Sáng các ngày trong tuần, cậu bé thức dậy, ra khỏi lều trên phố, mặc một bộ đồng phục học sinh, đánh răng trong tiệm McDonalds, và đi tàu điện ngầm tới trường học của mình ở vùng ngoại ô. Buổi chiều, cậu bé quay lại, và làm bài tập về nhà trên vỉa hè…Tại sao?
Ngày 5 tháng 6 năm 2002 – Số 66 đường Portland Place, thành phố Luân Đôn – Giữa mùa hè êm dịu của nước Anh, một cậu bé cùng mẹ tham gia ngồi tĩnh tọa trước lối vào của Đại sứ quán Trung Quốc. Tại đây, vào bất cứ lúc nào trong ngày, bất cứ ngày nào trong tuần, đều có một nhóm người ngồi thiền, thỉnh nguyện.
Trong những tháng tiếp theo, cậu bé ngủ trong một căn lều bên đường, ăn thức ăn từ những hộp cơm trưa, và tự mua vui thông qua việc thay đổi số ngày họ đã thỉnh nguyện trên chiếc bảng bằng những mẩu giấy. Sáng các ngày trong tuần, cậu thức dậy, ra khỏi lều, mặc một bộ đồng phục học sinh Anh, đánh răng trong tiệm McDonalds, và đi tàu điện ngầm tới trường học của mình ở vùng ngoại ô. Buổi chiều, cậu bé quay lại, và làm bài tập về nhà trên vỉa hè. Cứ thế 15 năm trôi qua…
Việc tĩnh tọa, hay còn gọi là “thỉnh nguyện” trước Đại sứ quán Trung Quốc tại những quốc gia khác nhau, là một trong các nỗ lực của học viên Pháp Luân Công trên toàn thế giới nhằm phản kháng lại cuộc bức hại vô nhân tính đối với những học viên ở Trung Quốc.
Khi số ngày thỉnh nguyện liên tục trước Đại sứ quán Trung Quốc đạt tới 100 cũng là lúc cần phải thêm một tờ giấy ghi chữ số lên trên chiếc bảng. Cậu bé hỏi mẹ: “Mẹ ơi, khi nào thì chúng ta ngừng thỉnh nguyện?” Mẹ cậu trả lời đơn giản nhưng không thể nào quên: “Khi họ dừng bức hại.”
Cuộc đàn áp bắt đầu vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, và số lượng học viên bị chết do tra tấn đang tăng lên, hàng ngày.
Những học viên Pháp Luân Công cần phải mang thông tin tới cho những người dân Trung Quốc cũng như cộng đồng quốc tế trong bối cảnh họ bị lừa dối một chiều bởi bộ máy tuyên truyền khổng lồ của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Họ đã nỗ lực hết mình. Các cuộc diễn hành lớn, buổi thắp nến tưởng niệm, và những cuộc họp báo được tổ chức.
Các học viên Pháp Luân Công xây dựng những trang web và tờ báo độc lập ở nước ngoài, đột phá tường lửa “Vạn lý Hỏa thành” ở Trung Quốc, gọi điện nâng cao nhận thức tới các nhà tù và trạm cảnh sát, và đệ đơn kiện thủ phạm lên các tòa án quốc tế.
Họ nói sự thật với bất cứ ai sẵn lòng nghe về cuộc bức hại, từ người dân thường tới các quan chức chính phủ, hay những khách du lịch Trung Quốc.
Ai cũng có thể thấy những cụ ông, cụ bà vẫn miệt mài đưa tờ rơi giảng rõ sự thật tại quảng trường Trafalgar hay thành phố Cambridge.
Và mọi người cũng sẽ thấy những học viên tương tự như vậy ở tháp Eiffel tại Pháp, hay ở nhà hát Opera Sydney tại Úc. Bị xỉ vả, bị nhổ nước bọt, hay thậm chí là bị ăn tát, họ đã vượt qua tất cả những nhục mạ đó để kiên định giảng rõ sự thật ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác.
17 năm đã trôi qua, nhẫn nại và bao dung, họ đã xua tan những tuyên truyền giả dối, và mang đến cho thế giới sự thật về cuộc đàn áp Pháp Luân Công tại Trung Quốc.
Không có cuộc tĩnh tọa thỉnh nguyện nào trên thế giới lại kéo dài trường kỳ liên tục như cuộc thỉnh nguyện tại Luân Đôn.
Đôi khi, các nhóm khác sẽ xuất hiện, và hò hét hướng về phía tòa Đại sứ quán bên kia đường. Tuy nhiên, trong bất cứ trường hợp nào, các học viên vẫn kiên định mục tiêu của bản thân – ngồi thiền.
Họ đều đặn tới thay phiên nhau, thực hiện các bài công pháp nhẹ nhàng của Pháp Luân Đại Pháp, và chưa bao giờ vứt bỏ sự ôn hòa của mình trên đường phố náo nhiệt của Luân Đôn…
…
Một thập kỷ sau, cậu bé và mẹ đã ở cách xa nhau cả một đại dương.
Mẹ cậu vẫn ở đó – đôi khi bà làm ca đêm, rồi lại tới ngay văn phòng làm việc vào buổi sáng, và phát tờ rơi nói rõ sự thật tại khu phố người Hoa vào giờ ăn trưa.
Nhưng cậu bé đã đi xa. Một cuộc hành trình hàng ngàn dặm đã đưa cậu bé từ vỉa hè Luân Đôn lên sân khấu thế giới.
Mưa bụi của nước Anh đã được thay thế bởi ánh đèn rực rỡ. Tiếng xe buýt hai tầng ồn ã đã được thay thế bởi âm thanh du dương từ dàn nhạc giao hưởng.
Người qua đường đã được thay thế bởi các quý ông quý bà khán giả lịch thiệp. Và những du khách Trung Quốc bị lừa dối, vốn từng chửi bới và nhổ nước bọt vào họ, đã được thay thế bởi những người Trung Quốc tới xem và không khỏi tự hào về một nền văn hóa truyền thống từng bị lãng quên.
Cậu bé, từng là một người thỉnh nguyện im lặng nhỏ bé, đã tìm thấy sức mạnh của sự im lặng đằng sau vũ đạo.
Chính vì thế, liệu bạn có hiểu được tại sao cậu lại xao động, mỗi khi bức màn sân khấu vén lên lần cuối cùng, để kể một câu chuyện về Trung Quốc ngày nay?
Bạn có hiểu được những cảm xúc ngọt bùi và khổ đau về một thập kỷ vất vả trong mưa gió chợt ùa về mỗi lần cậu đứng trên sân khấu?
Cậu cảm thấy hãnh diện, tự hào và tự do khi được nhảy múa, không phải chỉ cho bản thân, mà còn cho người mẹ đang ngồi tĩnh tại bên ngoài đại sứ quán của mình, cho những cụ ông, cụ bà vẫn đang phân phát tờ rơi nói rõ sự thật, cho nỗi đau của hàng triệu con người đang bị tra tấn, bị giam giữ, bị bức hại tại Trung Quốc, và cho hàng triệu triệu người tốt trên thế giới, những người tin rằng – cái thiện sẽ chiến thắng cái ác.
Theo lời tự sự của Ben Chen
Hà Phương Linh biên tập