Đại Kỷ Nguyên

Bát canh cần quê ngoại

Đôi lời về tác giả: Nhà thơ Bùi Thanh Huyền sinh năm 1964, quê Thái Bình. Chị từng là sinh viên khoa Luật, Trường Đại học Tổng hợp Kisinhov – nước Cộng hòa Moldavia (Moldova). Tham gia sáng tác từ tuổi thiếu nhi, chị nhận được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi thơ như “Trẻ em nói với trẻ em” do UNICEF tổ chức, giải nhất thơ người Việt toàn Liên Bang Xô Viết 1987. Chị có thơ in trong tuyển tập thơ “Nối Hai đầu thế kỷ’’, Tạp chí văn nghệ “Búp trên cành’’ và các báo lớn trong ngoài nước. Các bài thơ của chị cũng đã được phổ nhạc bởi các nhạc sĩ trong và ngoài nước. Văn thơ chị bay bổng, nồng nàn, khắc khoải, luôn đau đáu một niềm yêu thương mãnh liệt với cuộc sống. 

Bát canh cần quê ngoại

…“Có con mà gả chồng gần
Có bắt canh cần nó cũng mang cho
Có con mà gả chồng xa
Một là mất giỗ, hai là mất con….”

Ngày còn nhỏ, mình hay nghe bà ngoại ngâm nga mấy câu ấy. Đó là những buổi tối mùa đông, những ngày giỗ, lễ, mình được cùng ba mẹ về nhà bà ngoại, bà trải cái ổ rơm, mình bao giờ cũng được nằm giữa. Giữa hơi ấm của bà và mẹ, giữa hơi ấm của của hương nếp ổ rơm, giữa những câu chuyện đầu làng cuối xóm,…và giữa những giấc mơ tuổi thơ chập chờn, có cái ao bèo gian kín mặt nước, thỉnh thoảng có con cá nhảy vụt lên, miệng hớp hớp, rồi lại lặn biến vào đám bèo xanh im ngằn ngặt.

Giữa hơi ấm của bà và mẹ, giữa hơi ấm của của hương nếp ổ rơm, giữa những câu chuyện đầu làng cuối xóm… (Ảnh minh họa)

Lúc ấy còn nhỏ lắm, nghe mấy câu ca, lại chứ chúi mũi vào hỏi bà bát canh cần như thế nào, mà sao lại là bát canh cần, sao không phải là xôi gà, giò chả… Bà giải thích dài dài, mình ngủ thiếp trong giọng đều đều của bà, hình như không nhớ được tí gì.

Ấn tượng về quê ngoại còn là những chiều chủ nhật, đứng chái hiên ngóng ba mẹ từ quê ngoại trở về. (Mà hình như tuần nào ba mẹ cũng về quê ngoại, không kể đó là mùa hè đổ lửa hay rét ngọt mùa đông). Chập choạng tối, càng ngóng đến nôn nao. Con đường từ làng bà ngoại đến nhà mình, ngoằn nghèo, đi qua mấy cánh đồng, qua con đê không cao lắm, rồi men dọc bờ mương hẹp. Quãng đường không xa (nếu là bây giờ), còn hồi ấy, nó thỉnh thoảng bị gấp khúc, bị che lấp, lúc ẩn, lúc hiện bởi những xóm làng, những lũy tre xanh che chắn như bức tường, những triền cỏ có hoa trắng li ti dọc chân đê, những chiếc vó 4 gọng cao lênh khênh, thỉnh thoáng lại nhấc bổng lên mang theo vô số giọt nước vỡ ra như sao trời mắc cạn…

Những chiếc vó 4 gọng cao lênh khênh, thỉnh thoáng lại nhấc bổng lên mang theo vô số giọt nước vỡ ào như sao trời mắc cạn…(Ảnh: dẫn qua saigoncafetravel.com)

Mấy chị em mình đứng ở hiên nhà, cái góc hướng ra con đường đó, đoán già đoán non khi nào ba mẹ về, và thi nhau xem đứa nào nhìn thấy trước. Đôi lúc nói chuyện khác, cãi nhau mấy thứ vặt, nhưng mà mắt vẫn không rời con đường đang mờ dần trước mặt. Lúc này mới hiểu vì sao đến giờ gà lên chuồng là lúc gà con tíu tít, hốt hoảng chạy về núp dưới đôi cánh gà mẹ.

Chúng mình căng mắt ra để nhìn kỹ hơn, khi bóng lũy tre đã bắt đầu sẫm lại, những cái cây dọc đường bắt đầu giống hình người, cây thì đứng thẳng, cây thì xóa tóc, cúi nghiêng. Đường quê chiều muộn thường vắng bóng người vì ai cũng cố kịp về với mái nhà ấm cúng của mình. Mình nhớ, những chiều ấy thường cảm thấy có gió thổi lạnh trong người, dù đó là một chiều hè oi bức. (Cảm giác ấy sau này có lặp lại một lần, là lúc đứng ngóng con gái nhỏ một chiều thu nước Pháp, khi đã muộn giờ tan học mà chưa thấy bóng dáng con trở về).

Có lúc mấy chị em đã tranh nhau nhận rằng mình nhìn thấy trước, khi thấy từ xa xa có vật gì đen đen chuyển động. Đó nhất định phải là cái xe đạp thống nhất, (phương tiện di chuyển duy nhất của nhà mình lúc đó), và trên đó phải là một người cao to, là ba, đang chở mẹ bé nhỏ, lút giữa những túi, những bao, những gói… Nhưng không phải, đó chỉ là một cái xe bò chở rơm rạ chậm chạp hiện dần dưới tròng mắt đang căng ra đến mỏi nhức của mấy chị em mình.

Cái mùi rạ, rơm cứ ngọt ngào quyện trong gió trên suốt dọc cánh đồng. (Ảnh: Nguyễn Lương Sáng/vnexpress.net)

Cuối cùng thì niềm mong đợi cũng đến, và thường vào lúc bất ngờ nhất, khi mấy chị em không hiểu sao, chỉ lơ đi một chút mà đã thấy cái xe đạp như con ngựa thồ mang ba mẹ trở về ngay trước cổng. Chen nhau chạy ra, đứa xách, đứa mang, đứa bê… ì ạch mà tíu tít vui.

Quê ngoại là những nắm rau ngót bó lộn xộn, chứ không đều chằn chặn như mua ngoài chợ. Là mớ lá chè xanh, chắc là bứt vội, nên đâu đó còn lẫn vài cái hoa chè cánh mỏng xinh xinh. Là quả mít mật to tướng, vẫn còn đóng cọc, bà bảo vùi vào thùng gạo vài hôm nữa chín là được ăn. Là mùi thơm của cá kho lá gừng, của mẻ tép đồng rang với khế chua.

Và xôi cốm. Ở quê nội không có món này. Nhà bà ngoại luôn có cái lu sành, đựng cốm xanh, nên lúc nào muốn là có ngay xôi cốm. Bà thường bảo: trẻ nó thích có cái ăn ngay, không thích chờ đợi, nên bao giờ bà cũng làm xôi cốm sẵn, để mẹ mở ra cho các con ăn ngay tại trận. Xôi cốm của bà, bây giờ ăn ở vùng nào cũng không thấy ngon bằng.

Cái lu, cái mẹt đựng cốm cũng thơm thơm cái mùi của mạ non. (Ảnh: Sưu tầm)

Quê ngoại gần gũi quá, trong từng hương vị quà quê, và màu trắng như cước bay bay trong gió tóc bà. Vậy mà bà vẫn cảm thấy xa xôi. Nghe nói ngày xưa, ba đẹp trai, tốt bụng, tài hoa, yêu mẹ 6 năm trời, mà bà cứ còn ngần ngại gả mẹ, vì cách sông, cách làng. Một mớ đồ ăn tươi có, chín có, mỗi lần về thăm, mà bà vẫn mơ một bát canh cần. Mẹ nào chắc cũng vậy, một triền đê cũng đã là xa, bà ngoại chỉ mong được bước qua dậu mồng tơi để mang cho bát canh cần.

Mình lớn lên luôn mang trong lòng cái ngõ sau quê ngoại và bát canh cần trong ước nguyện của bà… Nên khi nhìn cái tất bật của chị, gắp, xúc, cắt thái thức ăn cho mẹ già, mình bỗng để tâm ngay. Chị không còn trẻ, dáng người nhỏ thó, có vẻ khắc khổ, dù chị mặc áo quần đẹp, nền nã. Mái tóc nhuộm nâu vàng, nhưng búi trễ nải, vẫn gợi dáng dấp con gái chân quê.

Chị làm cái gì cũng nhanh thoăn thoắt, từ việc cắt sẵn miếng thịt bò bít-tết thành những miếng nhỏ vừa ăn, đến việc trộn dầu dấm vào đĩa salad, đến việc cắt sẵn hoa quả đủ loại trên bàn. Một bàn ăn ngập tràn thức ăn, và đủ loại. Cả món lạnh, món nóng, cả bánh ngọt và trái cây, ly sữa và ly nước cam… Chị tất bật với niềm vui ngời ngời trên gương mặt. Mình khẽ khàng bắt chuyện. Lúc ấy đã muộn lắm cho một bữa ăn sáng, khách của Resort đã lục tục đứng lên, lững thững đi ra bờ biển.

Nhân viên đã bắt đầu dọn bàn ghế. Mình hỏi sao chị đưa bà đi ăn muộn thế, chị bảo, đi sớm lắm, từ lúc 7 giờ sáng, nhưng bà không chịu ăn, và ăn chậm lắm. Bà là mẹ chị. Một bà già ngoài 80, nhỏ bé, mảnh dẻ, tóc bạc, lơ thơ, búi tó thành một túm nhỏ như củ hành sau gáy. Bà bỏm bẻm nhai, dáng cố gắng và có phần ngượng ngùng. Bà mặc áo cánh nâu, xẻ tà, cổ tròn và chiếc quần thâm chùng và rộng. Đôi dép lê bằng nhựa mòn vẹt, đựng đôi bàn chân nứt nẻ, bầu móng chỗ khuyết, chỗ tròn.

Chị quay sang nói chuyện với mình, tay vẫn tăm tắp xúc thức ăn cho mẹ. “Em chỉ có được 2 tuần về quê. Một tuần đi thăm mộ, thắp hương tổ tiên, thăm bà con, còn một tuần em đưa mẹ em ra đây nghỉ biển. Mẹ em cả đời chưa ra khỏi làng, chưa biết biển là thế nào. Cả đời mấy khi biết món ngon là gì, lúc nào cũng chỉ con tôm, con tép. Vài ngày nữa em về “bển”, chưa biết khi nào lại được về thăm mẹ”.

Có con mà gả chồng gần/Có bắt canh cần nó cũng mang cho… (Ảnh minh họa/Sưu tầm)

Hình như có tiếng nghẹn trong giọng nói. Đôi môi nở nụ cười tươi hạnh phúc mà đôi mắt vẫn cứ buồn vời vợi. Mình hiểu rằng người phụ nữ buộc lòng phải xa quê, vì chồng con nơi ấy, luôn canh cánh nỗi mẹ già. Người phụ nữ ấy chắc đã không ít lần “chiều chiều ra đứng ngõ sau, ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều.

Bao năm xa dồn tụ lại vài ngày được ở bên mẹ, chăm sóc mẹ. Bao nhiêu món đồ ăn trên bàn là niềm mong khắc khoải về một bát canh cần được một lần bê sang biếu mẹ.

Bát canh cần tuổi thơ quê ngoại lại trở về day dứt trong tôi.

Nơi làng quê ấy, dáng ngoại lưng còng một mình giữa ban trưa lại trở lại, trở lại, như điều gì day dứt mà tôi đã bỏ quên suốt dọc dài tuổi lớn khôn. (Ảnh minh họa/Sưu tầm)

Bùi Thanh Huyền

Exit mobile version