Giao hưởng số 9, tác phẩm cuối cùng của Beethoven, đặc biệt chương cuối “Ode to joy” được đánh giá là đỉnh cao của văn minh nhân loại và chọn làm thông điệp hòa bình và thân ái mà loài người gửi vào vũ trụ. Đó là lời cảm tạ hân hoan và sâu sắc đến Đấng Toàn Năng. Thật bi ai, đó là tuyệt phẩm mà Beethoven sáng tác khi thính giác của ông đã hỏng hoàn toàn.
Vào những năm cuối khiếm thính, người nhạc sĩ thiên tài đã chịu đựng những ngày tháng gian khổ…
Vào khoảng 30 tuổi, Ludwig van Beethoven bắt đầu biểu lộ những triệu chứng đầu tiên của bệnh xơ hóa thính giác và triệu chứng này ngày càng tồi tệ hơn, không có cách gì cứu vãn.
Đến năm 1819 thì ông điếc hoàn toàn, chính vì vậy ông không còn trình diễn nữa cũng như không thể chỉ huy dàn nhạc được. Việc giao tiếp lúc này đối với ông cũng vô cùng khó khăn.
Đến 1818, Beethoven điếc hẳn cả hai tai và sáng tác Bản Giao hưởng Số 8, ông lang thang ngoài phố, dáng điệu trông thảm thương. Gặp một người bạn quen, Beethoven rút ra trong túi một cây viết chì, một cuốn sổ con rồi nói: “Muốn nói chuyện với tôi thì cứ viết lên mặt giấy này!”.
Bản giao hưởng cuối cùng: Bản giao hưởng số 9, đỉnh cao của nhân loại
Và lúc ấy, Beethoven đã 50 tuổi. Nhạc sĩ vẫn tiếp tục sáng tác. Bản Giao hưởng số 9 ra đời, sau đó còn sáng tác thêm Bản Lễ ca trang trọng, những sonata cuối cùng: Liên tấu cho đàn piano và Tứ tấu. Trong toàn bộ di sản của ông, những tác phẩm này nổi bật hơn cả, chủ yếu vì chúng đã vượt ra ngoài các truyền thống cổ điển với lối diễn đạt hết sức thoải mái, các tâm trạng khác nhau của thế giới nội tâm.
Bản giao hưởng số 9 cung Rê thứ, opus 125 là tác phẩm giao hưởng trọn vẹn cuối cùng do Ludwig van Beethoven biên soạn. Hoàn thành vào năm 1824, nó sử dụng một phần nội dung của bài thơ Ode an die Freude (tiếng Đức của tác phẩm) của Friedrich Schiller làm lời ca cho những người đơn ca và đồng ca thể hiện trong chương cuối.
Đây là thử nghiệm đầu tiên mà nhà soạn nhạc vĩ đại sử dụng giọng hát con người ở cùng cấp độ với các nhạc cụ trong một bản giao hưởng.
Bản giao hưởng số 9 này có lẽ là tác phẩm được biết đến nhiều nhất trong tất cả các tác phẩm của âm nhạc cổ điển châu Âu, và được xem là một trong những kiệt tác của Beethoven, được soạn khi ông đã điếc hoàn toàn.
Đây là một tác phẩm quy mô và có tầm nhìn xa trông rộng, là biểu trưng cho tột đỉnh của độ khó kỹ thuật vào thời đó. Tác phẩm có các đoạn, nhất là đoạn solo kèn co trong chương chậm, dường như không thể chơi được trên các nhạc cụ đồng không có van truyền thống vào thời của Beethoven.
Nhà soạn nhạc khiếm thính dường như đã vươn ra khỏi các giới hạn của nhạc cụ và giọng ca
Nhà âm nhạc học Dennis Matthews nhận xét về Giao hưởng số 9 giọng Rê thứ của Beethoven: “Như với các tác phẩm thời kỳ cuối, có các chỗ mà không gian phải rung lên dưới sức nặng của tư tưởng và tình cảm, nơi mà nhà soạn nhạc khiếm thính dường như chiến đấu chống lại hoặc vươn ra ngoài các giới hạn của nhạc cụ và giọng ca”.
Khi sáng tác chương IV của Giao hưởng số 9 giọng Rê thứ Beethoven đã phải trăn trở rất nhiều để tìm cách bắt vào phần mở đầu đoạn tụng ca của Schiller. Ông viết đi viết lại đoạn đó nhiều lần cho đến khi nó thành hình dáng như chúng ta nghe thấy ngày hôm nay.
Các nhà nghiên cứu về nhạc sử và cả lịch sử của bản Giao hưởng số 9 có ghi lại nỗi thôi thúc của Beethoven vào lúc cuối đời. Ông muốn trút hơi thở cuối cùng của mình vào nhạc.
Trút hơi thở cuối cùng vào âm nhạc…
Hơi thở ấy là một khúc cuồng ca dữ dội, rồi lắng dịu thành lời ngợi ca thanh bình. Sau đó, Beethoven ra đi. Sau đó, như nhiều người đã viết, với mái tóc trí tuệ như của nhà bác học Einstein và nét mặt hùng tráng của một hoàng đế, Beethoven bước lên cõi thiêng liêng rất gần với Thượng Ðế.
Chúng ta thử nghe lại bản giao hưởng này trong niềm tâm cảm đó xem, may ra thì mình thấy được sức cảm hóa phi thường của âm nhạc.
Đã gần 200 năm đã trôi qua, nhưng Giao hưởng số 9 cũng như nhiều kiệt tác khác của Beethoven vẫn tiếp tục sứ mệnh nâng đỡ tinh thần nhân loại.
Chương cuối “Ode to Joy”: sứ mệnh nâng đỡ tinh thần cho nhân loại, lời ca ngợi Đấng Cứu Thế rộn ràng, tràn ngập lòng biết ơn vô hạn
Hân hoan, hân hoan, chúng con kính yêu Ngài
Hân hoan, hân hoan, chúng con kính yêu Ngài, Thiên Chúa của vinh quang, Chúa của tình yêu;
Những trái tim mở ra như bông hoa trước mặt Ngài, nở ra cho mặt trời ở trên.
Làm tan ra đám mây tội lỗi và sầu muộn; xua đi đêm tối nghi ngờ;
Ơi Đấng ban niềm vui đời đời, đổ đầy chúng con với ánh sáng ban ngày!
Mọi tác phẩm với hân hoan của Người đều ở quanh Người, trái đất và thiên đường phản ánh tia sáng của Người,
Các ngôi sao và thiên thần đều ca xướng quanh Người, tâm điểm của ngợi ca không ngớt.
Ruộng và rừng, thung lũng và núi, cánh đồng đầy hoa, biển chớp sáng,
Chim đang hót và nước đang chảy đang gọi chúng con mừng vui trong Người.
Đấng cho đi và tha thứ, ban phúc mãi mãi, được ban phúc đời đời.
Suối nguồn hân hoan của sự sống, thẳm sâu đại dương của nghỉ ngơi hạnh phúc!
Thiên Chúa là Cha chúng con, Chúa là Anh trai chúng con, tất cả những ai sống trong tình yêu đều thuộc về Người;
Xin dạy chúng con biết yêu thương nhau, xin nâng chúng con vào hân hoan linh thánh.
Ơi loài người, hãy tham gia dàn đồng ca hạnh phúc, mà sao mai đã bắt đầu;
Tình yêu Cha đang trị vì chúng con, tình yêu anh trai đang gắn kết giữa người với người.
Xin hát mãi, đoàn quân chúng con đang tiến tới, chiến thắng giữa giao tranh,
Điệu nhạc hân hoan đang dẫn chúng con hướng tới mặt trời trong khúc ca khải hoàn của cuộc sống.
Giờ chúng ta hãy cùng thưởng thức chương cuối vừa tràn ngập niềm hân hoan và niềm cảm ơn sâu sắc Đấng Cứu Thế:
Hà Phương