Các tác phẩm hội họa thuộc triều Minh và Thanh là một phần rất quan trọng trong kho tàng văn hóa nghệ thuật Trung Hoa cổ đại. Thời kỳ này có sự phát triển phong phú và rực rỡ nhất trong lĩnh vực hội họa, đặc biệt là trong chủ đề cây trúc, đã xuất hiện nhiều họa gia đặc sắc, với những nét riêng biệt và độc đáo.
Vương Phất triều Minh – “nhất tuyệt” trong hội họa về trúc.
Vương Phất, tự là Mạnh Đoan, trong sử sách không ghi rõ lai lịch. Ông là người nổi tiếng với những bức họa về trúc, được người đời Minh công nhận. “Minh sử ‧ Liệt truyện đệ nhất thất tứ” ghi lại về Vương Phất rằng: “Bác học, công, ca, thơ, thư, vẽ thủy mộc trúc thạch, tuyệt diệu một thời.” Qua đó có thể thấy ông là “nhất tuyệt” trong hội họa về trúc.
Các họa gia thời Minh có xu hướng tôn thờ các danh họa cổ đại và tôn trọng truyền thống của các thời đại Tống, Nguyên trước đó. Vương Phất cũng không phải là ngoại lệ, ông đã kế thừa cách vẽ trúc của Văn Đồng, Kha Cửu Tư và Nghê Toản. Tuy tôn sùng họ, nhưng ông vẫn có con đường riêng của mình, từ bố cục đến bút pháp và màu mực đều có những điểm độc đáo riêng, ôn hòa nhã nhặn, tự nhiên phiêu diêu; phong cách đặc biệt này đã mở ra một trang mới về họa trúc vào cuối thời Nguyên đầu thời Minh.
“Phong trúc đồ” của Vương Phất vẽ một tập hợp cành nhánh trúc có độ dài khác nhau, rủ từ trên xuống dưới, trong làn gió nhẹ bay, như phát ra tiếng nhạc.
Phần trên của bức họa có những chiếc lá trúc trong trẻo thanh tú, như tỏa ra ánh sáng của sinh mệnh. Một cành trúc nhỏ đột nhiên tách ra theo gió rủ xuống, chầm chậm lắc lư. Các nhánh trúc mảnh mai được lộ ra trong nét tao nhã và yên bình này. Những chiếc lá cọ sát vào nhau, như tạo ra một khúc nhạc, khiến cho người xem có một cảm thụ hết sức tuyệt vời, dễ dàng gạt bỏ được những sân si trong cuộc đời mà hòa mình vào dáng vẻ thướt tha, linh động có hồn của cành trúc.
Kể từ thời Nguyên, các văn nhân họa gia thịnh hành việc đưa thư pháp vào trong tranh. Trong bức “Phong trúc đồ” này, tác giả đã sử dụng cách viết thư pháp để vẽ lá trúc, các phiến lá ở trung tâm tạo thẩm mỹ cho toàn bộ bức tranh; ông dùng khải thư bút ý, từng nét bút từng nét vẽ đều được tuân thủ nghiêm ngặt theo bút pháp, khiến cho lá trúc nhìn bề ngoài ưu mỹ nhưng đều có nội hàm sâu sắc.
Trịnh Tiếp triều Thanh – “Tam tuyệt” thi, thư, họa
Trịnh Tiếp (1693-1766), tự là Khắc Nhu, hiệu là Bản Kiều, là người huyện Hưng Hóa, định cư ở Tô Châu. Ông là một quan viên trong triều đại nhà Thanh, một học giả, một thư họa gia giỏi vẽ trúc, cả cuộc đời ông hầu như đều vẽ trúc và thạch. Ông nói rằng ông không được truyền thừa từ một người thầy nào, mà đều là tự nhiên học được: “Phàm khi ta vẽ trúc, không có sư phụ truyền thừa, đều là ngồi bên cửa sổ tùy hứng dưới ánh trăng” (“Đề trúc thi”). Ông là người thông qua việc quan sát và nhận thức trong thời gian dài mà có kinh nghiệm, nắm giữ kỹ xảo tinh túy, sáng chế ra một phong cách vẽ đơn thuần mà chỉ riêng mình có.
Họa gia trứ danh Từ Bi Hồng nói trong “Lan trúc thạch trục” rằng: “Bàn Kiều tiên sinh là một trong những nhân vật nổi bật nhất của Trung Hoa trong vòng 300 năm qua, một tư tưởng hiếm thấy, văn chương hiếm thấy, thư họa hiếm thấy; thơ văn và thư họa thường được ông gộp lại với nhau, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là một thiên tài cổ kim hiếm có“.
Trịnh Tiếp khi vẽ tranh thường thích đưa thơ và thư pháp vào. Khác với những họa gia khác sử dụng thơ như một yếu tố ngoại vi để làm nổi bật chủ đề, Trịnh Tiếp đều coi những yếu tố này là bình đẳng với nhau, để chúng đều trở thành một phần quan trọng của mỗi bức tranh. Thơ ca, thư pháp, hội họa được đan xen và đổi mới qua từng tác phẩm.
Trong nghệ thuật, ông chính là muốn biểu hiện bản thân về quan niệm nhân sinh và lý niệm về sinh mệnh. Trên phương diện thư pháp, ông thường lấy chữ Lệ làm chủ, dung hợp với Khải thư và Hành thư, đặc biệt cộng thêm phong cách của bút thể trên bia đá phương Bắc, hình thành một phong cách rất đặc biệt. Thế nhân vì thế mà gọi ông là “tam tuyệt” – thi, thư, họa.
Phần đề khoản trong mỗi bức họa đều rất hữu cảm, ngụ ý sâu sắc, toàn bộ quá trình vẽ và viết ông đều giao phó cho trái tim dẫn lối, qua đôi mắt mà hóa thành câu thơ. Thực tế, những câu thơ của ông đều là biểu hiện của chính mình.
Những thơ đề của Trịnh Tiếp
Chúng ta hãy xem triết lý mà Trịnh Tiếp tiên sinh đã tiết lộ trong những câu thơ dưới đây. Ông đã đưa ra một cái nhìn về cuộc sống từ những thân trúc:
Tứ thập niên lai họa trúc chi,
Nhật gian huy tả dạ gian tư,
Nhũng phồn tước tẫn lưu thanh sấu,
Họa đáo sinh thì thị thục thì.
Dịch nghĩa:
Bốn mươi năm qua vẽ cành trúc
Ban ngày hay ban đêm đều viết sầu tư
Kể cả khi hao mòn thân xác đến gầy gò
Vẽ từ lúc bắt đầu cho đến khi quen thuộc.
“Thanh đại học giả tượng truyện” nói rằng, hai phần ba cuộc đời của Trịnh Tiếp đã gắn liền với thân trúc; Một đời của con người liệu có được bao nhiêu cái 40 năm? Ông gần như đã sử dụng toàn bộ để vẽ trúc; khi ông thành thạo, đối mặt với muôn hình vạn trạng của thân cây trúc ông đều có thể vẽ ra nét mới; cũng giống như đời người lão luyện thấu triệt cảnh giới.
Nha trai ngọa thính tiêu tiêu trúc,
Nghi thị dân gian tật khổ thanh;
Ta tiểu Ngô Tào Châu huyền lại,
Nhất chi nhất diệp tổng quan tình.
Dịch nghĩa:
Nằm nghe tiếng trúc tiêu điều
Hoài nghi nỗi khổ hạnh dân gian
Dùng chút danh quan huyện Tào Châu
Một cành một lá cũng đều thể hiện tình cảm của quan.
Ông đúng là một vị quan chuyên cần, liêm minh, yêu dân như con; đặc biệt khi nhậm chức ở huyện Tào Châu, vì cứu nạn cho dân, ông đã cho xây dựng nhà làm cháo, quyên góp tiền, mở tiệm cho vay cứu tế, nghĩ mọi phương cách để giúp người dân thoát khỏi khó khăn.
Giảo định thanh sơn bất phóng tùng,
Lập căn nguyên tại phá nham trung.
Thiên ma vạn kích hoàn kiên kính,
Nhâm nhĩ đông tây nam bắc phong.
Dịch nghĩa:
Núi xanh không buông lỏng
Cành đứng phá vỡ nham thạch
Hàng ngàn giày vò hàng vạn đả kích vẫn kiên cố
Chịu đựng gió bão tứ phương,
Trịnh Tiếp thông qua việc vịnh thán cây trúc, ẩn dụ cho sự kiên trì của bản thân ông và thể hiện sự không lo lắng trước những khó khăn khảo nghiệm khi ông làm quan.
Hầu hết các bức họa trúc của Trịnh Tiếp đều theo phương pháp vẽ ý. Nhìn vào bức “Mặc trúc đồ”, ta thấy những chiếc lá như đang nhún nhảy, với những hướng vẽ tùy ý thay đổi, cho thấy khí chất sống động và hồn nhiên của trúc.
Đối với nhiều họa gia qua các triều đại, trúc không chỉ dâng hiến vẻ ngoài để họ họa theo, mà còn từ đó phản ánh và biểu hiện tính cách của bản thân họ. Trong văn hóa Trung Hoa truyền thống, tranh về trúc đã đạt tới trình độ nghệ thuật hiện thực và tự do. Những họa gia vẽ trúc đã đưa chúng đến đỉnh cao của nghệ thuật, giữ một vị trí rất quan trọng trong lịch sử hội họa Trung Hoa.
Theo epochtimes.com
Uyển Vân biên dịch