Đại Kỷ Nguyên

Trung Hoa tứ đại tài nữ (Kỳ 2): Trác Văn Quân dùng áng thơ kỳ tài kéo người yêu lạc bước trở lại

Trác Văn Quân hay được gọi là Văn Hậu, là một tài nữ nổi danh thời Tây Hán, có tài sắc vẹn toàn, giỏi cầm kỳ thi họa, nên đã được xếp vào “Thục trung Tứ đại tài nữ” trong lịch sử Trung Quốc. Câu chuyện tình của bà với Tư Mã Tương Như đã nổi tiếng trong tình sử cổ đại qua điển tích Phượng cầu hoàng và đã trở thành điển tích thông dụng trong văn học. Đồng thời người đời thán phục vì tài năng thơ phú của bà khi gắn với điển tích Trác Văn Quân dùng thơ dành lại chồng.

Trác Văn Quân là tài nữ đời Tây Hán, được suy tôn như một trong những nữ nhân nổi tiếng nhất của Trung Quốc cổ đại. Bà sinh ra ở Tứ Xuyên, là con gái của Trác Vương Tôn, một đại phú đương thời. Xuất thân phú quý, Trác Văn Quân được cha mẹ nuôi nấng dạy bảo kĩ lưỡng, lớn lên, bà sớm đã nổi danh gần xa vì tư sắc diễm lệ lạ thường, biết chơi đàn cầm và biết làm thơ, nổi tiếng có tài ứng đối, vẻ đẹp chim sa cá lặn, lại có khả năng chơi đàn điêu luyện, và cũng hết sức rành âm luật, thiện thơ ca.

16 tuổi bà được gả cho Hàm Tâm một tú tài theo nghiệp bút nghiên. Thế nhưng, hạnh phúc chẳng tày gang tấc, sau nửa năm sống cùng nhau, Hàm Tân bỗng lâm bệnh rồi từ trần, Trác Văn Quân bỗng chốc trở thành quả phụ, nàng héo hon, tàn úa bên bàn thờ của người chồng đã khuất.

Do còn quá trẻ nên được đón về nhà cha mẹ đẻ. Chính lúc này cuộc sống của Trác Văn Quân bắt đầu một trang mới.

Trác Văn Quân tài sắc vẹn toàn. (Ảnh minh họa: Pinterest.com)

Chuyện tình Văn Quân-Tương Như một điển tích nổi tiếng thi ca văn chương thời bấy giờ.

Truyện tình yêu của Tư Mã Tương Như và Trác Văn Quân nảy sinh ở thời Hán Vũ Đế. Lúc đó, tự do yêu đương là một việc kinh thiên động địa, cho nên câu chuyện của họ vô cùng hấp dẫn mọi người.

Chuyện kể rằng trong một lần ghé đất Lâm Cùng, Tư Mã Tương Như làm quen với Trác Vương Tôn, cha của Trác Văn Quân, khi ấy nổi tiếng xinh đẹp và tài năng thi ca đàn họa. Nhưng Văn Quân là phận gái góa phòng đơn gối chiếc. Nhưng vì lòng cảm mến ái mộ Văn Quân, Tương Như vẫn muốn một lần được bày tỏ.

Biết Văn Quân yêu thích tiếng đàn, Tương Như nảy ý dùng tài hoa của mình để thăm dò nông sâu tâm hồn người thiếu phụ trẻ cô đơn. Khúc Phượng cầu hoàng nổi tiếng của tài tử đã làm say lòng giai nhân.

Phượng hề, phượng hề quy cố hương,
Ngao du tứ hải cầu kỳ hoàng,
Thời vị ngộ hề vô sở tương,
Hà ngộ kim tịch đăng tư đường.

Hữu diệm thục nữ tại khuê phường,
Thất nhĩ nhân hà sầu ngã trường.
Hà duyên giao cảnh vi uyên ương
Tương hiệt cương hề cộng cao tường

Dịch thơ:

Chim phượng, chim phượng về cố hương,
Ngao du bốn bể tìm chim hoàng
Thời chưa gặp chừ, luống lỡ làng.
Hôm nay bước đến chốn thênh thang.

Có cô gái đẹp ở đài trang,
Nhà gần người xa não tâm tràng.
Ước gì giao kết đôi uyên ương,
Bay liệng cùng nhau thỏa mọi đường.

Cũng từ khúc nhạc này, Trác Văn Quân quyết tâm bỏ lại vành khăn tang thờ người chồng đã chết được nửa năm, đi theo tiếng gọi con tim. Cô quyết cãi lời cha, nguyện theo Tư Mã Tương Như đến chân trời góc bể.

Cặp trai thanh nữ tú cùng say mê thi ca đàn xướng, đều là cặp trời sinh đã đa tài đa nghệ, họ sớm tương đồng như giai nhân tri kỉ. Văn Quân dứt nhung gấm để chịu cuộc sống khổ cực vì tình yêu, Tương Như phá bỏ định kiến để nguyện bên người tâm đầu ý hợp.

Rồi tình yêu của họ vượt qua bể dâu khổ sở, được cha mẹ đồng thuận. Cũng là lúc Tương Như được phong chức quan. Với tài năng của mình, Tương Như được nhà vua vô cùng sủng ái.

Thêm một lần ngã rẽ cuộc đời của Văn Quân, người phụ nữ sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành, đa tài đa cảm.

Tư Mã Tương Như phá bỏ định kiến để được ở bên người tâm đầu ý hợp… (Ảnh minh họa: Pinterest.com)

Tài năng của Trác Văn Quân thể hiện qua bài thơ: Bạch đầu ngâm.

Năm 140 TCN, Hán Vũ Đế lên ngôi, sau khi xem các tác phẩm của Tư Mã Tương Như, Vũ Đế lấy làm thích thú, bèn triệu chàng lên kinh thành Trường An sống. Bằng tài trí của mình, Tư Mã Tương Như sáng tác bài Thượng Lâm Phổ, được Hán Vũ Đế ưa thích, liền phong cho chàng làm chức Lang Quan, giữ lại ở kinh đô Tràng An.

Tương Như lúc này có chút danh phận, kèm với tài hoa có tiếng, nên trở thành người trong mộng của biết bao tiểu thư mệnh phụ chốn kinh thành, trong xa hoa danh tiếng người ta dễ quên đi tri kỉ bạc đầu.

Trong lòng Tương Như đã say mê hương sắc lạ, quên đi người vợ Văn Quân đang mòn mỏi đợi chờ, thư từ qua lại, Văn Quân biết Tương Như muốn lập thiếp, lòng buồn bã khổ đau.

Rồi một hôm, nàng đang ngồi tựa cửa, chợt có người dâng đến một phong thư của chàng, mở bức lụa trắng tinh mà lòng những xốn xang. Nào ngờ trên mảnh lụa chỉ vỏn vẹn vài chữ “Một hai ba bốn năm sáu bảy tám chín mười trăm ngàn vạn” . Thưa thớt như bước chân người trở về, lạt lẽo như lòng kẻ phụ phàng. Người đưa thư còn bảo chàng dặn lấy hồi âm ngay.

Tâm cuồng ý loạn, vừa hận vừa đau nàng cầm bút đề luôn một mạch.

Ngai như sơn thượng tuyết,
Kiểu nhược vân gian nguyệt.
Văn quân hữu lưỡng ý,
Cố lai tương quyết tuyệt.

Kim nhật đấu tửu hội,
Minh đán câu thuỷ đầu.
Tiệp điệp ngự câu thượng,
Câu thuỷ đông tây lưu.

Thê thê phục thê thê,
Giá thú bất tu đề.
Nguyện đắc nhất tâm nhân,
Bạch đầu bất tương ly.

Trúc can hà niệu niệu,
Ngư vĩ hà si si.
Nam nhi trọng ý khí,
Hà dụng tiền đao vi

Dịch Thơ:

Trắng như tuyết trên núi,
Sáng như trăng ở trong mây.
Nghe lòng chàng có hai ý,
Nên thiếp quyết cắt đứt.

Ngày hôm nay nâng chén sum vầy,
Sớm mai đã đưa tiễn nhau ở bên sông.
Đi lững thững trên dòng nước,
Nước cứ chảy xuôi mãi từ đông về tây (mà không quay về).

Buồn rầu lại cứ buồn rầu,
Lấy nhau rồi những tưởng không nên than vãn.
Mong có được người một lòng không thay đổi,
Đến khi đầu bạc chẳng xa nhau.

Cần câu trúc dáng thon thon khẽ động,
Đuôi cá vẻ cong cong.
Nam nhi coi trọng ý chí,
Sao lại vì tiền bạc (mà thay lòng) !

Bức thư còn chưa ráo mực, nỗi lòng Trác Văn như một tiếng thở dài, liền mạch mà viết bài thơ.

Lời trách móc nhẹ nhàng mà sâu sắc, như vội quên đi những năm tháng bần hàn, bậc quân tử vì say mê hương sắc lạ, tham hư vinh mà quên cả tri nhân, lời than trách như thêm một lần tủi, nhưng cũng mạnh mẽ mà quyết đau một lần, vì chồng nếu cứ ham mê như thế, thì tình phu thê cũng lạnh lẽo phai mờ. Trác Văn cũng thuận theo mà đoạn tuyệt, quyết buông đi nếu chẳng níu kéo được gì.

Trác Văn Quân hồi âm thư cho chồng tỏ ý lòng mình cũng là nhắc nhở chồng. (Ảnh minh họa: Pinterest.com)

Nàng khéo léo nói lên nỗi lòng người phụ nữ sống trong mòn mỏi đợi chờ, rồi bà mong chồng một lần thấu hiểu, giọng thơ có trách móc, có than thân, có tủi hờn, nhưng đâu đó lại thoang thoảng lời nhắc nhở.

Bậc làm trai chớ phụ khó say tài, làm nghiệp lớn chớ quên tình tri kỉ, lòng tri nhân như bến nước thủy chung đợi chờ son sắt, bậc anh tài như con thuyền phiêu đãng chẳng biết đỗ nơi đâu.

Rồi bà lại một khéo hơn ai hết, được ước 1 lần đổi phận ở kiếp sau.

Khi mình là một nam nhân thì tài cao trí lớn, được vẫy vùng cho thỏa sức trí liêu trai, bà cũng chẳng kém phần kém cạnh, nhưng hỡi ơi thân phận má đào, tài năng thấu chỉ phía sau tấm rèm mỏng chốn khuê phòng.

“Sau khi một biệt, lòng gởi hai nơi,
Chỉ hẹn rằng ba bốn tháng,
Nào ngờ lại năm sáu năm,
Bảy dây trống trải đàn cầm,

Tám hàng thư không thể gởi,
Chín mối bội hoàn dang dở,
Mười dặm trường đình mỏi mắt ngóng trông,
Trăm tương tư, ngàn dằn vặt, muôn chung nào nỡ oán chàng.

Vạn lời ngàn tiếng nói sao đang,
Trăm cô liêu tựa mười hiên vắng,
Mùng chín tháng chín lên cao trông lẻ nhạn,
Tháng tám trung thu tròn trăng chẳng thấy người,

Tháng bảy nửa vầng hương cầm đuốc hỏi ông trời,
Tháng sáu phục hiên ai ai lay quạt lạnh lòng ai,
Tháng năm lửa lựu lập loè sầm sập mưa dầm hoa tả tơi,
Tháng tư tỳ bà lạnh vắng người toan soi gương tâm ý loạn,

Chợt hối hả tháng ba hoa đào theo nước trôi,
Cháng hai gió gảy tiếng rã rời.
Ôi chàng, chàng ơi,
Nguyện cho được sau một kiếp,

Chàng thành nhi nữ để thiếp làm phận trai”

Sau khi nhận được bức thư hồi đáp, đọc những dòng thư thấm đẫm nỗi lòng người phương xưa, mỗi câu, mỗi vần đều được sử dụng khéo léo từ những từ ngắn ngủi mà mình đã gửi, Tương Như chợt nhận ra tài năng tuyệt đỉnh của Văn Quân, trong ông là sự thán phục và không khỏi xúc động.

Chợt hồi tưởng về những năm tháng đoạn trường vợ chồng ân nghĩa phu thê. Ông mới nhận ra người vợ tài sắc của mình như viên ngọc quý giá, để rồi Tư Mã Tương Như quyết định từ quan, quay về Thành Đô, đoàn tụ cùng vợ. Hai người chung sống bên nhau đến bạc đầu, và ngày nay.

Chuyện tình cũng những vần thơ mà Trác Văn Quân gửi cho chồng, vẫn được người đời sau đọc với tất cả sự ngưỡng mộ và đồng cảm.

Sau khi đọc thư hồi âm củ vợ Tư Mã Tương Như đã tỉnh ngộ và nhớ lại đoạn thời gian vợ chồng tâm đầu ý hợp liền từ quan trở về. (Ảnh minh họa: Pinterest.com)

Chỉ vẻn vẹn 1 bài thơ, Trắc Văn Quân đã làm chồng tỉnh cơn mê lạ, một chút thôi là lạc lối trở về. Đây phải thừa nhận là một tài tuyệt đỉnh.

Cái đẹp của tâm hồn nơi người phụ nữ, còn đáng quý hơn cái nhan sắc bề ngoài. Lòng vị tha bao dung của họ, là vẻ đẹp vốn có trời ban. Nhưng trong tâm tư rối loạn, cơn ghen kia có thể trở thành Hoạn Thư, nhưng với Trác Văn, bà biết kìm nén lòng mình, biết khôn khéo mà kéo chồng trở về.

Bút pháp về nghệ thuật thi phú cùng tài năng cũng như tâm trạng chân thật, kết hợp cùng đạo lí ở đời, Trác Văn đã mang tình yêu của người trở lại, và họ sống bên nhau tới tận bạc đầu.

Hết kỳ 2. Mời quý độc giả đón đọc kỳ 3.

Tịnh Tâm

Exit mobile version