Đại Kỷ Nguyên

Truyện ngắn: Chuyện của Lan

Nó chưa bao giờ xa mẹ nên làm sao hiểu nổi điều đó khủng khiếp thế nào? Nó cứ ngỡ, 15 tuổi người ta đã trưởng thành không cần mẹ nữa. Màu áo mẹ, bước chân mẹ, đôi giày mẹ đi.. Nó nhớ vô cùng. Tấm ảnh gia đình ba đã đốt rồi sau nhưng điều đó cũng không làm cho hình bóng mẹ rời xa căn nhà…

Lan đứng tần ngần trước cổng trường. Một bạn, hai bạn…những đứa bạn cuối cùng, chậm trễ nhất đã vào trường. Cánh cổng từ từ đóng lại. Lan định kêu lên: “Chú  ơi! Chờ cháu với”… nhưng lại thôi. Nó đứng một hồi lâu nữa. Tiếng trống trường vào tiết 1.

Nó phải đi đâu bây giờ? Đứng đây ư? Nhỡ có thầy cô nào bắt  gặp thì phiền lắm. Nó không thể để bị kết luận là đứa đi học trễ. Nhưng nó không có nơi nào để ghé chơi, mà nó cũng không quen đi lang thang như thế.

Nó chợt nghĩ: A phải rồi, đi vào cửa hàng internet. Nó vui mừng vì đã tìm thấy lối thoát. Mấy tiếng đồng hồ trong lớp thì sẽ không dài với nó, hết môn nọ sẽ đến môn kia. Nhưng ở ngoài đường làm sao hết 4 rưỡi tiếng đồng hồ đây?

Nhưng nó chưa kịp mừng vui thì đã xẹp xuống như bong bóng hết hơi. Nó chợt nhớ ra là đã hai ngày nay, nó làm gì có tiền. Nó ăn cơm nhà bác Ba bên cạnh. Đó là hai vợ chồng bác hàng xóm đã về hưu, có hai đứa con đi Mỹ sống cả.

Hai ông bà già hưu quạnh, có một cô giúp việc chăm sóc cả ngày, cả đêm. Nhưng hai ông bà thích nó sang chơi, khi thì đọc báo sách, khi thì để nghe ông bà ca cẩm chuyện nước dạo này bẩn quá, chuyện công tơ điện rởm chạy như ngựa phi, chuyện bắt cóc trẻ em ngoài xã hội mà như giật đồ, chuyện mưa bão trái mùa, thiên tai triền miên…

Thôi thì đủ thứ chuyện lặt vặt, từ quốc gia đại sự đến chuyện ngày nảo ngày nao ông bà yêu nhau, lấy nhau thời bao cấp, thời chiến tranh.. Nó nhẫn nại ngồi nghe và trả lời theo cách hiểu của nó. Nói cho cùng thì nó thấy không cần xem ti vi cũng nắm được thời sự đó đây.

Vợ chồng bác hàng xóm đã về hưu (Ảnh: pinterest.com)

Bà rất yêu quý nó. Có lẽ vì nhớ thương những đứa cháu ruột thịt ở phương trời xa lạ.Với lại, ở cái xóm này, người ta vừa giàu sang vừa nhiều chữ, vừa là trí thức vừa là thương gia, ra khỏi nhà là lên xe hơi, xuống xe vào nhà là đóng cửa, xóm lúc nào cũng như đi nghỉ Tết. Và tất nhiên, nó là nhân vật mà hai ông bà già cô đơn nhìn thấy nhiều nhất.

Nó là cư dân duy nhất của xóm đi bộ và đi xe đạp, cư dân duy nhất hay chào hỏi ông bà, hay quét cái sân lớn giữa xóm và hay đi bộ quanh dãy nhà. Nhiều khi vì quá buồn, chẳng biết chơi với ai, vào mạng internet nói chuyện nhảm rồi xem phim… Nó cũng thấy chán. Gọi các bạn đến nhà thì nó sợ ba nó, còn đến nhà bạn thì nó sợ ba nó gọi điện thoại về không thấy nó, ba nó sẽ buồn., sẽ lo.

Thế là nó lân la chơi với ông bà Ba. Ba nó cũng yên tâm về điều đó. Còn nó thì cho rằng những người cô đơn thường xích lại gần nhau. Thế là nó trở thành người bạn nhỏ của hai ông bà già. Lắm khi ông bà giận nhau (người già hay giận nhau lắm, đây là kết luận của Lan sau khi ở gần ông bà già). Nó trở thành đồng minh của hai người. Thế là, đương nhiên sự hòa giải của nó chỉ trong im lặng mà thành công.

Hai ngày trước bác Ba hỏi: Sao không thấy ba cháu về?

Nó ấp úng không biết nói sao. Hình như là ba nó bận viêc gì đó rất quan trọng. Đã mấy ngày không thấy ba về. Mỗi khi nghe tiếng xe chạy lạo xạo ngoài cửa là nó lại chạy ra ngóng cổ lên xem có phải ba không.

Nhưng số lần thất vọng đã lên đến số không đếm xuể. Nó buồn tủi lắm. Giá có mẹ giờ này nhỉ. Nó nhớ ngày bên mẹ. Mỗi bận mẹ đi làm về thường ghé vô chợ. Bao nhiêu là món ngon, bao nhiêu là món nó thích…mẹ sẽ nấu thật nhanh cho kịp kẻo nó đói.

Mẹ ngồi ngắm nó nhai và khen nức nở.. mẹ thì chờ ba về mới ăn. Những ngày ấy, bếp nhà nó ấm áp và thơm lừng..nơi chuyện trò của nhà sau ngày là việc. Chuyện bạn bè của nó, nào là ai ở lớp không thuộc bài, nào là nó ghét ai đó hay chọc ghẹo… nói chung là bên bàn ăn nó trở thành trung tâm của ba mẹ. Ôi ! giá như…

Cha mẹ luôn muốn con của họ có được hạnh phúc (Ảnh: Hoitho.vn)

Mấy ngày rồi chưa gặp ba. Nó phải chi tiêu hết sức tằn tiện mà cũng không đủ. Chỉ còn 6000 đồng đủ cho 2 cái bánh mì. Thế là hết. Dường như, thấy nó một mình côi cút, bác Ba thương tình và cứ năn nỉ nó ăn cơm mãi. Cuối cùng, nó cũng ăn nhưng lại hẹn:

Khi nào ba về, cháu trả tiền cơm là bác phải lấy đấy nhé!

Bác Ba trai nghiêm mặt:

Cháu cứ thế thì hai bác giận đấy

Nhưng nó vẫn ngại ngùng thế nào ấy. Cho nên việc không có tiền học phí nộp cho nhà trường, nó không dám nói với hai bác, cũng chẳng dám vay mượn ai. Nó phải im lặng để giữ thể diện cho ba nó. Nhưng nó cũng không đủ gan lì bước chân vô lớp học.

Hôm nay đã là ngày 29, ngày cuối cùng qui định phải đóng học phí. Nó sợ nhìn nét mặt lạnh lùng của cô giám thị, nó sợ lời nhắc của cô chủ nhiệm, nó sợ lớp mất thi đua vì chưa hoàn thành học phí. Nhà trường đã đăt ra hạn nộp tiền và cũng có cách phê bình lớp chậm trễ… ruột nó rối bời.

Phần thì sợ bị đuổi về nhà lấy tiền, mà tiền đâu để lấy? Phần thì ngại với bạn bè và cô giáo, phần thì sợ bị ghi là bỏ học không phép, sẽ bị hạ hạnh kiểm… thật là khó xử. Nó buồn lắm. Nên nó đành chấp nhận phương án nghỉ học chờ ba về.

Chấp nhận nghỉ học để chờ ba về (Ảnh: Đất Việt)

Bảy năm trước, nhà nó chuyển về đây, một căn nhà nhỏ bị che lấp giữa những căn hộ cao tầng sang trọng. Mẹ nó thường nhìn sang căn nhà đối diện có giàn hoa giấy đỏ thắm, lả tả hoa rơi đỏ cả một vùng hẻm rộng như pháo ngày tết xưa.

Nó vẫn hay ngồi ngắm hoa rơi. Đôi  khi, có những cơn gió mạnh, cánh hoa nhẹ và tươi, theo gió thổi bay về cuối hẻm trông thật vui mắt. Đó là căn hộ của một người đàn ông nước ngoài thuê. Ông ta trắng trẻo, mập mạp và có nụ cười thiện cảm, nhìn có vẻ nhân từ, mái tóc hung luôn được cắt gọn gàng. Rồi một ngày định mệnh đã xảy ra. Căn nhà thuê bỗng dưng mất điện, vô tình thấy mẹ nó đi về, ông ta gọi:

Hãy giúp tôi.

Cả xóm này, người ta lạnh lùng, mặc kệ ông Tây. Nhưng ông Tây may mắn được mẹ nó giúp đỡ. Tuy vốn liếng tiếng Anh của mẹ nó không nhiều.

Nhưng từ đó, hai người gặp nhau chào hỏi, chuyện trò và họ thành thân thiết lúc nào không ai rõ. Đôi lúc, nó bắt gặp ánh mắt lạ lạ của mẹ khi nhìn ông Tây. Nhưng gia đình nó vốn chẳng yên bình, ba nó là người đàn ông có máu ghen nên chả dại gì nó tỏ thái độ, hay kể lại với ai.

Nó vờ như không thấy. Với lại, nó không nghĩ điều đó lại nghiêm trọng đến vậy. Thế mới biết, dù mầm mống đang rất mơ hồ thì cũng có thể thành cây đại thụ trong tương lai.

Ông Tây may mắn được mẹ nó giúp đỡ (Ảnh: Zing.vn)

Rồi đột ngột ông Tây chuyển nhà. Nghe đâu về Đức. Mẹ nó thông báo với hai cha con:

Em đi Đức.

Nó đứng như trời trồng, ba nó tái mặt, mắt trợn lên như người ta trúng gió rồi chạy từ phòng này sang phòng khác, miệng lẩm bẩm:

Tại sao? Tại sao? Tao giết.. tao giết..

Một lúc sau ba nó ngã vật xuống giường và khóc. Tiếng khóc của một người đàn ông tự tin quá mức về bản thân và giờ đây mới thấy mình bất lực. Tiếng khóc kì lạ như khi ba nó nghe tin bà nội mất. Nó thấy run sợ, thấy lạnh cả người.. tiếng khóc hờ …hờ.. nghe thật lạ. Bấy giờ, nó cũng thấy ba nó bất lực và cay đắng giống như hình ảnh mẹ nó mỗi ngày.

Mẹ nó là người đàn bà cam chịu, hiền lành và vui vẻ, hiếu khách, nhân từ. ở cái tuổi vừa đến 40 với nước da trắng trẻo, giản dị và lịch thiệp lại thông minh tế nhị. Mẹ nó được nhiều người yêu mến và quý trọng, bạn bè khá đông.

Nhưng là người coi trọng gia đình, nên mẹ thật sự luôn giữ gìn khuôn phép. Với lại, bạn mẹ toàn người tốt. Không ai muốn làm gia đình nó tan nát hay đau khổ. Cũng chả ai biết nỗi khổ tâm mẹ nó phải trải qua mỗi ngày…

Mẹ nó có thể bị ba nó mắng mỏ, sỉ vả thâu đêm không cho mẹ ngủ mà mẹ vẫn không nổi giận hay bỏ đi. Mẹ có thể để ba nó đập bể ly, văng tục mà vẫn nhẫn nhịn. Mẹ có thể để ba chi tiêu khoản tiền lương của mình mà không nộp cho mẹ đồng nào, lại còn kết tội mẹ chi tiêu phung phí “phá gia chi tử” nhưng mẹ im lặng chỉ từ tốn giải thích.

Không hề nổi giận và lâu lâu mới khóc. Nhưng chỉ cần thấy nó bị ai bắt nạt hoặc thầy cô đối xử bất công là mẹ nó trở thành người khác. Lúc ấy, hai hàng nước mắt của mẹ chảy ròng ròng rồi mẹ trở nên dữ tợn.

Mẹ nó là người đàn bà cam chịu hiền lành và tốt bụng (Ảnh: cgvdt.vn)

Nhìn thấy mẹ như thế, nó cứ  hay liên tưởng đến cảnh gà mẹ ấp gà con. Và nó nghĩ, mẹ nó sẽ ấp ủ nó mãi mãi. Chưa bao giờ nó thấy mẹ về muộn. nếu đi du lịch hoặc đi đám cưới hoặc về thăm bà ngoại, chỉ cần ba nó không cho đi là mẹ nó phải ở nhà.

Lúc nhỏ, nó thương yêu ba nhưng lớn dần nó không chấp nhận nổi cách ba nó cư xử với mẹ. Vậy mà mẹ nó lại bảo với nó:

– Ba nóng nảy nhưng  rất yêu con, mọi khoản tiền ba tiết kiệm cũng chỉ để mua sắm trong nhà con ạ.

Đành biết vậy nhưng nó vẫn rất bực mình. Nó thấy mẹ là một người nhu nhược. Giận mẹ, muốn chở che cho mẹ, ghét sự bất công của ba nhưng nó hiểu tất cả sự chịu đựng đó cũng chỉ vì mẹ nó cần sự bình yên cho nó. Mẹ sợ nó thiếu thốn, mất sĩ diện với bạn bè khi gia đình tan đàn sẻ nghé.

Có đêm tỉnh dậy, nó thấy mẹ ngồi một mình và nước mắt giàn giụa. Nó ước ao có một phép màu đổi thay tất cả. Nó trở thành vật cản, thành món nợ đời đeo đẳng trên đôi vai yếu mềm của mẹ. Đôi vai ấy phải gánh cả gia đình này đi một quãng đường dài dằng dặc.

Mẹ gánh tình thương dành cho nó, gánh tình hiếu thảo trả nợ ông bà ngoại đã nuôi ăn học và gieo bao hi vọng. Mẹ nó muốn, tất cả người thân tin rằng: Mẹ nó hạnh phúc.

Nó hi vọng mẹ sẽ hạnh phúc (Ảnh: crowdtruster.com)

Nó xót xa thương mẹ, thần tượng của nó… Mỗi dịp được nhận quà Nô-en hoặc sinh nhật của bạn bè là nó lại mong có món nào phù hợp để tặng mẹ.

Nó lớn dần lên, sóng gió giữa ba mẹ đã làm nó già trước tuổi. Bi kịch gia đình nó không thể kể cùng ai. Khổ quá! Mang cái mác gia đình hạnh phúc hóa ra lại là sự bất hạnh của người ta.

Đơn giản, được kể lể, than vãn có khi người ta sẽ giảm bớt đau khổ và uất ức. Nhưng không, cả nhà nó sống với cái mác “Hạnh phúc” nên chả ai hiểu sau bức màn kia là nỗi khổ tâm của cả mấy con người.

Gần đây, nó thấy ba nó tốt lên… Thế mà tại sao mẹ lại bỏ ra đi nhỉ? À! Thì ra, sự chịu đựng bên ngoài sẽ tạo nên sức mạnh đột phá bên trong.

Giờ thì nó hiểu. Nó hiểu dự cảm mơ hồ thành sự thật. Nó đau lòng cho ba nhưng cảm thấy mừng cho mẹ. Một cảm giác đau đớn mất mát pha lẫn cảm xúc vui mừng khó tả, khó giải thích. Có lẽ, đó là khi nhìn thấy người ta yêu thương được giải phóng khỏi khổ đau dù ta phải trả giá.

Có lẽ, đó là khi nhìn thấy người ta yêu thương được giải phóng khỏi khổ đau dù ta phải trả giá. (Ảnh: pinterest.com)

Anh không phải làm gì cả. Em đã làm  xong mọi thủ tục. Em sẽ gửi tiền nuôi con sau khi ổn định.

Mẹ vẫn nhẹ nhàng, nét mặt vẫn nhẫn nhịn như mọi ngày. Chỉ có điều, bây giờ ba khác hẳn. Không còn cái vẻ hung hăng khinh thường.

Thế rồi mẹ ra đi, mẹ ôm nó và khóc nhiều lắm. Bỗng chốc, nó thấy ghen với người đàn ông đi bên cạnh mẹ. Ông ta đã cướp mẹ của nó. Ông ta đã làm gia đình nó li tán. Nó muốn nói một câu gì đó cho thỏa ghét. Nhưng nó không làm vậy. Nó ép mặt vào ngực mẹ, rúc vào nách mẹ để nghe mùi mồ hôi đặc biệt ngái ngái từ thân thể thân yêu.

Nó hít một hơi, hai hơi thật dài, nó hít lấy hít để dường như giữ lại trong lồng ngực để dành. Vì biết bao giờ mẹ trở lại? Và nó sợ khi ấy mẹ không còn mùi mồ hôi thân thuộc của hôm nay, mẹ sẽ mang theo mùi khác, mùix ứ lạ.

Thẳm sâu trong lòng nó, một tia hi vọng, mạnh mẽ như tia nắng của bình minh vừa rạng, nó tin: người đàn ông da trắng kia đem mẹ nó đi, ông ta sẽ mang cho mẹ cuộc sống khác, ông ta sẽ chở che và đem cho mẹ niềm vui mẹ đáng được hưởng. Nó nói với mẹ:

Mẹ đi đi.. mẹ đừng lo cho con.

Chỉ cần mẹ hạnh phúc, con cũng sẽ hạnh phúc (Ảnh: Odyssey)

Nước mắt đã làm nó nghẹn ngào nói không rõ thành câu hoàn chỉnh. Và rồi, có nhiều ngày sau đó nó không  muốn về nhà. Nó sợ ngửi thấy mùi mô hôi thân thuộc của mẹ còn phảng phất. Nó ao ước, một ngày tan trường về, sẽ thấy mẹ đứng nơi bếp, mùi thức ăn tỏa khắp căn nhà.

Đôi lúc, nó thèm một giây phút nghe lại những tiếng quá tháo của ba nhưng căn nhà vắng vẻ quá. Đâu đó, chỉ thấy lũ thằn lằn đến cư ngụ. Khắp nhà, nó chỉ nghe tiếng tặc lưỡi của thằn lằn như sự tiếc nuối của ba, sự nhớ nhung mẹ không nguôi của nó.

Nhiều hôm, nó đi lang thang một đoạn đường dài, cứ mong tìm thấy mẹ. dù nó biết đó là điều không tưởng nhưng “biết đâu”, nó tự nói với mình. Như thế cũng phần nào đỡ mong nhớ. Nó không hình dung xa mẹ lại khó khăn đến thế.

Nó chưa bao giờ xa mẹ nên làm sao hiểu nổi điều đó khủng khiếp thế nào? Nó cứ ngỡ, 15 tuổi người ta đã trưởng thành không cần mẹ nữa. Màu áo mẹ, bước chân mẹ, đôi giày mẹ đi.. Nó nhớ vô cùng. Tấm ảnh gia đình ba đã đốt rồi sau nhưng điều đó cũng không làm cho hình bóng mẹ rời xa căn nhà.

Nó nhớ mẹ thật nhiều, hình bóng mẹ chưa từng dời xa căn nhà của gia đình nó (Ảnh: pinterest.com)

Giờ đây, ba nó biệt tăm cả tuần. Nó càng mong nhớ mẹ, gọi điện cho ba thì chỉ có “ò..í e.”, “số máy này không liên lạc được”. Nó thấy mình bị bỏ rơi.

Thế rồi, tối đó, ba của Lan đã trở về nhà. Sáu tháng mẹ đi, ba đã kịp có người đàn bà khác. Cô ta bị ốm nằm viện, ba bận chăm sóc và tạm quên nó mấy ngày. Nó vẫn tin, đây là lần cuối cùng nó phải nghỉ học không phép, nó mong đây là lần cuối cùng nó phải đứng thập thò bên cửa ra vào của trường.

Đêm ấy, Lan mơ thấy mình đi giữa con đường lạ, xung quanh là những tán bàng, cây ngâu nở hoa thơm ngát. Nó nhìn thấy mẹ đứng trên bục giảng. Nó lại gần, không phải mẹ mà là cô giáo chủ nhiệm lớp. Thì ra, cô giáo đi tìm nó…

Hoa ngâu vàng vẫn thơm ngát, tán lá bàng vẫn tỏa bóng xanh… Cuộc sống vẫn trôi lặng lẽ vô tình…

Clip hay:

Exit mobile version