Tranh phong cảnh của Alfred East nổi bật do cách sử dụng màu sắc đầy mê hoặc và nhịp điệu dễ chịu của đường nét, là kết quả của sự chọn lựa cẩn thận những yếu tố của cảnh quan.

Sir Alfred East (1844 – 1913). Ảnh: Wikipedia tiếng Anh.

Họa sĩ người Anh cũng được gọi một cách tôn kính là Sir Alfred East sinh năm 1844 tại Kettering, Northamptonshire. Ông có tài năng bẩm sinh về hội họa, thậm chí biết vẽ trước khi biết nói. Dù đã có một thời gian học tại Trường Nghệ thuật Glasgow, ngoài ba mươi tuổi ông mới rời bỏ công việc kinh doanh giày của gia đình để trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp, bất chấp sự phản đối của cha mẹ.

“Đi cày” (nguồn ảnh: Fine Art America)

Sau đó ông còn theo học Trường Mỹ thuật Paris, dưới sự hướng dẫn của các thầy Robert FleuryBouguereau. Nhờ những quan sát tinh tế về màu sắc của thiên nhiên và nghiên cứu cẩn thận tới từng chi tiết, tranh của ông có một sự cân bằng dễ nhận thấy và một vẻ đẹp của bố cục, khi lược bỏ đi tất cả các chi tiết gây nhiễu của tự nhiên.

“Buổi chiều trên sông Somme, Pháp” (nguồn ảnh: PaintingGalleryUK)

Trong vòng 30 năm tiếp theo, ông đã làm cho những phong cảnh đa dạng ở nước Anh trở nên bất tử nhờ mô tả được các sắc thái khác nhau của chúng theo thời tiết và theo mùa. Ông cũng thường xuyên đi vẽ ở Pháp, Ý, Tây Ban Nha và Bắc Phi. Đặc biệt, những cảnh mà ông vẽ tại nước Nhật vào năm 1889 được khán giả Anh quốc đánh giá cao. Trong những năm sau, ông thường xuyên tới Hoa Kỳ, khiến cho các tác phẩm của ông trở nên phổ biến ở đây và nhiều trong số đó đã được các bảo tàng lớn của Mỹ mua lại.

“Mùa thu giàu đẹp” (nguồn ảnh: Invaluable)

Vào tháng 4 năm 1888, ông đã cùng với các họa sĩ T.C. Gotch và W. Ayerst Ingram thực hiện một triển lãm tranh tại phòng trưng bày của Hội mỹ thuật. Đó là cơ duyên để ông được Marcus Huish – Giám đốc điều hành của Hội – ủy quyền tới Nhật Bản sáu tháng để vẽ phong cảnh và người dân nước này. Cuộc triển lãm gồm 104 bức tranh ông vẽ từ chuyến đi Nhật được tổ chức tại Hội mỹ thuật năm 1890 đã thành công ngoạn mục.

“Nhật Bản” (nguồn ảnh: Sequins and Cherry Blossom)

Tranh phong cảnh lãng mạn của ông, với phẩm chất tông màu, đặc trưng màu sắc, nét vẽ thả lỏng và hình thức mềm mại, đã thể hiện ảnh hưởng của trường phái Barbizon. Cuốn sách có tên Nghệ thuật vẽ tranh phong cảnh bằng màu dầu của ông được xuất bản năm 1906, cũng là năm ông được bầu làm Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Hoàng gia Anh và giữ vị trí cho đến hết đời. Năm 1910, nhờ những giải thưởng danh dự đạt được trên thế giới mà ông đã được Vua Edward VII trao tặng danh hiệu Hiệp sĩ.

“Thung lũng vàng” (nguồn ảnh: Painting anh Frame)

Alfred East qua đời vào ngày 28 tháng 9 năm 1913 ở tuổi 69 tại nhà riêng trong khu Công viên Belsize ở London. Thi thể ông được đưa trở lại Kettering và yên nghỉ trong một Phòng trưng bày nghệ thuật, bao quanh bởi những bức tranh mà ông đã tặng cho thị trấn quê nhà, thu hút hàng ngàn người tới chiêm ngưỡng.

“Con sông ở Kettering” (nguồn ảnh: wikigallery)
“Phong cảnh” (nguồn ảnh: PaintingGalleryUK)
“Cầu Amberpley” (nguồn ảnh: Wikimedia Commons)

Theo “The East Family History Society” và “A Victorian / Encyclopaedia Britannica”

Clip hay:

videoinfo__video3.dkn.tv||8d12f6814__