Con người sống giữa dòng chảy cuồn cuộn của đời người như một tảng đá sừng sững, gồng mình lên chống trọi với bão táp phong ba. Đời xô đẩy rồi vùi dập, đời nâng lên rồi lại đạp xuống tận sâu. Nếu cứ để dòng đời nhạo nặn, thì chắc rằng ta chẳng còn là ta. Nên cần “tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”
Câu chuyện về thiền sư Hakuin và bài học về tâm bất động
Thiền sư Hakuin là một thiền sư người Nhật, ông tu tập thiền định, đức cao trọng vọng, danh tiếng lẫy lừng, đệ tử của ông rất đông. Ông được mọi người kính nể vì phong cách đạo đức thánh thiện.
Có một cô gái xinh đẹp, thuộc gia đình danh giá sống gần ngôi chùa của Hakuin. Cô chửa hoang mà không ai biết cha đứa bé là ai. Bố mẹ cô tức giận lôi cô ra đánh đập tra khảo.
Trong lúc bế tắc, cô đã nói cha đứa bé chính là thiền sư Hakuin, bởi cô nghĩ, ông là người có danh tiếng, ai ai nể phục, thì cô sẽ không có vấn đề gì.
Biết tin đó, bố mẹ cô vô cùng tức giận, bèn tới sỉ nhục và mắng nhiếc thiền sư. Ông ngồi đó tĩnh lặng thốt lên một câu: Thế à!
Ngày cô bé sinh con, họ mang đứa bé tới trả cho thiền sư. Ông đón nhận đứa trẻ khi mọi người xa lánh, chửi bới, đệ tử khinh mạt dời ra ông. Ông cũng nói câu: Thế à!.
Hakuin vẫn lẳng lặng bế đứa bé đi xin sữa trong khi ông bị mọi người rè bỉu, khinh khi. Ông vẫn một lòng chăm sóc đứa trẻ rất tốt. Thời gian thấm thoát trôi đi, cô gái thấy trong tâm mình bứt dứt bèn nói ra sự thật với bố mẹ mình.
Họ lật đật kéo tới chùa dập đầu tạ tội với thiền sư và xin được đón đứa bé về. Hakuin vẫn ngồi đó tĩnh lặng và nói câu: Thế à!
Sự thật của câu chuyện được đồn ra ngoài, ai ai cũng nể phục sự nhẫn nhịn của thiền sư. Mọi người kính nể tâm thái của ông. Và ông cũng lại thốt lên một câu: Thế à! khi được mọi người tán dương, khen tụng.
Câu chuyện là một tâm thái bất động trước thị phi, khổ cực không làm tâm của thiền sư máy động. Trong oan khuất, khổ sở mà chẳng một lời oán thán, điềm tĩnh, thản nhiên đón nhận mọi việc. Dẫu cho đó là việc chẳng tốt đẹp gì. Cảnh giới tư tưởng của ông chính là bài học về sự buông xả, nhẫn nại và từ bi. Đó chính là tâm thái: bát phong xuy bất động.
Con người từng ngày miệt mài trong kiếp mưu sinh…
Khi tâm tư trĩu nặng bởi những muộn phiền, có những niềm vui khi sự việc thuận theo ý, hay chợt vui khi được tán dương ngợi khen, cái vui đó đâu có là gì với những mất mát muộn phiền suy tư mà héo mòn đầu não.
Vậy cái gì đang nhào nặn đời ta? Làm thế nào để được an nhiên tự tại, làm thế nào để đứng vững giữa dòng đời nghiệt ngã? Đó là câu hỏi không chỉ dành cho riêng ai đang đi tìm chân lý của cuộc đời, tìm góc bình yên trong bể dâu trôi nổi.
Xin gửi tới độc giả lắng nghe bản nhạc hòa tấu Piano- tâm bất động, với giai điệu nhẹ nhàng, sâu lắng, khi trầm khi bổng, như phản ánh cuộc sống thăng trầm của đời một con người. Con người vẫn phải đứng vững trước những bão táp dồn dập tới cuộc đời, tâm thân mệt mỏi, trên vai đã có biết bao nhiêu gánh nặng, nhưng vẫn phải gồng mình mà bước đi. Nhưng rồi chính ta lại phải học cách bất động, để ru ta được bình an nơi tâm hồn.
Tâm bất động
Con người sống giữa đời dòng đời xô đẩy và hằng ngày đều là tám cơn cuồng phong bão táp vùi dập trong bể dâu.
Bạn có biết ta từng ngày bị tám ngọn gió đời làm loạn tâm ta? Nó nhào nặn, loạn động, mê hoặc lòng người. Tám ngọn gió ấy gồm:
Lợi: Lợi lộc, lợi ích bản thân: ngọn gió này làm ta điên đảo trong tranh đấu với đời, tranh đấu với người. Vì chút đỉnh lợi ích ấy, mà ta đánh đổi cả bằng sức khỏe, bằng tính mạng, hay cả bằng cả tấm thân gầy. Ta vui khi đạt được lợi, ta khổ đau khi bị mất đi. Tất cả cũng chỉ vì thỏa mãn nhu cầu dục vọng, vật chất, nhằm cung phụng cho thân xác người.
Suy: Hao tổn, mất mát: Khi ta phải chịu mất đi, có thể là tiền tài, danh vọng, hay tình yêu. Trái tim như tan nát, tâm ta như nguội lạnh, thân tàn tạ như cái xác không hồn. Nhưng ở đời có ai mà không mất mà được, ta chỉ muốn được mà chẳng muốn mất đi. Nay có chút mất thì tâm can day dứt, loạn đảo, điên cuồng. Rồi nó lại thúc giục tâm thân đứng ngồi chẳng yên, và ta lại lao vào vòng xoáy sâu thêm nữa.
Hủy: Chê bai chỉ trích: Tâm ta lại một lần nữa dao động, ta khổ đau bởi oan khuất ở đời, ta buồn cực khi bị chê bai chỉ trích. Gặp người kia nhạo báng thanh danh, ta mệt óc, mệt thân tìm cách, để minh oan, hay mắng nhiếc cho thỏa lòng. Con gió này từng ngày vùi dập, khiến tâm thân chẳng chút bình yên.
Dự: Gián tiếp khen ngợi người: Để có được chút lợi nho nhỏ, ta khen người chẳng tiếc một lời, tâng bấc đưa lên tám tầng giai ngẫu, tô vẽ cho con quạ thành thiên nga. Ta luồn cúi rồi xu nịnh, để được gì hay một chút việc nhỏ thôi. Và đôi khi ta dối lòng mà chẳng biết, dối tâm mình mà cơ cực trong dối gian.
Xưng: Trực tiếp ca tụng người: Cũng đôi khi ta biến mình thành con rối, biết làm vui biết nói cho hợp lòng người, lời nói đó có tự tâm không? Ta đều biết, nhưng bất chấp ta vẫn buông lời. Để hài lòng kẻ mà ta chuộc lợi, ôi con gió này lại một lần thành bão táp, chôn vùi.
Cơ: Dựng sự việc giả để nói xấu người: Thị phi nhân ngã, nói lưỡi đôi chiều, chuyện không mà người dựng lên có, rồi có lại biến thành không, ta lại gây biết bao khổ cực, khi hả hê mà nhạo báng người, nhưng lại đứng ngồi không yên vị khi bị người chửi bới, cười chê. Không một chút nghĩ cho người khác, chỉ vì đạp người xuống mà tô vẽ cho bản thân, con gió này biến ta thành nhỏ mọn, kẻ tiêu nhân nói lưỡi đôi chiều.
Khổ: Gặp chướng duyên nghịch cảnh, thân tâm bị bức bách, khổ não: con gió đời này làm thân người mệt mỏi, tạo nghịch cảnh để thử lòng người, nhưng nó lại làm cho ta phải khổ sở biết bao khi nó nhẫn tâm đập vỡ mọi kì vọng của con người, bao toan tính, ngày đêm suy tư từng bước, nó phũ phàng vứt bỏ khiến tâm ta khổ não vô cùng.
Lạc: Gặp được duyên tốt, thuận cảnh, thân tâm vui vẻ, hân hoan: nhưng cũng có lúc nó làm cho tâm ta chút thư thái, một chút hả hê khi sự việc hanh thông, à lại chút dương dương tự đắc, vỗ ngực xưng danh, ta tính toán như thần. Từ đó mà sinh ra ngạo mạn, loại tâm kia chẳng tốt đep chút nào. Khi ảo tưởng cho rằng mình giỏi, lại khinh thường kẻ kém cỏi hơn ta.
Tám cơn gió làm lung lạc tâm trí, nhào nặn con người rồi biến họ trở thành kẻ bất an, tâm chưa một lần bình an, thân chưa một lần được ngơi nghỉ, nó đến như bão táp, vùi dập, chôn sâu ta từng ngày.
Tâm con người thường giao động, thể hiện cảm xúc vui buồn rõ rệt trước những hoàn cảnh thuận nghịch của cuộc sống. Khi được lợi (lợi) thì vui mừng hớn hở, ngược lại khi bị mất mát, tổn hại (suy) thì buồn bã, tiếc nuối. Khi bị chê bai, chỉ trích (hủy) cảm thấy rất khó chịu nhưng khi được khen ngợi (dự) thì vui thích, hài lòng.
Khi được mọi người xưng tán, tung hô (xưng) thì hả hê, ngất ngây hạnh phúc ngược lại khi bị chế giễu, vu khống (cơ) thì hậm hực, bức xúc không yên. Khi những điều không như ý ập đến (khổ) thì đau khổ, thở than và ngược lại khi mọi việc đều thuận lợi như ý (lạc) thì mừng rỡ, vui vẻ.
Cuộc sống của con người chẳng mấy khi được bình an, vì luôn bị tám ngọn gió này chi phối.
Những giao động của tâm thức như là sóng nhưng bên dưới sự ầm ào đó là tĩnh lặng. Phải quan sát liên tục để thấy rõ bản chất của tám ngọn gió đời ấy tuy thường xuyên thổi đến nhưng thực chất chỉ là ở bên ngoài, bởi vì những gì mình đeo bám, bị dính mắc nên mới bị chúng chi phối.
Mặt khác, bát phong vốn vô thường nên có đó rồi lại không đó, chỉ là hư ảo. Vì thế, được hay mất, khen hay chê, đau khổ hay vui sướng cũng đều tương đối, không có gì trường tồn.
Nhưng con người liệu có thoát khỏi bát phong đó không? Điều đó là có thể, chỉ có thể buông xả đi chấp trước bản thân, rèn luyện ý chí kiên định, tu tâm dưỡng tính, thường nhìn vào chính tâm của mình với trí tuệ như thế nên khi được cũng không quá mừng, lúc mất cũng không quá buồn, được khen không kiêu ngạo, bị chê không giận v.v… thì có thể chế ngự được bát phong. Sống vững chãi và thảnh thơi trong vô vàn biến động thuận nghịch của cuộc đời, ý chí, tâm tính như tảng đá vững chãi giữa đời mà chẳng cuồng phong nào có thể quật ngã.