Đại Kỷ Nguyên

Những câu chuyện tình yêu sống mãi với thời gian (P2)

Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài trong bộ phim cùng tên được thực hiện tại Trung Quốc

Trong văn hóa truyền thống Trung Hoa, “yêu” (愛 – ái) là sự kết hợp của chữ “tâm” (心) và chữ “thụ” (受) – nghĩa là nhận lấy, đón lấy. Chữ “tâm” đứng chính giữa chữ “thụ”, vì vậy mà “yêu” giống như một bàn tay đang trao tặng trái tim vào một bàn tay khác. Ở đây, yêu được mô tả là tình cảm xuất phát từ tâm hồn, vô tư, không vị kỷ.

Chữ yêu trong văn hóa Hy Lạp lại có sự phân chia theo từng trạng thái tình cảm khác nhau. “Agape” cũng là yêu, nhưng thường dùng để nhắc đến thứ tình cảm trong trẻo và lý tưởng, yêu trong tâm hồn và thăng hoa trong cảm xúc hơn là những hấp dẫn về mặt thể xác.

Có phải thế chăng mà những câu chuyện tình nổi tiếng nhất trong lịch sử và nghệ thuật đều ngợi ca nét trong trẻo và thuần khiết của tình yêu? Đó là tin tưởng, là thủy chung, là sẵn sàng quên đi bản thân để đem lại hạnh phúc cho người mình yêu thương,… Và dưới đây là một vài trong số những câu chuyện tình như thế.

Tiếp theo phần 1

Romeo và Juliet (Italy)

Là câu chuyện có thật xảy ra từ thời Trung Cổ, “Romeo và Juliet” kể về tình yêu lãng mạn nhưng cũng đầy bi kịch giữa Romeo Montague – một chàng trai lương thiện, tốt bụng – và Juliet Capulet – một cô gái xinh đẹp, thánh thiện và thơ ngây.


Nàng Juliet – tranh của họa sĩ Philip H. Calderon (1833-1898)

Trong thành Verona của Italy, hai dòng họ Montague và Capulet vốn có mối hận thù lâu đời. Bi kịch bắt đầu từ khi con trai của dòng họ Montague là Romeo trà trộn và dạ tiệc hóa trang của nhà Capulet, chàng đã gặp nàng Juliet và hai người yêu nhau ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Ban công nhà Juliet – tranh của họa sĩ Frank Dicksee (1853-1928)

Tuy nhiên, do mối hận thù sâu sắc giữa hai dòng họ, lại thêm sự cố khiến Romeo giết chết người họ hàng của Juliet là Tybalt, nên hai người không thể đến được với nhau. Romeo bị trục xuất khỏi thành Verona, còn Juliet thì bị gia đình ép gả cho bá tước Paris. Nhờ tu sĩ nhà thờ giúp đỡ, nàng đã uống một liều thuốc ngủ để giả chết trong vòng 24 giờ, vì thế đám cưới giữa Juliet và Paris lại trở thành đám tang. Xác Juliet được đưa xuống hầm mộ của gia đình.

Nghe tin nàng chết, Romeo đau đớn trốn về Verona. Khi ngắm nhìn dung nhan người yêu thương đã khuất, chàng uống thuốc độc tự tử theo người mình yêu. Romeo vừa gục xuống thì cũng là lúc thuốc của Juliet hết hiệu nghiệm. Nàng tỉnh dậy và nhìn thấy xác Romeo bên cạnh. Quá tuyệt vọng, nàng rút dao tự vẫn.

Romeo đau buồn trước cái chết của Juliet – tranh của họa sĩ Francis Sidney Muschamp

Cái chết tang thương của đôi bạn trẻ đã thức tỉnh hai dòng họ. Họ đã xóa sạch mối thù truyền kiếp và bắt tay hữu nghị. Nhưng những gì còn lại vẫn là nỗi xót xa cho một cuộc tình đẹp tựa bài thơ.


Sau cái chết của Romeo và Juliet, hai gia đình Montagues và Capulets đã xóa sạch mọi ân oán – tranh của họa sĩ Frederic Leighton (1830-1896)

Câu chuyện Romeo và Juliet không chỉ ngợi ca tình yêu lãng mạn và trong sáng, mà nó còn gửi gắm thông điệp đầy tính nhân văn. Quả thật, tình yêu trong ngần và đẹp tựa pha lê có thể làm tan chảy những gì là ‘thù hận’, là ‘định kiến’, hay là bảo thủ truyền thống.

Sơn Bá – Anh Đài (Trung Quốc)

“Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài” kể về chuyện tình bi thảm của đôi nam nữ từ thời Đông Tấn (317-420) và thường được ví với câu chuyện tình yêu của Romeo và Juliet.

Chúc Anh Đài là con út và cũng là thiếu nữ duy nhất nhà họ Chúc. Từ nhỏ, Anh Đài đã thông minh, hiếu học. Vì muốn theo học tại trường Nghi Sơn ở Hàng Châu, Anh Đài đã cải trang thành nam nhi để thực hiện ước mơ của mình. Tại đây, nàng gặp Lương Sơn Bá và hai người cùng kết nghĩa huynh đệ, cùng nhau học tập, cùng làm thơ, làm câu đối và đàm luận về văn chương kim cổ. Ba năm gắn bó bên nhau, Anh Đài đã thầm yêu Sơn Bá, nhưng chàng trai họ Lương vẫn không hề hay biết tình cảm của nàng

Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài – tranh vẽ đăng trên Traditions Cutural China

Nghe tin cha đổ bệnh, Anh Đài phải rời trường về nhà. Trước khi chia tay, nàng đã gửi lời nhắn nhủ tới Sư nương, nhờ bà giúp nàng bày tỏ tình cảm với Sơn Bá. Khi nghe Sư nương kể lại, Sơn Bá vội vã tìm về quê nàng. Tuy nhiên, gia đình Anh Đài đã có hôn ước với công tử Văn Tài của nhà họ Mã giàu có và quyền lực trong vùng. Theo truyền thống Trung Hoa, hôn nhân không chỉ là sự gắn kết giữa đôi nam nữ, mà còn là hôn phối của cả hai dòng họ. Chúc gia và Mã gia đã có hôn ước từ trước, vì vậy Anh Đài không thể tùy tiện làm theo ý thích cá nhân mình. Sơn Bá không thể đến với người mình yêu, quá đau khổ, chàng sớm ngã bệnh và qua đời.


Tem Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài cho China Post phát hành

Khi kiệu hoa đi qua mộ Sơn Bá, bầu trời đột nhiên nổi trận cuồng phong. Trong mưa gió bập bùng, Anh Đài khóc trước mộ chàng và bày tỏ ước nguyện được sum vầy. Dù sự sống hay cái chết cũng không thể chia lìa và ngăn trở tình yêu giữa hai người…

Đúng lúc ấy, sấm chớp làm rung chuyển đất trời. Phần mộ của Sơn Bá đột nhiên tách mở và Chúc Anh Đài bước vào bên trong. Từ trong mộ, một đôi bươm bướm rực rỡ bay ra, quấn quýt bên nhau và cùng nhau bay về trời. Vì thế, Sơn Bá – Anh Đài còn được gọi là “hồ điệp tình nhân” hay “butterfly lovers”.


Tranh vẽ chuyển thể từ bức tượng “Hồ điệp tình nhân” kể về câu chuyện của Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài. Bức tượng đặt tại Verona, Italy (Tranh của Marialla đăng trên Mariaila Deviant Art website)

Nghe câu chuyện tình yêu cảm động giữa hai người, thừa tướng nhà Tấn là Tạ An đã tấu biểu cho đề lên mộ ba chữ “nghĩa phụ trủng” (義婦塚), tức là mộ của người vợ có nghĩa.

Câu chuyện của Lương Sơn Bá – một trang nam tử dành trọn trái tim cho tình yêu thuần khiết và Chúc Anh Đài – một thiếu nữ đã hy sinh thân mình để dành trọn lời thề chính là thể hiện của đạo đức truyền thống từ xa xưa.

Ngưu Lang – Chức Nữ (Trung Quốc)

“Ngưu Lang – Chức Nữ” là câu chuyện cổ tích có liên quan đến sao Chức Nữ (Vega) và sao Ngưu Lang (Altair), cùng với dải Ngân Hà và hiện tượng mưa ngâu vào tháng Bảy âm lịch.

Chức Nữ là con gái út của Ngọc Hoàng Thượng Đế, có tài dệt vải. Những cầu vồng bảy sắc và áng mây rực rỡ trên bầu trời đều là từ đôi bàn tay khéo léo của nàng dệt nên. Còn Ngưu Lang là một chàng chăn trâu nghèo ở vùng nông thôn Trung Quốc.

Một ngày, khi đang chăn trâu trên đồng cỏ, Ngưu Lang thấy chín tiên nữ hạ xuống bờ sông. Nấp sau bụi cây, chàng thấy các nàng tiên trút bỏ xiêm y và vui đùa trên sông. Nghe lời chú trâu, chàng đã lấy trộm váy áo của nàng tiên út, khiến nàng không thể bay về trời cùng các chị.

Ngưu Lang và Chức Nữ sống hạnh phúc bên nhau. Họ hết mực yêu thương và chăm sóc lẫn nhau. Hai năm trôi qua, Chức Nữ sinh hạ hai đứa trẻ, một bé trai và một bé gái.

Khi Ngọc Hoàng biết chuyện, ngài nổi trận lôi đình và ra lệnh Vương Mẫu dẫn theo thiên binh đưa Chức Nữ trở về thiên cung.

Tem Ngưu Lang, Chức Nữ do Macau phát hành vào 8/ 2012

Khi vợ phải hồi cung, Ngưu Lang vội vàng cho mỗi con vào một cái thúng và gánh hai vai chạy theo đội thiên binh. Ngưu Lang cùng bay theo thiên binh lên trời, khi chàng gần chạm tay vợ, Vương Mẫu ném chiếc trâm bằng vàng xuống, hóa thành sông Ngân ngăn cách hai người. Ngưu Lang và Chức Nữ chỉ còn biết đứng hai đầu sông và nhìn nhau ngập tràn nước mắt.

Cảm động trước tình yêu sâu đậm của đôi vợ chồng trẻ, những con quạ đã nối đuôi nhau, tạo thành cây cầu Ô Thước bắc qua dải Ngân Hà. Vương Mẫu cũng cho phép họ được đoàn tụ vào buổi tối mùng 7 tháng 7 hàng năm, cũng chính là ngày kỷ niệm cuộc chia ly giữa hai người. Cũng chính vì vậy, bạn sẽ gặp rất ít quạ trong đêm ngày mồng 7 tháng 7, bởi chúng đã bay lên trời làm cầu cho đôi vợ chồng gặp nhau. Câu chuyện này cũng giải thích tại sao tháng Bảy mưa ngâu, bởi đó là nước mắt tiễn biệt của họ. Bạn cũng sẽ hiểu tại sao Vega và Altair luôn đứng hai đầu của dải Ngân Hà, và chỉ hội ngộ vào ngày thất tịch hàng năm.

Bộ tem phát hành năm 2012 của Macau kể về câu chuyện tình Ngưu Lang và Chức Nữ

Ngày 7/7 âm lịch vì thế được gọi là “ngày lễ tình nhân của phương Đông”. Nhiều lễ hội và sự kiện được tổ chức ở các nước Đông phương vào ngày thất tịch, như lễ hội Qixi ở Trung Quốc, lễ hội Tanabata ở Nhật Bản, lễ hội Chilseok ở Hàn Quốc, và ngày Thất Tịch ở Việt Nam.

Công chúa Ngọc Anh (Việt Nam)

Chuyện tình của nàng công chúa triều Nguyễn là câu chuyện bi ai nhất trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam. Cuộc tình gắn liền với vị thiền sư Thiệt Thành Liễu Đạt ở ngôi chùa Đại Giác, tổng Trấn Biên (nay là TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai).

Theo ghi chép, nhà sư Thiệt Thành Liễu Đạt có tư chất thông minh, phẩm hạnh cao quý, và kiến thức Phật học uyên bác nên được vua vời về Huế để giảng kinh trong nội cung của vua Gia Long. Vốn dung mạo tuấn tú, đức độ, lại oai nghiêm đĩnh đạc và thuyết giảng Phật pháp rất hay, nên thiền sư được nhiều phật tử mến mộ. Một trong những Phật tử ở kinh thành là Hoàng nữ đệ tam công chúa Nguyễn Thị Ngọc Anh. Trong những ngày theo học Phật pháp, công chúa đã thầm yêu vị thiền sư.

(Tranh minh họa)

Tình yêu của công chúa đã mở đầu cho một tấn bi kịch. Vì tấm lòng kiên định theo con đường tu hành, nhà sư đã tìm mọi cách tránh né. Năm 1821, mượn cớ hòa thượng Phật Ý-Linh Nhạc viên tịch, thiền sư trở về chùa Từ Ân để chịu tang, rồi ở lại luôn đó. Những tưởng tránh được nghiệp duyên, nhưng nào ngờ công chúa Ngọc Anh vẫn tìm đến gặp. Thiền sư quyết định lánh mặt nên đã lên chùa Đại Giác nhập thất hai năm. Công chúa không thể gặp được người nàng thầm mong nhớ nên tâm bệnh thêm nặng, sức khỏe ngày một sa sút trầm trọng. Trước tình hình đó, mọi người trong chùa Từ Ân đành tiết lộ nơi thiền sư đang ngụ. Công chúa cùng với phái đoàn hộ tống lại lên chùa Đại Giác để dâng lễ cúng dường, và tìm đến tịnh thất của thiền sư.

Ngọc Anh công chúa nhiều lần xin gặp mặt nhưng thiền sư vẫn im lặng. Không còn cách nào khác, công chúa bèn quỳ trước cửa tịnh thất và thưa rằng: “Nếu hòa thượng không tiện ra tiếp, xin hãy cho con nhìn thấy bàn tay của hòa thượng, đệ tử sẽ hân hoan mà ra về”. Im lặng vài phút, thiền sư đưa bàn tay ra cửa nhỏ nơi đưa thức ăn vào thất. Công chúa vội ôm bàn tay rồi sụp xuống lạy và khóc.

Đêm hôm ấy vào khoảng canh ba, khi mọi người đang yên giấc, bỗng tịnh thất của thiền sư bốc cháy. Chỉ còn lại bài thơ của thiền sư trên vách chánh điện viết rằng: “

THIỆT đức rèn kinh vẹn kiếp trần
THÀNH không vẩn đục vẫn trong ngần
LIỄU tri mộng huyễn chơn như huyễn
ĐẠT đạo mình vui đạo mấy lần.

Nhục thân hòa tan vào ngọn lửa, nhưng vẫn còn đó tấm lòng kiên định vào Phật pháp cùng con đường tu hành không vướng bụi trần của thiền sư.


(Tranh minh họa)

Sau cái chết của thiền sư, Ngọc Anh công chúa cũng uống độc dược quyên sinh tại hậu liêu chùa Đại Giác. Câu chuyện tình đơn phương của nàng công chúa triều Nguyễn khép lại bằng sự ra đi của người trong cuộc và nỗi tiếc thương vô hạn của những người ở lại.

Hồng Liên

Exit mobile version