Tranh màu keo là tinh hoa nghệ thuật thời kỳ Phục hưng nước Ý. Các nghệ sĩ bậc thầy cũng phải tuân thủ các công đoạn kỹ thuật phức tạp và tinh tế trong quy trình chuẩn bị và vẽ, trước khi những kiệt tác được ra đời và sống mãi với thời gian.

Tranh màu keo là phương tiện hội họa chính được sử dụng trong thời kỳ đầu tiên của Phục hưng cho các bức tranh quy mô nhỏ được vẽ trên các tấm gỗ. Bất kỳ sắc tố nào được hòa vào keo bằng chất kết dính tan trong nước như lòng đỏ trứng, hoặc lòng trắng trứng, chất gôm arabic hoặc keo động vật đều được gọi là sơn màu keo.

Bức ‘Chân dung lý tưởng hóa của một quý bà’, màu keo trứng trên gỗ cây dương, vẽ năm 1480 bởi SANDRO BOTTICELLI (1445-1510).

Trong một phương pháp cụ thể, kỹ thuật tạo màu keo bao gồm việc trộn lòng đỏ trứng với các sắc tố nền để tạo thành một loại nhũ tương có thể được pha loãng với nước, dùng được cho bút lông. Sau đó nhũ tương được quét cẩn thận thành các lớp mỏng và để cho khô, cho đến lúc thành một thành phẩm cứng và đục. Kỹ thuật làm màu này phù hợp để vẽ các đường nét duyên dáng, tông màu nhẹ nhàng, với một bảng màu hữu hạn nhưng có các màu sắc tinh tế. Màu keo có độ sáng và độ sâu của tông màu tốt hơn hơn so với bích họa (tranh tường) nhưng ít rạng rỡ và kém mạnh mẽ so với sơn dầu (Tranh vẽ dùng sơn dầu cũng được sử dụng phổ biến trong thời Phục hưng). Tuy nhiên, nhược điểm chính của nó là thời gian khô màu nhanh, khiến cho việc trộn các tông màu trở thành một công việc rất khó khăn.

Chi tiết từ bức ‘Chân dung lý tưởng của một quý bà’.

Vào thế kỷ 15, hội họa màu keo đã đạt đến một trình độ kỹ năng đáng chú ý, qua tác phẩm của Sandro Botticelli (1445-1510). Chi tiết từ bức ‘Chân dung lý tưởng của một quý bà‘ minh họa cho chất lượng vượt trội của kỹ thuật tạo màu của họa sĩ này. Đó là bức chân dung của Simonetta Vespucci, một phụ nữ quý tộc trẻ, được coi là người phụ nữ đẹp nhất ở Florence vào lúc đó. Cô đã làm người mẫu cho một số bức tranh thời Phục hưng, trong đó có tranh của Botticelli. Trong bức chân dung này, cô đã được hóa trang thành một nữ thần trong thần thoại cổ điển.

Bức tranh này của Botticelli được phân biệt bởi các phẩm chất thanh lịch của đường nét và hình dạng, được biểu đạt một cách tự nhiên qua phương tiện màu keo. Hình ảnh trong tranh của ông được tạo thành từng lớp, khi màu vàng kim phẳng phiu của mái tóc được tô đậm và điểm xuyết bởi những đường cong sáng và tối để gợi lên kết cấu bồng bềnh của những lọn tóc. Những viên ngọc trai đính trên mái tóc kiểu cách của cô được thể hiện đơn giản, với những đường gạch bóng và những chấm màu xanh xám và trắng. Trung tâm của vên ngọc được để trong suốt, để làm nổi bật màu sắc của các chi tiết lân cận. Tông màu và bề mặt da của cô được thiết lập bằng cách vẽ chìm bất kỳ khu vực bóng mờ nào với màu xanh lá pha sắc đất, và sau đó phủ lên bề mặt các lớp mỏng màu trắng, vàng, hồng và nâu một cách tinh tế để tạo thành một làn da hoàn hảo. Nếu nhìn thật gần, sẽ nhận thấy sắc xanh lá cây nhẹ ánh lên qua làn da trong trẻo của Simonetta Vespucci.

Chi tiết từ bức ‘Trinh nữ và em nhỏ với các vị thánh Dominic và Aurea’, tranh màu keo trứng trên gỗ cây dương, vẽ trong khoảng năm 1312-1315 bởi DUCCIO DI BUONINSEGNA (1445-1510).

Trong các bức tranh màu keo trong giai đoạn đầu mà sử dụng các sắc tố ẩn nhiều hơn để mô tả sắc thái da thấy rằng các màu sắc ấm áp của chúng đã bị mờ, chỉ còn lại hình thức tông màu xanh lá lẫn màu đất mờ nhạt. Chi tiết từ bức ‘Trinh nữ và em nhỏ với các vị thánh Dominic và Aurea’ – một tranh thuộc bộ ba của Duccio di Buonninsegna – là một ví dụ điển hình về khiếm khuyết này, nhưng do bản vẽ hoàn hảo và bố cục tuyệt vời của nó, không có cảm xúc dịu dàng nào trong bức tranh bị mất mát theo thời gian.

Bức tranh ‘The Doni Tondo’, vẽ trong khoảng năm 1506-1508, (màu keo), tác giả MICHELANGELO BUONARROTI (1475-1564).

Vào đầu thế kỷ 16, Michelangelo đã nâng kỹ thuật vẽ tranh màu keo lên một mức độ xuất sắc mà cho đến ngày nay chưa ai vượt qua được. Trong tác phẩm ‘The Doni Tondo‘ (một tác phẩm nghệ thuật hình tròn) có tên ‘Gia đình thánh với Thánh John the Baptist sơ sinh‘ do thương gia Florentine Agnolo Doni ủy quyền, Michelangelo đã vượt qua mọi giới hạn của phương tiện hội họa để tạo ra bức tranh tự do vĩ đại nhất của mình và cũng là một trong những tác phẩm nghệ thuật quan trọng nhất thời Phục hưng nước Ý. Hầu hết những người lần đầu tiên nhìn vào tác phẩm này sẽ nhầm tưởng nó là một bức tranh sơn dầu, do một loạt các màu sắc rực rỡ và dải màu phát sáng của nó. Sức sống rạng rỡ trong bức tranh này không tạo liên tưởng ngay đến một bức tranh màu keo. Trên thực tế, đây là một ví dụ về kỹ thuật ‘cangiantismo’, mà Michelangelo đã sử dụng để vượt qua giới hạn tông màu và màu sắc của cả hai thể loại tranh sơn dầu và tranh bích họa.

Một chi tiết trong bức tranh ‘Doni Tondo’

Cangiantismo là một kỹ thuật để thay đổi tông màu của các sắc tố trong tranh màu keo và tranh tường, mà không làm mất đi sự bão hòa màu sắc của chúng. Theo truyền thống, nghệ sĩ sẽ làm sáng một tông màu bằng cách thêm màu trắng, hoặc làm tối nó bằng cách thêm màu nâu hoặc đen. Tuy nhiên, với dải sắc tố màu có sẵn cho màu keo và bích họa hạn chế, phương pháp truyền thống này có xu hướng làm giảm độ sáng bóng của màu sắc trong một bức tranh. Với kỹ thuật ‘cangiantismo’, nghệ sĩ có thể tạo ra tông màu sáng hơn hoặc tối hơn bằng cách sử dụng dạng tinh khiết của một màu khác mà có màu sắc tự nhiên phù hợp với tông màu yêu cầu.

Ví dụ: để vẽ y phục màu vàng rực rỡ của Thánh Joseph, Michelangelo đã sử dụng bắt đầu từ màu vàng tinh khiết cho các tông màu sáng nhất, chuyển sang màu cam rực rỡ cho tông màu trung, rồi giảm dần thành màu đất nung hung đỏ cho màu tối hơn, và cuối cùng là màu đất nung nâu đen cho tông màu tối nhất. Cách làm này tạo ra một dải tông màu rực rỡ hơn, trong đó các màu sắc vừa giữ được sức sống riêng của chúng, vừa như một phương tiện tốt để xác định hình dạng của vật thể.

Bức tranh “Người nhạc công” của LEONARDO DA VINCI (1452-1519), vẽ trong khoảng năm 1488-1490. Là tranh phối hợp giữa sơn dầu và màu keo.

Trước khi vẽ bằng sơn dầu được sử dụng làm kỹ thuật chính cho vẽ tranh trên giá vẽ, Leonardo da Vinci là một trong những nghệ sĩ đầu tiên đã kết hợp sử dụng giữa màu keo và sơn dầu, được gọi là kỹ thuật ‘tema grassa’, nhằm cố gắng khắc phục những hạn chế của mỗi một phương tiện truyền tải riêng biệt. Ông thường sử dụng lòng đỏ trứng trộn với dầu hạt lanh để tạo thành chất kết dính cho các sắc tố của mình. Trong bức tranh ‘The Musician (Người nhạc công)’ (được cho là vẽ nhà soạn nhạc người Pháp, Josquin des Préz, hoặc bạn của Leonardo là ca sĩ Atalante Migliorotti), có thể thấy hiệu ứng sơn dầu của hỗn hợp này trên hình ảnh còn dang dở của bộ lễ phục . Đây là một nỗ lực của họa sĩ để tăng cường độ của màu sắc và kéo dài thời gian làm khô màu, mang lại cho ông cơ hội để tạo ra một hiệu ứng được gọi là ‘chiaroscuro‘ (sự phối hợp màu tương phản) và sự pha trộn tinh tế của tông màu, được gọi là ‘sfumato‘ (cách vẽ các nét mờ hòa vào nhau), trở thành một đặc trưng trong tác phẩm của ông.

Leonardo cũng đã thử nghiệm kỹ thuật tương tự khi vẽ tranh bích họa, nhưng để lại hậu quả không tốt, như có thể thấy trong bức ‘Bữa tối cuối cùng‘ – một kiệt tác của ông cho nhà thờ Santa Maria delle Grazie ở Milan. Màu của bức tranh trên tường này đã bị bong tróc chỉ sau một thời gian ngắn, làm cho việc bảo tồn bức tranh này luôn khó khăn.

Kỹ thuật vẽ tranh màu keo

Carlo Crivelli (1435-1495) là một nghệ sĩ có nguồn gốc từ Venice, chuyên vẽ tranh màu keo. Bức ‘Madonna và em bé‘ vẽ khoảng năm 1480 là điển hình cho phong cách vẽ góc cạnh của ông, với ảnh hưởng của nghệ thuật Gothic muộn.

Bức tranh ‘Madonna và em bé’, màu keo trứng trên gỗ, vẽ trong khoảng năm 1480 bởi CARLO CRIVELLI (1435- 1495), 

Mặc dù kỹ thuật vẽ tranh của Crivelli có thể không so sánh được với sự thanh lịch, duyên dáng, hay trình độ bậc thầy kỹ thuật của Botticelli hoặc Michelangelo, tác phẩm của ông vẫn thể hiện tất cả các đặc điểm truyền thống được mong đợi trong một bức tranh thời kỳ Phục hưng.

Chi tiết từ bức ‘Madonna và em bé’

Dưới đây thuận tiện đề cập tới một số đặc trưng của vẽ màu keo:

  • Vẽ màu keo là một kỹ thuật rất chính xác. Nó không phải là một phương tiện truyền tải tự do, mà đòi hỏi một cách tiếp cận có phương pháp trong quá trình chuẩn bị và vẽ, giống như một thợ thủ công.
  • Vẽ màu keo cần một bề mặt vững chắc vì nếu sử dụng một bề mặt linh hoạt như giấy hoặc vải sẽ dẫn đến nứt và bong tróc màu.
  • Bề mặt cho một bức tranh màu keo thường là một tấm gỗ được ghép từ nhiều tấm ván, phổ biến nhất là gỗ cây dương. Chi tiết từ bức ‘Madonna và em bé‘ của Crivelli cho thấy cạnh của tấm tranh đã được dán vào một tấm gỗ nền để hỗ trợ.
  • Tấm panel được bịt kín bằng keo động vật, thường là keo da và xương của thỏ. Khi khô, nó lại được phủ thêm một lớp nền ‘gesso’ (gồm một lớp phấn trắng trộn keo có nguồn gốc động vật), được quét xuống một bề mặt nhẵn như thủy tinh và sẵn sàng cho việc vẽ tranh.
  • Bản phác thảo ban đầu được vẽ bằng than và làm ổn định bằng mực màu nước.
  • Vẽ màu keo chỉ có một số lượng màu hạn chế dành cho họa sĩ, cản trở khả năng tạo tương phản kịch tính trong một bức tranh.
  • Một số họa sĩ thường phủ véc-ni cho tác phẩm đã hoàn thành để cường hóa các màu dạng phấn đặc trưng cho một bức tranh màu keo. Một số họa sĩ khác thường trộn dầu với chất kết dính lòng đỏ trứng trong một biến thể của kỹ thuật gọi là “vẽ màu keo grassa”, nhằm làm cho màu sắc tranh của họ rực rỡ hơn.
  • Chất lượng phát sáng mềm mại của màu keo được tạo ra bằng cách vẽ các lớp màu bán trong suốt để tạo ra một sự pha trộn của các tông màu sáng và tối. Kỹ thuật vẽ màu keo cổ điển này, về cơ bản là vẽ trực tiếp bằng màu sắc, khá dễ nhận thấy trong các trích bản chi tiết.
Chi tiết từ ‘Madonna và trẻ em’

Các động vật và tĩnh vật trang trí cho bức ‘Madonna và em bé‘ của Crivelli tượng trưng cho cả bản chất thiêng liêng và trần tục của con người. Những quả táo và dưa chuột ngon lành đại diện cho sự cám dỗ và dục vọng, trong khi con ruồi là biểu tượng của sự suy đồi, bệnh tật và cái chết. Chúa Kitô nhỏ bé giữ trong tay thuốc giải độc tâm linh cho những thứ xấu xa này, dưới dạng một con chim kim oanh, được sử dụng trong nghệ thuật Phục hưng như một biểu tượng của sự chữa lành và cứu chuộc. Truyền thuyết về chim kim oanh ra đời từ những dấu hiệu đầy màu sắc của nó. Có niềm tin rằng vệt màu vàng trên đôi cánh chim mang lại sự bảo vệ chống lại bệnh dịch, trong khi những đốm màu đỏ trên mặt chim là thể hiện của việc loại bỏ những chiếc gai khỏi đầu của Chúa Kitô khi Ngài bị khổ hình.

Theo Artyfactory (bài và ảnh)

Bạn đang đọc bài viết: “Tìm hiểu về nghệ thuật tranh màu keo thời Phục hưng nước Ý” tại chuyên mục Nghệ thuật của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn!

Clip hay:

videoinfo__video3.dkn.tv||4e9cbeafb__