Đại Kỷ Nguyên

Tinh túy truyền thống: Điêu khắc gỗ – đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc tinh xảo

Điêu khắc gỗ là một hình thức nghệ thuật vô cùng độc đáo. Thay vì vẽ lên giấy hoặc lụa, các tác phẩm bằng gỗ được hiển lộ sống động chỉ bởi đầu mũi dao khắc nhờ kỹ năng hoàn hảo, để làm sống động từng chi tiết của cảnh vật. Thành phẩm thường rất ngoạn mục.

Cái nôi của nghệ thuật chạm khắc gỗ

Khi tìm hiểu nguồn gốc của chạm khắc gỗ, sẽ là một sai lầm nếu bỏ qua sự hiện diện của loại hình nghệ thuật này ở Trung Hoa cổ đại. Là một cái nôi vĩ đại của nền văn minh với hàng ngàn năm lịch sử, không có gì ngạc nhiên khi nhiều ví dụ cổ xưa nhất về chạm khắc gỗ tinh xảo được tìm thấy ở đất nước này. Có rất nhiều nghiên cứu về nghệ thuật chạm khắc gỗ của Trung Hoa. Những cổ vật ghi nhận được là thuộc về ít nhất 7.000 năm trước, vào thời kỳ đồ đá mới.

(Ảnh: Pinterest)

Nguồn gốc của nghệ thuật chạm khắc gỗ

Khắc gỗ là một trong những loại hình nghệ thuật dân gian lâu đời nhất trên thế giới. Nghề này có hàng ngàn năm phát triển trên phạm vi toàn cầu. Đặc biệt khu vực Chiết Giang của Trung Quốc gắn liền với mật độ cao của các nghệ nhân khắc gỗ khéo léo thời cổ đại.

Chiết Giang được coi là địa điểm thủy tổ của nghệ thuật chạm khắc gỗ Trung Hoa qua các thời đại. Các nghệ nhân ở đó sở hữu kỹ thuật, sự sáng tạo và trí tưởng tượng tuyệt vời. Họ là những chuyên gia trong việc tìm kiếm những miếng gỗ phù hợp cho từng tác phẩm nghệ thuật. Chỉ cần nhìn thoáng qua vật liệu, họ đã nghĩ ra bố cục tổng thể.

(Ảnh: Pinterest)

Một đặc trưng độc đáo và không thể thiếu của bất kỳ tác phẩm điêu khắc gỗ truyền thống nào là kể lại một câu chuyện ly kỳ. Hầu hết chứa đựng những bí ẩn phức tạp, ẩn giấu những câu chuyện bên trong. Những câu chuyện này được lấy cảm hứng từ các truyện ngụ ngôn cổ đại, những mẩu chuyện và sự kiện xuyên suốt lịch sử Trung Quốc. Vì vậy, những bức tranh được chạm khắc bằng gỗ này đã lôi cuốn người xem vào những sự kiện bí ẩn và cổ xưa, tạo cảm giác triết lý tư tưởng sâu sắc và lịch sử được liên tục kế thừa.

Các công cụ kỹ thuật của sản phẩm thương mại

Khi vẽ nên một kiệt tác, bảng màu là công cụ được sử dụng để tạo độ sâu, ánh sáng và bố cục của tác phẩm. Ngược lại, khi làm việc với chất liệu gỗ, người thợ chỉ dựa vào màu sắc đơn điệu của vật liệu gỗ và bóng tối được tạo ra từ mỗi nét chạm khắc. Màu gỗ tự nhiên trở thành thứ yếu so với các đường cong, đường sắc nét hoặc mịn mượt được khắc vào vật liệu. Từng chi tiết được bàn tay của nghệ nhân điêu khắc lên bề mặt gỗ đều nhằm kể câu chuyện theo hiệu ứng ba chiều.

Sự biến đổi từ một vật thể vô tri thành một chủ đề sống động được thực hiện chỉ bởi đầu mũi dao khắc là một điều kỳ diệu. Có lẽ những đường nét của một con rồng đang bay hoặc một con phượng hoàng đang múa một cách duyên dáng chính là yếu tố có tác dụng mê hoặc.

(Ảnh: Pinterest)

Trước khi bắt tay vào làm một tác phẩm điêu khắc gỗ, các nghệ nhân phải suy nghĩ rất kỹ. Tài năng biến hóa của họ được kiểm chứng sau mỗi lần hoàn thành một tác phẩm.

Tạo được một bức tranh gỗ thành công đòi hỏi rất nhiều thời gian, tiền bạc, công sức và kỹ năng. Vì vậy tác phẩm của các nghệ nhân này có tính chuyên sâu. Chính vì vậy mà mỗi tác phẩm điêu khắc bằng gỗ sẽ gắn với một giá trị tiền bạc lớn. Mỗi tác phẩm đều được mong muốn sở hữu, ngay cả với những người vốn ít quan tâm đến giá trị lịch sử hoặc nghệ thuật của tác phẩm.

Một hình thức nghệ thuật có đòi hỏi khắt khe, chọn lựa đôi bàn tay và khối óc của nghệ nhân

Có câu ngạn ngữ Trung Hoa rằng “Việc chọn người, người không chọn việc”. Điều này thực sự đúng trong trường hợp chạm khắc gỗ nghệ thuật. Không phải ai cũng có khả năng làm chủ loại hình nghệ thuật này. Dường như những người làm được đều do có sự an bài của số phận. Trong số các nghệ nhân, cũng có sự phân chia về trình độ và tài năng. Mỗi người thường có một phong cách riêng và có thể đưa các yếu tố của riêng họ vào tác phẩm.

Điêu khắc gỗ đòi hỏi các nghệ nhân không chỉ là bậc thầy của sự kiên nhẫn mà còn phải có đức tính cần cù. Mỗi tác phẩm đều là biểu tượng của trí tuệ hoặc là thành tựu tâm trí của nghệ nhân. Có lẽ vì vậy nên ngay cả ở Trung Hoa, một vùng đất đã nổi tiếng với nghề chạm khắc gỗ từ xưa đến nay, các nghệ nhân thực thụ cũng khó tìm được học trò để truyền thụ tinh hoa nghề nghiệp của họ. Thử thách khắc nghiệt của việc thể hiện tâm hồn, trí tuệ của người thợ qua sản phẩm gỗ, và tất nhiên còn cả những yêu cầu kỹ thuật khắt khe, đã khiến nhiều bạn trẻ rất ngại ngùng khi muốn theo đuổi nghề này.

(Ảnh: Pinterest)

Nguy cơ bị mai một

Điêu khắc gỗ như thế này là một công việc tinh vi và hoàn thiện, với nhiều giai đoạn phức tạp; từ lựa chọn gỗ để chạm khắc, quang dầu cho đến phun xịt màu. Để tạo ra một tác phẩm hoàn chỉnh, ngoài sự khéo léo, sáng tạo và kỹ năng, các nghệ nhân còn cần phải có một đầu óc kỷ luật.

Nghệ thuật chạm khắc gỗ loại này là một nghệ thuật dân gian có lịch sử hàng ngàn năm truyền thụ và phát triển. Tuy nhiên, nghề này đang đứng trước nguy cơ bị mai một và đang phải đối mặt với sự đứt quãng. Cho dù như thế, sức hấp dẫn của nó đối với những người yêu nghệ thuật chưa bao giờ phai nhạt. Cùng với sự hiếm có, mỗi tác phẩm chắc chắn chỉ có thể được tăng giá trị. Mỗi tác phẩm nghệ thuật loại này vẫn làm say mê những người hâm mộ và khơi dậy sự ngưỡng mộ không thay đổi từ công chúng.

Theo Iona Mccombie Smith (theBL.com)

Hòa Bình biên dịch

Clip ý nghĩa:

Exit mobile version