Không biết Nguyễn Du vào thời đại cuộc sống trôi nhanh vùn vụt thế này có đủ điềm tĩnh mà buông lời bình thế sự: “Trải qua một cuộc bể dâu”. Cuộc đời có thăng giáng. Nhưng ngày xưa, như Lão Tử nói: “Người thuận theo Đất, Đất thuận theo Trời, Trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo Tự Nhiên”. Sự biến dịch của cõi người không làm ta chóng mặt. Vì thế mà Trạng Trình nhìn thế gian biển đổi, cải hoán từ vũng sâu thành đồi cao cũng qua đôi mắt rất thích thảng, không quá ngậm ngùi…

Tiếp theo Phần 1

Đến thời điểm đầu mùa Hạ cuối mùa Xuân thì loài chim Cuốc bắt đầu kêu chủ yếu vào những đêm trăng mờ tĩnh mịch, giọng kêu nghe thảm thiết bi ai gợi cho lữ khách tha phương động lòng nhớ cố hương, nhớ kỷ niệm quá khứ.

Xuân đi hạ về đều là quy luật, tâm không động mới là tu. (Ảnh: Pinterest.com)

Tất cả những điều này của điển cố dễ gợi cho ta về tâm sự nhớ thương buồn bã với hiện cảnh của đất nước, của nhân dân. Càng dễ suy diễn hơn là vì tác giả của bài thơ luôn mang tâm sự “tiên ưu” như vậy!

Điều này dường như không băn khoăn khi ta đọc “Cuốc kêu cảm hứng” của Nguyễn Khuyến:

“Khắc khoải đưa sầu giọng lửng lơ,
Ấy hồn Thục đế thác bao giờ?
Năm canh máu chảy đêm hè vắng,
Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ.

Có phải tiếc xuân mà đứng gọi,
Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ?
Thâu đêm ròng rã kêu ai đó?
Giục khách giang hồ dạ ngẩn ngơ.”

Còn trong bài thơ của Nguyễn Trãi thì cái nghĩa thực nổi trội. Đây là tiếng kêu của một loài chim báo hiệu sự chuyển mùa: Xuân đã cuối và Hạ đã sang. Quy luật thường hằng của tự nhiên vốn vậy.

Có phải vì tiếc Xuân mà Nguyễn Trãi nghe tiếng Tử Quy kêu?

Với tâm Nhàn của một Đạo Sỹ thì bất cứ ngoại giới nào cũng chẳng làm cho cái Tâm ấy bất định lung lay. Xuân đi thì đã có Hạ về. Nhận thức được cái trôi chảy của thời gian ấy trong tâm Nhàn và lẽ uyên áo của Lão Trang, tiếng Cuốc chỉ là tiếng thời gian chuyển mùa mà thôi!

Hoa sẽ không bởi vì con người thích mà luôn luôn nở, ánh trăng cũng không bởi vì con người bất mãn mà vắng bóng

Sự tuần hoàn của vạn vật trên thế giới này kỳ thực đều là có quy luật. Trong cuộc sống cũng vậy, có rất nhiều sự việc vốn thế nào thì sẽ là thế ấy. Nó không bị ràng buộc và thay đổi theo mục đích của con người. Giống như, hoa sẽ không bởi vì con người thích mà luôn luôn nở, ánh trăng cũng không bởi vì con người bất mãn mà vắng bóng”

Câu chuyện thiền sư đời Đường đánh thức ngộ tính đệ tử

Câu chuyện Thiền sư đời Đường Dược Sơn Duy Nghiễm đánh thức ngộ tính cho đệ tử khá độc đáo. Ông chỉ vào cây và nói: “Các con nói xem, cái cây này khô héo mới tốt hay là xanh tươi mới tốt?” . Đệ tử trả lời ra sao Thầy cũng chẳng vừa lòng. Bởi ông cho rằng: xanh tốt cũng sẽ mất và khô héo cũng sẽ thành quá khứ. Và rồi, Ông khen người đệ tử khác khi cậu ta nói: “Khô héo thì để nó khô héo, mà tươi tốt thì nên để nó tươi tốt!”.

Và đây là lời dạy của Ông: “Bất kể sự tình gì đều nên là để cho nó tự nhiên, đừng chấp trước, đừng cố chấp. Chỉ có vậy tâm ta mới được an nhiên, mới có thể vượt lên lẽ thường tình của thế nhân!”.

Rất nhiều người nên tìm hiểu thêm về Nguyễn Trãi trên khía cạnh này. Đây là một hướng cần hiểu Đạo để tiếp xúc với tâm hồn vi diệu của Ức Trai.

Cái độc đáo ở bài thơ này là nhà thơ tự khép “thư trai” của mình nhưng thế giới bên ngoài vẫn ùa vào được tâm hồn của Nguyễn. Cảm nhận tự nhiên để tâm vô vi như nhiên hơn chứ không phải những giày vò như lửa bỏng…

Nguyễn Trãi không nói:

“Đỗ Vũ thanh trung, Xuân nhật khứ.” (Trong tiếng kêu của chim Đỗ Vũ, ngày xuân đang đi) mà ông có cách nói rất lạ “Xuân hướng lão” (Xuân hướng về sự già nua).

(Ảnh: Pinterest.com)

Với người đang nhập vào thế giới Chân Nhân thì tiếng Cuốc ấy chỉ là thanh âm để cảm nhận dòng thời gian thường biến để định lại cái Tâm mình bất biến…

Nhà sư Huyền Quang có viết “Xuân nhật tức sự ” (Ngày xuân tâm sự):

“Chầm chậm nàng Xuân dệt gấm hoa
Hoàng Ly hót dưới Tử Kinh hoa.
Nỗi lòng Xuân đó sao thương quá!
Dâng hết Xuân thì, chẳng nói ra.”

Cảm nhận Xuân đang dâng hiến cho đời khiến bài thơ lan tỏa một năng lượng Từ Bi của nhà Phật…

Ta thử đọc bài thơ “Trời mùa xuân” của Nguyễn Bỉnh Khiêm:

“Khí xuân ấm áp ngập không gian,
Vần chuyển, thiên nhiên, chẳng phải bàn
Hơi ấm lâu đài mây tỏa bóng,
Nắng soi xiêm áo gió ru đàn.

Dạt dào sinh khí vui muôn vật,
Phóng khoáng huân phong ấm vạn dân…”

Khí xuân ấm áp ngập không gian. Vần chuyển, thiên nhiên, chẳng phải bàn. (Ảnh: Pinterest.com)

Vẻ đẹp của cảnh xuân, của tâm hồn cởi mở lạc quan làm cho bài thơ ấm nóng đầy sinh khí.

Nhưng 4 câu thơ của Nguyễn Trãi có cái vi diệu của dòng thời gian trôi chảy. Nguyễn đã chọn thời điểm muộn của Xuân để thấy được cái sớm của Hè. Đây là thời gian giao mùa mà các nhà thơ Mới sau này khai thác; coi như một khám phá của con người thời đại mới :

“Gió rét khua lau dưới gậm cầu,
Đường về xóm lạnh bước qua mau
Ngõ hoang đã nở dăm màu bướm.
Là lúc đôi mùa đưa tiễn nhau”

(Trần Huyền Trân)

Câu 4:

Nhất đình sơ vũ luyện hoa khai.

(Cả một sân hoa xoan nở dưới mưa phùn.)

Ta rất dễ liên tưởng tới tứ thơ của Mãn Giác thiền sư:

“Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một nhành mai”

Phải chăng Nguyễn Trãi đang thay các số hạng đồng dạng cho một công thức:

Chớ có nghĩ rằng xuân đang già nua
Tất cả sân mưa xuân đang bay và hoa xuân đang nở đầy..

Như vậy, dù đóng cửa làm một khách tiên trong thư trai của mình nhưng nhà thơ đã cảm nhận được rất nhiều thế giới xuân của ngoài kia. Âm thanh của xuân từ tiếng Cuốc kêu từ xa; cảnh sắc của xuân qua màn mưa bụi và những bông hoa xoan nở đầy trên cao cùng những hạt mưa nhuần. Chúng ta cũng không quên Nguyễn Trãi đã cẩn thận ghi chú dưới bài thơ: “Sách Nhĩ nhã nói cây xoan tháng ba nở hoa thơm phức cả sân”.

Thì ra thế! Tất cả đầu dây mối nhợ để cho Ức Trai cảm nhận mọi sự kiện ngay lập tức (tức sự) chính là từ khứu giác. Cái mùi hoa xoan không dễ ai cũng cảm nhận được. Bởi nó phất phơ như có như không; như thoảng, như thoáng rất mơ hồ…

Vì thế, ngồi trong phòng mở trí tuệ để nhận hương tư tưởng của sách chữ, Nguyễn Trãi có sự đồng hưởng khi tiếp xúc với hương xoan..

Ôi, hoa xoan. Thứ hoa dân dã ấy đã đi vào thơ của Ức Trai từ hàng thế kỷ. Nó vẫn mới đến hôm nay!

Nhà thơ Xuân Quỳnh thời hiện đại đã viết trong “Mùa hoa xoan nở”:

“Tháng ba về xuân dần hơn một nửa
Ngõ nhà mình tim tím những nhành xoan
Cơn mưa phùn chiều dạo qua ngang cửa
Gió đu cành, hoa tím rụng đầy sân”.

Tháng ba về xuân dần hơn một nửa. Ngõ nhà mình tim tím những nhành xoan. (Ảnh: Pinterest.com)

Văn học Trung Đại khi nói tới hoa người ta đã có những công thức ước lệ. Đó là Lan, Cúc, Mai, Đào chứ loài hoa dân dã như xoan dường như vắng bóng…

Và ẩn sỹ ấy đang sống với hương xoan của người dân lam lũ:

“Xoan mang vẻ đẹp tự nhiên, thuần khiết, mộc mạc và dung dị như người quê, như hồn quê. Xoan nhả vào không gian mênh mông làng quê một mùi hương thoang thoảng, dìu dịu, nhè nhẹ. Nó không ngàn ngạt như hoa sữa, cũng không nồng xức như hoa bưởi mà man mác như gợi một điều gì đó đã xa.

…Không hiểu sao cứ mỗi khi nhìn hoa xoan ngơ ngác tím ngoài vườn, trong lòng lại trào lên một nỗi buồn mênh mang thầm lặng. Mùa hoa xoan đồng nghĩa với mùa của mưa phùn, gió lạnh dầm dề hết ngày này qua ngày khác. Đường làng lầy lội trơn trượt, lũ trẻ con đi học với cái bụng lép kẹp, manh áo phong phanh nên cái đói cái rét càng thấm vào gan ruột. Người dân quê tôi mỗi khi cái Tết đi qua là cái lo ập tới bởi bao nhiêu cố gắng gom góp đã dồn vào những ngày đầu năm. Tháng hai nhìn ra ngoài đồng lúa bắt đầu leo heo bén rễ, đậu đỗ mới nảy mầm, trong nhà cong gạo đã cạn, thúng khoai đã vơi lòng ai chẳng rối bời lo lắng. Ngoài vườn rặng xoan cứ mặc nhiên trút hoa tím tái một góc trời. Và muỗi, muỗi hoa xoan bay ra nhiều vô kể, tưởng chừng mỗi con muỗi là được nở ra từ một nụ hoa xoan. Bà và mẹ đội mưa dầm, lội trong bùn đất trộn lẫn hoa xoan tất tả ngược xuôi kiếm miếng ăn cho cháu con trong những ngày giáp hạt. Vầng trăng đầu tháng mắc lại cổng đình như chiếc liềm mong mỏi chờ vụ gặt tháng năm.”…

Nhìn hoa xoan ngơ ngác tím ngoài vườn, trong lòng lại trào lên một nỗi buồn mênh mang thầm lặng. (Ảnh: Pinterest.com)

Nguyễn Mộng Tuân, một người bạn của Nguyễn Trãi đã ca ngợi Nguyễn Trãi như sau:

“Gió thanh hây hẩy gác vàng, người như một ông Tiên ở trong tòa Ngọc. Cái tài làm hay, làm đẹp cho nước, từ xưa chưa có bao giờ…”

Trước đây khi đọc những lời này, cứ ngỡ là ngôn ngữ ca tụng ước lệ.

Đọc bài thơ “Mộ Xuân tức sự” ta hiểu thêm về những khía cạnh Đạo Gia trong con người có tâm hồn phong phú của Ức Trai.

THƠ VIẾT CHƠI

Sống bằng sách vở bấy lâu nay,
Bằng cả đất trời với gió mây.
Trúc mọc đủ dày che khách tục.
Nhà cửa không hề có bụi dây.

Bến câu cá lạnh, thuyền buông mái.
Ngoài hiên Hạc múa, mảnh trăng gầy.
Không mất tiền mua, đời sướng thật,
Được ngắm núi sông suốt cả ngày.

Đưa mắt nhìn quanh toàn cảnh đẹp. Người đời thử hỏi có bằng ta? (Ảnh: Pinterest.com)

ĐỀ TRANH “VÂN OA” CỦA ẩn sĩ họ Trình

Khách quý gặp nhau, đàn suốt ngày.
Được về quê cũ, thật vui thay.
Trăng soi trên thác, rừng đầy trúc.
Đỉnh sành hương bốc, gió trên cây.

Lòng trần muốn rửa, trà pha đặc.
Gọi người thức dậy, có chim bay.
Ngày dài, tựa ghế, quên trò chuyện.
Ai kẻ vô tình, người hay mây?

Xuân đến xuân hết là kết thúc một sự an bài tuần hoàn của Tạo Hóa. Hè đến là một sự an bài khác. Mỗi mùa đều có sức sống riêng vẻ đẹp riêng. Nếu có tâm hồn con trẻ thuần khiết thì tất cả đều là món quà hạnh phúc mà Tạo Hóa cho chúng ta. Cảnh tùy tâm sinh. Tâm Vô thì sự biển dịch nào cũng là Thường tình. Không vồ vập, cũng chẳng cần luyến hoa tiếc ngọc làm gì…

La Vinh