Đại Kỷ Nguyên

Dạ khúc “Nocturne in F major Op.6 No.2” của Clara Schumann: Sự tĩnh lặng của tình yêu

Clara Schumann là nhà soạn nhạc, nghệ sĩ đàn piano người Đức. Dạ khúc Fa trưởng do Clara sáng tác với những nét nhạc ẩn chứa tất cả sự tĩnh lặng của tình yêu trong sáng được bộc lộ qua vẻ lãng mạn dịu dàng tuyệt vời của cây đàn piano như đang hát lên những vần thơ được kể.

Và hình như sự ngọt ngào ấy xuất hiện chỉ để xoa dịu nỗi cô đơn còn sót lại nơi ngóc ngách huyền bí nào đó của tâm hồn.

9 tuổi đã có buổi công diễn chính thức đầu tiên

Clara Schumann (1819-1896)

Clara Schumann (tên thời con gái: Clara Josephine Wieck) (1819-1896) là nhà soạn nhạc, nghệ sĩ đàn piano người Đức. Bà là vợ của nhà soạn nhạc danh tiếng Robert Schumann.

Clara Schumann sinh ra tại Leipzig vào năm 1819. Bà là con gái và học trò của ông Friedrich Wieck. Cô bé Clara 9 tuổi đã có buổi công diễn đầu tiên trong đời của mình. Từ năm 1831, Clara Wieck bắt đầu lưu diễn trên khắp nước Đức. Năm 1832, lưu diến trên khắp châu Âu. Clara Wieck đã kết hôn với Robert Schumann vào năm 1840 sau 4 năm cả hai đấu tranh cho tình yêu của mình, dù cho cha của nữ nghệ sĩ phản đối quyết liệt.

Từ đó, Clara Schumann là cái tên theo phần đời còn lại của bà. Bà sống ở Berlin trong các năm 1856-1863. Bà còn là người lãnh đạo khoa piano của Nhạc viện Frankfurt vào khoảng thời gian 1878-1892. Clara Schumann công diễn lần cuối vào năm 1891. 5 năm sau, bà qua đời vào năm 1896 tại Frankfurt.

Vì đâu có sự gắn bó giữa Clara với Johannes Brahms?

Clara Schumann và Johannes Brahms bắt đầu quen biết nhau từ năm 1851. Khi ấy, Brahms mới có 18 tuổi, Clara Schumann mới hơn 30 tuổi và chồng bà, Robert, đang trở thành thầy giáo dạy nhạc cho anh chàng trẻ tuổi Johannes.

Mối quan hệ giữa Clara Schumann và Johannes Brahms bắt nguồn từ chính tài năng của Brahms. Brahms đã gặp Robert Schumann tại Duesseldorf. Sau khi xem Brahms trình diễn, Schumann rất kinh ngạc và dành những lời có cánh cho nhà soạn nhạc tương lại như: “Bậc thầy biểu đạt hoàn hảo tâm hồn thời đại”, “Là nghệ sĩ đã thể hiện tinh thần của thời đại mình một cách hoàn thiện – hoàn mỹ. Brahms xuất hiện như một đấng sáng tạo mà mọi vẻ diễm lệ và oai hùng đều đứng xếp thành hàng danh dự….”

Phát hiện Brahms là một tài năng lớn trong tương lai, Schumann đã dẫn dắt Brahms trên con đường âm nhạc. Brahms còn có vinh dự đến sống cùng người thầy đáng kính của mình, được tiếp xúc với thư viện đồ sộ và nhận những lời khuyên chân thành cho sự nghiệp của mình từ Robert Schumann. Quan hệ của Johannes Brahms với gai đình nhà Schumann không chỉ có thế.

Brahms là người đi biểu diễn cùng Clara Schumann. Ngược lại, Brahms cũng là người quản lý gia đình giúp Robert Schumann khi Robert đang phải điều trị rối loạn thần kinh. Tuy nhiên, người thầy quan trọng trong đời Brahms không qua nổi vì bệnh quá nặng và trút hơi thở cuối cùng vào ngày 29 tháng 7 năm 1856. Từ đó, Brahms trở thành người bảo trợ cho gia đình Schumann gồm Clara Schumann và 8 người con của bà.

Bước ngoặt lớn từ khi Robert Schumann qua đời

Robert Schumann qua đời quả là tổn thất quá lớn về tinh thần đối với Clara. Bà suy sụp đến nỗi không thiết gì đến biểu diễn và các hoạt động xã hội. Trong lúc như thế, Johannes Brahms đã có lời động viên kịp thời. Nhờ vậy, Clara mới vui sống và trở lại biểu diễn,

Sau đó, cả hai người đã trao đổi thư từ với nhau rất nhiều. Hai người đã trao đổi không biết bao nhiêu suy nghĩ, suy tư về gia đình và về âm nhạc. Lời lẽ của hai người trong những bức thư rất thân mật, gợi nên một mối quan hệ trong sáng, khiến người khác cũng khó mà nghĩ xấu về tình cảm đó. Và Brahms đã nảy nở tình yêu với vợ của người thầy quá cố Robert. Rồi Brahms cứ ấp ủ tình yêu đó cho đến khi cuối đời.

Còn có một lời đồn thổi rằng sau đó Brahms cầu hôn Clara Schumann, nhưng bị khước từ. Việc cầu hôn này là khá mạo hiểm. Thứ nhất, Brahms lúc ấy là nhà soạn nhạc danh tiếng, nếu Clara tái gia với Brahms thì sẽ tạo ra không ít lời ra tiếng vào có thể ảnh hưởng tới sự nghiệp của Brahms. Thứ hai, bóng dáng của người chồng quá cố đối với Clara là rất lớn, nếu làm như vậy thì đó là cưỡng ép. Vì vậy, Clara chấp nhận cả đời làm bà góa. Tuy nhiên, không biết lời đồn thổi này có đúng sự thật không.

Trong cả đời mình, Brahms theo dõi sát sao những gì xảy ra ở gia đình Schumann. Khi 4 người con của Clara qua đời, Brahms một lần nữa lại xuất hiện để sốc lại tinh thần cho Clara. Khi Julie Schumann tổ chức đám cưới, Brahms đã viết bản Rapsodie dành cho giọng nữ trung, hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng làm quà tặng.

Trong di chúc của mình, Clara có viết về Brahms và tình cảm giữa hai người như sau:

Ông ấy đã tới như một người bạn thực sự, chia sẻ với ta mọi nỗi buồn; ông đã khiến ta mạnh mẽ hơn ngay trong những thời điểm tưởng như trái tim ta tan vỡ. Ông là nguồn động viên tinh thần và khiến cho những suy nghĩ của ta trở nên sáng tỏ hơn. Ông thực sự là một người bạn với nghĩa trọn vẹn nhất của từ này.

Ta có thể nói với các con, ta chưa bao giờ yêu quý một người bạn nào khác như yêu quý ông. Đó là sự thấu hiểu lẫn nhau một cách mỹ mãn của hai tâm hồn. Ta không yêu quý ông ấy bởi sự trẻ trung, cũng không phải bởi bất kỳ lý do phù phiếm nào khác, mà vì sự mềm mại của tâm hồn, bởi tài năng thiên phú và bởi ông có một trái tim cao thượng…

Joachim (Joseph Joachim – nghệ sĩ violin thường biểu diễn cùng Clara) cũng là một người bạn thực sự của ta, nhưng Johannes mới thực sự là người đã nâng đỡ ta. Với tất cả những điều đó, ta phải nói với các con rằng, đừng để tâm đến những kẻ nhỏ nhen và ghen tị đã làm u ám nguồn ánh sáng của tình yêu và tình bạn của ta, những kẻ luôn nghi ngờ mối quan hệ đẹp đẽ này. Họ sẽ không bao giờ và không thể hiểu hết được đâu.”

— Clara Schumann

Dù có thể có nhiều điều bí ẩn trong mối quan hệ này, nhưng tình cảm mà hai người dành cho nhau là đáng quý, đáng trân trọng.

Clara Schuman được biết đến là một nghệ sĩ đàn piano có phong cách biểu diễn hào hứng và hoàn hảo, cuốn hút người nghe. Các tác phẩm đáng chú ý của Clara Schumann gồm bản concerto cho piano giọng La thứ (1836), tam tấu piano, bản concertino cho piano (1847).

Mời quý độc giả thưởng thứcNocturne in F major Op.6 No.2″  – Clara Schumann

Kim Cương

Exit mobile version