Đại Kỷ Nguyên

Truyện ngắn: Lão ăn mày

ăn mày

Tục truyền ông Tổ làng tên là Rách. Khi ông băng, do có công bỏ tiền lát đá xanh cả hai bên đường xuống miếu thờ Thành hoàng, con cháu được đặt cái bát nhang ở phía sau, bục thờ phụ trong miếu hưởng hương khói thừa ơn trên. Đương nhiên, được đổi tên là Danh. Theo gia phả, tôi thuộc đời thứ sáu của dòng họ ăn mày nổi tiếng này…

Làng Đồng Côi tôi không nghèo. Vào kỳ nông nhàn, người trong làng vơi đi quá nửa. Người có nghề xây đi xây cất nhà thiên hạ, người có nghề mộc đi đóng tủ, đóng cối xay, người biết buôn bán đi buôn bè, buôn thúng bán bưng… Đến mùa, thóc lúa rủng rỉnh, tiền bạc leng keng, người ta lại lo mở hội chơi, lo mở phường hát khoe làng, mở sòng sát phạt nhau…

Có một năm tôi không được góp mặt trong dịp hội hè sau vụ mùa. Theo lệ làng, năm ấy đến lượt tôi và anh cu Vận, anh họ tôi phải đi ăn mày chuộc lỗi cho làng. Anh cu Vận lúc ấy chừng hơn ba mươi, tôi lên mười. Hai anh em theo lời bố tôi căn dặn phải xin được nhiều tiền, phải chi tiêu tằn tiện, bóp mồm bóp miệng, đem đủ tiền nộp làng xong, bèn đóng giả làm hai bố con, bị gậy lên tỉnh, vốn liếng là bốn nắm cơm và một gói muối…

Ảnh minh họa: Phunutoday.vn

Anh cu Vận dẫn tôi đến một xóm nhỏ ven bờ sông thuê nhà ở. Chủ nhà nhìn anh, cười hề hề: “Năm nay có thằng nhóc tì mới hả?”. Tôi ngớ người. Chờ lúc chủ nhà xuống bếp, anh bảo: “Năm nào mà tao chẳng đi. Muốn phất, không có gan ăn cướp thì đi ăn mày”. Khoảng ba giờ sáng, tôi đang rửa mặt, anh cu Vận đứng lù lù sau lưng, bất ngờ thả tung một gói tro bếp vào đầu tôi. Tôi bị tro vào mắt không mở mắt được. Dụi mãi, đỏ cả mắt. Anh bảo: “Được rồi. Đánh bộ này vào là thành ăn mày!”. Một bộ quần áo hôi chưa từng thấy. Nó được lôi ra từ một góc phên liếp của nhà trọ. Rách mướp. “Chú mày mà giãy giụa nhẹ là nát vải ngay”. Một lát sau, anh trở vào nhà. Lúc trở ra, trông rất giống một ông lão. Tay đen đúa, chống gậy, giọng lại khàn khàn. “Đi”, anh giục. Tới đầu ngõ, anh dắt tôi vào một tiệm phở. Tôi len lén không dám bước vào thì anh véo cho một cái: “Ngu. Vào ăn trả tiền chứ đâu thèm xin mà sợ. Vào!”. Chủ quán đon đả: “Ông mới ra? Mở hàng thế này hôm nay đắt phải biết!”. Nói rồi không chờ anh cu Vận gọi, chủ quán băm băm, thái thái cành cạch trên quầy. Nước dùng điếc cả mũi. Hai tô đặc biệt. “Anh đãi chú mày đấy. Anh có hào đây…”. Lần đầu tiên tôi biết phở. Gắp hết bánh và thịt bò, tôi bê cả bát lên ngang mặt húp xùm xụp. Ngon quá! Xong phí quá! Những năm hào một bát. Năm hào là một cân gạo. Cả nhà tôi mỗi ngày cũng chỉ có một bơ rưỡi, tính ra là một cân hai gạo, còn thì khoai, dong độn vào ăn cho chắc bụng. Vậy là tôi đã ăn một cân gạo…

Hai anh em ra bến xe ô tô. Bến còn vắng tanh. Anh bảo: “Trải cái chăn xuống đây nằm. Ta mua vé đi Hà Nội”. Đi mãi Hà Nội ăn mày, tối lại về? Lạ thật! Nghĩ vậy chứ tôi chẳng dám ho he. Gần sáng, sau anh em tôi lố nhố người xếp hàng. Rồi hai anh em mua được hai vé, mỗi vé hai đồng. Có khối người không mua được vé. Bỗng anh ngã khuỵu xuống, ôm lấy bụng. Người cho cao xoa, người hỏi đi đâu… Anh cu Vận khàn khàn kêu không được, bụng đau quá. Ai cần thì để lại vé cho. Dĩ nhiên có người mua lại. Giá vé chợ đen ba đồng, người ta thương, cho một đồng nữa là bốn. Tôi dìu anh xiêu vẹo đi bên cạnh. Xe chạy. Anh ngồi bệt xuống đất, cười: “Lãi bốn đồng. Trừ một đồng phở, còn ba. Số chú mày thế mà tốt đáo để. Thôi vào đây anh hút điếu thuốc lào rồi anh em mình ra ga”. Anh dắt tôi vào quán nước. Anh gọi một chén trà Thái, mua cho tôi một cái kẹo lạc năm xu. Vị chi mất một hào. Anh rít sòng sọc, lơ mơ nhả khói…

Ảnh minh họa: Lopez

Cuối năm ấy mãn hạn ăn mày, tính ra tôi và anh kiếm được dư ra gần một ngàn bạc. Anh bảo nếu gom mua vàng cũng được mười mấy đồng cân thừa sức mua hai cái nhà của lão chủ trọ. Không về làng nữa. Cái làng ăn mày! Anh đưa cho tôi hơn ba trăm: “Về làng, chú em bảo bị mất trộm hết. Anh Cu sợ quá, bỏ làng đi rồi…”. Tôi van anh thế nào anh cũng không nghe. Thế là tôi bảo: “Anh em sống chết có nhau một năm. Anh cầm lấy mà đi…”. Bịn rịn mãi, cu Vận ép tôi lấy mười đồng tiền đi xe. Tôi đã mười một. Đi ăn mày về làng với hai bàn tay trắng. Theo lời cu Vận, tôi nói anh chết rồi. Làng đưa đám giả, đắp một cái mộ giả bên đường. Ai đi qua cũng ném vào một hòn đất, hòn gạch… Mả cu Vận dần dần to như một đụn rạ…

Nhờ hưởng lộc sáu đời ăn mày tôi được ăn học và hành nghề ở thành phố. Lại mua được nhà. Người chủ nhà ủy quyền cho người môi giới cùng tôi lo giấy tờ chu tất. Giá có vẻ rẻ, vợ tôi rất lấy làm hài lòng. Một lần, thụ lý một vụ lừa đảo lớn, tôi đã vào nhà giam gặp phạm nhân. Bao nhiêu năm tháng đã qua, song khi vừa bước vào cửa, tôi giật thót người: Lão cu Vận. Lão co dúm người lại, mặt cụp xuống. Rồi lấy lại bình tĩnh rất nhanh, cười cười: “Đất hẹp. Đi đâu rồi cũng gặp chú!”. Rồi thản nhiên, bảo: “Chú bào chữa cho anh chứ. Anh sẽ trả lại chú số tiền mượn ngày xưa. Lãi ròng tính ra cũng đến mấy chục cây vàng…” Tôi hỏi làm sao đến nông nỗi này, cu Vận không giấu giếm kể rằng sau giải phóng, với số tiền ăn mày để ở góc vườn nhà, cu Vận đã vào Nam tậu rất nhiều đất cát. Gặp thời, lão giàu lên như diều gặp gió. Mai danh ẩn tích đã lâu, lão hứng chí lập một công ty trách nhiệm hữu hạn, mua vàng bạc của các công ty khác rồi quịt luôn. Số tiền lên đến bạc tỉ… Cu Vận bất ngờ nắm lấy tay tôi và bảo: “Nói vậy thôi. Tôi chả phiền chú. Chú cứ để tòa luận tội. Tội ăn cướp là cùng. Hơn sáu mươi rồi! Tôi chả thiết gì nữa…”

Ảnh minh họa: Sachvanhoc.com

Lúc tôi ra về, lão cu Vận lại nắm lấy tay: “Chú đừng lo. Tiền bạc, nhà cửa, tôi đứng tên cả. Ai làm người ấy chịu… À, còn món nợ chú, tôi đã bảo thằng Cả mang đến tận nhà”. Về sau, lão cu Vận chết trong nhà tù. Con cái lão theo di chúc xây cho lão một cái mộ rất to. Mộ xây bằng đá, cao hơn nhiều lần cái mộ anh cu Vận ở làng Danh. Riêng về lời hứa của lão chưa có ai thực hiện. Tôi hầu như cũng đã quên…

Cách đây hai tháng, tôi đào móng làm lại nhà. Cả nhà lấy làm ngạc nhiên khi đào được một số vàng đúng bằng số lượng tiền tôi đã mua căn nhà này. Số vàng ấy gói trong một mảnh vải mục mà tôi nhớ đã trông thấy ở đâu đó lâu lắm rồi…

Thư Ngọc

Clip hay:

Exit mobile version