Trong thời Loạn Hoàng Sào, một đạo sĩ trong thôn khuyên Trương Tuấn nên nhanh chóng đến Thục chờ thời cơ diệt tặc. Sau khi loạn Hoàng Sào được dẹp yên, Trương Tuấn cũng nhờ việc này mà thăng tiến một mạch thành tể tướng. Khi trở lại thôn làng đó, vị đạo sĩ không biết đã đi đâu mất.
Có sự tương trợ của cao nhân, trong tuyệt cảnh biến nguy thành an, đó không còn là chuyện cổ tích
Khi các triều đại thay phiên, vạn sự nháy mắt vạn biến. Chinh chiến, thảo phạt liên miên tựa hồ như không thể tránh khỏi khi một triều đại bước đến thời kỳ suy bại. Tuy nhiên, nơi chinh chiến sa trường, thế hệ quyền thần, tướng lĩnh đóng vai trò trọng yếu nhất, khởi tác dụng then chốt trong cuộc thảo phạt phản quân, là người do ông Trời tuyển định. Ngay cả bí ẩn về cách mà họ khắc chế quân địch giành chiến thắng cũng là do cao nhân thông hiểu Thiên ý trước sau đến chỉ điểm, báo trước. Có sự tương trợ của cao nhân, trong tuyệt cảnh biến nguy thành an, đó không còn là chuyện cổ tích.
Trương Tuấn thuận Thiên ý bình loạn tặc
Trương Tuấn (mất năm 904), tự Vũ Xuyên, người Hà Gian. Ông khi còn nhỏ ẩn cư ở núi Kim Phong, học tập thuật hợp tung liên hoành của Quỷ Cốc Tử. Đến thời Đường Hy Tông, xu mật sứ Dương Phục Cung rất tán thưởng ông, đã tiến cử ông lên triều đình, bổ nhiệm chức thái thường bác sĩ, không lâu sau lại thăng làm tiết độ viên ngoại lang.
Đương thời, Hoàng Sào khởi binh tạo phản, chuẩn bị tấn công đến kinh thành. Trương Tuấn vì để lánh nạn đã hướng triều đình xin từ quan, mang theo mẹ và người nhà đến Thương Châu. Sau đó, ông lại chuyển đến một thôn làng ở phủ Hà Trung, huyện Vĩnh Lạc, nơi ông sống cuộc đời nhàn vân dã hạc.
Trong thôn có một vị đạo sĩ khá được mọi người kính ngưỡng. Một ngày nọ, khi Trương Tuấn đang đi trên đường, chỉ nghe thấy ai đó hét lên từ phía sau: “Trương tam thập ngũ lang, hoàng đế nơi đó vẫn đang đợi ngài đến phá tặc!” Trương Tuấn giật mình sửng sốt, nghĩ mình ly hương đã nhiều năm, luôn ẩn cư ở đây, sao có thể có người biết rõ ràng thứ bậc của mình trong gia tộc như vậy? Ông quay đầu lại nhìn, thì chính là một vị đạo sĩ. Ông cảm thấy người này lai lịch bất phàm, bèn hỏi: “Ta chẳng qua chỉ là một thường dân áo vải, hoàng đế làm sao có thể cho ta đi phá tặc?”
Vị đạo sĩ vẫn khuyên ông vào Thục càng sớm càng tốt, tĩnh chờ cơ hội. Trương Tuấn rất do dự, vì mẹ ông vẫn đang ốm, ông không thể nhẫn tâm bỏ mặc. Lúc này, vị đạo sĩ lấy ra hai viên đan dược, nói với ông: “Hãy để mẹ ngài dùng thuốc này, nó có thể bảo đảm bà mười năm không bệnh.” Trương Tuấn lập tức về nhà, đưa đan dược cho mẹ mình. Chẳng bao lâu sau, mẹ ông khỏi bệnh.
Sau khi Trương Tuấn vào đất Thục, mới biết rằng hoàng đế Hi Tông cũng đã rời kinh thành đi tị nạn. Lúc đó binh lính hoang mang, ngựa xe mỏi mệt, lương thực không đủ cung cấp cho hoàng đế và quân binh đi theo. Ông lập tức bảo Lý Khang, huyện lệnh Hán Âm gửi tặng hàng trăm bao lương khô để giải quyết nhu cầu cấp bách của Hi Tông. Hi Tông rất ngạc nhiên, vì vậy đã triệu kiến Lý Khang, hỏi: “Ngươi chỉ là một huyện lệnh, làm sao có thể biết suy nghĩ chu toàn như vậy?”
Lý Khang cung kính hồi đáp: “Tôi bất quá chỉ là một quan lại rất nhỏ ở địa phương, theo nghi thức là không thể tiến hiến, chỉ vì viên ngoại lang Trương Tuấn nỗ lực thuyết phục, mới bất đắc dĩ tuân tòng.” Hoàng đế nghe ra, liền triệu kiến Trương Tuấn, bổ nhiệm ông làm binh bộ lang trung, sau này lại thăng nhiệm ông làm gián nghị đại phu.
Vào mùa đông năm đó, cuộc nổi loạn của Hoàng Sào ngày càng cường liệt, triều đình phải chiêu mộ quân đội của các chư hầu. Đương thời, binh lực của Bình Lô tiết độ sứ Vương Kính Võ là mạnh nhất, nhưng ông ta lại cự tuyệt xuất binh. Theo đó, tể tướng Vương Đạc đã bổ nhiệm Trương Tuấn làm thống phán quan, bảo ông đi thuyết phục Vương Kĩnh Võ.
Ngay khi nghe tin Vương Kính Võ đã xưng thần với Hoàng Sào, thậm chí ngay cả sứ thần của hoàng đế phái đến đều không gặp, Trương Tuấn đã thẳng thắn trách mắng ông ta: “Chức trách của ngài là bảo vệ lãnh thổ của thiên tử, như nay thiên tử đã hạ chiếu, ngài lại mạn đãi sứ thần như thế, không tuân thủ lễ quân thần. Ngay cả đại nghĩa quân thần cũng đều không coi ra gì, ngài làm thế nào có thể quản binh sĩ dưới trướng và chăm lo bách tính đây?” Vương Kính Võ nghe vậy tâm sinh hổ thẹn, theo đó nhanh chóng thú nhận sai lầm của mình.
Sau khi sứ thần tuyên đọc chiếu thư, tất cả các tướng lĩnh và binh lính ở Bình Lô đều trầm mặc không muốn hưởng ứng. Trương Tuấn thấy vậy liền triệu tập các tướng lĩnh, dùng tình dùng lý để thuyết phục họ, nói:
“Làm một thần tử, quý ở trung nghĩa. Các ngài phải suy nghĩ thật kỹ về hậu quả của việc thuận ứng và vi bội thiên ý, đừng quay lưng với đương triều thiên tử mà xưng thần với một kẻ thường dân bán muối, tự cổ làm gì có cái đạo lý đó? Như nay, thiên hạ chư hầu đều tích cực hưởng ứng thiên tử, các ngài lại chỉ ngồi đây xem thành bại hay sao? Một khi tặc loạn bình xong, các ngài nên tự xử thế nào? Ngày thiên tử hồi cung đã gần kề, các ngài xin đừng vứt bỏ phú quý an tĩnh, để bản thân lâm vào chỗ hiểm, lại mang danh bất trung bất nghĩa!”
Những lời này cuối cùng cũng khiến các tướng lĩnh cảm động, họ nói với Vương Kính Vũ: “Gián nghị đại phu nói không sai!”
Sau khi quân Bình Lô đồng ý xuất binh, sĩ khí của triều đình tăng lên rất nhiều. Không lâu sau, loạn Hoàng Sào được dập tắt, và Trương Tuấn cũng vì thế mà mà thăng quan tiến chức, một mạch lên tể tướng. Khi ông trở lại ngôi làng đó, thì vị đạo sĩ đã đi đâu không rõ.
Viên quan họ Thôi được chỉ thị đập tan sào huyệt gian tặc
Vào cuối thời nhà Đường, khu vực xung quanh Cẩm Châu thập phần hoang vắng, dân cư thưa thớt. Vào năm Hoàng Sào bắt đầu tạo phản, một viên quan họ Thôi phụ trách trấn thủ quận An Khang ở Kim Châu.
Một hôm, có một đạo sĩ không mời mà đến, mở miệng hỏi: “Hiện nay thiên hạ động loạn bất an, đến cả hoàng đế cũng phải ngồi xe kiệu chạy tứ xứ tránh nạn, xã tắc tông miếu bị người ta chà đạp hủy hoại như vậy, ngài đã bao giờ nghĩ đến việc bình định tặc loạn chưa?” Lúc này viên quan họ Thôi trả lời: “Bồng Sơn muốn đổ, một thân cây làm sao có thể chống đỡ?”
Đạo sĩ nói: “Không nhất thiết, kỳ thực, có rất nhiều cách để bình định giặc cướp, không phải mỗi lần đều phải đánh đánh giết giết.” Viên quan họ Thôi nghe vậy, hiếu kỳ hỏi: “Ngài có biện pháp nào chăng?” Vị đạo sĩ nói với ông: “Ở rìa Kim Châu có một con sông, gọi là ‘sông Kim Thống’, nó chảy qua một nơi gọi là ‘Hoàng Sào cốc’, ngài nếu không biết, có thể đi hỏi bách tính Kim Châu.” Viên quan họ Thôi phái người đi hỏi, mới nghe nói thật sự có một dòng sông như vậy.
Vị đạo sĩ còn nói: “Sở dĩ giặc cướp Hoàng Sào khó diệt, có liên quan rất lớn đến dòng sông này. Ngài có thể sai lao dịch, cứ theo đường sông mà đào, tất có thu hoạch.” Sau này, viên quan họ Thôi đem người đi tìm, quả nhiên trong núi sâu bên ngoài nơi ở của bách tính Cẩm Châu, họ tìm thấy một dòng sông. Ông phái các lao dịch đào một mạch đến tận đầu nguồn con sông, thì nhìn thấy một sào huyệt, trong đó có một người thú đeo thắt lưng vàng.
Ngay khi những người bên ngoài đến gần người thú, ông ta lập tức ngã xuống đất, hét lên một tiếng rồi chết. Khi người được phái đến tìm thấy một thanh bảo kiếm từ trong huyệt, vị đạo sĩ ở cách đó hàng trăm dặm nói với viên quan họ Thôi: “Tôi cũng được tính là đã góp công phá tặc.” Viên quan họ Thôi nghĩ sẽ mang người đeo thắt lưng vàng và bảo kiếm tiến hiến hoàng đế, nhưng khi đi được nửa đường, thì nghe tin giặc cướp đã bị diệt trừ, hoàng đế sắp hồi cung.
Hà Chiêu Hàn gặp cao nhân trị tặc hại
Hà Chiêu Hàn, một độ chi viên ngoại lang của tiền Thục, từng là phán quan ở khu vực Kiềm Nam. Một ngày nọ, ông đi tản bộ dã ngoại, gặp một người đánh cá bên bờ sông. Người đàn ông đó hỏi ông: “Ngài là phán quan Hà phải không?” Ông trả lời: “Đúng vậy!” Người đó nói với ông: “Tôi tên là Trương Thiệp, luôn sống ở ngọn núi này, quá khứ đã cùng ngài giao vãng một thời gian rất dài, chỉ là ngài hiện tại không nhớ thôi.”
Hà Chiêu Hàn cảm thấy thật khó tin, vô tình ngồi xuống bãi cỏ bên cạnh. Trương Thiệp lại nói với ông: “Từ nay về sau, ngài sẽ đổi quan chức vài lần, cuối cùng sẽ là huyện lệnh Thanh Thành. Tôi vốn sống tại núi Thanh Thành, đợi ngài mãn nhiệm quan, sẽ cùng tôi trở về núi.” Nói xong lời đó, Trương Thiệp liền nhỏm dậy rồi đi.
Nhiều năm sau, Hà Chiêu Hàn vẫn sẽ nghĩ về những gì Trương Thiệp đã nói hôm đó. Trong những năm đó, những gì ông đã trải qua giống hệt như những gì Trương Thiệp đã nói. Ông trước tiên làm quan ở các vị trí khác nhau, cuối cùng trở thành huyện lệnh Thanh Thành. Kể từ đó, Trương Thiệp thường xuyên lai vãng với ông, ông đối với Trương Thiệp thập phần kính trọng.
Một ngày nọ, đại quân cướp đã tiếp cận Thanh Thành, toàn thành trở nên hỗn loạn. Hà Chiêu Hàn không kịp nghĩ nhiều, liền cùng Trương Thiệp chạy lên núi Thanh Thành. Lúc đó, vợ con ông vẫn mắc kẹt trong thành. Quân cướp xông vào thành, dương ngôn đe dọa giết chết huyện lệnh, còn nói chúng sẽ chặt thịt ông thành từng miếng nhỏ để nuốt chửng. Ngay khi chúng hô đánh hô giết, con trai của thủ lĩnh quân cướp tự xưng là ‘tiểu tướng quân’ đột nhiên biến mất trong đám người. Qua một lúc, quân cướp mới phát hiện, viên huyện lệnh vừa bị chém đầu kỳ thực chính là ‘tiểu tướng quân’, chúng quay ra quyết đấu, tàn sát lẫn nhau. Về phần huyện lệnh Hà Chiêu Hàn thực sự thì không ai biết hành tung của ông ở đâu.
Sau đó, trong thành có một người vào núi, gặp Hà Chiêu Hàn và Trương Thiệp đang đi bộ cùng nhau, liền gọi ông lại. Ông nhờ người đó mang tin nhắn về cho vợ, nói mình chưa chết, mà quay trở lại ngọn núi mà ông từng trụ ở đó. Ông bảo vợ hãy nuôi dạy các con lớn nhỏ chu toàn, và đừng tưởng nhớ đến ông. Từ đó về sau, không ai còn nhìn thấy ông nữa.
Tài liệu tham khảo: “Bắc mộng tỏa ngôn”, “Cựu Đường thư”,
“Vương thị kiến văn lục”, “Dã nhân nhàn thoại”
Tác giả: Yến Văn, Epoch Times, Hương Thảo biên dịch