Đại Kỷ Nguyên

Tinh túy truyền thống: Đọc Hoa Nam kinh để ngẫm về cuộc sống tự tại tiêu dao

Trong cuốn sách kinh điển có tên gọi là Nam Hoa kinh do Trang Tử viết từ thời Chiến Quốc có ẩn chứa rất nhiều những triết lí thâm sâu mà người đời sau mãi mãi luận bàn. Đó không chỉ là áng văn chương thể hiện tài năng nghệ thuật mà đọc Nam Hoa kinh ta hiểu cách cân bằng cuộc sống để tâm thân thanh thản, cân bằng được tinh thần và lạc quan hơn.

Nam Hoa kinh được coi là một kho tàng kiến thức kinh điển chứa đựng triết thuyết thâm sâu và uyên bác ảnh hưởng rất lớn tới tư tưởng và đời sống của người Trung Hoa.

Nam Hoa kinh trải qua những niên đại lịch sử đã vươn tầm ảnh hưởng của mình tới rất nhiều quốc gia trên thế giới nghiên cứu và tìm đọc. Trong khuôn khổ của bài viết Đại Kỷ Nguyên xin giới thiệu tới bạn đọc vài điểm kiến giải trong Nam Hoa kinh. Hi vọng mang tới cái nhìn đa dạng hơn cho quý độc giả.

Nhận thức khác nhau tạo nên cảnh giới tư tưởng khác nhau

Thiên đầu tiên của Nam Hoa kinh Trang Châu miêu tả hình ảnh con cá côn, con chim bằng:

‘‘Biển Bắc có con cá gọi là cá côn, mình dài không biết mấy ngàn dặm. Nó biến thành con chim gọi là chim bằng, lưng rộng không biết mấy ngàn dặm, khi tung cánh bay thì cánh nó như đám mây trên trời. Biển (Bắc) động thì nó dời về biển Nam, biển Nam là Ao trời.

Tề Hài là sách ghi những chuyện quái dị. Sách đó bảo khi con chim bằng dời xuống biển Nam, nó đập nước tung tóe lên ba ngàn dặm rồi nương gió lốc cuốn lên cao chín vạn dặm. Nó xuống biển Nam vào tháng 6, lúc gió nổi lên’’

Chim Bằng (Ảnh: Youtube.com)

Xét về góc độ văn chương thì những từ ngữ miêu tả trong đoạn văn mang tính hoa mĩ, li kì. Nhiều ý kiến cho rằng đây là đoạn văn nói lên trí tưởng tượng phong phú và sự khôn khéo trong việc mượn vật mà nói người.

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng chính là loài chim phượng quý hiếm mà chỉ thấy được ở thiên giới. Vậy tại sao ông có thể miêu tả về nó như thể ông biết rõ nó? Phải chăng những gì ông thấy không phải cảnh giới của người bình thường. Mắt có thể thấy được thiên giới thì đó có phải là cao nhân?

Lối sử dụng từ ngữ và sự khéo léo trong hành văn đã giúp người ta như ngầm hiểu về những gì mà ông muốn truyền đạt. Ông mô tả những khả năng và sức mạnh của chúng là vô cùng phi thường, và vô cùng mĩ diệu. Thế nhưng:

‘‘Con ve sầu và con chim cưu cười con chim bằng rằng: “Chúng tao bay vù lên cây du, cây phương có lúc bay không tới mà rớt xuống đất. Hà tất phải bay cao chín vạn dặm để xuống phương Nam?”

Con ve sầu và con chim cưu chẳng thể bay được như con chim bằng, thì nó chê cười con chim bằng ‘‘Hà tất phải bay cao chín vạn dặm để xuống phương Nam’’, đó chính là bay về ao trời. Câu này chính là sự phản ánh rất rõ dụng ý của Trang Tử về vấn đề đố kị, ghen ghét trong cuộc sống.

Ở xã hội con người thường xảy ra mâu thuẫn, thấy người làm được việc mà bản thân mình không thể làm được liền đem tâm ganh ghét mà gièm pha, nhạo báng. Thế nhưng có một quy luật mà Trang Tử ngầm chỉ đó là: con người sinh ra là có sự khác nhau, và sự khác nhau về nhận thức sẽ dẫn tới sự khác nhau về tư tưởng cảnh giới tinh thần. Điều này hoàn toàn trái ngược với luận thuyết mà một số quan điểm cho rằng: con người sinh ra ai cũng như ai, cái thuyết gọi là bình quân tuyệt đối đó đã làm cho con người hiểu rằng, con người cơ bản là ai cũng giống nhau nên họ phủ nhận sự tồn tại của nhân quả, không tin vào thiện ác hữu báo, từ đó mà tranh mà đấu, tạo bao nhiêu nghiệp báo trong đời. Để rồi cuộc sống của họ là bất an và đau khổ cho tới khi ác nghiệp quá nhiều thì tự hủy hoại bản thân.

Sự phản ánh rõ nét nhất về khác biệt tầng thứ tư tưởng được viết như sau:

Nước không sâu thì không chở được thuyền lớn. Đổ một chén nước xuống một chỗ lõm ở trước sân thì thả một cọng cỏ xuống làm thuyền được; nếu thả cái chén đó xuống thì chén chạm đất, không nổi được, vì nước nông mà thuyền lớn.

Lớp không khí mà không dày thì không đỡ được những cánh chim lớn. Cho nên con chim bằng phải bay lên cao chin vạn dặm để có lớp không khí dày đỡ nó ở dưới, rồi lưng nó mới đội trời xanh, không hề bị cản trở, mà bay xuống biển Nam được.

(Ảnh: Pinterest)

….
Trí lực nhỏ không thể so sánh với trí lực lớn; cuộc đời ngắn không thể so sánh được với cuộc đời dài. Làm sao biết được điều ấy? Như cây nấm chỉ sống một buổi sáng thì không biết được trọn một ngày, con huệ cô (một loại ve sầu, sinh mùa xuân thì mùa hè chết, sinh mùa hè thì mùa thu chết), không biết được trọn một năm; đó là những loài cuộc đời ngắn ngủi.

Ở miền Nam nước Sở, có một con rùa thiêng, mùa xuân của nó dài năm trăm năm; mùa thu dài năm trăm năm; đời thượng cổ có một cây “xuân” lớn, mà mùa xuân dài tới tám ngàn năm, mùa thu dài cũng tám ngàn năm, đó là những loài cuộc đời lâu dài. Ông Bành Tổ (chỉ sống bảy trăm năm) mà ngày nay hễ nói tới thọ, ai cũng cho ông bậc nhất, chẳng đáng buồn ư?

Trang Tử cũng nói tới việc không thể dùng nhận thức nông cạn của con người mà lí giải sự việc theo định kiến cá nhân. Và việc con người phong bế hiểu biết của mình trong phạm vi hạn hẹp chẳng khác gì ếch ngồi đáy giếng. Nhận thức về cuộc sống nhân sinh quan là rộng lớn, trí tuệ con người là nhỏ bé cho nên nếu như con người cứ mãi ôm cứng cái lí nông cạn của mình thì vĩnh viễn không bao giờ khơi mở được những điều mới mẻ, rộng lớn bác đại tinh thâm.

Cũng giống như khoa học của nhân loại, chỉ nghiên cứu những gì đã xảy ra còn những gì vẫn tồn tại và phản ánh hết sức hiện thực, khách quan mà họ chưa thể nhận thức được thì cho đó là viễn tưởng. Phải chăng đó chính là sự nông cạn và hạn hẹp của kiến thức mà con người gọi đó là khoa học?

Khi con người vứt bỏ hết thảy những tâm tưởng xấu tệ, quay trở về bản tính thuần thiện thánh khiết nguyên sơ của con người thì họ cũng nhận thức và nhìn thấy được những điều vi diệu vô cùng mà khoa học vẫn không thể nghiên cứu tới.

Như vậy luận điểm mà Trang tử đưa ra chính là sự mênh mông bao la trong kiến thức ở từng tầng từng tầng của vạn vật. Con người không thể kiến giải được hết thảy mọi sự việc trừ khi họ bước trên con đường tu luyện quay trở về với bản tính nguyên lai của con người.

Do năng lực và nhận thức của con người là hữu hạn trong cuộc đời mà chẳng được thanh thản, tiêu diêu

Trang Tử cho rằng: con người dẫu nắm rất rõ quy luật cuộc đời, sống rất bình thản mặc cho khen chê thế gian, có nắm thấu triệt được cái lí ở đời thì cũng chỉ là một người có đủ nhận thức và sự thanh thản đó không thoát khỏi người thường. Muốn đạt được cao hơn như thế, trở thành một bậc đại giác thì phải biết thích nghi với vạn vật.

(Ảnh: Youtube.com)

Thấu hiểu được pháp lí rộng lớn đang khống chế sự tồn tại của diễn hóa vạn vật trong vũ trụ.

Ông Vinh tử nước Tống cười họ. Dù cả nước khen ông, ông cũng không mừng, cả nước chê ông, ông cũng không buồn, vì ông biết phân biệt nội và ngoại, vinh và nhục. Người như ông thật hiếm ở đời, nhưng ông chỉ biết tự thủ (tự giữ mình) thôi, chứ chưa tự thích nghi với vật mà thành bậc đại

Xét ở góc độ xã hội của con người, có luận điểm cho rằng, sở hữu những kiến thức trong xã hội người thường, trở thành những chuyên gia tiếng tăm ở đời đó là điều tốt đẹp tuyệt đối. Tuy nhiên đó có phần hạn hẹp. Bởi kiến thức là vô biên, vũ trụ là rộng lớn chút đỉnh kiến thức nơi xã hội của con người quá ư nhỏ bé, nó không thể giúp con người nhận biết được chân lí tối hậu của vũ trụ.

Trang tử cũng ngụ ý cho việc phải biết thuận theo thiên tính của vạn vật. Tức biết dung hòa và nắm chắc được bản chất thực sự của vật. Từ đó mà hiểu và thuận theo chiều hướng đó mà không đi ngược lại quy luật tự nhiên.

Hạnh phúc có được khi ta thực sự tự do

Trang tử viết: Ông Liệt tử cưỡi gió mà bay, thật nhẹ nhàng, khoan khoái, mười lăm ngày rồi về. Có phúc lớn như ông thật hiếm ở đời, tuy khỏi phải đi, nhưng ông vẫn còn tùy thuộc một cái gì .

Liệt tử đi mây về gió, người đời nhìn thấy mà nể phục, mong muốn được như ông. Ấy vậy mà đó cũng đâu phải là tự do thực sự, bởi lẽ nếu chẳng có gió thì Liệt tử chẳng thể bay. Cái trạng thái nhẹ nhàng, khoan khoái của ông lại bị phụ thuộc vào gió.

Vậy cái gốc của hạnh phúc là tự do, và tự do chính là sự thoát khỏi khống chế ràng buộc bởi những nhân tố khác.
Con người vì đâu mà thấy khổ? trước tiên vì phải mang theo cái thân xác thịt nặng nề này, không tắm thì bốc mùi khó chịu. Vì cái thân xác này mà luôn phải tranh giành, đấu đá. Danh- lợi-tình cũng từ cung phục cái thân xác này mà phải khổ cực tâm thân.

Hạnh phúc thực sự là khi con người có sự tự do thực sự. (Ảnh: WordPress.com)

Vậy tự do mà Trang tử đề cập tới chính là con người cần phải thoát khỏi sự ràng buộc và khống chế bởi những chủng tâm mà khiến con người quá coi trọng bản thân, tự tư tự lợi thôi thúc làm những việc bất hảo. Phải coi nhẹ bản thân, coi nhẹ thảy mọi dục vọng chấp trước, dần buông xả nó để thoát khỏi sự ràng buộc đó mà trở nên thanh thản nhẹ nhàng, tự do khoáng đạt.

Giống như trong đoạn:

Đến như hạng người làm chủ được cái chính đạo của trời đất, chế ngự được lục khí để ngao du trong vũ trụ vô biên, thì còn tùy thuộc cái gì nữa đâu? Cho nên người ta bảo “Bậc chí nhân (có đức tuyệt cao) thì quên mình, bậc thần nhân thì không lập công, bậc thánh nhân thì không lưu danh”.

Trang tử cũng đưa ra những cảnh giới cao hơn cũng có sự phân biệt về tầng thứ. Khi con người thoát khỏi trạng thái ràng buộc phụ thuộc của người thường từ tâm thân thì sẽ tiến nhập vào trạng thái siêu thường. Tầm mắt mở mang, trí huệ được vun bồi. Nhưng cũng chưa thể khám phá thấu triệt vũ trụ vô biên vô tế.

Ông cũng đưa ra chìa khóa để mở cánh cửa của đột phá tầng thứ trong vũ trụ chính là Đức. Đức là những gì mà con người có được khi họ làm việc thiện, trong cuộc sống chịu khổ, chịu thiệt thòi về lợi ích cá nhân mà có được.

Nhưng Đức có được phải đạt điều kiện là vô vi. Tức là làm việc tốt vì người mà không lưu danh, không kể thưởng. Hoàn toàn xuất phát từ từ bi mà làm, không truy cầu mục đích và được- mất.

Có thể thấy rằng qua chương đầu của Nam Hoa kinh, Trang tử đã truyền tải những thông điệp hàm ý thâm sâu để từ đó đưa ra luận điểm giúp con người hiểu về nguyên gốc của sự tự do tự tại trong đời người. Muốn tìm được hạnh phúc thực sự của mình trước tiên con người phải biết thuận theo thiên tính của vạn vật, mở mang trí huệ dung bồi kiến thức để hiểu được quy luật của vạn vật. Mặt khác phải thoát khỏi sự ràng buộc bởi những dục vọng chấp trước thì mới đạt tới trạng thái tự do và hơn thế nữa là tâm thái phải đạt được vô vi để có thể tiến nhập sâu hơn, cao hơn trong tiến trình khám phá bí ẩn sinh mệnh và vũ trụ.

(Hết kì 1, mời độc giả đón đọc kỳ 2) 

Tịnh Tâm

Exit mobile version