Ernest Schelling Tristan und Isolde Ouverture là khúc nhạc Ouverture mà Richard Wagner sáng tác trên phong cách lãng mạn và giàu kịch tính, mô tả một câu chuyện tình yêu lãng mạn và đam mê nhất thời Trung Cổ.
“Tristan và Iseult” hay còn gọi là “Tristam và Isolde” là hai nhân vật chính trong một câu chuyện tình lãng mạn đẹp nhất thời trung cổ. dựa trên một huyền thoại của người Celt (thành viên của một dân tộc cổ xưa ở châu Âu). Là cảm xúc thuần tuý, là “tiếng sét ái tình”, là niềm đắm say không suy tính. Không cám dỗ thân xác, tình yêu của hai người vì thế đã trở thành một giấc mơ lý tưởng, một huyền nhiệm cao cả của con người…
Nhiều nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ vĩ đại khắp thế giới đã dựa trên câu chuyện “Tristan và Iseult” để sáng tác nên những tác phẩm lớn, trong đó có vở nhạc kịch bất hủ “Tristan und Isolde” của Richard Wagner.
Hiệp sĩ Tristan lãnh sứ mệnh tìm đường đi qua Ireland để ngỏ lời cầu hôn công chúa Iseult cho chú của chàng là vua Mark.
Đến Ireland, Tristan giết được một con rồng độc ác đang hoành hành ở đó, nên hoàng gia đồng ý gả nàng Iseult cho vua Mark. Tuy nhiên, hoàng hậu Ireland sợ rằng con gái mình không yêu vua Mark nên đã pha chế ra một thứ rượu bùa để cho hai người uống trong buổi hôn lễ.
Thế nhưng trên đường hộ tống nàng Iseult về xứ Cornwall, Tristan và nàng đã uống phải thứ rượu ấy, họ phải lòng nhau. Vì mắc bùa, họ yêu nhau bất chấp tất cả, nhưng còn đó lòng trung tín của vua Mark trong họ, vì vậy cả hai đều không dám đi quá xa trong quan hệ tình cảm.
Thấy Tristan và người hôn thê của mình yêu nhau quá mặn nồng như vậy, vua Mark liền bắt nhốt nàng Iseult chung với những bệnh nhân cùi, và ra lệnh xử tử Tristan.
May thay, nhờ có sự giúp đỡ của nhiều người trong hoàng cung, đôi tình nhân trẻ đã cùng nhau chạy trốn vào khu rừng rậm xứ morrois, tránh sự truy lùng của nhà vua.
Một ngày nọ, vua Mark đi vào rừng và bắt gặp đôi trẻ đang nằm ngủ với một thanh gươm tuốt trần để giữa hai người. Hiểu được tình yêu lãng mạn nhưng trong trắng của họ, vua Mark thôi giận, và tha thứ cho họ.
Tristan cảm kích trước hành động của nhà vua nên quyết định trả nàng Iseult lại cho ông, rồi bỏ qua xứ khác. Khi đến xứ Britanny, Tristan cưới quận chúa ” Iseult bàn tay trắng”, vì “tên của nàng (gợi nhớ đến người yêu cũ), nhưng sau lễ cưới, Tristan không bao giờ gần quận chúa, vì còn tha thiết yêu người tình cũ.
Trong một lần đấu kiếm danh dự, Tristan không may bị trọng thương vì mũi kiếm của địch thủ có tẩm thuốc độc. Chàng ngầm sai gia nhân đem thuyền đi rước Iseult, vì chàng biết chỉ có sự hiện diện của nàng mới có thể giúp chàng phục hồi sự sống.
Chàng dặn gia nhân rằng nếu Iseult còn yêu chàng và đồng ý đến thì hãy giương lá cờ màu trắng, còn không thì căng buồm đen. Thế nhưng, quận chúa Iseult biết được điều bí mật này, bà đã vạch ra một âm mưu phá vỡ kế hoạch của Tristan.
Khi thuyền vào cửa biển, bà đã giả vờ đến bên giường bệnh chăm sóc cho chồng. Tristan lúc ấy đang nằm trên giường bệnh, muốn biết chiếc thuyền mang buồm màu gì, quận chúa nói lại rằng màu đen.
Nghe vậy, Tristan vô cùng tuyệt vọng, quay mặt vào tường rồi tức tưởi mà chết.
Khi nàng Iseult, người tình ngày xưa đến, thấy chàng đã chết, nàng đau đớn đến ôm xác chàng, khóc trong đau đớn rồi lặng lẽ ra đi.
Sau khi hai người được chôn cất, trên mộ của họ mọc lên hai thân cây đan chặt vào nhau không thể tách rời nhau được nữa.
Tác phẩm Tristan & Isolde của Richard Warner cho thấy những rung động âm nhạc ở mức độ thượng thừa của người nhạc sĩ thật tuyệt vời, ẩn chứa đầy sự tinh tế và nội lực thể hiện câu chuyện tình yêu vĩnh cửu ấy.
Tác phẩm có thời lượng từ 11 tới 11 phút rưỡi được trình diễn trên Piano bởi Risto-Matti Marin vào năm 2008.
Thông thường những bản Ouverture được chơi bởi giàn nhạc, mỗi khúc Ovuverture là bản dạo đầu cho mỗi màn đổi cảnh trong vở Opera.
Ở đây thính giả không chỉ thấy tiếng đàn điêu luyện của Marin, mà còn thấy những khoảng lặng nghệ thuật mà Marin tận dụng trong những dấu nghỉ tự do cho mở bài, thân bài, và kết bài.
Ông giữ thời gian nghỉ nhịp khá lâu tạo nên một sức mạnh lôi cuốn, một sức hấp dẫn, một sự tự tin bậc thầy dưới hình ảnh một nghệ sĩ trình diễn, sự quan sát tuyệt vời để ôm trọn được tác phẩm, làm chủ một tác phẩm bằng kĩ năng và tâm hồn, khiến tác phẩm thực sự sống động và trở thành món ăn tinh thần cho thính giả
Richard Wagner – Ernest Schelling Tristan und Isolde Ouverture – Risto-Matti Marin, piano
Vài nét chấm phá về tác giả
Ông là nhà soạn nhạc kiêm nhạc trưởng, đạo diễn kịch và nhà lý luận âm nhạc người Đức nổi tiếng bởi các tác phẩm opera (hay nhạc kịch theo cách gọi sau này).
Không như nhiều soạn gia lớn khác ông tự viết lời lẫn phân cảnh cho các tác phẩm của mình. Âm nhạc của ông nhất là thời kì sau này trứ danh bởi cấu trúc đối âm (contrapuntal), phong phú chất nửa cung (chromatism) lẫn giai điệu và hòa âm, trau chuốt theo một mô-típ nền nhạc luôn thích hợp vời từng nhân vật, từng phân cảnh trong nhạc phẩm.
Ông là người tiên phong dùng những kĩ thuật rất khó trong âm nhạc như chất nửa cung nghiêm ngặt, chuyển đổi âm vực rất nhanh và do đó đã tạo ảnh hưởng sâu rộng đến sự phát triển của nền âm nhạc cổ điển tại châu Âu.
Ông diễn đạt tư tưởng âm nhạc của bản thân trong tác phẩm tổng hợp các thể loại âm nhạc, kịch nghệ, thi ca mang tên Gesamtkunstwerk (nghĩa là “hợp tuyển”); chúng được cô đọng lại trong bốn vở trình diễn opera tiêu biểu tên Der Ring des Nibelungen năm 1876.
Ông đã tự xây dựng nhà hát riêng Bayreuth Festspielhaus để trình diễn tác phẩm mình như ông vẫn hình dung.
Kim Cương