Đại Kỷ Nguyên

Thưởng thức tinh tế: Cùng đắm chìm trong bản hòa tấu ‘Nightingale’ của Yanni

Đến với bản nhạc “Nightingale – Chim họa mi”, thính giả không cần phải đi tới rừng núi hay nông thôn để chiêm ngưỡng giọng ca của những chú chim họa mi. Mà ở ngay đây thôi, “Nightingale” – bản nhạc đầy huyền diệu của nhạc sĩ Yanni sẽ vén tấm màn huyền bí, mở ra tiếng hót diệu kỳ của loài chim được mệnh danh là “sơn ca” , những tiếng hót ngân nga huyền áo đó sẽ bay khắp khán phòng của mọi thính giả.

Đối với “Nightingale”, Yanni có một giai thoại rất thú vị khi ông lấy nguồn cảm hứng từ một chú chim họa mi thường xuyên ghé thăm cửa sổ của ông mỗi đêm ở Venice – Ý. Và chú đã ca cho ông nghe những giai điệu hết sức tuyệt đẹp. Ông đã ghi chép giai điệu đó vào bản nhạc của mình.

(Ảnh minh họa: selectwallpaper.co)

Từ khung cảnh núi cao qua những sải cánh của những chú họa mi, cho đến những câu chuyện tình mà chúng ngân nga qua từng điệu sáo.

Dường như người nghe được đắm chìm trong khung cảnh bao la vút ngàn, mà trong đó là cuộc đối thoại giữa nhạc sĩ Yanni và chú họa mi.

(Ảnh minh họa: Pinterest.com)

Tiếng dương cầm tượng trưng cho Yanni, còn tiếng sáo tượng trưng cho họa mi; và dàn violin, đồng ca v.v tượng trưng cho khung cảnh hùng vĩ xung quanh. Tiếng dương cầm và tiếng sáo cứ qua lại như vậy, tạo nên một màn đối thoại hết sức sống động, màu sắc và thính giả có thể cảm nhận được tình yêu của chú họa mi … chút buồn, chút sóng gió; cũng như đôi cánh đã mỏi mệt cần một nơi dừng chân của chú.

Yanni đã kế thừa từ cha mình, cách cảm thụ vẻ đẹp của thiên nhiên bao la và hòa mình mỗi ngày vào không gian rộng lớn. Chính vì vậy mà Yanni đã sáng tác những bản nhạc tuyệt đẹp mang phong cách không lẫn vào đâu được của riêng ông.

Trong bản hòa tấu “Nightingale”, tiếng sáo – một nhạc cụ truyền thống của các nước phương Đông được ngân lên bởi nhạc công Tây phương: Pedro Eustache.

Nghệ sĩ flistist độc tấu tài ba: Pedro Eustache (Nguồn ảnh: pedroflute.com)

Thông qua sáo Trung Quốc, những thanh âm tuyệt đẹp của họa mi được cất lên một cách hết sức chân thực và cao vút. Và đây cũng là điểm nhấn thành công nhất trong bản hòa tấu.

Một chút thú vị về khởi nguyên của danh từ “Nightingale”

(Ảnh minh họa: Pinterest)

Sở dĩ danh từ “Nightingales” có chữ “night – đêm” vì tiếng hót của họa mi đẹp nhất vào ban đêm. Ban đầu, người ta cho rằng tiếng hót vào ban đêm đó là của chim mái, nhưng thực tế là của những chú chim đực.

Bởi chỉ có những chú hoa mi đực đang tìm bạn đời mới hót vào ban đêm, nhờ giọng hót đó chúng mới thu hút được chim mái (còn tiếng hót vào bình minh là để báo hiệu lãnh thổ của chúng). 

Đây là lý do tại sao tên của nó có chữ “night – đêm”. Và danh từ này được sử dụng xuyên suốt hơn 1.000 năm, dưới dạng Anh cổ ngữ – ‘Nightingale’.

Thành công vang dội của bản hòa tấu khi chuyển thể từ sáo sang giọng ca

Nữ ca sĩ Lauren Jelencovich. (Nguồn ảnh: Pinterest)

Thuở đầu “Nightingale” được viết đơn thuần dành cho sáo Trung Quốc, mới đây giai điệu “Nightingale” được xướng lên bởi giọng ca cao vút của nữ ca sĩ Lauren Jelencovich ở vương quốc Ả Rập Xê Út .

Cũng khá thú vị khi đây là lần đầu tiên trong lịch sử Ả Rập Xê Út , khi Jelencovich là người phụ nữ đầu tiên trên xứ sở này được phép đi trên sân khấu mà không cần phải đeo tấm màn che truyền thống trên xứ sở này.

Yanni nhớ lại trong buổi trình diễn đó rằng : Khi tôi nhìn xuống dưới ,khán giả tại buổi biểu diễn đêm đó, không phân biệt là nam hay nữ, già hay trẻ, tất cả họ đều trông rất hạnh phúc. Một số khán giả dường như đang đung đưa trên ghế ngồi, một số khác dường như đang “tụng kinh” – lẩm nhẩm theo giai điệu, một số thì làm những động tác dường như là “high-fives” để biểu đạt sự hạnh phúc.

Đôi nét về tác giả

Yiannis Hrysomallis, sinh ngày 14/11/1954. (Nguồn ảnh: Pinterest)

Yanni, tên khai sinh là Yiannis Hrysomallis, sinh ngày 14/11/1954 tại Kalamata, Hy Lạp. Ông đã tự học và trở thành nghệ sĩ đàn piano, keyboards và là một nhạc sĩ tài năng vẫn được mệnh danh là “huyền thọai âm nhạc New Age của Hi Lạp” (nhạc cụ đương đại ).

Yanni cũng được đánh giá là một trong những người thu lợi nhiều nhất từ phương tiện đại chúng. Những sáng tác của ông được trình diễn trong các buổi truyền hình Thế vận hội Olympic từ năm 1988, cũng như trong các sự kiện thể thao hay những chương trình khác.

Những sáng tác của ông được trình diễn trong các buổi truyền hình Thế vận hội Olympic từ năm 1988. (Nguồn ảnh: Pinterest)

Ông đã thành công vượt bậc với việc phát hành album trực tiếp thu hình liveshow vào năm 1994. Yanni Live at the Acropolis, được đánh giá là video âm nhạc bán chạy nhất.

Cho đến nay, Yanni đã biểu diễn trực tiếp trước hai triệu người đến từ hơn 20 nước trên thế giới. Ông cũng nhận được hơn 35 album Bạch kim và Vàng trên toàn cầu, với số lượng bán ra hơn 20 triệu bản.

Ông nhận được hơn 35 album Bạch kim và Vàng trên toàn cầu, với số lượng bán ra hơn 20 triệu bản. (Nguồn ảnh: Yanni.com)

Yanni rất giỏi trong việc vận dụng các nhạc cụ truyền thống của nhiều dân tộc trên khắp thế giới một cách tài tình điêu luyện. Đó là đàn hạc của Paraguay, trống tabla của Ấn Độ, duduk của Mỹ, didgeridoo của Australia, sáo Trung Quốc…

Điều đáng khâm phục ở Yanni là chỗ ông tự học, tất cả những gì ông đạt được là ông tự tìm hiểu, sáng tạo và tìm tòi – điều này không phải ai cũng có thể làm được.

Hoàng Lâm

Exit mobile version