Bài thơ Thu Hứng nổi tiếng nhất của Đỗ Phủ chính là bài “Thu hứng kỳ nhất” trong loạt 8 bài thơ mùa thu “Thu hứng bát thủ” của ông.
“Thu hứng bát thủ” là loạt bài thơ thất ngôn Đường luật do Đỗ Phủ sáng tác khi ở Quỳ Châu vào năm Đại Lịch thứ nhất đời Đường (năm 766). Do mùa thu đến, cảm thấy hứng thú, thi hứng nổi lên, do đó gọi là “Thu hứng”. Đỗ Phủ từ quan từ năm Càn Nguyên thứ hai đời Đường Túc Tông (năm 759), đến thời điểm đó đã là 7 năm. Suốt trong thời gian đó, chiến loạn liên miên, thiên hạ không có ngày nào bình yên, người dân không có nơi an cư lạc nghiệp. Đúng vào lúc gió thu xào xạc hiu hắt đó, bất giác tức cảnh sinh tình, Đỗ Phủ viết một loạt 8 bài thơ mùa thu này.
Loạn An Sử liên tục kéo dài đã sang năm thứ tám, đến năm Quảng Đức thứ nhất (năm 763) mới bắt đầu kết thúc. Trong khi đó, người Thổ Phiên, Hồi Hột đã thừa cơ xâm chiếm, các trấn (đất phong nơi biên cương) đều giữ binh quyền cát cứ, chiến loạn liên tiếp nổi lên, vương triều Đường khó mà phục hưng lại được. Lúc đó Nghiêm Võ đã mất, Đỗ Phủ sống ở Thành Đô mất đi chỗ dựa, bèn theo sông đi xuống phía đông, trên đường đi có dừng lại ở Quỳ Châu. Đỗ Phủ những năm cuối đời nhiều bệnh, những bạn tri kỷ, thâm giao đều đã ly tán hoặc đã mất, lòng ôm chí lớn chẳng thực hiện được, trong lòng vô cùng u uất, cô quạnh.
Nguyên văn chữ Hán:
秋兴八首·其一
玉露凋傷楓樹林,
巫山巫峽氣蕭森.
江間波浪兼天涌,
塞上風雲接地陰.
叢菊兩開他日淚,
孤舟一系故園心.
寒衣處處催刀尺,
白帝城高急暮砧.
Âm Hán Việt:
Thu hứng kỳ nhất
Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm,
Vu sơn, Vu giáp khí tiêu sâm.
Giang gian ba lãng kiêm thiên dũng,
Tái thượng phong vân tiếp địa âm.
Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ,
Cô chu nhất hệ cố viên tâm.
Hàn y xứ xứ thôi đao xích,
Bạch Đế thành cao cấp mộ châm.
Dịch nghĩa:
Móc ngọc tơi bời ở rừng phong,
Khí ở núi Vu và kẽm Vu ảm đạm mịt mờ.
Trên sông, nước và trời cùng trôi chảy,
Ngoài ải, gió và mây liên tiếp mù đất.
Cúc từng chòm nở hai lần dòng lệ xưa,
Thuyền lẻ loi buộc chặt mối tình quê cũ.
Nơi nơi giục giã dao thước may áo rét,
Tiếng chày chiều dồn dập thành cao Bạch Đế.
Bản dịch của Nguyễn Công Trứ:
Lác đác rừng phong hạt móc sa,
Ngàn non hiu hắt, khí thu loà.
Lưng trời sóng rợn lòng sông thẳm,
Mặt đất mây đùn cửa ải xa.
Khóm cúc tuôn thêm dòng lệ cũ,
Con thuyền buộc chặt mối tình nhà.
Lạnh lùng giục kẻ tay đao thước,
Thành Bạch, chày vang bóng ác tà.
Toàn bài thơ lấy “thu” làm chủ đạo xuyên suốt, tả những năm cuối đời phiêu bạt, già yếu bệnh tật, lưu lạc giang hồ, trước mắt là cảnh mùa thu xào xạc hiu hắt khiến ông cảm khái vận nước thịnh suy, thế sự sa đà, hồi tưởng lại thời Trường An thịnh thế, thân ở hẻm núi Vu Giáp mà tâm buộc chặt vào Trường An, lòng đầy thương cảm. Quan tâm đến vận mệnh quốc gia, mắt nhìn quốc gia bị tàn phá mà bất lực, chỉ gợi ra niềm u uất ưu sầu nhớ cảnh phồn hoa chốn đô thành.
Cả bài thơ là tình cảm thê lương ai oán, có ý cảnh âm trầm mà hùng vĩ mỹ lệ. Thể thơ Đường luật tinh tế chặt chẽ, ngôn từ đẹp giàu hình ảnh, trầm ngâm khúc chiết, bi tráng thê lương, ý thơ thâm sâu rộng lớn. Đây là bài thơ điển hình cho phong cách thơ độc đáo Đường luật của Đỗ Phủ, có giá trị và thành tựu nghệ thuật cao.
Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm,
Vu sơn, Vu giáp khí tiêu sâm.
(Lác đác rừng phong hạt móc sa,
Ngàn non hiu hắt, khí thu loà.)
Hai câu đầu (câu đề) đối cảnh sinh tình, nhìn cảnh sắc thu mà đau lòng cảnh ăn nhờ ở đậu. Cảnh sắc, âm thanh mùa thu ở Vu Sơn Vu Giáp âm trầm, hiu hắt, xáo động bất an làm nổi bật lên tâm tình tiều tụy u uất, mẫn thế ưu thời của Đỗ Phủ.
“Ngọc lộ” tức là sương trắng, hay còn gọi sương muối, thu đến sương rơi, làm cỏ cây tiêu điều xơ xác. Đỗ Phủ đang ở Vu Sơn Vu Giáp (hẻm núi Vu Giáp ở núi Vu Sơn). Rừng phong “điêu thương”, hẻm núi khí “tiêu sâm”, tiêu điều âm u, diễn tả cảnh tượng suy bại, âm u nặng nề, cũng là gợi mở cho tình cảm tác giả xuyên suốt bài thơ.
Giang gian ba lãng kiêm thiên dũng,
Tái thượng phong vân tiếp địa âm.
(Lưng trời sóng rợn lòng sông thẳm,
Mặt đất mây đùn cửa ải xa.)
Hai câu tiếp (câu thuật) phát triển cảnh tượng bi tráng của “khí tiêu sâm”. Từ giữa dòng sông, từ mặt đất dâng trào sóng ba đào lên đến tận trời mây. Từ trên thiên không, gió mây âm u tiếp nối xuống mặt đất. Giữa đất trời chỉ thấy gió, mây, sóng ba đào. Trường Giang vạn dặm cuồn cuộn chảy, sóng to gió lớn ầm ầm dâng cao, cảnh tượng như trời nghiêng đất ngả. Cảnh tượng chân thực trước mắt, cũng chính là ngụ ý cho thời cuộc suy tàn, loạn lạc.
Đương thời, quân Thổ Phiên xâm chiếm, biên cương nguy cấp, khắp nơi bao trùm mây đen chiến tranh âm u. Đỗ Phủ miêu tả cảnh vật, cũng chính là gửi gắm tâm trạng lo lắng bất an trước thời cuộc hỗn loạn, tiền đồ mờ mịt, và nỗi u uất, suy tư, bất bình như những con sóng dâng trào đến tận mây trời. Cảnh tượng âm u cuối thu nơi hẻm núi, tình cảnh cá nhân long đong ăn nhờ ở đậu, tương lai mờ mịt, và vận mệnh quốc gia suy bại hỗn loạn, được tác giả dung hòa vào làm một, tạo ra cảnh tượng đau buồn, bi tráng: Ba đào hùng tráng, tâm trạng u sầu.
Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ,
Cô chu nhất hệ cố viên tâm.
(Khóm cúc tuôn thêm dòng lệ cũ,
Con thuyền buộc chặt mối tình nhà.)
Hai câu tiếp (câu luận) tiếp nói hai câu thuật. Mùa thu năm ngoái còn ở Trường An, mùa thu này đang ở Quỳ Châu, cả hai mùa thu đều ngắm khóm cúc nở, nên mới nói “lưỡng khai”. Năm ngoái từ biệt kinh thành ra đi, ngắm cúc nở mà nhỏ lệ, năm nay ngàn dặm xa cũng lại xem cúc nở mà lệ rơi. Từ “lưỡng khai” vừa nói hoa cúc hai lần nở, vừa nói lệ rơi cũng hai lần, đủ thấy cuộc sống ăn nhờ ở đậu nơi Quỳ Châu, tâm trạng tác giả thê lương đau lòng.
“Cố viên tâm” là tấm lòng luôn hướng về vườn xưa, tức hướng về Trường An. “Cô chu” là con thuyền cô đơn, chính là tác giả đang lang bạt giang hồ, đơn độc như con thuyền nhỏ nhoi giữa biển cả cuộn trào con sóng dữ. Từ “hệ” (buộc) vừa có nghĩa con thuyền neo đậu buộc vào bờ, vừa có nghĩa con tim tác giả đã buộc chặt vào Trường An.
Hàn y xứ xứ thôi đao xích,
Bạch Đế thành cao cấp mộ châm.
(Lạnh lùng giục kẻ tay đao thước,
Thành Bạch, chày vang bóng ác tà.)
Hai câu kết tả về tiếng thu. Gió thu thổi mạnh lành lạnh, lúc chiều tối khí trời nơi hẻm núi càng hiu hắt lạnh lẽo hơn, có vẻ như mùa đông sắp đến. Khắp nơi đều đang tất bật làm áo rét. Trên thành lầu cao vót thành Bạch Đế, trong cơn gió chiều muộn vang vọng tiếng chày đập làm áo rét. Thành Bạch Đế phía đông, phủ Quỳ Châu phía tây, nhà thơ đang ở Quỳ Châu, nghe thấy tiếng chày từ thành Bạch Đế vọng tới, đó là tiếng chày các phụ nữ làm áo bông, tiếng đập vào áo bông. Tiếng chày gấp gáp của những phụ nữ làm áo bông ở thành Bạch Đế vang lên lúc trời sắp tối, như tiếng lòng Đỗ Phủ từng nhịp vang vọng nỗi nhớ quê nhà, nhớ vườn xưa, nhớ Tràng An.
Triêu Lộ