Đại Kỷ Nguyên

Thưởng thức và phân tích bức “Ngũ Ngưu đồ” của Hàn Hoảng thời Đường

Trong một ngày trời trong xanh, Hàn Hoảng cùng tùy tùng đi ra ngoại ô, trên con đường nhỏ bên bờ ruộng thấy vài chú trâu đang gặm cỏ, vài ba chú tiểu đồng đang chơi đùa... Tức cảnh sinh tình, vội hô đám tùy tùng lấy giấy bút ra, dồn toàn bộ tinh lực họa ra một bức tranh gia súc độc đáo.

Đôi nét về Hàn Hoảng

Hàn Hoảng (723-787), tự là Thái Trùng, người Trường An. Cuộc đời ông đã trải qua bốn triều vua nhà Đường, từ Đường Huyền Tông tới Đường Đức Tông, từng giữ chức quan cai quản việc vận chuyển hàng hóa tại sông Giang Hoài, làm quan đến đời Đường Đức Tông thì được làm làm tể tướng, phong làm công thần nước Tấn (chức tặng thái phó – chức quan thuộc hàng tam công, dưới thái sư và trên thái bảo), và thụy Trung Túc (thụy là danh hiệu sau khi chết của vua hoặc quan).

Sách sử “Cựu Đường thư – Liệt truyện đệ thất thập cửu” ghi lại về ông rằng: “Tính trì tiết kiệm, chí tại phụng công, thập niên nhất dịch, cư xử lậu bạc, tài tế phong vũ” (Tính tình cần kiệm, chí nguyện thờ phụng, làm công bộc cho đất nước, chỗ ở chỉ đơn giản sơ sài, vì thế hay bị chịu đựng mưa gió).

Hàn Hoảng là người của chốn quan trường, thường tham dự triều chính, có tư chất thông minh, rất giỏi viết chữ Lệ, thích vẽ tranh về động vật, gia súc như dê, bò. Trong “Đường triều danh họa lục”, Chu Cảnh Huyền có nói về ông: “Có thể vẽ phong cảnh điền trang, nhân vật, trâu nước với bút pháp kỳ diệu”.

Hàn Hoảng (Ảnh: zh.wikipedia)

Trong số những danh họa đời Đường giỏi vẽ động vật, Hàn Hoảng cùng với Hàn Cán Thiện khi vẽ ngựa được hậu nhân xưng là “Ngưu mã nhị Hàn”. Những bức họa của ông có thể kể rất nhiều, như: “Nghiêu dân kích nhưỡng đồ”, “Việt vương cung điện đồ”, “Thất tài tử đồ”, “Túy khách đồ”, “Tập xã đấu ngưu đồ”, “Bàn xa đồ”, “Ngư liệp đồ”, “Điền gia phong tục đồ”, “Cổ ngạn minh ngưu đồ”, “Nhũ ngưu đồ”, “Quy mục đồ” v.v.. Nhưng hiện nay chỉ còn lưu giữ được bức “Ngũ ngưu đồ” này của ông mà thôi, nên có thể nói đây là bảo vật quý hiếm. Hiện nay bức tranh đang được lưu giữ tại Bảo tàng Cố cung Bắc Kinh.

Trong dân gian có một truyền thuyết về Hàn Hoảng như sau: Có một lần, Hàn Hoảng cùng bằng hữu của mình hàn huyên về hội họa, người bằng hữu nói: “Gần đây, các họa gia thích vẽ lừa, ngựa và trâu, họ cảm thấy điều khó khăn nhất là tạo hình dáng cho chúng, không biết ông có cao kiến gì?” Hàn Hoảng suy tư một lúc và trả lời rằng: “Lời này nói nhất định có đạo lý, trâu ngựa là những gia súc quen thuộc với mọi người, hàng ngày đều có thể gặp, vì thế mà họa gia chỉ cần có chút bất cẩn trong đường bút, người xem liền có thể phát hiện ra ngay; vì thế mà hầu như các họa gia thường không hay vẽ về đề tài này.” Nói đến đây, ông liền dừng lại một chút, rồi lại tiếp tục nói: “Nhưng theo ta thì, từ xưa đến giờ, chuyện đồng áng luôn là gốc rễ của thiên hạ, gia súc là kho báu của nhà nông. Miễn là họa gia có thể quan sát cẩn thận, vẫn có thể cho ra đời những tác phẩm đặc sắc.” Mọi người nghe xong đều bội phục nhận xét độc đáo này của Hàn Hoảng.

Bối cảnh vẽ bức “Ngũ ngưu đồ”

Trong một ngày trời trong xanh, Hàn Hoảng cùng tùy tùng đi ra ngoại ô, trên con đường nhỏ bên bờ ruộng cùng thưởng thức gió xuân ấm áp, tâm tình vô cùng sảng khoái. Lúc bấy giờ, ông nhìn thấy vài chú trâu đang gặm cỏ, vài ba chú tiểu đồng đang chơi đùa, một tiểu đồng khác ngồi trên lưng trâu thổi sáo, xa xa là đồng ruộng bao la có vài nông phu đang cùng trâu cày ruộng. Hàn Hoảng nhìn khung cảnh đó mà tức cảnh sinh tình, vội hô đám tùy tùng lấy giấy bút ra vẽ, dồn toàn bộ tinh lực chăm chú họa ra một bức tranh trâu độc đáo. Bức vẽ có 5 chú trâu với những diện mạo và trạng thái khác nhau: một con cúi đầu chậm rãi ăn cỏ; một con quay thẳng đầu lao về phía trước chạy, giống như một con mãnh thú ngang ngược; một con quay đầu lè lưỡi, lộ dáng vẻ coi thường; một con nhón chân, miệng như đang kêu gọi đồng bọn; còn lại con cuối cùng chậm rãi bước, tựa hồ như vừa cày ruộng trở về.

(Ảnh: chinaonlinemuseum)

Toàn bộ bức tranh đều sử dụng bút phát phóng khoáng, giản dị, cho thấy phong cách thôn điền cổ xưa. Hàn Hoảng vô cùng hài lòng với tác phẩm này và đặt tên cho nó là “Ngũ ngưu đồ”.

Đặc sắc của bức thiên thư danh tác

Tác phẩm được vẽ trên giấy lụa; 5 chú trâu với năm dáng vẻ khác nhau tạo thành một cuộn tranh dài. Ngoài chỗ phần giữa con trâu thứ nhất và thứ hai có xuất hiện một cây gai, còn lại toàn bức tranh không hề có phần nền hay bối cảnh nào khác; khi mới nhìn có vẻ khá buồn tẻ, nhưng tác giả đã thông qua sự bất đồng tư thế của 5 con trâu cùng với việc sử dụng màu sắc biến hóa phong phú, khiến cho chúng vẫn có sự tương đồng và như có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, tạo thành một thể thống nhất hài hòa.

“Ngũ ngưu đồ” – Hàn Hoảng (Ảnh: tupian.sioe)

Năm con trâu không chỉ khác nhau về màu sắc, ngay cả về sừng trâu cũng không hề lặp lại hình dáng. Mặc dù chúng được xếp hàng ngay cạnh nhau, nhưng con ngẩng đầu, con cúi đầu, con quay đầu khiến cho trong sự ngờ nghệch của loài vật này vẫn thấy được sự biến hóa, ăn khớp và tương hỗ.

Về màu sắc, tác giả lấy màu nâu đen của hai con ở giữa làm trung tâm, những con khác chủ yếu có màu vàng, nhưng sắc thái là thay đổi, không chỉ giới hạn ở phần lưng mà càng đi xuống bụng thì màu càng nhạt, khiến cho toàn thân của trâu có được một cảm giác lập thể.

(Ảnh: chinaonlinemuseum)

Toàn bộ phần thân được dùng bút pháp phóng khoáng, những đường cong tạo thành lớp da sần sùi, đuôi mắt và đầu của trâu được dùng ngòi bút cực nhỏ để miêu tả, sinh động truyền thần. Quách Nhược Hư (luận gia về hội họa trứ danh thời Tống) trong “Đồ họa kiến văn chí” có nói: “Khi vẽ động vật, cần nhấn mạnh về gân lực, phần thịt mập tròn, xương và lông cần nổi, như vậy mới mang cảm giác như chúng là một sinh mệnh sống.”

Từ trong bức tranh này, ta có thể thấy được hiểu biết sâu sắc của tác giả về loài trâu, sự quan sát tỉ mỉ cùng hình dạng của nét bút, khiến cho những gì được thể hiện trên giấy trở thành danh tác thiên cổ. Đây cũng là tác phẩm được biết đến sớm nhất về đề tài gia súc.

(Ảnh: Flickr)

Bức họa này sau đó bị thất lạc trong dân gian một thời gian dài do chiến tranh loạn lạc, sau đó tới năm thứ 16 của Hoàng đế Càn Long mới tìm ra. Càn Long đế trong một lần đi tuần du phía nam, đã dừng chân tại Dương Châu, lúc ấy Uông Học Sơn – một thương gia nghề muối tại đây đem bức tranh đang cất giữ hiến tặng cho Hoàng đế. Càn Long đế nhận được bức họa vô cùng trân quý, còn đề một bài thơ lên bức tranh.

Bí ẩn trong ý đồ sáng tác

Liên quan tới ý đồ sáng tác “Ngũ ngưu đồ”, từ xưa đến nay đều có những lời giải thích không đồng nhất. Lời giải thích sớm nhất là của Triệu Mạnh Phủ, triều Nguyên; ông cho rằng Hàn Hoảng có ngụ ý về việc Đào Hoằng Cảnh họa trâu nhà Lương; Đào Hoằng Cảnh là đạo sĩ nổi tiếng nhà Lương. Ông tuy là người tu đạo trong núi, nhưng vẫn để ý tới sự đời thế gian, đã nhiều lần bày mưu hiến kế cho Tiêu Diễn. Sau này khi Tiêu Diễn lập ra nhà Lương, nhiều lần khuyên ông rời núi nhưng Đào Hoằng Cảnh nhất quyết không nghe, còn vẽ ra hai con trâu, một con ngâm mình trong nước cùng với đám cỏ phía xa, một con bị nhốt trong cũi, bị người ta kéo đi. Tiêu Diễn sau khi xem hình hai con trâu, hiểu được ý của Đào Hoằng Cảnh không muốn bị ràng buộc trong chốn quan trường, chỉ muốn được tự do tự tại nơi sơn dã. Vì thế mà Tiêu Diễn không cưỡng ép ông nữa. Còn Hàn Thị nhà Tống cho rằng “Ngũ ngưu đồ” không liên quan gì đến cố sự trên, cả đời vẫn luôn ngẫm nghĩ về ẩn ý của bức tranh này nhưng vẫn không thể hiểu ra.

“Ngũ ngưu đồ” – Hàn Hoảng (Ảnh: zh.wikipedia)

Người xưa thường lấy ngựa tượng trưng cho trời, trâu tượng trưng cho đất, đồng thời cũng cho trời là vì vua, đất là vì thần; những lý luận này đều là từ “Kinh dịch” mà diễn hóa ra. Theo ghi chép lại, Hàn Hoảng có nghiên cứu rất sâu sắc với “Kinh dịch”, đã viết ra hai cuốn “Xuân thu thông lệ” và “Thiên văn tự nghị”; nên có thể nói bức tranh này của Hàn Hoảng không chỉ đơn thuần là để mô tả bề ngoài của loài vật, mà còn bao hàm những triết lý cổ đại sâu sắc trong đó. Cũng có người nói, Hàn Hoảng vẽ trâu để ẩn dụ tính tình chất phác đôn hậu, nhẫn nhục chịu khó của bản thân ông khi hết lòng phục vụ cho Hoàng đế và đất nước, cũng chân chính lo nghĩ cho những nỗi khổ của người dân.

Theo epochtimes.com

Uyển Vân biên dịch

Exit mobile version