Đại Kỷ Nguyên

Vương Chiêu Quân, mỹ nhân mang theo vẻ đẹp của hòa bình và lòng nhân ái

Vương Chiêu Quân là một trong tứ đại mỹ nhân của lịch sử Trung Quốc. Nàng sở hữu vẻ đẹp thiên phú, nhan sắc của nàng được ví là lạc nhạn. Ta đã từng nghe tới mỹ nhân làm khuynh đảo triều chính. Thì với Chiêu Quân người ta nhớ tới nàng như một sứ giả của hòa bình, sự hi sinh của nàng đã tránh được nạn binh đao cho hai dân tộc Hán-Nô suốt trong 60 năm.

Vương Chiêu Quân còn được gọi là Minh Phi. Nàng sinh ra trong một gia đình có học thức thời nhà Tây Hán dưới thời cai trị của Hán Nguyên Đế. Chiêu Quân không những xinh đẹp tuyệt trần mà rất thông mình và tứ nghệ giỏi giang: Cầm – kì – thi – họa. Vì sở hữu nhan sắc tuyệt thế giai nhân nên nàng được tuyển vào cung để hầu hạ nhà vua.

(Ảnh: Pinterest.com)

Số phận cuộc đời của Chiêu Quân đầy éo le. Câu chuyện về nàng trở thành một đề tài sáng tác phổ biến của thi ca, nghệ thuật. Lịch sử ghi nhận về nàng là sự hi sinh cho an bình của hai dân tộc.

Vương Chiêu Quân, mỹ nhân với sứ mệnh hòa bình

Khi được tiến cử vào cung, vì số phi tần trong hậu cung của Hán Nguyên Đế quá đông, nên hoàng đế ra lệnh cho họa sĩ Mao Diên Thọ phải vẽ hình các cung phi để hoàng đế chọn. Các cung phi thường lo lót tiền cho họa sĩ để được vẽ cho đẹp, mong hoàng đế để ý tới. Riêng Chiêu Quân thì không làm việc đó, hậu quả bức chân dung nàng thật xấu xí nên nàng không được Hán Nguyên Đế để mắt tới.

Năm 33 TCN, lúc đó Hung Nô phía Bắc đã thống nhất được Nam bắc sau thời kỳ chia cắt, thiền vu Hung Nô là Hô Hàn Tà đến kinh đô Trường An để tỏ lòng thần phục nhà Hán, một phần trong hệ thống triều cống giữa nhà Hán và Hung Nô. Thiền vu nắm lấy cơ hội để đề nghị được trở thành con rể của Nguyên Đế. Thay vì gả một công chúa cho thiền vu thì Hô Hàn Tà đã được ban cho 5 cung nữ từ hậu cung.

Hán Nguyên Đế ra lệnh trong các cung nữ: “Ai tình nguyện lấy thiền vu Hung Nô sẽ được coi như công chúa”. Các cung nữ đều ngần ngại sang Hung Nô. Duy chỉ có cung nữ Vương Chiêu Quân tình nguyện lấy Hô Hàn Tà.

Đến ngày hôn lễ giữa Hô Hàn Tà và Vương Chiêu Quân, Nguyên Đế thấy nàng xinh đẹp nên rất hối tiếc. Ông bèn hạ lệnh mang bức tranh nàng ra xem, thì thấy bức tranh do họa sĩ Mao Diên Thọ vẽ không giống chân dung thật. Nguyên do vì Mao Diên Thọ bắt các cung nữ phải đút lót mới vẽ hình đẹp để được vào gặp thiên tử, nếu không chịu hối lộ sẽ bị vẽ hình xấu. Nguyên Đế thấy tranh Mao Diên Thọ vẽ sai với người thật, bèn sai xử trảm Thọ.

Đến ngày hôn lễ của Vương Chiêu Quân thì Nguyên Đế mới nhìn thấy vẻ đẹp của Vương Chiêu Quân mà hối tiếc. (Ảnh: Pinterest.com)

Chiêu Quân trở thành sủng phi của Hô Hàn Tà, được phong là Ninh Hồ Yên Chi. Trong suốt quãng thời gian sống ở Hung Nô, nàng thuyết phục chồng mình là Hô Hàn Tà phải duy trì mối quan hệ hòa bình với triều đại nhà Hán.

Mặt khác, nàng còn mang theo văn hóa, nghệ thuật của nhà Hán mà cảm hóa và truyền rộng trên vùng đất Hung Nô khô cằn, khắc nghiệt này.

Năm 31 TCN, Hô Hàn Tà chết, Chiêu Quân lúc này muốn được trở về quê hương sau những năm tháng khắc khoải nhớ cố hương. Nhưng Hán Thành Đế đã buộc nàng phải theo tập quán nối dây của người Hung Nô và Chiêu Quân lại phải trở thành phi tần của thiền vu tiếp theo là Phục Chu Luy Nhược Đề – con trai lớn của Hô Hàn Tà.

Mặc dù mang thân vương tộc, được hết lòng sủng ái, nhưng Vương Chiêu Quân không hề cảm thấy hạnh phúc. Nhưng nếu nàng nhất mực từ chối thì binh đao sẽ xảy ra, biết bao sinh linh sẽ phải đổ máu. Và một lần nữa, Chiêu Quân chấp nhận chịu đựng và hi sinh hạnh phúc của riêng mình vì sự an bình của dân tộc Hán-Nô.

Với nhân dân hai nước mà nói thì tránh được loạn binh đao chiến lửa.

Vương Chiêu Quân đã âm thầm hi sinh cho nền hòa bình kéo dài suốt 60 năm.

Nỗi lòng của nàng Chiêu Quân qua những áng thơ văn

Ngày lên đường xuất giá, Chiêu Quân ngoảnh đầu về cố hương, nỗi nhớ thương làm dòng lệ tuôn trào. Lần biệt xứ biết bao giờ mới có thể hội ngộ. Nàng đau lòng đứt từng khúc ruột mà mang đàn nỉ non bản nhạc: Bình sa lạc nhạn.

Nỗi lòng ấy được Lý Bạch, một nhà thơ lớn của thời Đường viết:

(Ảnh: Pinterest.com)

Hán gia Tần địa nguyệt,
Lưu ảnh chiếu Minh Phi.
Nhất thướng Ngọc Quan đạo,
Thiên nhai khứ bất quy.

Hán nguyệt hoàn tòng Đông hải xuất,
Minh Phi tây giá vô lai nhật.
Yên Chi trường hàn tuyết tác hoa,
Nga my tiều tụy một Hồ sa.

Sinh phạp hoàng kim uổng đồ họa,
Tử lưu thanh trủng sử nhân ta.

Dịch thơ:

Xứ Tần trăng sáng tỏ,
Dõi bóng chiếu Minh Phi.
Một lên đường ải Ngọc,
Bên trời biền biệt đi.

Trăng Hán vẫn mọc ngoài Đông Hải,
Minh Phi sang Hồ không trở lại.
Lạnh lùng hoa tuyết núi Yên Chi,
Cát bụi bay mù ngập thúy mi.

Sống thiếu cân vàng tranh vẽ nhọ,
Chết phơi nấm đất cỏ xanh

(Bản dịch của Trúc Khê)

Bài thơ của Lý Bạch cũng phần nào lột tả được nỗi uất ức trong sâu thẳm tâm tư của Chiêu Quân:

Sống thiếu cân vàng tranh vẽ nhọ,
Chết phơi nấm đất cỏ xanh

Có lẽ vì lẽ đó mà trong bài thơ: Chiêu quân oán của Vương Tường có đoạn:

Sự thế than ôi, nỗi nước này!

Nỗi nọ dường kia khôn tả xiết,
Gan sầu ruột héo, ngỏ ai hay!
Ai hay cho khúc đoạn trường này,
Cho nỗi quan hoài ở chốn đây!

Uống uống ăn ăn khôn đắp lại,
Những hờn những oán, những sầu cay!
Sầu cay riêng nghĩ xiết bàng hoàng,
Biết đến bao giờ hận mới tan.

(Bản dịch của Thái Bạch)

Phải nói rằng, ngày ra đi là ngày mang theo nỗi oán hận cho thân phận của mình. Nỗi buồn chan chứa hận sầu vương.

Những năm tháng sống trên đất Hung Nô, dẫu được hết lòng chiều chuộng và sủng ái. Nhưng nàng Chiêu Quân vẫn đau đáu nỗi nhớ quê. Nàng mang theo một ước nguyện được hồi hương để được chút thỏa lòng. Nỗi nhớ quê như người con nhớ mẹ. Mong muốn được về ấp ủ trong vòng tay yêu thương.

(Ảnh: Pinterest.com)

Hạnh phúc nhung lụa chẳng thể lấp đầy được khát khao về quê nhà. Ánh mắt nhìn xa xăm theo cánh chim mà tựa đầu ủ dột hoài cố hương. Ngày mà đáng lẽ Chiêu Quân được về với quê nhà thì lại là ngày mà một lần nữa nàng phải cam chịu ở lại miền đất Hung Nô mà không bao giờ được quay trở về nữa. Nỗi lòng buồn đau vời vợi, tâm can kia như ai xéo dày. Nàng chỉ biết khóc mà tủi thân trách phận. Vậy là biền biệt quê hương chẳng được về.

Có rất nhiều nhà thơ đã dành những lời thơ để viết về nàng như Bạch Cư Dị với bài Chiêu Quân từ, Vương Chiêu Quân của Thôi Quốc Phụ, Tế Chiêu Quân của Tản Đà…

Câu chuyện về cuộc đời nàng mỹ nhân lừng danh lịch sử Trung Quốc là cảm hứng của biết bao thi nhân văn sĩ các thời. Người đời nhớ về nàng Chiêu quân như thiên sứ mang theo đôi cánh của thiên thần, người vun bồi nền hòa bình của hai sắc tộc.

Đức hạnh và sự hi sinh của nàng Chiêu Quân mãi được ghi nhận

Người ta nói vẻ đẹp của nàng là vẻ đẹp của hòa bình và cốt cách của nàng thể hiện phẩm hạnh cao quý của một mỹ nhân.

Từ ngày biệt xứ dời cố hương sống nơi đất khách quê người với sự xa lạ về khí hậu, phong tục tập quán. Nỗi nhớ quê trong lòng của Chiêu Quân càng da diết. Nhưng nghĩ tới đại nghiệp mà nàng nén lại sự cô đơn và tâm tư tình cảm của riêng mình. Một người đẹp mà có tấm lòng cao cả và đức hi sinh như Chiêu Quân trong lịch sử xưa nay rất đáng trân trọng. Phải chăng đó chính là sự tôn vinh của vẻ đẹp thuần khiết khi nhan sắc ấy mang lại sự bình an, hòa ái cho nhiều người.

Tâm hồn của nàng được ví như một đoá hoa luôn toả ngát hương thơm cho người đời. Kể từ đó, Vương Chiêu Quân trở thành nữ thần của loài hoa mẫu đơn. Một loài biểu tượng cho sự tinh khiết mà cao quý, lòng bao dung cũng sự phồn thịnh.

(Ảnh: Winesap.info)

Sau khi qua đời, Vương Chiêu Quân được người Hung Nô cho xây dựng một đền thờ để tưởng nhớ tới một mỹ nhân với những đóng góp và cống hiến của nàng. Qua nhiều thế hệ, ngôi đền được trùng tu bởi cả người Hung Nô và người Hán. Người đời lấy hình ảnh Vương Chiêu Quân như một biểu tượng của vẻ đẹp hòa bình và nhân ái.

Tịnh Tâm

Exit mobile version