“Cá Linh Đao và viên tham quan” là truyện ngắn về một nho sinh khi chưa có quyền chức thì sống thanh tao, câu cá linh đao, mỗi con đáng giá một lượng bạc nhưng chàng chỉ câu đủ ăn ngày ba bữa. Vậy mà khi có quyền chức thì thành tham quan, tòa ngang dãy dọc, vợ đàn, con đống. Nhưng dân đói khổ phải tha hương cầu thực khắp nơi, rốt cuộc bị vua Nguyễn tử hình…

Về Bến Tre, trong một cái quán nhỏ dựng giữa vườn dừa lão bên bờ sông Hàm Luông, tôi được một bạn văn xứ cù lao kể cho nghe một câu chuyện cũ. Nghe truyền lại, ngày xưa, khi biết câu chuyện mộc mạc này qua miệng một người học trò Ba Tri chất phác, cụ Đồ Chiểu vốn rất điềm đạm đã phá lên cười…

Dưới đây là chuyện tôi chép lại theo cách nghe gì thì ghi nấy.

“Vào triều Nguyễn, khi cụ Đồ Chiểu còn chưa chạy giặc về Ba Tri khai sáng chữ nghĩa, đạo đức của các bậc tiên hiền tiên thánh, ở một ấp nhỏ bên sông Hàm Luông đã có hai cha con nhà kia đều là nho sinh.

Một ngày kia, người cha lâm bệnh nặng. Ông toát mồ hôi hột, ôm ngực ho rũ rượi và thổ ra đất ba cục máu đen.

Biết mình không qua khỏi, trước lúc nhắm mắt xuôi tay, người cha cho gọi con trai tới đầu giường, lại bắt con chỉ tay vào những cây dừa lão thân nhẵn thín như bào ngoài vườn mà thề rất độc; rồi mới dặn rằng: sau khi cha mất, những lúc gặp chuyện vui buồn thái quá, con nên đi câu cá cho tĩnh tâm lại.

Ảnh minh họa: Mytour.vn

Ba hôm sau, đúng lúc một cây dừa lão bị gió xô gẫy đổ ầm xuống sông, người cha lên tiên.

Lo đám cho cha xong, lại quá lo lắng vì kì thi hương sắp mở, chàng nho sinh thấp thỏm vùi đầu vào kinh sách, người cứ gầy rạc đi. Từ sáng tới tối, chàng ngồi lì ngoài vườn dừa lão để đọc sách, luận kinh. Nhưng cứ mỗi lần tựa lưng vô gốc cây là chàng lại cảm thấy ngứa ngáy toàn thân, gãi tấy cả lưng vẫn không hết khó chịu.

Rồi thi thoảng một trái dừa vỏ đã chuyển sang mầu nâu sậm lại rơi lịch bịch xuống đất, lăn về phía chàng. Nho sinh sợ hãi nhắm mắt lại.

Các tàu dừa khô bị gió lay sao mà giống những cánh tay chấp chới dưới sông lúc sắp hụt hơi thế? Thanh âm chúng phát ra xào xạc, xào xạc, chẳng khác gì tiếng ma đói hờ từ kiếp trước vọng lại vậy…

Học hành trong tâm trạng bất an như thế nên chàng trai trẻ không sao nhập tâm được các nét của các con chữ mới. Hình như cả các chữ tích được trong bụng chàng cũng vơi đi mất ba phần tư… Quá thất vọng, chàng vò đầu, bứt tóc, ngửa mặt lên phía những đọt dừa xanh mà than trời hại ta thật rồi.

Tiếng than của chàng lọt thỏm vào khoảng không bao la chẳng khác gì một cục đất phèn bị trẻ con ném tõm xuống mặt sông. Nhưng cũng hên, nhờ tiếng than ấy mà chàng sực nhớ ra được lời cha dặn lúc sinh thời.

Vậy là chàng vùng dậy, đi ra vườn dừa lão. Cố bươi đất đào được vài con trùn làm mồi, chàng thắt giỏ ngang lưng, vác cần câu đi câu cá.

Ra tới bờ sông Hàm Luông, chàng thở phào nhẹ nhõm khi nhìn thấy cảnh sông nước lăn tăn gợn sóng, trời xanh thẳm lượn lờ mây trắng bay. Nhưng khi chàng buông cần, sợi dây câu vừa chạm mặt nước, cả chục con cá linh đao (thuở ấy mỗi con đáng giá một lạng bạc) đã lao tới tranh mồi khiến cho chàng phải giật mỏi cả tay. Trong chốc lát, cái giỏ đã ních chặt cá.

Lúc này chàng nho sinh mới giật mình, ngày có ba bữa, mỗi bữa chỉ ăn một con cá, mang cả giỏ cá về làm gì nhỉ?

Rồi không chút lưỡng lự, chàng chọn ba con, còn bao nhiêu đem đổ trở lại sông.

Chàng lại nghĩ, chắc lũ linh đao thoát chết sẽ mừng rỡ lao vút đi như tên bắn cho mà xem. Nhưng trái lại, cả đàn cá không những không bơi đi mà còn tự quây lại thành một vòng tròn, quẫy đuôi trắng loá cả một vùng nước. Cũng như người, loài cá linh đao không hề biết vô ơn?

Kế đó, không rõ vì chăm học hay vì được vong linh cha phù hộ, chàng nho sinh lần lượt vượt qua các kì thi hương, thi hội, thi đình khá suôn sẻ. Chàng được nhà vua vời vô kinh cấp mũ áo, bổ làm tri phủ ngay tại bản quán.

Sau mười năm, quan phủ đã dư cả tòa ngang dãy dọc, vợ đàn, con đống. Dĩ nhiên, ngài không còn màng đến chuyện đi câu nữa.

Ảnh minh họa: Tinh Hoa

Trong khi đó, các con dân vùng kinh rạch chằng chịt, cù lao lố nhố mà ngài là phụ mẫu càng ngày càng nghèo rớt. Họ lũ lượt bồng bế, dắt díu nhau bỏ quê đi tha phương cầu thực; người gan thỏ đế thì ôm khăn áo ra Gia Định, Tân Bình; kẻ mạnh tay bạo phổi thì chèo ghe ngược sông Tiền tới tận nước Miên, nước Xiêm…

Vụ thuế năm ấy thất thu nặng. Nhà vua sinh lòng nghi ngờ, liền hạ chỉ truyền lính ở Gia Định đem trát đòi tri phủ vô kinh để tra xét.

Quan tri ăn không ngon, ngủ không yên mấy ngày liền. Có lúc quẫn trí, ngài đã định trẫm mình xuống sông Hàm Luông để chứng tỏ sự cao quý của một viên quan vùng đất mới khẩn hoang liêm khiết. Song khi vừa rón rén tới mép nước sông, quan lại sực nhớ tới lời trăn trối cuả người cha năm xưa.

Thế là ngài ra lệnh hạ kiệu, chọn một gốc cây trứng cá râm mát thay lọng xanh che nắng, sai lính về phủ lấy cần câu, đào sẵn mồi trùn để quan câu cá.

Hôm ấy, nước sông Hàm Luông đục ngầu như máu; da trời thì xám xịt, tím bầm. Sợi dây câu không ít lần căng ra. Vậy mà khi quan giật lên, chỉ có những cành dừa mục trông y những khúc xương người, chứ tịnh không được một con cá nhỏ nào. Quan lắc đầu, mở mắt trừng trừng ngó về phía tòa ngang dãy dọc nhà mình.

Ngài chỉ lờ mờ thấy từng đống, từng đống cá linh đao cao chất ngất ngang lưng chừng trời… Sau đó, quan phủ vô triều theo lệnh vua rồi bị kết án tử hình vì tội tham nhũng.

Trước ngày ra pháp trường, tham quan được nhà vua ban cho ba đặc ân.Thứ nhất, y ước một bát canh chua cá linh đao. Thứ hai, y mong được tới hồ nước bên cạnh ngục thất để câu cá. Và thứ ba, nếu hai mong ước trên không thành thì y sẽ được nhà vua cho về làm phủ quan như trước.

Nhà vua nghe Bộ Hình tâu lại, cứ vuốt râu cười ngất. Ngài phẩy tay rồng, cầm bút lông phê ngay hai chữ “Y nguyện” nguệch ngoạc.

Ảnh minh họa: MSN

Hôm sau, ngục quan sai đầu bếp ra chợ mua cá linh đao. Không có. Hôm sau nữa, sau nữa và sau nữa cũng vẫn không tìm được cá.

Vậy là kẻ tử tội vẫn phải dài cổ ngồi câu bên cái hồ nước không có lấy một cọng rêu cũng như một con cá để chờ bát canh chua nấu bằng cá linh đao ân huệ kia. Nghe phong thanh (chứ sử sách triều Nguyễn không hề chép chuyện này) thì cho tới khi băng hà, vua nhà Nguyễn vẫn chưa có cơ hội xuống ấn cho y được khôi phục lại chức vụ cũ…”.

Khi nghe xong chuyện trên, tôi buột mồm hỏi: “Bây giờ Bến Tre còn cá linh đao không?”. Bạn tôi cười: “Làm gì có linh đao mà còn! Nhưng cá linh thì không thiếu. Vào mùa nước nổi, từng đàn cá linh vẫn rẽ sóng trắng cả sông Tiền chớ bộ!”.

Không chờ tôi kịp hỏi thêm, bạn tôi vỗ tay đánh đét một tiếng: “Ờ, xíu nữa thì tớ quên! Tớ chưa tả khuôn mặt của cụ Đồ Chiểu hồi nghe chuyện này cho cậu biết nhỉ?”. Tôi chưa kịp ừ một tiếng cho có lệ, bạn tôi đã nghiêm mặt: “Lúc đó ấy à? Từ hai hõm mắt trũng sâu của ông cụ, những giọt nước mắt màu đỏ cứ ứa ra cậu ạ!”.

Nguyễn Quốc Văn

Clip hay:

videoinfo__video3.dkn.tv||0c40b247b__