Ludwig van Beethoven là một hình tượng âm nhạc quan trọng trong giai đoạn giao thời từ âm nhạc cổ điển sang thời kỳ âm nhạc lãng mạn. Ông được coi là người dọn đường cho thời kỳ âm nhạc lãng mạn. String Quartet No. 5 in A major, Op. 18, No. 5 của Beethoven vừa có sự hài hòa tuyệt đối của cấu trúc âm nhạc cổ điển, nhưng ở đó lại có sự thăng hoa của tâm hồn tình yêu trong sáng vô bờ.
Opus số 18 của Beethoven được xuất bản năm 1801 bởi T. Mollo et Comp ở Vienna, gồm 6 tứ tấu đàn dây đầu tiên của ông. Chúng đã được sáng tác giữa năm 1798 và 1800 để dành tặng cho Hoàng tử Joseph Franz Maximilian Lobkowitz. Thứ tự xuất bản (đánh số trong bảng kê) không tương ứng với thứ tự của bố cục. Beethoven sáng tác các tứ tấu này trong chuỗi 3, 1, 2, 5, 4, 6.
String Quartet No. 5 in A major, Op. 18, No. 5 được Beethoven lập bố cục trực tiếp trên tứ tấu của Mozart (K.464) và có cùng giọng La trưởng.
Tác phẩm gồm 4 chương:
Chương 1: Allegro (A major)
Chương 2: Menuetto (A major)
Chương 3: Andante cantabile (Theme with variations, D major)
Chương 4: Allegro (A major)
Clip là toàn bộ tác phẩm được biểu diễn trực tiếp bởi nhóm nhạc tứ tấu Julliard School:
Chương 1 hiện lên chất liệu tinh thần rất tinh khôi trong sáng giống như Mozart nhưng mang những sắc thái hết sức riêng biệt của Beethoven đó là sự mạnh mẽ nồng hậu chứa chan tình yêu. Sự lung linh lãng mạn trong sự hài hòa tuyệt đối của cấu trúc âm nhạc cổ điển, mà ở đó sự thăng hoa của tâm hồn chạm tới một tình yêu trong sáng vô bờ.
Thính giả có thể dễ dàng nhận thấy chương 2 được gia tăng sự mặn mà tình cảm, và tạo nên những điểm lắng rất nhẹ nhàng của cảm xúc để rồi lại bùng lên những cảm giác tươi mới nhẹ nhàng bằng nhưng câu nhạc và hòa âm du dương thướt tha của 4 nhạc cụ. Đặc điểm của sự du dương ấy chính là kỹ thuật chơi legato liền tiếng gần như trọn vẹn tác phẩm. Vì thế chương 2 có thể ví như biểu tượng của sự yên bình, hiền hòa, lãng mạn.
Chương 3 là một chương nhạc với chủ đề được biến tấu liên tục trên giọng Rê trưởng đầy tình yêu và sự ngọt ngào, chứ không biến tấu trên giọng La trưởng như những chương nhạc khác trong tác phẩm. Cả 4 nhạc cụ cùng trở nên thật sống động, cùng tỏa nắng, cùng lan tỏa sự yêu thương, tình yêu với niềm cảm hứng như bất tận. Đặc biệt trong những phút cuối, chương nhạc bùng lên một vũ điệu mạnh mẽ bất ngờ với nhiều tiết tấu sôi động rồi lại ngả về sự dịu dàng để đi đến điểm kết thúc chương, đem lại rất nhiều dư âm, thi vị tuyệt vời cho thính giả.
Chương 4 bộc lộ rõ ràng nhất sự vô tư hồn nhiên của một tâm hồn nghệ sỹ ẩn chứa đầy sự trong sáng mạnh mẽ, với từng nét nhạc vẽ lên không khí chất khoáng đạt chân thành mà không thiếu đi sự quyến rũ tuyệt vời trong tình yêu.
Đôi nét về tác giả
Ludwig van Beethoven (17 tháng 12 năm 1770 – 26 tháng 3 năm 1827) là một nhà soạn nhạc cổ điển người Đức. Phần lớn thời gian ông sống ở Viên, Áo.
Ông là một hình tượng âm nhạc quan trọng trong giai đoạn giao thời từ thời kỳ âm nhạc cổ điển sang thời kỳ âm nhạc lãng mạn. Ông có thể được coi là người dọn đường (Wegbereiter) cho thời kỳ âm nhạc lãng mạn.
Beethoven được khắp nơi công nhận là nhà soạn nhạc vĩ đại nhất, nổi tiếng nhất và có ảnh hưởng tới rất nhiều những nhà soạn nhạc, nhạc sĩ, và khán giả về sau.
Trong số những kiệt tác của ông phải kể đến các bản giao hưởng như Giao hưởng số 2 Rê trưởng, Giao hưởng số 3 Mi giáng trưởng (Anh hùng ca), Giao hưởng số 5 Đô thứ (Định mệnh), Giao hưởng số 6 Fa trưởng (Đồng quê), Giao hưởng số 7 La trưởng, Giao hưởng số 9 Rê thứ (Niềm vui), các tác phẩm cho dương cầm như Für Elise và các sonata Bi tráng (Pathétique), Ánh trăng (Moonlight), Bình minh (Waldstein), Khúc đam mê (Appasionata)… các sonata cho vĩ cầm như Mùa xuân (Spring), Kreutzer… các Piano Concerto số 2, số 3, số 5 Emperor (Hoàng đế), Violin Concerto D major… các khúc mở màn Overture Coriolan, Leonore, Egmont… và vở Opera duy nhất Fidelio, v.v.
Bạn đang đọc bài viết: “Thưởng thức tinh tế bản ‘String Quartet No. 5’ của Beethoven” tại chuyên mục Nghệ thuật của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn! |
Clip hay: