Đại Kỷ Nguyên

Tứ đại cổ điển hí kịch (P.1): Tây Sương ký, tình yêu và thước đo địa vị giàu sang là hai phạm trù tách biệt

Trong nghệ thuật biểu diễn kinh kịch cổ điển Trung Quốc cổ đại không thể không nhắc tới bốn vở đại kịch nổi tiếng nhất, đó là: Tây sương ký, Mẫu đơn đình, Đậu Nga oan và Trường sinh điện. Trong những chuỗi bài này, Đại Kỷ Nguyên xin được giới thiệu tới bạn đọc lần lượt tứ đại cổ điển hí kịch nổi tiếng bậc nhất của người Trung Hoa. 

Nghệ thuật kinh kịch là một loại hình nghệ thuật hấp dẫn có tự xa xưa trong lịch sử của người Trung Hoa. Ở kỳ này, xin giới thiệu tới độc giả vở kịch Tây Sương Ký của Vương Thục Phủ. Vở kịch được đánh giá là một trong tứ đại cổ điển hí kịch và là một trong lục tài tử thư của Trung Hoa cổ xưa.

Tây sương ký, còn có tên đầy đủ là Thôi Oanh Oanh đãi nguyệt Tây sương ký, là vở tạp kịch của Vương Thực Phủ, sáng tác trong khoảng những năm Đại Đức (1297-1307) đời Nguyên Thành Tông, miêu tả cuộc tình duyên vượt qua môn đăng hộ đối và lễ nghi phong kiến của nàng Thôi Oanh Oanh và chàng thư sinh Trương Quân Thụy.

(Ảnh: Youtube.com)

Chàng trai thư sinh nghèo nhưng ham học hỏi với mối tình ấp ủ thầm kín

Năm Đường Trinh Nguyên, Phía Tây Lạc có một thư sinh họ Trương tên Hồng, tự Quân Thuỵ. Chàng ta đọc rất nhiều kinh thư chính truyện, mang trong mình hoài bão lớn, nhưng đến đó vẫn chưa lập được công danh gì. Mùa xuân năm ấy, Trương Sinh mang theo tiểu đồng lên Trường An dự thi. Trên đường đi qua Phủ Hà Trung, tìm một nhà trọ dừng chân, dự định đến thăm anh em kết nghĩa là Bạch Mã tướng quân. Tiểu nhị giới thiệu chàng nên đến thăm Phổ Cứu Tự – là một danh lam nổi tiếng của bản địa.

Điện Phổ Cứu Tự rộng lớn, tráng lệ, nghiêm trang quả nhiên khác thường. Trương Sinh vào tự được một hoà thượng tên Pháp Thông dẫn đi thăm quan Điện Phật, gác chuông, lại tham quan tháp viện và nơi thờ các vị La Hán. Đến mỗi nơi, Trương Sinh không ngớt lời khen ngợi.

Nơi đây vừa khéo Trương Sinh gặp mặt Thôi Oanh Oanh. Lần gặp gỡ định mệnh ấy khiến chàng thư sinh như bị hớp hồn bởi vẻ đẹp đoan trang, diễm lệ, dịu dàng phảng phất nét buồn của nàng tiểu thư nhà họ Thôi. Từ lúc đó mà Trương Sinh tìm mọi cách để diện kiến nàng, rồi đêm đến chàng thư sinh si sình làm thơ tỏ tình cùng nàng. Đôi trai gái trao nhau lời thơ tình tứ như bày tỏ nỗi lòng và tình cảm ẩn sâu.

Nhớ năm xưa Tư Mã Tương Như sáng tác nhạc khúc có tên: Phượng Cầu Hoàng. Bài từ ấy đã làm rung cảm được trái tim của nàng Trác Văn Quân đêm ấy theo chàng bỏ trốn. Thì nay lại được Trương Sinh dùng tiếng đàn mà chơi lại bản nhạc đó với tình cảm nhung nhớ và như lời cầu hôn mà chàng thư sinh nghèo dành cho Oanh Oanh.
Tình Cảm của đôi trai gái cứ ngày qua tháng lại được thêu dệt bởi những vần thơ, tiếng đàn cùng ánh trăng như thứ gia vị tự nhiên cho mối tình thêm đậm đà thi vị.

(Ảnh: Wikipedia.org)

Cuộc sắp xếp định mệnh và tình yêu chân thành phá bỏ đi mọi định kiến lễ giáo

Giữa những ngày đẹp của mối tình ấy, đột nhiên xuất hiện của Tôn Phi Hổ, một thủ lĩnh thảo khấu đã đem quân bao vây chùa, đòi bắt Oanh Oanh thành thân với hắn. Hắn đưa ra ưu sách nếu không giao nộp Oanh Oanh, chúng sẽ phóng hỏa đốt tự, giết sạch tăng ni, già trẻ gái trai trong gia đình họ Thôi. Đứng trước tình cảnh đó, Oanh Oanh nguyện dùng tính mạng mình để đánh đổi lại mạng cho tất cả mọi người đang bị bao vây trong tự.

Thôi phu nhân tuyên bố ai giải vây được chùa sẽ gả con gái cho. Trương Quân Thụy bèn đứng lên xin được gánh vác trọng trách. Chàng viện kế lui binh 3 ngày. Đồng thời viết thư nhờ bạn là tướng quân Đỗ Xác đem binh tiến đánh và cuối cùng bắt được Tôn Phi Hổ.

Thôi phu nhân mở tiệc ăn mừng và tiệc có mời Trương Quân Thụy. Ai cũng tưởng là tiệc cưới, nhưng Thôi phu nhân do thấy nhà Trương Sinh nghèo lại chẳng có công danh công trạng gì bèn nuốt lời hứa hẹn, nói đã hứa gả cho cháu ngoại Trịnh Hằng, nên chỉ cho phép Oanh Oanh nhận Quân Thụy làm anh em. Cả Oanh Oanh và Trương Quân Thụy đều rất mực đau khổ, người hầu gái của Oanh Oanh mang tên Hồng nương cũng bất bình.

Sau buổi tiệc, Quân Thụy ốm tương tư, Oanh Oanh sai Hồng nương sang thăm. Hai người dùng ý thơ mà trao đổi qua lại hứa hẹn gặp gỡ. Biết Oanh Oanh cũng giữ trọn tình cảm với mình, Quân Thụy phục hồi sức khỏe. Hai người gặp gỡ nhau để bầu bạn tâm tình. Ngày tháng trôi đi tình cảm càng thêm mặn nồng. Cũng là lúc Thôi phu nhân phát hiện ra và tìm cách can gián. Đứng trước sự cương quyết tới cùng của 2 người, bà cũng phải xuống nước bởi sợ người đời mắng bà là kẻ lật mặt nuốt lời. Bà chịu cho hai người qua lại yêu đương nhưng với điều kiện là Trương Quân Thụy phải lên kinh ứng thí, phải đỗ quan thì mới xứng với gia đình bà và sẽ được gả cưới Oanh Oanh.

Ngày biệt li lên đường ứng thí, Oanh Oanh dặn Quân Thụy chẳng màng tới danh lợi địa vị chốn quan trường, nàng vẫn một mực đợi chờ ngày đoàn tụ. Tình yêu của Oanh Oanh vượt lên trên ham muốn về danh lợi. Với nàng thì dù cuộc sống có vất vả khổ cực đều cam lòng. Bởi nàng coi trọng tình cảm chân thành của một tình yêu chân chính.

(Ảnh: Pinterest)

Và rồi Quân Thụy thi đỗ trạng nguyên, vâng lệnh triều đình lưu lại kinh đô làm quan. Oanh Oanh vui mừng khôn xiết và mong ước tái ngộ. Nhưng Trịnh Hằng lại phao tin Quân Thụy đã lấy vợ khác. Thôi phu nhân định cho Trịnh Hằng cưới Oanh Oanh, nhưng Quân Thụy về kịp, nhờ tướng quân Đỗ Xác phân giải. Đỗ Xác đứng ra làm chủ hôn cho Quân Thụy và Oanh Oanh.

Một cái kết có hậu cho một cuộc tình bất chấp sự ngăn cản và định kiến giàu nghèo, môn đăng hậu đối của thời xưa. Bằng tình cảm chân thành, tình yêu trong sáng và niềm tin ở nhau đã là một động lực giúp đôi trai gái vượt qua hết thảy mọi rào cản. Vở kịch kết thúc với sự mãn nguyện thỏa lòng của người xem. Mang lại mọi cung bậc cảm xúc khiến người ta trải nghiệm lòng mình một cách sâu sắc.

Giá trị nghệ thuật của vở kịch Tây Sương Ký

Tây Sương Kí được đánh giá là một áng văn chương mượt mà với lời kịch tươi đẹp trong sáng, giàu ý thơ. Trong nhiều tiết đoạn và nội dung của đối thoải được biểu cảm như những bài thơ trữ tình ví như:

Nguyên lai thị “miêu nhi bất tú,
thị cá ngân dạng lạp sang đầu”
(Chẳng qua tốt mã mà đoảng,
Bề ngoài giáp bạc, cốt trong sáp vàng).

Hay:
Mỗi nhật gia tình tư thuỵ hôn hôn
(Suốt ngày mê mẩn bồi hồi,
Tình riêng chán ngắt cuộc đời rỗng không)

Qua Tây Sương Kí người ta thấy được bút pháp và sự khéo léo trong việc sử dụng và biên tập lại để phát triển và nâng cao truyện của tác giả Vương Thực Phủ. Ông đã loại bỏ đi những chỗ rườm rà, xây dựng lại chỗ hở và tạo logic cho câu chuyện tạo tính cách phù hợp cho từng nhân vật. Có thể thấy rằng, tác giả đã phát huy về sở trường của thể hí kịch, đẩy mâu thuẫn lên cao trào kịch tính để làm tính cách nhân vật trở nên rõ nét, tâm lí miêu tả tế nhị hơn, ngôn từ ca kịch rất trau chuốt tinh luyện.

(Ảnh: Youtube.com)

Tây Sương Ký là một vở kịch hay ca ngợi về tình yêu trong sáng chân chính vượt qua mọi rào cản lễ giáo phong kiến. Thông điệp được gửi gắm rất rõ ràng, chỉ có tình yêu chân thành tha thiết, chỉ có sự dũng cảm dám hi sinh cho tình yêu chân chính mới có đủ sức mạnh để phá bỏ đi sự ràng buộc của lễ giáo, mới có sức bền bỉ vượt qua mọi trở ngại để có một kết cục tốt đẹp.

Tình yêu và thước đo vật chất, địa vị là hai phạm trù tách biệt. Chúng không phải là nền tảng của một tình yêu đẹp. Sự cao đẹp nằm ở chân thành và dung hòa nhau về tâm hồn, bất chấp mọi gian nan khó khăn mà bền vững sắt son, đó mới là chuẩn mực của sự cao quý.

Tịnh Tâm

Exit mobile version