhận là nhà soạn nhạc vĩ đại nhất, nổi tiếng nhất và có ảnh hưởng tới rất nhiều những nhà soạn nhạc, nhạc sĩ, và khán giả về sau. Piano Concerto No. 2 in B-flat major, Op. 19 của Beethoven gợi lên một cảm giác như trong lễ hội, vô tư, trong sáng, vui vẻ và tưng bừng.

Piano Concerto No. 2 in B-flat major, Op. 19 của Beethoven được sáng tác chủ yếu từ năm 1787 đến năm 1789, mặc dù tác phẩm chưa đạt hình thức chuẩn, nhưng vẫn được xuất bản năm 1795. Vào năm 1798, Beethoven đã viết thêm một chương “Finale” cho tác phẩm để biểu diễn ở Prague.

Bản Piano Concerto No. 2 in B-flat major, Op. 19 đã trở thành một tác phẩm quan trọng cho Beethoven thời trẻ khi ông tìm cách tự xây dựng bản thân sau khi chuyển từ Bonn đến Vienna. Ông đã độc tấu tác phẩm này tại buổi ra mắt vào ngày 29 tháng 3 năm 1795 tại Burgtheater của Vienna trong một buổi hòa nhạc lớn. Trước đó, Beethoven chỉ biểu diễn trong các tiệm tư nhân của giới quý tộc người Áo. Trong khi tác phẩm dựa trên rất nhiều phong cách concerto của Mozart, nhưng sử dụng nghệ thuật tương phản mạnh mẽ thì rất riêng. 

Bản thân Beethoven dường như không đánh giá cao tác phẩm này, ông đã nhận xét với nhà xuất bản Franz Anton Hoffmeister rằng, cùng với Bản concerto cho piano số 1, nó “không phải là một trong những tác phẩm hay nhất của tôi.”  Phiên bản mà ông ra mắt năm 1795 là phiên bản thường được trình diễn cho tới ngày hôm nay.

Tác phẩm gồm 3 chương:

Chương 1: Allegro con brio
Chương 2: Adagio
Chương 3: Rondo, Molto allegro

Clip là trọn vẹn tác phẩm được trình diễn bởi dàn nhạc giao hưởng London Symphony Orchestra, dưới sự chỉ đạo của nhạc trưởng Colin Davis, và nghệ sỹ solo Piano là Evgeny Kissin:

Chương 1 toát lên nét trữ tình trong sáng mạnh mẽ với sức hấp dẫn tuyệt vời của một dàn nhạc đã tôn lên chất tinh khôi khoáng đạt thánh thiện của piano. Và như vậy những cao trào bùng lên cùng những biến tấu đua nhau nở rộ rực rỡ dưới ánh nắng tình yêu đầy sức sống lãng mạn của mùa xuân.

Beethoven viết chương 2 trên nhịp chậm Adagio, là loại nhịp mà đã khiến mọi tác phẩm của ông dễ dàng đi sâu vào trái tim thính giả. Bởi ông rất giỏi viết lên những ý nhạc lãng mạn, ngọt ngào và sâu lắng mạnh mẽ trên Adagio. Đồng thời bản thân chương nhạc Adagio cũng hoàn toàn mang sắc thái tinh thần tương phản mạnh với những chương khác, tạo nên bố cục nghệ thuật bài bản của âm nhạc cổ điển.

Ảnh minh họa: 1freewallpapers.com.

Chương 3 được phát triển trên nhịp nhanh phổ biến Allegro tạo cảm giác rất vui tươi, nhộn nhịp, lộng lẫy. Phần solo piano cũng xuất hiện thêm nhiều chỗ luyến gây cảm giác rất nhộn, rất yêu đời và bay bổng. Chương nhạc gợi lên một cảm giác như trong lễ hội, một cảm giác vô tư trong sáng, vui vẻ tưng bừng. Vậy nếu đem so sánh với chương 2, thính giả sẽ hiểu rõ phép tương phản trong bố cục thường thấy của thể loại Concerto hoặc Sonata hoặc giao hưởng cổ điển

Đôi nét về tác giả

Ludwig van Beethoven (17 tháng 12 năm 1770 – 26 tháng 3 năm 1827) là một nhà soạn nhạc cổ điển người Đức. Phần lớn thời gian ông sống ở Viên, Áo.

Ông là một hình tượng âm nhạc quan trọng trong giai đoạn giao thời từ thời kỳ âm nhạc cổ điển sang thời kỳ âm nhạc lãng mạn. Ông có thể được coi là người dọn đường (Wegbereiter) cho thời kỳ âm nhạc lãng mạn.

Beethoven được khắp nơi công nhận là nhà soạn nhạc vĩ đại nhất, nổi tiếng nhất và có ảnh hưởng tới rất nhiều những nhà soạn nhạc, nhạc sĩ, và khán giả về sau.

Trong số những kiệt tác của ông phải kể đến các bản giao hưởng như Giao hưởng số 2 Rê trưởng, Giao hưởng số 3 Mi giáng trưởng (Anh hùng ca), Giao hưởng số 5 Đô thứ (Định mệnh), Giao hưởng số 6 Fa trưởng (Đồng quê), Giao hưởng số 7 La trưởng, Giao hưởng số 9 Rê thứ (Niềm vui), các tác phẩm cho dương cầm như Für Elise và các sonata Bi tráng (Pathétique), Ánh trăng (Moonlight), Bình minh (Waldstein), Khúc đam mê (Appasionata)… các sonata cho vĩ cầm như Mùa xuân (Spring), Kreutzer… các Piano Concerto số 2, số 3, số 5 Emperor (Hoàng đế), Violin Concerto D major… các khúc mở màn Overture Coriolan, Leonore, Egmont… và vở Opera duy nhất Fidelio, v.v.

Kim Cương