Đại Kỷ Nguyên

Tuyệt tác Đường thi: “Cẩm sắt”, nỗi lòng người chí lớn tài cao mà chẳng được dùng

nỗi lòng

“Cẩm sắt” - Nỗi lòng người chí lớn tài cao mà chẳng được dùng (Ảnh: dkn.tv)

Lý Thương Ẩn (813 – 858) là thi nhân đời Đường, tự Nghĩ Sơn, hiệu Ngọc Khê Sinh, Phiền Nam Sinh, người Hà Nội, Hoài Châu (Thấm Dương, Hà Nam ngày nay). Năm Khai Thành thứ 2 (năm 837) đỗ tiến sỹ. Ông đã từng làm Huyện úy, Bí thư lang và Đông Xuyên Tiết độ sứ Phán quan. Ông bị kẹt giữa cuộc tranh giành quyền lực của hai nhóm Ngưu Tăng Nhụ và Lý Tông Mẫn, bị bài xích, bất đắc chí cả cuộc đời.

Lý Thương Ẩn (813 – 858) (Ảnh: alamy.com)

Bài thơ “Cẩm sắt” có thể coi là một trong những bài thơ khó giải nghĩa, khó hiểu thấu triệt nhất. Có người nói, đây là bài thơ tình gửi cho một thị nữ có tên “Cẩm Sắt” ở nhà Lệnh Hồ Sở. Có người nói, tức cảnh sinh tình, nhìn vật nay nhớ người xưa, là bài thơ ông viết cho người vợ đã mất là Vương Thị. Cũng có người cho rằng, 4 câu thơ ở giữa bài, khớp với 4 loại tình cảm của đàn sắt là thích (dễ chịu), oán (oán trách), thanh (thanh khiết) và hòa (hòa ái), từ đó suy đoán rằng đây là bài thơ vịnh vật miêu tả âm nhạc. Ngoài ra, còn có người nói, đây là sáng tác thơ ca phản ánh chính trị, tự thuật… Hàng trăm hàng nghìn năm nay, rất nhiều người hiểu và giải thích khác nhau, đều có lý, nhưng chưa một cách giải thích nào được mọi người cùng công nhận. Tuy nhiên, đại đa số đều đồng cảm bài thơ diễn tả hoài niệm những mất mát xưa và nỗi niềm đau thương hiện nay.

Nguyên văn chữ Hán:

錦瑟
錦瑟無端五十弦
一弦一柱思華年
莊生曉夢迷蝴蝶
望帝春心託杜鵑
滄海月明珠有淚
藍田日暖玉生煙
此情可待成追憶
只是當時已惘然

Âm Hán Việt

Cẩm sắt

Cẩm sắt vô đoan ngũ thập huyền,
Nhất huyền nhất trụ tứ hoa niên.
Trang sinh hiểu mộng mê hồ điệp,
Vọng đế xuân tâm thác đỗ quyên.

Thương hải nguyệt minh châu hữu lệ,
Lam Điền nhật noãn ngọc sinh yên.
Thử tình khả đãi thành truy ức,
Chỉ thị đương thời dĩ võng nhiên.

Giải nghĩa:

Đàn cẩm sắt

Đàn gấm chẳng vì cớ chi mà có năm mươi dây
Mỗi dây mỗi trụ đều gợi nhớ đến thời tuổi trẻ
Trang Chu buổi sáng nằm mộng thành bươm bướm
Lòng xuân của vua Thục đế gửi vào chim Đỗ Quyên

Trăng chiếu sáng trên mặt biển xanh, châu rơi lệ
Ánh nắng ấm áp chiếu vào hạt ngọc Lam Điền sinh ra khói
Tình này đã sớm trở thành nỗi nhớ nhung về dĩ vãng
Cho đến bây giờ chỉ còn lại nỗi đau thương.

Dịch thơ (bản dịch khuyết danh)

Đàn cẩm sắt

Đàn cẩm sắt có bao dây
Mỗi dây tưởng nhớ một ngày hoa niên
Trang sinh hồn bướm mơ tiên
Lòng xuân Thục đế gởi quyên gọi hè

Biển xanh trăng sáng đầm đìa
Đất Lam trời đỏ ngọc về khói bay
Những mong tình tuyệt vọng này
Kết trong hồi trưởng những ngày xa xưa

Bức tranh có bài thơ “Cẩm sắt” của Lý Thương Ẩn (Ảnh: hoainiemtayninh.blogspot.com)

Hai câu đề đặt câu hỏi về câu đàn sắt. Đàn xưa có nhiều loại, phổ biến nhất là đàn cầm, đàn tranh, tỳ bà (Hồ cầm), đàn nguyệt, đàn sắt. Đàn cầm có 5 dây (ngũ huyền cầm), 7 dây (thất huyền cầm). Đàn tranh có 9 dây, 15 dây và 16 dây. Đàn tỳ bà có 4 dây, 5 dây, còn đàn nguyệt có 4 dây, sau rút xuống còn 2 dây. Nhưng đàn sắt có 25 dây. Tương truyền đàn sắt thời thượng cổ có 50 dây. Sách “Hán thư – Giao tế ký” có chép:

“Thái Đế mệnh cho Tố Nữ đánh đàn sắt 50 dây, rất bi sầu, Đế không nén nổi lòng, nên đổi đàn sắt còn 25 dây”.

Thi nhân hoài tưởng thời thượng cổ, tự hỏi “Đàn sắt tại sao lại có 50 dây”, rồi liên tưởng đến bản thân, và tự cho câu trả lời “mỗi dây, mỗi trụ lại gợi nhớ về tuổi hoa đã đi qua”. Thi nhân đa sầu đa cảm, tư duy nhanh nhạy tinh tế, các loại đàn đều ít dây, riêng đàn sắt nhiều dây thế, là để hồi tưởng những năm tháng tuổi hoa đầy yêu thương, chứa chan bao tình cảm đậm nồng thắm thiết.

“Trang sinh hiểu mộng mê hồ điệp,
Vọng đế xuân tâm thác đỗ quyên.”

Hai câu thuật thi nhân dùng 2 điển cố. Trong sách “Trang Tử” có kể một câu chuyện, Trang Tử nằm ngủ buổi sáng, mộng thấy mình hóa thân thành bướm, rất sống động bay lượn, hoàn toàn quên mất bản thân mình là Trang Chu. Sau đó tỉnh lại, thấy mình lại là Trang Chu, chẳng thấy bướm đâu. Không biết Trang Chu mộng thành bướm, hay bướm mộng thành Trang Chu. Còn điển cố thứ hai về Vọng Đế. Xưa vào cuối thời Chu, quốc quân đất Thục tên là Đỗ Vũ. Sau này ông nhường ngôi quy ẩn. Thật không may, nước mất, người chết. Sau khi chết ông hóa thành con chim, cứ chiều tối lại kêu lên sầu khổ, kêu đến mức trong miệng nhỏ máu, tiếng kêu ai oán bi thương, mọi người xúc động tâm can, gọi chim là Đỗ Quyên (tức chim cuốc).

“Trang sinh hiểu mộng mê hồ điệp” (Ảnh: bharatabharati.wordpress.com)

Trong “Truyện Kiều”, Nguyễn Du cũng có thơ về hai điển cố này:

“Khúc đâu đầm ấm dương hòa
Ấy là hồ điệp hay là Trang Sinh
Khúc đâu êm ái xuân tình
Ấy hồn Thục Đế hay mình đỗ quyên”

(Trích “Truyện Kiều”, Nguyễn Du)

Hai câu thơ này mang hàm ý sâu xa của Đạo giáo và Phật giáo: Nhân sinh như mộng ảo, con người đích thị là loài gì, đến với thế gian để làm gì, tại sao cứ phải chìm nổi trầm luân sáu nẻo luân hồi, khi là người, khi là vật. Tại sao biết là đời người là giấc mộng, nhân gian là cõi mê, sao con người vẫn cứ luyến tiếc những vật ngoại thân cõi hồng trần, như Thục Đế kia, dù nhường ngôi quy ẩn vẫn cánh cánh nỗi lòng quốc sự, đến nỗi đến chết, biến thành con chim rồi vẫn chẳng thể quên, vẫn than khóc nhỏ máu vì “nước mất nhà tan” từ kiếp trước.

Tương truyền chim Đỗ Quyên là hóa thân của vua Vọng Thục Đế (Ảnh: wikimedia.org)

Lam Điền là tên một ngọn núi ở Thiểm Tây, là nơi có loại ngọc đẹp nổi tiếng. Ngọn núi này được mặt trời chiếu rọi, hun đúc ngọc khí cho ngọc trong núi, khí ngọc từ từ bốc lên. Nhưng tinh khí ngọc này từ xa nhìn thì mới thấy, đến gần thì nhìn không thấy. Ngọc Lam Điền là một loại ngọc rất quý, ngọc tỷ của Tần Thủy Hoàng cũng được chế tác từ ngọc này. Sách “Hán thư – Địa lý chí” có chép: “Lam Điền, nơi có ngọc đẹp, có đền Hổ Hầu Sơn, do Tần Hiếu Công xây dựng”.

Hai câu này vế đối hoàn chỉnh. Biển xanh (thương hải) trăng sáng vằng, ngọc trai nhỏ lệ (sinh ngọc), ruộng xanh (lam điền) mặt trời nắng ấm áp, ngọc bốc khói (sinh ngọc khí). Hai cảnh đối lập của vế đối thể hiện tâm hồn thi nhân tôn sùng theo đuổi vẻ đẹp thanh khiết và thoáng đạt như ánh trăng vằng vặc ngoài biển khơi, nhưng đồng thời nó lại đem cái cảm giác thê lương giá lạnh cô đơn, như trai ngọc nhỏ lệ. Thi nhân vừa có tình cảm ấm áp như mặt trời tỏa nắng núi Lam Điền, nhưng lại có cảm giác, hư ảo, xa xôi, khó nắm bắt, như khí ngọc kia, chỉ có thể từ xa ngắm, lại gần thì chẳng thấy đâu, khiến thi nhân thương cảm, lòng rầu rĩ khó diễn tả thành lời, nhưng lại tràn ra từ lời nói và biểu cảm.

Nguyễn Du cũng có câu thơ về hai tích này khi tả tiếng đàn Thúy Kiều:

“Trong sao châu nhỏ duềnh quyên?
Âm sao hạt ngọc Lam điền mới đông!

Thử tình khả đãi thành truy ức,
Chỉ thị đương thời dĩ võng nhiên.”

(Trích “Truyện Kiều”, Nguyễn Du)

“Âm sao hạt ngọc Lam điền mới đông!…” (Ảnh: honghani.wordpress.com)

Hai câu kết đã khép lại cả bài. Từ “thử tình” (tình này) là những hồi ức tươi đẹp về những năm tháng tuổi hoa, những nghi vấn mờ mịt về ý nghĩa nhân sinh, đời người hư ảo, ngắn ngủi, bao đau thương buồn đau, bi thảm của đời người, đến tuổi cao sức yếu, cuộc đời vùn vụt trôi qua, lòng ôm chí lớn tài cao, mà chẳng làm nên sự nghiệp. Bao ân hận và nuối tiếc tuổi xuân đã trôi qua, khiến người ta chán ngán, rầu rĩ, thê lương. Nhưng thi nhân có lẽ là người thấu hiểu đạo lý của Đạo gia và Phật gia, nên đã thoát ra khỏi tình cảm tiêu cực, âm trầm trói chặt con người, thoát ra khỏi tình cảm mà Vọng Đế đã không thể nào thoát ra được, để mọi tình cảm, mọi hoài bão, ước mơ xưa, và cả cái chán nản bất đắc chí ngày hôm nay, tất cả đều để nó trôi qua, để nó thành ký ức.

Lý Thương Ẩn một đời gian nan, có những nỗi đau khó nói thành lời, có những tình cảm khổ đến cùng cực, có như u uất kết lại trong lòng, có niềm đau thương thầm kín… tất cả đều bộc lộ khéo léo, tự nhiên trong thơ, cảm động sâu sắc đến bao thế hệ độc giả suốt cả ngàn năm nay.

Triêu Lộ

Exit mobile version