Một công trình kiến trúc Tân cổ điển nguy nga, nằm trên một ngọn đồi biệt lập, bên bờ một dòng sông nổi tiếng. Thời gian chỉ là yếu tố làm cho thánh đường này ngày càng đẹp đẽ hơn.
Vương cung thánh đường Esztergom nổi bật trên ngọn đồi Castle Hill of Esztergom – một địa điểm quan trọng trong lịch sử của quốc gia Hungary kể từ khi thành lập. Đây là một khu vực đẹp như tranh vẽ, với những ngọn đồi nằm bên dòng sông Danube uốn lượn, một khu vực dễ tiếp cận nhưng biệt lập, dễ bảo vệ và có một không khí trang trọng nhưng đồng thời cũng là một khung cảnh thiên nhiên hấp dẫn và thư giãn. Castle Hill từng là kinh đô đầu tiên của những quốc vương Hungary, rồi sau đó trở trung tâm chính của Giáo hội Công giáo Hungary.
Các ghi chép lịch sử cho biết, có tới 7 nhà thờ đã từng đứng trên Đồi Castle vào thời Trung cổ, trong đó có nhà thờ Saint Adalbert, được xây dựng vào khoảng năm 1010, nằm gần bên cạnh Vương cung thánh đường ngày nay. Một nhà thờ khác trong số này là Nhà nguyện Bakócz – một tượng đài độc đáo của kiến trúc Phục hưng Hungary, được xây dựng vào thế kỷ 16. Năm 1823, nó được chuyển từ vị trí ban đầu tới bên cạnh Vương cung thánh đường để trở thành một nhà nguyện phụ.
Vương cung thánh Esztergom đường được xây dựng trên địa điểm của một nhà thờ thời trung cổ, trong khoảng thời gian kéo dài từ năm 1822 đến 1869 theo phong cách Tân cổ điển. Các kiến trúc sư tham gia qua các giai đoạn bao gồm Pál Kühnel, János Packh và József Hild. Đây là dự án xây dựng nhà thờ lớn nhất vào đầu thế kỷ 19. Tổng giám mục khi đó là Hoàng tử Sándor Rudnay (1819 – 1831) bắt đầu tìm kiếm một kiến trúc sư để vẽ thiết kế cho Vương cung thánh đường này từ năm 1820. Đầu tiên, ông ủy nhiệm cho Ludwig von Remy, giám đốc của Chancery Architectural Royal ở Vienna để chuẩn bị các bản vẽ thiết kế. Tuy nhiên, một kiến trúc sư trẻ của Remy là Pál Kühnel đã đưa ra những ý tưởng của riêng mình và được chấp thuận.
Tuân thủ các chỉ dẫn của Hoàng tử Rudnay, Kühnel đã thiết kế một khu phức hợp giáo hội khổng lồ trên đồi Castle Hill of Eszterermo, tựa như một “Vatican” của Hungary. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là trên thực tế chỉ có Vương cung thánh đường Esztergom và một số ngôi nhà phù hợp với quy tắc giáo hội lúc đó được hiện thực hóa từ bản thiết kế ấn tượng này. Nhà nguyện bằng đá cẩm thạch đỏ được xây dựng vào thế kỷ 16 là tượng đài Phục hưng duy nhất còn lại ở Hungary, được kết hợp vào thành một phần của Vương cung thánh đường vào năm 1823 sau khi bị tháo dỡ thành 1.600 mảnh và thay đổi hướng của nó.
Tới năm 1831, một nhà nguyện phụ khác ở bên phải Vương cung thánh đường, dành riêng cho Saint Stephen the Martyr, được hoàn thành. Sau đó tới những kết cấu chính, như các cung vòm hỗ trợ mái vòm, các bức tường chính của tòa nhà, bốn cây cột lớn để chống đỡ mái vòm và các cung vòm nối nhau đã được dựng lên. Việc xây dựng sau đó đã bị dừng lại cho tới năm 1839 mới được tiếp tục, với kiến trúc sư József Hild được ủy thác thay thế cho kiến trúc sư János Packh bị đột tử. Hild đã cho xây dựng mái vòm với một cấu trúc bằng sắt, điều chưa từng có ở Hungary vào thời điểm đó. Ông còn nâng toàn bộ cấu trúc hình trống lên và bao quanh nó bằng hàng cột. Mục đích là tăng sự hoành tráng của nhà thờ bằng cách làm cho nó trở thành một khung cảnh ngoạn mục ngay cả khi nhìn từ một khoảng cách lớn. Vào mùa thu năm 1847, các mái vòm đã được hoàn thành và cây thánh giá đã được đặt lên đỉnh của mái vòm.
Sau hai năm dừng lại, năm 1849 công việc xây dựng lại tiếp tục. Tuy nhiên, nhà thờ này khá lâu sau đó mới được hoàn thành. Mái cổng tại mặt tiền chính chưa kịp làm và tòa tháp phía nam vẫn còn dang dở. Việc xây dựng mái cổng chỉ tới năm 1862 mới được hoàn thành. Công việc xây dựng nội thất nhà thờ sau đó vẫn tiếp tục trong ba thập kỷ cuối của thế kỷ 19. Một khối đá đỉnh vòm được đặt vào ngày 1 tháng 11 năm 1869, chốt lại tất cả việc xây dựng nhà thờ và cải tạo nội thất, với nhiều chi tiết tinh tế dưới sự trợ giúp của kiến trúc sư József Lippert.
Vương cung thánh đường Esztergom, bất chấp những ý tưởng khác nhau từ những người tạo ra nó, là một công trình mang tính biểu tượng đơn giản, đẹp đẽ, hài hòa và phối hợp. Nói một cách ngắn gọn, đây chính là một kiệt tác Tân cổ điển.
Theo Bazilika-Esztergom
Clip hay: