Đại Kỷ Nguyên

Tìm hiểu chủ nghĩa tự nhiên trong nghệ thuật thời Phục hưng

nghệ thuật phục hưng

Quá trình quan sát, ghi lại và tinh chỉnh hình ảnh theo chủ nghĩa tự nhiên trong thời Phục hưng đã trở thành phương pháp tiêu chuẩn để vẽ phác thảo và vẽ tranh trong 400 năm tiếp theo.

Chủ nghĩa tự nhiên trong nghệ thuật Phục hưng được lấy cảm hứng từ sự chính xác như thật của điêu khắc cổ điển, một phẩm chất đã biến mất khỏi biểu hiện nghệ thuật trong thời kỳ đen tối (sau sự sụp đổ của đế chế La Mã) và thời trung cổ (thế kỷ 5-15).

GIOTTO (khoảng 1267-1337), ‘Lời than thở (The Lamentation)’, 1303-05, Tranh tường 183 x 183 cm: Những cảnh trong cuộc đời của Chúa Kitô, tranh tường trong Nhà nguyện Arena, Padua.

Các yếu tố của chủ nghĩa tự nhiên bắt đầu xuất hiện trở lại trong thời kỳ tiền Phục hưng trong các bức tranh của Giotto. Trái ngược với những hình tượng phẳng, trang trọng của nghệ thuật Byzantine, Giotto giới thiệu những hình thức giống thật hơn, với ánh mắt, biểu cảm, tư thế và cử chỉ truyền tải một loạt cảm xúc chưa từng có tiền lệ. Chúng cũng được bố cục trong một không gian có tổ chức, nơi các nhân vật được vẽ chồng chéo, gợi lên ảo ảnh về chiều sâu và xây nên một mạch truyện.

‘Chúa Kitô ban phước. ‘Trái: ‘Christ Pantocrator’, Byzantine Mosaic (thế kỷ thứ 6). Phải: ‘Christ Blessing’ của Antonello da Messina (1465), sơn dầu.

Có thể thấy sự phát triển đáng kể của chủ nghĩa tự nhiên từ nghệ thuật Byzantine tới nghệ thuật Phục hưng sớm trong những hình ảnh của Chúa Kitô ở trên. Trong nghệ thuật Byzantine, Ngài được miêu tả là hình ảnh cách điệu của ‘Christ Pantocrator‘ (Chúa Toàn năng), oai phong với đồ trang sức bằng ngọc nổi bật trên nền khảm vàng lá. Trong bức tranh thời Phục hưng, Ngài được miêu tả là hình tượng khiêm nhường, một nhân vật bằng xương bằng thịt tự nhiên trong trang phục đương đại để giúp người bình thường nhận ra Ngài nhờ đức tin của mình.

Vẽ theo tự nhiên: Nghiên cứu về giải phẫu học và tự nhiên

Các kỹ năng cần thiết, để đạt được chất lượng đặc biệt của chủ nghĩa tự nhiên mà chúng ta thấy trong nghệ thuật thời Phục hưng đỉnh cao. được phát triển thông qua kĩ năng vẽ kết hợp với quan sát, đặc biệt là các họa sĩ thường thực hiện một nghiên cứu bước đầu về giải phẫu và tự nhiên, làm cơ sở cho việc vẽ bức tranh chính thức.

MICHELANGELO (1475-1564). TRÁI: ‘Các nghiên cứu cho bức ‘Sibyl Libya’, khoảng 1510-11, phấn đỏ. PHẢI: Bức ‘Sibyl Libya’, khoảng 1510-11, bích họa

Chúng ta có thể lấy ví dụ về kết quả của quá trình phát triển này, khi xem các bản phác thảo của Michelangelo cho bức ‘Libyan Sibyl’ cùng với tác phẩm đã hoàn thành của ông trên trần nhà nguyện Sistine.

LEONARDO DA VINCI (1452-1519), ‘Nghiên cứu giải phẫu các cơ vai, cánh tay và vùng cổ’, khoảng 1510-11, mực vẽ.

Trong nỗ lực đạt được chủ nghĩa tự nhiên của vẻ đẹp cổ điển, nhiều nghệ sĩ thời Phục hưng đã nghiên cứu về giải phẫu để tăng kiến ​​thức của họ về hình dạng con người. Một số nghệ sĩ, như Leonardo da Vinci, thậm chí đã đi đến mức độ mổ xẻ tử thi để khám phá các cấu trúc nằm bên dưới lớp da.

MICHELANGELO (1475-1564), ‘Chi tiết ‘trnah Ignudi’ từ trần nhà nguyện Sistine’, khoảng 1508-12, bích họa.

Những họa sĩ như Michelangelo, không chỉ bị mê hoặc bởi vẻ đẹp tự nhiên của cơ thể con người mà còn sử dụng sức mạnh biểu cảm của nó như một lực lượng cảm xúc trong tác phẩm của họ. Đồng thời với việc kiến ​​thức giải phẫu của các nghệ sĩ tăng lên, quần áo trên các người mẫu của họ cũng dần giảm bớt, và tranh người mẫu khỏa thân quay trở lại lần đầu tiên kể từ thời Cổ đại, được chấp nhận được như một chủ đề trong nghệ thuật.

LEONARDO DA VINCI (1452-1519), ‘The Virgin of the Rocks’, 1483-85, Sơn dầu trên gỗ cây dương.

Một nhận thức lớn hơn về khoa học tự nhiên, như thực vật học và địa chất học đã tăng cường thể hiện các yếu tố danh lam thắng cảnh của một tác phẩm nghệ thuật, để đối trọng với chủ nghĩa tự nhiên mạnh mẽ hơn của các nhân vật và tạo một bố cục thống nhất. Có thể thấy Leonardo đã sử dụng kiến ​​thức của mình về cả hai ngành khoa học này để tô điểm cho tiền cảnh của bức ‘The Virgin of the Rocks‘, bằng các nghiên cứu thực vật và tăng cường vẻ huyền bí của hậu cảnh bằng những khối đá tưởng tượng.

Việc phát minh ra sơn dầu cũng là một yếu tố làm cho vẻ đẹp tự nhiên đạt được mức độ cao. Phương tiện hội họa mới mẻ này đã giúp tạo ra một loạt các màu sắc mãnh liệt, sự pha trộn tinh tế của tông màu và đạt đến mức độ chi tiết chưa từng có trước đó. Các nghệ sĩ giờ đây đã có thể tạo ra các hình ảnh giống như thật hơn, với độ sâu của bầu khí quyển được tăng cường, nhờ sự quan sát và hiểu biết về ánh sáng tự nhiên và bóng râm.

Phối cảnh tuyến tính

Vào thời kỳ Phục hưng sớm, còn có một khía cạnh khác của chủ nghĩa tự nhiên trong nghệ thuật, đó là sắp xếp các nhân vật và công trình xây dựng trong một cảnh quan để tạo ra ảo ảnh về chiều sâu. Một giải pháp toán học cho vấn đề này đã được phát hiện vào khoảng năm 1413 bởi Leon Baptista Alberti (1404-72) và Filippo Brunelleschi (1377-1446), khi họ xây dựng các định luật về phối cảnh tuyến tính – một trong những phát kiến ​​quan trọng trong nghệ thuật thời Phục hưng.

PERUGINO (1483-1520), ‘Chúa Kitô trao chìa khóa của Vương quốc cho Thánh Peter’, 1509-11 (Tranh tường trong Nhà nguyện Sistine)

Vẽ phối cảnh cho phép các họa sĩ mô tả chính xác thế giới 3 chiều trên bề mặt 2 chiều từ một điểm quan sát cố định. Trong bức tranh ‘Chúa Kitô trao chìa khóa của vương quốc cho Thánh Peter‘ của Perugino, có thể thấy cách các đường phối cảnh được tạo ra bởi một mạng lưới hội tụ về một điểm vô hình trên đường chân trời, ngang tầm mắt của nghệ sĩ (và người xem) và ở trung tâm điểm nhìn của họ.

Vẻ đẹp và sự hài hòa

Trong thời kỳ Phục hưng đỉnh cao, chủ nghĩa tự nhiên còn quan tâm nhiều hơn đến việc tinh chỉnh hình thức của nhân vật trong một hậu cảnh trông xác thực và kết hợp họ trong một bố cục có các tỷ lệ hài hòa.

RAPHAEL (1483-1520) ‘Biến hình (The Transfiguration)’, 1516-20, sơn dầu.

Người Hy Lạp cổ đại coi toán học là nền tảng của vẻ đẹp và sự hài hòa, nên nhiều nghệ sĩ thời Phục hưng đã kết hợp khái niệm này vào các tác phẩm của họ. Nghệ sĩ có những bức tranh kết hợp tốt nhất các yếu tố chính của nghệ thuật Phục hưng đỉnh cao là Raphael. Phong cách của ông đã hợp nhất sự khắt khe về trí tuệ của Leonardo với sức mạnh biểu cảm của Michelangelo và các hình thức điêu khắc cổ điển cao quý, để đạt được cái gọi là “sự hoàn hảo tối thượng” – một sự hài hòa tinh tế và kịch tính của các yếu tố của nghệ thuật thị giác.

Theo Artyfactory

Clip hay:

Exit mobile version