Đại Kỷ Nguyên

Treo câu đối trong nhà ngày xuân: Trí tuệ uyên thâm và nghệ thuật chơi chữ của cổ nhân

Trong văn hóa truyền thống của người Việt xưa, tục treo câu đối trong nhà ngày xuân là một thú vui tao nhã thể hiện trí tuệ và nghệ thuật chơi chữ của người sử dụng câu đối.

Trong dân gian, mỗi dịp xuân về người ta thường truyền tụng câu:

Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ
Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh.

Tục treo câu đối trong nhà ngày xuân là một thú vui tao nhã thể hiện trí tuệ và nghệ thuật chơi chữ của người sử dụng câu đối. (Ảnh: dkn.tv)

Để chúng ta thấy rằng, câu đối là một phần tất yếu không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền của người Việt. Nó được coi như phần hồn trong bài trí gia đình ngày Tết. Người Việt treo câu đối như thể hiện trí tuệ và nghệ thuật chơi chữ của bản thân, đôi khi nó mang theo lời chúc tụng, lời mong cầu… nên câu đối không chỉ dừng lại ở giá trị thưởng thức mà còn là một phong tục truyền thống xa xưa của người Việt cổ. Được đánh giá như tinh hoa của nguồn cội, là món ăn tinh thần ngày Tết.

Trong phạm vi bài viết này, xin được gửi tới độc giả vài nét về quy luật cũng như nghệ thuật làm câu đối mà người xưa biến nó trở thành một thú vui tao nhã nhưng đầy chất trí tuệ thi ca.

Câu đối và những quy luật gieo đối

Câu đối gồm hai câu (gọi là hai vế) đi song nhau, hai vế bằng nhau về số chữ, không vần nhau nhưng phải tuân thủ những quy tắc về cân xứng.

Câu đối có thể được dùng trong nhiều tình huống, và có thể do một tác giả làm ra. Ví như câu đối mà thể hiện một quan điểm, một sự nào đó, hay tâm tư tình cảm thì tác giả thường sử dụng vế đối, gọi là vế trên và vế dưới. Nhưng có thể là một người ra câu đối, còn người kia đáp lại câu đối thì người ta gọi người ra câu đối là vế ra, người đáp đối là vế đối. Trong dạng câu đối này, thường được dùng làm thước đo tỉ thí về kiến thức, khả năng văn chương chữ nghĩa, hay sự thông minh nhanh trí và tài ứng khẩu đối đáp của 2 tác giả, đặc biệt là người đáp vế đối.

Câu đối được viết dưới dạng chữ Hán, chữ Nôm, hay chữ Việt và được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, hoàn cảnh khác nhau. Nhưng đã là câu đối thì việc tuân thủ niêm luật cấu tạo rất chặt chẽ, gò bó từ hình thức đến nội dung.

Về hình thức: Số đoạn và số chữ của hai vế phải bằng nhau, trong mỗi đoạn tương ứng của hai vế cũng phải bằng nhau. Đối về tự loại tức là chiểu theo lối hành văn Hán Nôm thì thực tự (như trời, đất, cây, cỏ) phải đối với thực tự; hư tự (như thì, mà, vậy, ru) phải đối với hư tự.

Theo văn phạm ngày nay, danh/động/tính/trạng từ phải đối với danh/động/tính/trạng từ. Ngoài ra, tên riêng đối với tên riêng, số lượng đối với số lượng, hình ảnh/mầu sắc/âm thanh đối với hình ảnh/mầu sắc/âm thanh, tục ngữ/điển tích đối với tục ngữ/điển tích, chữ Hán/Nôm đối với chữ Hán/Nôm…

Còn về đối thanh: Trong tiếng Hán gọi là thanh điệu, tiếng Việt gọi là dấu thì phân ra, thanh bằng hay thanh ngang tức chữ có dấu huyền hoặc không dấu thì đối với thanh trắc tức chữ có dấu sắc, nặng, hỏi, ngã và ngược lại. Ngoại lệ nếu không áp dụng theo nguyên tắc này thì chữ cuối mỗi đoạn tương ứng của hai vế (đặc biệt là chữ cuối của hai vế) phải bằng/trắc đối với trắc/bằng.

Tuy nhiên nếu câu đối được tạo ra do một tá giả thì chữ cuối vế trên phải là thanh trắc, và quy ước này không áp dụng cho vế ra.

(Ảnh: Pbase.com)

Về nội dung: Trong hai về phải đối với nhau về ý, phải cân nhau về ý của từng chữ, từng đoạn và từng vế. Đối ý rất khó nhất là trong các trường hợp vế ra có hàm ý, điển tích, thành ngữ,..Hơn nữa, đối ý rất khó trong trường hợp tức cảnh. Nếu vế ra dựa trên một sự kiện có thực hay vừa xảy ra thì vế đối cũng phải như vậy.

Bằng thủ pháp đối xứng, câu đối là một thể loại văn học cổ có giá trị cao, tiêu biểu về nghệ thuật sử dụng ngôn từ. Xin được tham khảo câu đối nổi tiếng của nhà vua Trần Nhân Tông để thấy được những giá trị đặc sắc của câu đối và những nét đặc trưng của nó trong nghệ thuật sử dụng ngôn từ.

Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã,
Sơn hà thiên cổ điện kim âu.

(Trần Nhân Tông)

Xã tắc đôi phen chồn ngựa đá,
Non sông nghìn thuở vững âu vàng.

(Trần Trọng Kim dịch )

Có thể nói đây là một vế đối hoàn hảo cả về đối âm, đối ý và đối nghĩa. Trong câu đối này các âm đơn, âm đôi và cả cụm âm đều đối xứng với nhau rất rõ nét về mặt âm tiết:
Xã tắc (trắc trắc) đối với Sơn hà (bằng bằng)
Xét về ngữ nghĩa:
Xã tắc (đất nước) – Sơn hà (núi sông)
Lưỡng hồi (đôi phen) – đối với – thiên cổ (muôn thuở).

Những nét độc đáo trong nghệ thuật làm câu đối

Những câu đối độc đáo hay có giá trị là những câu đối vận dụng tài tình các lối chơi chữ, đặt câu.

Tối ba mươi khép cánh càn khôn, ních chặt lại kẻo Ma vương đưa quỷ tới.
Sáng mồng một lỏng then tạo hóa, mở toang ra cho thiếu nữ rước Xuân vào.

(Ảnh: Wikipedia.org)

Trong câu đối này của Hồ Xuân Hương là một thí dụ điển hình về lối chơi chữ, ví von đối ứng giữa Ma Vương và thiếu nữ, càn khôn với tạo hóa, cánh cửa đối với then cài. Nét nghịch đảo cách dùng từ nhằm tạo đòn bẩy mà tôn vinh vẻ đẹp nổi bật của Xuân.

Một nguyên tắc chung của các câu đối hay là phải có nhiều nghĩa.Có thể tức cảnh mà vịnh đối, hay dựa vào những điển tích, thành ngữ… mà ra đối. Những câu đối dạng này thường dùng ẩn dụ, mượn cảnh mà sinh tình, mượn vật mà nói người, mượn hiện tượng mà nói tới thế thời. Loại đối này dùng trí tuệ về văn chương, tài nghệ trong dùng từ cũng như thuật đặt câu để trào phúng, để biểu lộ ý tứ sâu xa.
Đây là một câu đối rất nổi tiếng, được mọi người truyền nhau mỗi dịp xuân về:
Tam tinh tại hộ tài nguyên vượng
Ngũ phúc lâm môn gia đạo hưng

Dịch:

Tam tinh trong nhà tài nguyên vượng
Ngũ phúc đến nhà đạo nhà hưng
Các âm tiết ở đây đối chỉnh như sau:

Tam tinh đối với Ngũ phúc (bằng bằng – trắc trắc)
Tại hộ đối với Lâm môn (trắc trắc – bằng bằng)
Tài nguyên đối với gia đạo (bằng bằng – bằng trắc)
Vượng đối với hưng (trắc – bằng)

Trong câu đối này có nhắc tới tam tinh nghĩa là ba vị Phúc-Lộc-Thọ. Là biểu tượng cho ước muốn của muôn dân trăm họ. Về nghĩa, đây là một câu đối hoàn chỉnh về ngữ nghĩa đề cập đến việc cầu chúc cho tiền bạc và của cải được dồi dào, phúc đức và gia đạo được an lành và hưng thịnh.

Hiểu thêm về truyền thống Tết thâm thúy của dân tộc người Việt xưa, chúng ta càng mong muốn lưu giữ những nét đẹp tinh thần đã có tự ngàn đời này.

(Ảnh: pixabay.com)

Dù Tết trong cuộc sống hiện đại có nhiều đổi thay, nhưng đâu đó trên góc phố, trong mỗi dịp đi lễ đầu xuân, vẫn còn bóng dáng của những thầy đồ ngồi bên mực tàu giấy đỏ để khai bút viết chữ. Tục xin chữ và cho chữ đang quay lại khẳng định một nét đẹp không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần dân tộc Việt. Đó là một thú vui tao nhã, một nét đẹp của trí tuệ ngàn đời.

Tịnh Tâm

Exit mobile version