Đại Kỷ Nguyên

Cảm âm nhạc cổ: Vấn Phật – lời đối thoại từ chân tâm của sinh mệnh

Có những tác phẩm âm nhạc mà chỉ cần xướng lên âm thanh thôi đã thay vạn ca từ. Âm thanh cất lên làm tâm hồn người nghe như trở lên thuần tịnh. Bản nhạc ấy là lời đối thoại từ chân tâm sinh mệnh của mỗi con người khi buông hết đi mọi gánh nặng ở đời để lắng nghe được tiếng gọi thẳm sâu tưởng chừng như bị chôn vùi trong quên lãng.

Vấn Phật là chính là bản nhạc ấy. Một tác phẩm được diễn tấu trên tiếng đàn cổ tranh. Bản nhạc bắt nguồn từ những khúc thi ca của vị Lạt Ma Tây Tạng Thương Ương Gia Thố

Có rất nhiều dị bản bao gồm cả những bản có lời của các tác giả khác nhau. Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả một bản không lời. Hy vọng rằng, bản nhạc này mang lại những giây phút thanh tịnh cho tâm hồn, vơi đi những lo toan bộn bề, đặt xuống những gánh nặng trên thân để lắng nghe tiếng thổn thức đầy khắc khoải của chân tâm sinh mệnh mình.

Nguyên lai của sinh mệnh con người là những điều tốt đẹp nhất được tạo lên từ tinh hoa trong vũ trụ.

Nếu như một ngày ta ngây ngô tự hỏi: Ta đến từ đâu? (Ảnh: Getty Images)

Nếu như một ngày ta ngây ngô tự hỏi: Ta đến từ đâu? có lẽ rằng trong suốt hành trình cuộc đời, đó vẫn mãi là dấu hỏi mà chẳng có câu trả lời. Bởi con người rơi vào cõi mê vô tận. Rớt xuống đây, bát canh Mạnh Bà xóa sạch kí ức đời người.

Ngỡ tưởng thế gian là cõi thần tiên hạnh phúc, nhưng lại bàng hoàng bởi trần gian muôn vàn khổ đau. Tìm đâu được vùng đất yên bình cực lạc cho tâm hồn?

Bởi vậy mà ngay từ khúc đầu của bản nhạc, ta đã nghe thấy những câu hỏi đầy khắc khoải:

Con hỏi Phật:

Vì sao không thể cho nhân thế một trái tim thuần khiết để thế gian được cực lạc?

Phật nói:

Ta đã cho rồi, khi mỗi người được sinh ra trái tim họ đều thuần khiết như nhau. Rất thuần khiết, rất đẹp, rất lương thiện và rất chân thật, chẳng qua khi họ mở đôi mắt ra bản tính bị mê hoặc bởi sự phù phiếm hào nhoáng ở thế gian, khiến tâm can bị bao kín bởi bụi trần.

Con hỏi Phật:

Vì sao Phật là Phật?

Phật nói:

Ta cũng là người, chẳng qua ta so với các con thì thiếu đi một trái tim mà trái tim đã trao cho vạn vật chúng sinh nên ta sống ung dung, vô ngã tức là Phật.

Trong chặng đường sinh mệnh, tâm ta trở nên chật hẹp. Bản tính tiên thiên lương thiện thủa ban đầu dần bị thay thế cho tâm tư ích kỷ hẹp hòi, vị tư ta quên đi sự bao dung, vị tha. Đạo lí nghĩ tới người trước rồi mới tới mình như bị quên lãng, thay thế sự tranh đấu để sinh tồn. Ma tính dần dần lớn hơn Phật tính.

Con người phóng túng chính mình mà rơi rớt xuống nơi tận cùng đầy khổ đau trong vũ trụ này

Trong khổ đau cùng cực, con người như oán hận cuộc đời, giận ông trời tại sao lại sinh ra mình, để rồi trầm luân bể khổ. Nhưng câu trả lời luôn là im lặng, bởi vậy mà thâm tâm đau đáu kiếm tìm nơi bình yên trong tâm, tìm kiếm phương thuốc cho căn bệnh bi ai tâm hồn. Dẫu cho đã lấp đầy khoảng trống tâm hồn, nhưng tâm hồn vẫn như héo úa đi một nửa khi thấy rằng những gì ta tin tưởng, bám víu bấy lâu nay chỉ là ảo ảnh hư vô.

Vì những điều xấu xa mà con người phải rơi rớt xuống nơi tận cùng đầy khổ đau trong vũ trụ này (Ảnh: phathoc.net)

Đoạn nhạc tiếp theo mở ra một khoảng không rộng lớn, như khoảng trống trong tâm hồn của con người. Ta như nghe thấy sự hụt hẫng của bước chân trên con đường sinh mệnh:

Con hỏi Phật:

Vậy con là ai? Vì sao con lại ở trên trần gian này?

Phật nói:

Con là con của ta, chỉ vì ham chơi, bướng bỉnh, ngây thơ, vô tri mà bị giáng xuống trần gian.

Con hỏi Phật:

Thế gian có tình yêu không mà vì sao con chỉ thấy đau khổ?

Phật nói:

Có tình yêu, vì sợ con người ở thế gian chịu khổ, ta đã trao tình yêu cho tất cả các con, chẳng qua các con đem tình yêu phân chia, chiếm hữu cho riêng mình, một khi có được thì nhất định không buông, suy tính được mất, dằn vặt rối rắm, vậy nên sẽ đau khổ.

Vãng hồi tu là cách duy nhất để trở về ngôi nhà thực sự của sinh mệnh con người

Rồi trong tuyệt lộ, ta như tìm ra được sự trống vắng và hụt hẫng đó là do đâu. Là bởi ta đang ở nơi chẳng phải nhà của mình.

Ngơ ngác đơn côi lần mò đường về, cảm giác hoang mang được khắc họa rõ nét ở đoạn nhạc này:

Con hỏi Phật:

Con còn có thể về nhà không? Có phải Người đã quên con rồi không?

Phật nói:

Ta kéo không được bước chân đã lún sâu của các con, ta đã vô cùng đau khổ, ta lúc nào cũng mở rộng vòng tay để chờ đợi, không dám chợp mắt để chờ đợi các con quay đầu. Chỉ là các con có quá nhiều gánh nặng, chỉ nghe được hơi thở của bản thân mà không nghe thấy tiếng gọi đẫm lệ của ta, đôi mắt ta rỉ máu. Chân tâm ta càng muốn các con trở về.

Con hỏi Phật:

Vậy con phải làm thế nào để được trở về bên Người?

Vậy con phải làm thế nào để được trở về bên Người? (Ảnh:hoctruongdoi.com)

Phật nói:

Khi các con bước vào chốn hồng trần, ta đã gieo trồng hạt giống Bồ Đề trong trái tim của mỗi người, con chỉ cần chăm sóc cho nó bén rễ, đợi đến khi đơm hoa kết trái, sẽ có một đường đầy cây xanh bóng mát đưa con về nhà.

Con hỏi Phật:

Tại sao con không nhìn thấy đường ở đâu?

Phật nói:

Thật ra con đã đi trên con đường đó rồi, chẳng qua trên đường đi con chỉ chú ý tới phong cảnh bên đường,đuổi bướm hái hoa, đùa vui với cây cỏ, quên đi thệ ước ban đầu mà lạc đường về.

Con hỏi Phật:

Vậy con phải làm sao? Con muốn về nhà.

Phật nói:

Hãy dừng bước, suy nghĩ thật kỹ, không phải là cho kiếp sau, mà là không để phụ kiếp này, có lúc lùi về phía sau lại là tiến về phía trước.

Con hỏi Phật:

Vậy con có thể giống Người không, được trở thành Phật?

Phật nói:

Đứa trẻ ngốc, con không biết sao? Thật ra con chính là ta, ta chính là con, ta là phần mà bản thân con không tự mình buông được. Nhất niệm thiên đường, nhất niệm địa ngục.

Con hỏi Phật:

Vì sao con không nhìn thấy được hình dáng Ngài?

Phật nói:

Hãy buông đi những gánh nặng của con, ngước mắt nhìn lên bầu trời, ta và con tuy xa tận chân trời nhưng gần ngay trước mắt.

Con hỏi Phật:

Nhà của con rốt cuộc ở đâu?

Phật nói:

Khi các con lưu lạc chốn hồng trần, để chờ các con trở về, ta trồng hoa sen trong hồ sen, bát bảo tẩy trần, âm thanh tuyệt diệu để gột rửa cõi lòng tựa như đóa sen luân hồi, hào quang rực rỡ nơi đó chính là nhà của con.

Nhà của con rốt cuộc ở đâu? (Ảnh: vantho.net)

Sau những chuỗi âm thanh đầy cảm xúc, âm thanh ở đoạn cuối của bức nhạc trở nên vang dội đầy sắc vui tươi, như ánh sáng quyền năng đang hồi sinh một tâm hồn héo úa đầy buồn khổ, hoang mang. Trong tuyệt vọng ta tìm thấy lời giải cho cuộc đời mình.

Bản nhạc Vấn Phật được diễn tấu bằng Cổ tranh Trung Hoa, mang lại cho người nghe cảm giác thổn thức, một sự ngẫm suy, hay những lời giải cho câu hỏi cuộc đời. Tĩnh tâm lại sau những bộn bề, ta sẽ lắng nghe được những khắc khoải của chính tâm hồn mình. Khi tìm được chiếc chìa khóa vạn năng cho những nghi vấn đang đợi chờ giải khai, thì cánh cửa cuộc đời của con người cũng được rộng mở. Con đường sinh mệnh không còn là tuyệt lộ. Ta hoan ca vội vã trở về nhà.

Hãy cùng lắng nghe bản nhạc Vấn Phật:

Bạn đang đọc bài viết: “Cảm âm nhạc cổ: Vấn Phật – lời đối thoại từ chân tâm của sinh mệnh” tại chuyên mục Nghệ thuật của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: daikynguyen.nghethuat@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn!

 

Exit mobile version